Ngược dòng sông Thương
Khi ấy hai bố con tôi đạp xe qua cầu sắt Bắc Giang. Ông chỉ về một góc sông Thương, nói đó chính là bến "Chia Ly" mà cha con Nguyễn Trãi đã xuống thuyền để lên Ải Nam Quan. Bố tôi đọc rành rọt lời của Nguyễn Phi Khanh dặn lại con trai trước khi bị giặc Minh đưa về Trung Quốc rằng: "Trông về cố quốc khỏi thương lòng già. Con ơi! Hai chữ Nước Nhà"..
Bản hùng ca thành cổ
Lần này tôi trở lại Phủ Lạng Thương nay đã lên thành phố Bắc Giang trong một tâm thế bồi hồi khác lạ. Tôi và nhạc sĩ Nguyễn Thái Long, một cựu chiến binh ở thành phố Bắc Giang đi dạo quanh những con đường nhỏ với biết bao kỷ niệm dạt dào.
Tình cờ chúng tôi đứng trước phố Lý Tử Tấn phía sau Khu Di tích thành Xương Giang cổ kính. Nhạc sĩ kể nhà thơ Lý Tử Tấn (1378-1457) đã cùng Nguyễn Trãi (1380-1442) theo đuổi con đường cứu nước với quân khởi nghĩa Lê Lợi (1385-1433).
Hai người tham gia trận đánh thành Xương Giang (1427). Đây là thành lớn do giặc Minh xây rất kiên cố trên con đường nối xuyên suốt từ Quảng Đông đến thành Đông Quan từ năm 1407. Thành tựu chiến thắng quân Minh của nghĩa quân Lê Lợi được Nguyễn Trãi ghi lại rất hào sảng qua "Bình Ngô đại cáo" và nhà thơ Lý Tử Tấn đã để lại một "Phú Xương Giang" hùng tráng trời Nam.
Những cây cầu bắc qua sông Thương vào TP Bắc Giang. |
Chúng tôi đi ngang quảng trường khu di tích đến bên dấu vết dòng sông Xương Giang (sông Thương). Những âm thanh sống động cuộn sôi trong khói lửa hiện về. Không gian bao la bầu trời rực sáng quanh dấu vết thành Xương Giang làm chúng tôi như được sống lại khí thế rạo rực qua những vần thơ mà Lý Tử Tấn đã ghi dấu trong lịch sử chống giặc ngoại xâm. Những hình ảnh hiện lên trong sự thống thiết của dân tộc: "Tiếng trống nổi vang, ba quân thật hùng cường hội sức. Ngọn cờ thẳng tiến, các tướng đều hăng hái liều thân. Này Pha Lũy, Kê Lăng, trận nọ oai hùng đã dậy. Lại Bình Than, Lộng Nhãn, trận kia thế mạnh khôn ngăn. Sấm vang, chớp giật. Ra quỷ, vào thần. Giặc kia khiếp vía, phải tan nát dần…".
Cùng với "Phú Xương Giang" của Lý Tử Tấn, Nguyễn Trãi đã thể hiện những lời hùng tráng ngợi ca: "Ngày mười tám, trận Chi Lăng, Liễu Thăng thất thế. Ngày hai mươi, trận Mã Yên, Liễu Thăng cụt đầu. Ngày hăm lăm, Bá tước Lương Minh bại trận tử vong… Đánh một trận, sạch không kình ngạc. Đánh hai trận, tan tác chim muông… Xương Giang, Bình Than máu trôi đỏ nước…".
Quả đúng như nhạc sĩ Nguyễn Thái Long nói cả tên sông lẫn tên thành Xương Giang đều gắn liền với chiến công lẫy lừng Chi Lăng-Xương Giang. Đó là thắng lợi vẻ vang, trong mười năm kháng chiến chống quân Minh (1417-1427) của cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn, giành độc lập dân tộc. Hình ảnh rực rỡ của đất nước đã được nhà thơ Lý Tử Tấn ghi lại: "Kìa trận Hợp Phi thuở trước. Sao bằng đây Xương Giang vẻ vang".
