Ngô Thanh Vân: Đã dịu trầm buồn vui trong màu mắt
- Nhà thơ Trần Gia Thái làm chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội
- Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều mở triển lãm tranh "Người thổi sáo"
- Nhà thơ Trịnh Công Lộc: Tác phẩm tâm huyết vẫn đang ở phía trước
2. Tôi dõi theo Ngô Thanh Vân từ ngày chị mới là chú chim sơn ca cất lên những tiếng hót đầu tiên giữa đại ngàn thi ca Tây Nguyên. “Mùa rụng xuống chân cầu đung đưa gió/ Bởi hoàng hôn trông đợi bóng tôi về/ Thổi cho phố nhớ nhung mòn mắt biếc/ Tựa ai chờ như dáng núi thủy chung” (Gửi Pleiku), “Trở về đây tha thiết nhớ khôn nguôi/ Bàn tay quen ánh mắt ngày xưa ấy/ Để trong tim được nghe lời thứ lỗi/ Của phố buồn. Và ngày cũ. Mình yêu...” (Hoài niệm phố).
Thuở ấy, đọc những trang thơ trong trẻo của Ngô Thanh Vân, rồi lại thấy Vân là người mẫu ảnh trên bìa tờ Áo trắng, tôi cứ nhớ đến mấy câu thơ trong bài “Áo trắng” của thi sĩ Huy Cận: “Áo trắng đơn sơ, mộng trắng trong/ Hôm xưa em đến, mắt như lòng/ Nở bừng ánh sáng. Em đi đến/ Gót ngọc dồn hương, bước tỏa hồng”.
Sau đó, tôi gặp Vân tại một sự kiện văn học của giới trẻ. Cởi mở, thân thiện, đôi mắt biết nói, nụ cười tỏa nắng, gương mặt khả ái - đậm chất cinema... đấy là một Vân khác biệt tôi nhận ra giữa vài trăm đại biểu và khách mời.
Trong mấy ngày sự kiện, mỗi lúc gặp Ngô Thanh Vân, tôi tự hỏi: “Phải chăng cô Vân này bước ra từ những tấm ảnh lịch thập niên 90?”. Chính ấn tượng ấy, sau sự kiện tôi đã có bài phỏng vấn Ngô Thanh Vân.
3. Ngàn vạn văn/ thi sĩ thì có ngàn vạn cách đến với văn chương. Ngô Thanh Vân từng chia sẻ ngày nhỏ chị là cô bé hiếu động chứ không dịu dàng như bây giờ. Chị thường trốn bố mẹ đi chơi với lũ bạn trong xóm. Thế nên, để “cấm cung” công chúa nhỏ, bố thường “khoán” cho Vân vài trang sách trước khi ông ra khỏi nhà.
Nhà thơ Ngô Thanh Vân. |
Từ những lần được “khoán” như thế, văn thơ cứ thấm dần vào chị, rồi đến một ngày trái tim thanh tân của nàng thiếu nữ cất lên những tiếng hát thi ca đầu tiên. Ngô Thanh Vân âm thầm viết, tri âm tri kỉ với văn chương.
Hơn hai mươi năm sáng tác, Ngô Thanh Vân đã trình làng bốn tập thơ: “Qua miền nhớ” (2006), “Mười hai tháng sáu” (2009), “Phác thảo đêm” (2015), “Nằm nghe lá thở” (2018) với hàng loạt giải thưởng Trung ương và địa phương: Giải thưởng “Tác giả trẻ” của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam (2009), Giải thưởng VHNT Gia Lai lần 2 (2005-2010), lần 3 (2010-2015), các giải thưởng hằng năm của Hội Văn học nghệ thuật Gia Lai, giải Tư cuộc thi thơ trên Tạp chí Văn học nghệ thuật Xứ Thanh (2011).
Qua mỗi thi tập đều thấy được người thơ đã nỗ lực làm mới mình, làm mới thơ. Ngô Thanh Vân không câu nệ thể thơ, cũng không cầu kì tỉa tót, thêu thùa câu chữ, mà “chủ tâm khai thác tính… “mộc” của ngôn ngữ Việt” nhưng “mặt bên kia con chữ của thơ Ngô Thanh Vân, là những guồng lửa sống” (Du Tử Lê).
Tôi thấy thơ Vân nương theo cảm xúc, để cảm xúc dẫn đi, rồi dệt nên những con chữ thanh tân hiện đại, phóng khoáng, cởi mở, nồng nàn như đất và người Tây Nguyên. “Tay trần vuốt ve đêm/ Pleiku thanh tân thiếu nữ/ nhú nhú đồi vàng/ ngân ngấn mắt Biển Hồ chớp động” (Đêm Pleiku), “Ta hành khất một chiều cỏ rối/ lạc vào nhau những kí ức buồn/ mà hiện tại vời xa tay với/ rẽ ngả nào cũng chạm đơn côi” (Hành khất).
