Ngôi nhà cổ với chuyện “Người tình”
- Dựng nhà cổ - nghề dựng kí ức
- Rao bán tòa nhà cổ 700 năm tuổi
- Nhà cổ ở Quảng Yên: Nơi thời gian như ngưng lại
Sau khi chìm ngập trong sự náo nhiệt của chợ nổi Cái Răng, trên sông Cần Thơ, đoàn chúng tôi được đưa về Vườn lan Bình Thủy (quận Bình Thủy - TP Cần Thơ). Những đường hoa được bố trí hài hòa, kế bên một ngôi nhà cổ, trong một khu vườn rộng gần hai mẫu đất. Những chùm địa lan thơm phức dẫn chúng tôi tới thềm ngôi nhà của chủ nhân họ Dương. Chung quanh ngôi nhà cũng rực rỡ sắc hoa tươi thắm. Ai cũng ngỡ ngàng vì sự diễm lệ của nó.
Ngôi nhà cổ đẹp nhất miền Tây
Thành phố Cần Thơ có hơn 70 ngôi nhà cổ còn được lưu giữ và bảo tồn. Nhưng chỉ riêng khu Bình Thủy này đã chiếm tới nửa con số đó. Bởi lẽ, trước đây Bình Thủy là nơi quân sự đặc quyền của thực dân Pháp, có nhiều đồn điền của địa chủ và quý tộc sinh sống. Qua mỗi ngôi biệt thự vườn, du khách có thể nghe nhiều chuyện rất thú vị, cũng như cuộc đời những chủ nhân.
Riêng ngôi nhà cổ Bình Thủy bên vườn lan này lại có số phận đặc biệt. Nó được truyền qua 6 đời con cháu, nhưng vẫn bảo tồn nguyên vẹn, với hàng trăm di vật cổ có giá trị. Đây là khu nhà cổ nổi tiếng ở Bình Thủy, nằm trên đường Bùi Hữu Nghĩa từ năm 1870 cho đến nay. Biệt thự được tu sửa, xây dựng lại theo phong cách kiến trúc Pháp vào năm 1904. Vẻ đẹp tinh tế được tô điểm bằng những nhóm điêu khắc nhỏ (Art Décor), bên dưới mái nhà và cửa sổ. Khung cảnh gợi lên những câu chuyện cổ tích, trong khu vườn tràn ngập hoa bướm, đầy lãng mạn.
Một cảnh trong phim “Người tình”. |
Giờ đây, ngôi nhà được bà Ngô Thị Ngọc Liên, con dâu đời thứ sáu họ Dương trông nom. Bà kể, ngôi nhà được xử lý chống mối, giữ mát trong nhà theo phương pháp cổ truyền bằng cách rải đều dưới nền gần một gang tay muối hột. Khi xây không dùng xi măng, mà dùng keo ô dước gắn gạch. Cộng thêm toàn bộ kèo cột được kết nối bằng mộng, ngoàm chứ không dùng đến một chiếc đinh hay chốt sắt.
Bề ngoài nhà thiết kế kiểu Tây, nhưng cấu trúc nội thất lại đậm chất phương Đông, thuần Việt (Nội ứng - Ngoại hợp). Những đồ dùng như bàn ghế, tràng kỷ, hoành phi câu đối cùng đồ thờ họ Dương đều do những nghệ nhân trong nước làm ra. Đặc biệt có bộ trà Tùng Đình, một bộ Ngũ Liễu, chén Tuyên Đức có niên đại cách đây 570 năm… Quả đây là một kho đồ cổ hiếm có, với kiến trúc nghệ thuật Đông - Tây kết hợp, rất hài hòa.
Số phận của ngôi nhà quả không ít cam go theo thời gian. Bà Liên cho biết, thời Nam bộ bị thực dân Pháp chiếm đóng, gia đình bà tản cư và thực hiện “Tiêu thổ kháng chiến”, nhưng cũng chỉ mang đồ chứ không phá nhà như một số nơi. Những sĩ quan Pháp đã trú ngụ suốt ba năm trời. Ngôi nhà trở thành một trong những trụ sở chỉ huy của chúng. Khi bị quân dân ta tấn công trở lại, chúng hoảng sợ rút chạy, không kịp đặt mìn phá ngôi nhà. Lại nữa, thời kỳ chống giặc Mỹ xâm lược, cuộc sống người dân vô cùng điêu đứng, nhiều người tìm đến, gạ mua cổ vật trong nhà.