Sau này trở lại con sông lịch sử vua Lê Thánh Tông (1442-1497) trên bến Chia Ly đã tự sự: "Đứng trên bờ dốc ngắm sông dài. Lăn với sao trời ráng đỏ soi…" (Xương Giang cảm hoài). Sông Thương đã bao năm ghi dấu trong những áng văn lịch sử hào hùng nhưng vẫn là dòng nước thơ mộng với câu ca dao thân thương: "Sông Thương nước chảy đôi dòng. Bên trong bên đục em trông bên nào?". Một cảm xúc man mác dịu dàng khi tôi cùng nhạc sĩ Nguyễn Thái Long chậm rãi bước chân trở lại bên bờ sông xanh mướt cỏ non.
Dòng sông thi ca
Phải nói sông Thương đã làm nên diện mạo thành phố Bắc Giang. Cho dù sông Cầu hay sông Lục Nam bao quanh còn dài hơn. Sông Thương chạy dọc thành phố từ phía Bắc trở xuống tạo mạch nguồn chảy về miền đồng bằng êm đềm xanh trong.
Theo những câu chuyện được ghi lại, nhạc sĩ Nguyễn Thái Long kể một thời nhạc sĩ Đặng Thế Phong đã về đây du ngoạn trên sông Thương cùng bạn bè. Họ là những chàng trai mang nhiều tâm tư thế sự. Một lần có người đưa thư đến tận thuyền mà Đặng Thế Phong đang thù tạc trên sông. Đó là bức thư của người tình mà Đặng Thế Phong nặng lòng yêu thương. Những tâm sự của cô gái thành Nam đồng hương than vãn vì bị nhuốm bệnh. Lòng cô buồn rầu nhớ đến người yêu biền biệt phương xa.
Nhạc sĩ Đặng Thế Phong ngậm ngùi đành phải rời xa bạn bè trở về quê hương. Đêm đó trên chiếc thuyền trôi với nỗi buồn xao xuyến cùng sự lo toan nhân tình thế thái, Đặng Thế Phòng bừng lên cảm xúc qua những giai điệu và lời ca.
Hình ảnh dòng sông và con thuyền đã hòa tan trong cảm xúc nặng trĩu tâm tư. Lời ca cứ thế trôi theo tiếng đàn trong gió đầu mùa lạnh lẽo: "Đêm nay thu sang cùng heo may. Đêm nay sương lam mờ chân mây. Thuyền ai lờ lững trôi xuôi dòng. Như nhớ thương ai trùng tơ lòng".
Nỗi lòng ấy cứ như sương rơi trên dòng nước lững lờ trong đêm cô đơn: "Lướt theo chiều gió. Một con thuyền theo trăng trong. Trôi trên sông Thương nước chảy đôi dòng. Biết đâu bờ bến. Thuyền ơi thuyền, trôi nơi đâu. Trôi trên sông Thương.
Nào ai biết nông sâu" (Con thuyền không bến-1940). Dấu ấn của ca khúc đã vượt qua nỗi niềm riêng tư. Nó có tầm khái quát tâm trạng bế tắc của một số người sống trong chế độ hà khắc của thực dân Pháp xâm lược. Họ bơ vơ lạc lõng như "Con Thuyền không bến".
Đúng như nhạc sĩ Phạm Duy đã nhận xét. Ca khúc tồn tại vượt thời gian, bởi chính tư tưởng hoang mang chờ đón của tác giả thông qua hình ảnh con thuyền bơ vơ trên dòng sông mùa thu của dân tộc.
Sông Thương nước chảy đôi dòng đã trở thành dòng sông thi ca từ đó. Nhạc sĩ Nguyễn Thái Long cho biết, sau này nhà thơ Hữu Thỉnh và nhạc sĩ An Thuyên đã gặp nhau trên dòng sông này qua ca khúc "Chiều sông Thương" (Nhạc An Thuyên phổ thơ Hữu Thỉnh).
Giọng hát ca sĩ Minh Phương thể hiện giai điệu của "Chiều sông Thương" thật ngọt ngào thấm đậm chất dân ca quan họ xứ Kinh Bắc hòa tan hồn thơ da diết: "Đi suốt cả chiều quê. Vẫn chưa về lối cũ. Dùng dằng câu quan họ. Nở tím bờ sông Thương…".