Thơ Ngô Thanh Vân luôn nổi rõ những vân hoa phái tính. Chị viết về người nữ trong tình yêu, về gia đình, bố mẹ, các con, bạn bè... Nhưng đậm nhất, nhiều cung bậc nhất là lời hát tình yêu. Hưởng vị ngọt của ái tình, sự giao hòa của đôi trái tim, đấy là ước vọng của mỗi người khi bước vào đường yêu.
Ngô Thanh Vân cũng vậy, những mong ước của chị giản đơn nhưng quá đỗi ngọt ngào: “biết rằng: ngày bắt đầu sẽ dễ chịu hơn/ khi môi anh chạm nhẹ môi em. Mỗi sáng...” (Giấc mơ và nụ hôn), sự giao cảm của tâm hồn sẽ làm cho người đàn bà yêu với người mình yêu không còn khoảng cách: “thế giới của em/ tràn ngập màu đêm/ huyễn hoặc như đôi mắt con bồ câu bên khung cửa sổ/ anh thắp những vì sao, phá tung màn bí mật/ cổ tích của đêm giản dị đến bất ngờ” (Kí ức đêm).
Và vũ điệu ái ân của Adam và Eva sẽ làm cho vũ trụ thêm linh diệu, đổi khác: “khi ta rơi vào nhau/ vũ trụ ngập tràn bí ẩn/ lời thì thầm như sóng thần ập tới/ nhẹ nhàng/ Chìm cả nhân gian” (Rơi).
Người đàn bà trong thơ Vân luôn thành thật với chính mình, với người yêu và cuộc tình, thế nên dễ gặp những câu thơ không giấu giếm xúc cảm sâu kín - cơn khát bản năng đàn bà: “ngôi nhà vắng đàn ông đàn bà ngồi bó gối nhìn đêm/ chẳng có lúa mà xay/ nước máy không delete được cái nóng rẫy bản năng vùng vẫy” (Giao hưởng đêm), “Nhu mì em con gái/ nhẹ nhàng những vòng cong khỏa lấp/ cơn khát thủy tinh rộn ràng khua/ vũ điệu lưỡi/ Mềm như làn mây anh quàng lên cổ/ trong mỗi cơn say” (Vũ khúc).
Bìa tập thơ “Phác thảo đêm” của nhà thơ Ngô Thanh Vân. |
Hoài nghi, rạn nứt, tan vỡ đấy là những nốt trầm buồn, khắc khoải và đầy ám ảnh trong thơ Vân: “Vẫn là đêm. Vẫn là em/ Vẫn là nỗi buồn dài như sợi tóc/ Ngược ngày/ Anh có nhớ em không?” (Ngược ngày), “Em viết một câu thơ mới/ Mà không xóa được tên người/ Nỗi nhớ trở mình rất lạ/ Buồn này chưa kịp liền da!” (Em viết một câu thơ mới).
4. Mươi năm trở lại đây, văn đàn Việt thêm phần thú vị vì không khỏi ngỡ ngàng trước những “ca” văn sĩ “đốc chứng” làm thơ như: Nguyễn Ngọc Tư với “Chấm”, Nguyễn Thế Hùng với “Mượn lửa mặt trời”, Võ Thị Xuân Hà, Phạm Duy Nghĩa,... với những bài thơ in rải rác trên các báo và cũng chóng mặt trước cuộc đổ bộ rầm rộ của các thi sĩ trẻ vào địa hạt truyện ngắn: Đàm Huy Đông, Phạm Vân Anh, Ngô Thanh Vân, Lữ Mai, Hoàng Anh Tuấn... Riêng nữ sĩ Ngô Thanh Vân đã xuất bản hai tập truyện “Thì thầm với anh” (2009), “Đất khách” (2018).
Vân chia sẻ chị là người tham lam, muốn trải nghiệm, muốn khám phá chính mình và thế giới chữ. Thơ là hơi thở, máu thịt với chị, khi cảm xúc đến chị mượn thơ để tốc kí, chưng cất kẻo nó trượt trôi đi mất. Còn lúc đằm vào văn xuôi, Vân được nhởn nha, lang thang trên cánh đồng chữ mênh mông.
