Nghệ sĩ piano Lưu Đức Anh: Tôi hướng tới một nghệ sĩ cổ điển đa năng
- Nghệ sĩ piano Lưu Hồng Quang: Nếu chơi đàn chỉ vì danh tiếng sẽ rất áp lực
- Nghệ sĩ Piano Lưu Đức Anh: Cản trở lớn nhất chính là thái độ của khán giả
- Nghệ sĩ piano Thái Hồng Nga: Ngồi vào đàn tức là đang biểu diễn
- Nghệ sĩ piano Phó An My: "Độc hành" để tìm chính mình
- Đêm song tấu lần đầu tiên của hai anh em Lưu Đức Anh và Lưu Hồng Quang, Việt Nam mang tên “Ode To Joy” sẽ diễn ra vào 20 giờ ngày 5-1-2020, tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Đức Anh có thể chia sẻ gì về đêm nhạc đó?
+ Tôi thấy rất phấn khởi và hào hứng với buổi biểu diễn lần này. Mặc dù cả 2 anh em tôi anh đều học đàn, biểu diễn trong nhiều năm, nhưng gần như chưa bao giờ chơi song tấu cả. Buổi hoà nhạc lần này hứa hẹn cũng sẽ là một cột mốc đáng nhớ trong sự nghiệp của chúng tôi.
- Vì sao anh lại chọn Bản giao hưởng số 9 của Beethoven cho đêm diễn đặc biệt này?
+ Năm 2020 là dịp kỉ niệm 250 năm ngày sinh của Beethoven. Đây là một sự kiện lớn trên toàn thế giới và sẽ có rất nhiều những chương trình tri ân, tưởng nhớ tới nhạc sĩ vĩ đại này. Vì vậy, chúng tôi cũng đã quyết định chọn Beethoven cho chương trình lần này, cũng là góp một phần vào những hoạt động tưởng nhớ tới một biểu tượng bất tử của nhân loại.
Trong kho tàng sáng tác của Beethoven thì Bản giao hưởng số 9 có lẽ là tác phẩm đỉnh cao nhất, mang nhiều ý nghĩa nhân văn lớn lao. Phiên bản gốc của tác phẩm là của Dàn nhạc và hợp xướng. Lần này 2 anh em sẽ gửi tới quý vị khán giả phiên bản chuyển soạn cho 2 đàn Piano của Franz Liszt, cũng là một nhạc sĩ chịu rất nhiều ảnh hưởng của Beethoven. Có lẽ đây cũng là lần đầu phiên bản cho 2 đàn được biểu diễn ở Việt Nam.
- Trở về Việt Nam từ năm 2018 sau những khóa học cao học và thành danh ở nước ngoài với nhiều giải thưởng, đến giờ, nhìn lại chặng đường đang đi qua, anh có thấy việc trở về là đúng?
+ Sau nhiều năm du học ở nước ngoài, được sống, học tập và làm việc trong môi trường âm nhạc cổ điển chuyên nghiệp, tôi đã tiếp thu được nhiều tinh hoa của âm nhạc cổ điển và nhận ra nó đã giúp mình trưởng thành lên nhiều như thế nào.
Nhiều người chọn cách tiếp tục được hoạt động trong môi trường âm nhạc chuyên nghiệp đó và đã ở lại làm việc ở nước ngoài, đó cũng là một hướng đi. Nhưng tôi vẫn luôn mong muốn có thể đưa những tinh hoa âm nhạc, nghệ thuật của phương Tây về quê nhà để góp phần nhỏ giúp phát triển môi trường âm nhạc cổ điển của Việt Nam.
Đó cũng là lí do vì sao Maestoso được thành lập, nhằm tổ chức các hoạt động biểu diễn âm nhạc, kết nối các nghệ sĩ tài năng của Việt Nam với nhau và với các nghệ sĩ của nước ngoài. Thông qua các hoạt động biểu diễn, các nghệ sĩ, sinh viên, học sinh âm nhạc sẽ có nhiều cơ hội để biểu diễn, để thường xuyên được áp dụng những kiến thức, kĩ năng học trên trường lớp và vô hình trung gia tăng các hoạt động âm nhạc cổ điển, đưa âm nhạc cổ điển đến rộng rãi hơn tới mọi tầng lớp khán giả.
Tôi thấy mình đã làm được khá nhiều việc, dự án hoà nhạc cùng Maestoso hoàn thành được nhiều mục tiêu đề ra. Tôi vẫn duy trì được lịch biểu diễn đều đặn với các chương trình từ nhỏ đến lớn. Ngoài ra, tôi bắt đầu làm việc sâu hơn trong lĩnh vực dạy học và rất vui khi lứa học sinh đầu tiên của mình đều rất chăm chỉ và tài năng. Cho đến thời điểm này, tôi thấy việc trở về Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn.
- Anh là giảng viên trẻ nhất Khoa Piano của Học viện Âm nhạc Quốc gia. Sau hai năm giảng dạy, anh có nhìn nhận thế nào về chất lượng của các thế hệ sinh viên hiện nay?
+ Thế hệ học sinh, sinh viên hiện nay có trình độ cao hơn và có nhiều thuận lợi hơn so với ngày trước. Đó cũng là tín hiệu đáng mừng đối với nền âm nhạc cổ điển Việt Nam. Hiện tại đã có nhiều cơ hội biểu diễn hơn, chúng ta cũng đã tổ chức được những cuộc thi quốc tế lớn trong khu vực, tạo nên một môi trường âm nhạc chuyên nghiệp, chính quy. Tuy nhiên số lượng học sinh theo âm nhạc tới cùng vẫn còn khá ít, khá nhiều bạn bỏ dở giữa chừng, có lẽ vẫn cần một thời gian dài nữa thì chúng ta mới có thể có được một lực lượng đông đảo nghệ sĩ trẻ chất lượng, sánh ngang với các quốc gia khác trong khu vực về mặt số lượng.