Sau này một số ca sĩ đã biểu diễn thật ấn tượng ca khúc như ca sĩ Bảo Trâm, nhóm Con gái, NSƯT Thanh Thúy. Trước đó, Bắc Giang còn có các ca khúc hay như: "Qua cầu sông Thương" (Trần Chung), "Tấm áo mẹ vá năm xưa" (Nguyễn Văn Tý)…Mới nhất (2018), thêm những ca khúc về Bắc Giang đã được một số nhạc sĩ sáng tác như Nguyễn Cường, An Hiếu, Nguyễn Vĩnh Tiến, Giáng Son, Lưu Minh Sơn, Đức Nghĩa. Quả là ít có dòng sông nào đã được gây dấu ấn trong âm nhạc như sông Thương.
Dấu vết sông Xương Giang xưa. |
Cùng với bài thơ của Hữu Thỉnh, sông Thương là đề tài hấp dẫn không ít nhà thơ nổi tiếng khác như Lưu Quang Vũ, Hoàng Nhuận Cầm, Quang Dũng, Anh Thơ, Mường Mán… Nếu cố thi sĩ Lưu Quang Vũ bâng khuâng: "Sao tên sông lại là Thương. Để cho lòng anh nhớ?
Người xưa bảo đây đôi dòng lệ nhỏ. Những suối buồn gửi tới mênh mang"; Ngược lại thi sĩ Hoàng Nhuận Cầm lại nồng nàn đến bỏng cháy rằng: "Mai đành xa sông Thương tóc dài/Vạn Kiếp tình yêu anh gửi lại/ Xuân ơi! Xuân, lẽ nào im lặng mãi/ Hạ chưa về… nhưng nắng đã Côn Sơn". Nhưng có lẽ những câu thơ có sức ảm ảnh nhất lại thuộc về Lý Tử Tấn được ghi: "Ấy Xương Giang một sông hình đẹp. Mà dấu thơm muôn thuở còn truyền" (Phú Xương Giang)
Cây cầu "Hạnh phúc"
Cầu sắt Sông Thương được xây dựng từ năm 1955 đến nay đã từng bao phen bị quần tơi bời dưới làn bom đạn Mỹ trong chiến tranh. Cầu chỉ dài 171 mét nhưng đã từng phải hứng hàng ngàn tấn thuốc nổ vào các năm (1966-1967).
Sông Thương bị tấn công nhưng đã trở thành mồ chôn xác máy bay của chúng. Chiếc cầu vẫn được bảo vệ kiên cường cho những đoàn xe vượt qua. Hình ảnh các chiến sĩ bám trụ chiến đấu một thuở vẫn còn được in dấu trong bài thơ của Lưu Quang Vũ: "Sông Thương ơi, đang ngày đánh Mỹ. Nên đôi bờ nòng pháo hướng trời mây. Những cô lái đò súng khoác trên vai. Đời đẹp vô cùng dòng lệ hóa dòng vui" (Qua sông Thương).
Giờ đây chiếc cầu sắt đã trở thành kỷ niệm khi bước sang tuổi 65. Nó không hề già nua khi còn hằn những dấu vết đạn bom. Nhiều bạn trẻ đã coi đây là chiếc cầu "Hạnh phúc" mỗi khi lên chụp ảnh cưới. Dưới chân cầu dòng sông Thương vẫn chảy như ngàn năm xưa. Xa xa hai bên bờ sông xanh tươi cây cỏ bên vườn hoa đào thắm đỏ vào mùa xuân. Những đoàn xe lên phương bắc giờ sẽ vượt sông Thương bằng hai chiếc cầu mới Mỹ Độ và Xương Giang hiện đại cao rộng.
Còn phía bên kia, chiếc cầu "Hạnh phúc" sẽ mãi mãi tồn tại với thời gian. Bởi đúng như nhà thơ Lưu Quang Vũ đã viết: "Đất nước nặng tình phù sa bát ngát. Tâm hồn ta tắm với bóng mây trong. Yêu quá sông Thương nước chảy đôi dòng".