Nhưng dù nữ thi sĩ có khoác áo văn nhân thì vẫn là Ngô Thanh Vân của tự sự đàn bà với khát khao, nồng nàn những giấc yêu say, mất mát, thương tổn mà vẫn bao dung, hướng về ánh sáng, tiêu biểu là các truyện ngắn: “Cung tơ chiều”, “Trăng khuyết”, “Thì thầm với anh”, “Hoa nở cuối chiều”, “Dòng sông trôi qua”, “Đất khách”, “Những đứa con của thủy điện”...
Năm nay, Vân sẽ làm một “cuộc chơi” khác với văn xuôi, đấy là ra tập tản văn về những miền đất, miền người chị đã gắn bó hoặc dạo qua. Người thơ cũng chia sẻ, chị sẽ “sinh ba” (tập tản văn và hai tập thơ!). Phải chăng đây sẽ là quãng bùng nổ trong nghiệp viết của nữ sĩ họ Ngô?
5. Từng có quan niệm văn chương là “giống”... trời hành! Ai đã dính vào là bị văn chương tàn phá ghê gớm. Đàn ông tóc xù râu rối, đàn bà nhan sắc tàn phai bởi những vật vã, trăn trở quên ngày xuyên đêm, thậm chí văn chương còn làm cho người ta nửa tỉnh nửa mê, tiêu biểu ở Việt Nam là trường hợp Bùi Giáng.
Trên thế giới có thể điểm danh rất nhiều tên tuổi văn chương lừng lẫy bị chứng bệnh tâm thần (trầm cảm nặng) hành hạ: Charles Dickens, Lev Tolstoy, Mark Twain, Stephen King, Emily Dickinson, JK Rowling, F.Scott Fitzgerald, Sylvia Plath,..vv.
Thế nhưng, những năm qua, hàng loạt nữ sĩ Việt lại minh chứng điều ngược lại. Cánh trẻ là Lữ Mai, Ngô Thanh Vân, Trần Quỳnh Nga, Nguyễn Quỳnh Trang, DiLi,... lứa tầm trung là Đỗ Bích Thúy, Như Bình, Nguyễn Thu Phương, Đỗ Hoàng Diệu, Phong Điệp,... thế hệ cao tuổi hơn một chút nữa là Nguyễn Thúy Quỳnh, Nguyễn Thị Thu Huệ, Võ Thị Xuân Hà,... Họ tài năng, quyết liệt với nghiệp chữ, họ “tuyên chiến” với thời gian - kẻ thù của nhan sắc và kiên quyết không chịu... già! Ở họ luôn căng tràn năng lượng của cái đẹp, sự trẻ trung, tươi mới.
Chạm tuổi bốn mươi, trong thơ Ngô Thanh Vân là người đàn bà chín đằm, còn ở ngoài đời nhan sắc chị đang vào thời kì “nồng nẫu” (chữ của Đỗ Tiến Thụy). Chị luôn ý thức chăm chút vẻ đẹp tâm hồn và dung nhan. Xuất hiện ở đâu cũng phải là một nàng Vân đoan trang, chỉn chu, thơm tho, tươi đẹp, tràn đầy sức sống.
Vân quảng giao, thân thiện nên chị có nhiều bạn bè văn chương trên khắp dải đất hình chữ S. Vân trân quý tình bạn văn chương bởi chị cho rằng điều ấy “như là một ân huệ mà trời khoản đãi cho những người làm công việc viết lách vốn dĩ rất cô đơn”.
6. Năm 2020 là một năm đen tối với nhân loại, đấy cũng là một năm giông bão tơi bời với nữ sĩ Ngô Thanh Vân. Nhưng dù có bị bầm xước, thương tổn chị cũng không hề hối tiếc những gì đã dành cho người, cho những tháng ngày đã qua. Lúc ấm êm, khi ngọt ngào hạnh phúc, chị sống trọn vẹn, không đề phòng dù chẳng thể nào biết trước ngày mai. Chị trân trọng quá khứ, tin vào chữ “nhân duyên”, nên khi trái tim không còn tha thiết thì chị buông.
Ai cũng biết thật chẳng dễ dàng gì cho một cuộc phân ly. Nước mắt đã rơi, nhưng người thơ ấy chưa bao giờ cúi đầu. Thật nhanh, lệ xót đã thành muối trong lòng, mắt đã dịu trầm buồn vui và chị điềm nhiên bước đi, cất cao tiếng thơ đầy kiêu hãnh của mình cho một cuộc tái sinh: “trong giấc thiên di/ thấy tôi bay về phía mặt trời/ xé toang vỏ bọc/ thiêu thân lao vào lửa/ đốt mình/ tái sinh” (Tái sinh).