Đầu năm 1970, có người trả 25 cây vàng để lấy bộ bình ngọc men xanh cao 1,2m. Khi ấy chỉ ba cây vàng là mua được căn nhà to mấy tầng ở giữa phố chợ. Riêng “Vua muối” đất Bạc Liêu đến đòi mua đôi ngà voi, với giá bao nhiêu cũng chơi. Tuy vậy, gia đình họ Dương vẫn không lay chuyển, cho dù lúc đó khá túng bấn, khó khăn. Bố chồng bà khi ấy, ông Dương Văn Ngôn đã phải cùng con trai đi làm mướn, nhưng vẫn nhất quyết không bán đồ gia bảo.
Bà Liên bồi hồi kể lại, ông Dương Văn Ngôn còn dành dụm tiền làm công trong 10 năm để khởi dựng một công viên hoa lan bên ngôi nhà cổ (năm 1980). Đó chính là “Vườn lan Bình Thủy” mà chúng tôi đã ngỡ ngàng, như lạc vào cõi bồng lai tiên cảnh, muôn hồng ngàn tía. Nơi đây còn là tụ điểm của những thi sĩ Cần Thơ một thuở. Họ gặp gỡ đàm đạo thế sự và giao lưu sáng tác mới. Đó chính là “Tao đàn Năm Ngôn” tồn tại trong vòng gần ba mươi năm. Hàng chục năm qua, trở thành một địa chỉ du lịch ở Cần Thơ, nhà cổ Bình Thủy đã được Nhà nước công nhận “Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia” năm 2009. Nơi đây ngày đêm vang lên tiếng hát đón du khách thập phương. Đó là những câu hò, điệu lý về tình yêu của xứ sở gạo trắng nước trong, cùng những cô gái đẹp Cần Thơ.
Ngôi nhà điện ảnh
Nhà cổ Bình Thủy còn nổi tiếng trong nước và quốc tế, khi được nhà làm phim người Pháp, đạo diễn Jean Jacques Annaud chọn cảnh quay phim “Người tình” (Lamant), và hoàn thành hậu cảnh ở đây, vào năm 1990. Nét đẹp hoàn mỹ của ngôi nhà cổ này phù hợp với câu chuyện mà nhà đạo diễn Pháp đang muốn đi tìm, để thay cho ngôi nhà thật của nhân vật chính ở Sa Đéc (vì diện tích nhỏ).
Chuyện tình diễn ra giữa một điền chủ gốc hoa giàu có ở Sa Đéc, với một cô bé 15 tuổi người Pháp theo bố mẹ về Việt Nam làm ăn. Đây là chuyện có thật giữa tác giả, nhà văn Marguerite Duras, với ông Huỳnh Thủy Lê vào khoảng (1929-1930).
Ngôi nhà cổ Bình Thủy quả là đất diễn, trong một không gian rộng lớn cho bộ phim “Người tình”, với nhiều trường đoạn thu hút người xem. Gặp đất, gặp người, đạo diễn người Pháp thỏa sức sáng tạo, với câu chuyện tình đẫm nước mắt này. Diễn viên Lương Gia Huy, vai chàng trai người Hoa giàu có thể hiện được một tình cảm chân tình, mãnh liệt và kiên nhẫn với cô bé người Pháp đáng yêu.
Nhưng ngược lại, diễn viên Jane March, 18 tuổi, lần đầu tiên đóng phim đã sống hết mình với tính cách của một cô gái nổi loạn, lấy tình ái làm trò chơi. Sự đánh đổi ấy trở thành bi kịch của tình yêu. Mối lương duyên tan vỡ… Lamant chính là hồi ức say đắm và lãng mạn về tình yêu đã mất. Bộ phim đã được công chiếu lần đầu tiên ở Việt Nam năm 1992 và đã gây chấn động làng điện ảnh thế giới trong một thời gian dài.
Ngôi nhà cổ Bình Thủy góp phần tạo nên vẻ đẹp độc đáo cho bối cảnh gia đình, trong xã hội thượng lưu một thời. Trên bức tường gỗ còn treo những tư liệu của thời làm phim “Người tình”. Các nhân vật chính, cùng những ngôi sao điện ảnh và một số cảnh trong phim. Đặc biệt, bà Liên còn giữ được bút tích của đạo diễn người Pháp khi đến làm việc tại đây. Nhà đạo diễn tâm sự: “Tôi đã choáng ngợp trước sự tráng lệ của ngôi nhà tuyệt vời này, mong muốn nhờ điện ảnh, cho thế giới biết đến nơi đây”.
Bà Liên, người quản lý nhà cổ Bình Thủy. |
Nhưng theo bà Liên, từ đây ngôi nhà cổ Bình Thủy còn tiếp tục được giới nghệ sĩ điện ảnh tìm đến, xin làm bối cảnh cho một số phim sau đó. Bà nhớ đó là các phim “Người đẹp Tây Đô”, “Công tử Bạc Liêu”, “Chân trời nơi ấy”, “Cây tre trăm đốt”, “Nợ đời”, “Con nhà nghèo”…
Đó cũng là những thước phim về tình yêu, về tương lai hạnh phúc dành cho cuộc đời. Đáng chú ý, bà Liên còn giữ được bức ảnh chụp chung với diễn viên nổi tiếng Việt Trinh, người đóng vai chính trong phim “Người đẹp Tây Đô”. Bà nhớ, ngày đó Việt Trinh ước mơ sau này cũng muốn có ngôi nhà “Người tình” của mình.
Con đường và dòng sông
Thật bất ngờ khi ra tới cửa nhà cổ Bình Thủy, anh hướng dẫn viên chỉ con đường trước mặt nói, đây là con đường mang tên danh nhân Bùi Hữu Nghĩa (1807-1872). Ông là người con của vùng đất lịch sử Bình Thủy, từng được mệnh danh là một trong bốn con “Rồng” miền Nam xưa. Nguồn ca dao miền Tây cũng đã ghi: “Đồng Nai có bốn rồng vàng. Lộc họa, Lễ phú, Sang đàn, Nghĩa thi”. Bùi Hữu Nghĩa đỗ đầu trong một cuộc thi Hương ở Gia Định (1835), nên còn được gắn với cái tên “Thủ Khoa Nghĩa”.
Bùi Hữu Nghĩa là một nhà thơ, kiêm tác giả kịch bản tuồng, và còn là một ông quan liêm chính, luôn bênh vực người nghèo. Sau bao hoạn nạn, ông từ quan về quê dạy học, khi giặc Pháp xâm chiếm nước ta. Hầu hết, thơ văn của ông đều thể hiện thái độ chống đối thực dân, rất mạnh mẽ. Ngôi nhà ông ở Bình Thủy, nơi hội tụ những sĩ phu yêu nước, như Huỳnh Mẫn Đạt, Phan Văn Trị… Trong lòng ông luôn nung nấu ý chí báo quốc: “Hùm nương non rậm đang chờ thuở. Cáo loạn vườn hoang thác có ngày”.
Con đường hun hút phía trước. Chúng tôi bồi hồi, với cảm giác thơ thới bên con sông Bình Thủy lộng gió. Biết bao điều xao xuyến, từ những câu chuyện trong những ngôi nhà, nơi có hoa nở, chim ca. Ở nơi ấy, mùa xuân luôn xanh tươi, trên những mái ngói rêu phong. Bất ngờ đâu đó phía bên kia đường, bản nhạc “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui” của Trịnh Công Sơn vang lên. Những câu hát văng vẳng trên đường, rộn ràng, trong hoa trái xum xuê. Chúng tôi sững người trước đồng cỏ xanh non, ngỡ như mơ trong giai điệu tình ca: “Chọn những bông hoa và những nụ cười. Tôi nhặt gió trời, mời em giữ lấy, để mắt em cười tựa lá bay…”.