- Anh trở về Việt Nam với giấc mơ đưa âm nhạc cổ điển đến gần hơn với công chúng và đã đồng sáng lập ra chương trình Maestoso. Sau một hành trình dài bền bỉ, anh nhận thấy sự đón nhận của công chúng như thế nào?
+ Sau hơn 2 năm Maestoso hoạt động, chúng tôi nhận thấy khán giả đón nhận một cách hết sức tích cực, đặc biệt là những chương trình hoà nhạc miễn phí trong nhà thờ. Chúng tôi ngày càng có nhiều những nghệ sĩ chất lượng tham gia biểu diễn cùng và số lượng chương trình cũng đang rất đều đặn. Chính sự ủng hộ tích cực của khán giả đã giúp chúng tôi có được động lực để tiếp tục cố gắng thực hiện nhiều hơn nữa những chương trình hoà nhạc cổ điển có chất lượng.
Những ngày đầu, chúng tôi cũng đã gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong khâu tổ chức bởi chưa có nhiều kinh nghiệm và nhân lực chưa đủ dày, các thành viên vừa phải biểu diễn, vừa phải chạy lo các công việc tổ chức, vừa phải sắp xếp và thu dọn sân khấu…
Hai anh em Lưu Hồng Quang và Lưu Đức Anh cùng nhạc trưởng Honna Tetsuji. |
Nhưng rất may mắn là chúng tôi nhận được rất nhiều sự ủng hộ của các nhà tài trợ, các tổ chức, cá nhân, tình nguyện viên luôn sát cánh cùng chúng tôi trong mỗi chương trình nên tất cả các buổi hòa nhạc đều diễn ra thành công tốt đẹp. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng luôn phải chấp nhận một sự thật là loại hình âm nhạc này luôn ít khán giả hơn các loại hình âm nhạc khác, cách tiếp cận cũng khó hơn, vừa phải giữ được hình ảnh một nghệ sĩ cổ điển chính quy nhưng vẫn phải gần gũi, không xa rời khán giả. Ngoài những chương trình bán vé, có tính chuyên môn cao, chúng tôi cũng có những chương trình miễn phí tại Nhà thờ, mang tính chất gần gũi hơn với khán giả và giúp hình thành thói quen đi nghe hòa nhạc cổ điển.
- Maestoso đã đi đến đâu trong hành trình của mình?
+ Có lẽ đây sẽ là một hành trình không bao giờ có điểm kết thúc. Chúng tôi luôn luôn cảm thấy mình vẫn chỉ ở giữa dòng sông mà thôi, càng đi thấy dòng sông càng dài, càng rộng, thậm chí còn dẫn ra cả đại dương. Đưa âm nhạc cổ điển phát triển là một con đường dài, sẽ xuyên suốt nhiều thế hệ và cũng sẽ cần nhiều hơn nữa những cá nhân hay tổ chức như Maestoso. Chúng tôi rất vui và tự hào khi được góp phần nhỏ của mình vào trong hành trình vĩ đại này.
- Anh có thể chia sẻ những dự định trong thời gian tới?
+ Trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục duy trì các buổi biểu diễn hàng năm. Hiện tại tôi cũng đang có dự định và kế hoạch đầu tư thời gian hơn cho đội học sinh của mình để đào tạo ra một lứa học sinh tài năng, đủ bản lĩnh và trình độ để tham gia các chương trình biểu diễn lớn hay các cuộc thi âm nhạc chuyên nghiệp trong nước và quốc tế.
- Ngoài là một giảng viên, anh còn là một nghệ sĩ biểu diễn với những concert riêng. Nghệ sĩ Lưu Hồng Quang đang nuôi giấc mơ chinh phục giải thưởng danh giá nhất của âm nhạc, giải Chopin. Còn anh thì sao?
+ Mỗi người có một quan điểm trong sự nghiệp của mình. Với tôi, điều đầu tiên vẫn phải cố gắng duy trì và nâng cao trình độ chuyên môn của mình, luôn nghiêm khắc với việc tập luyện để tay nghề không bị thui chột. Tôi cũng rất hứng thú trong việc tham gia các cuộc thi, ngoài ra tôi mong muốn được làm những dự án khác liên quan đến âm nhạc ví dụ như dạy học, tổ chức biểu diễn, thu âm,... Tôi hướng tới trong tương lai sẽ là một nghệ sĩ cổ điển đa năng, vừa có thể biểu diễn trên sân khấu với chất lượng cao vừa có thể điều hành và làm nhiều những dự án âm nhạc khác cho mình và các thế hệ nghệ sĩ đi sau.
- Chúc mừng anh với một bước ngoặt có ý nghĩa trong cuộc đời - chuẩn bị kết hôn. Tình yêu có ý nghĩa như thế nào với anh trong âm nhạc?
+Âm nhạc được viết nên từ cuộc sống nên tôi rất vui khi mình cũng đang được sống một cuộc sống đúng nghĩa, có được tình yêu và hạnh phúc gia đình, điều đó sẽ giúp tôi trưởng thành hơn và chắc chắn sẽ hoàn thiện hơn tư duy âm nhạc của mình. Có gia đình giúp tôi biết trân quý cuộc sống, trở nên sâu sắc hơn, đĩnh đạc hơn khi chơi đàn.
- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh!
Lưu Hồng Quang và Lưu Đức Anh sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Cả hai là học trò của NSND Thu Hà. Lưu Hồng Quang hiện giảng dạy tại Học viện Âm nhạc và Biểu diễn nghệ thuật Australia (AMPA), Sydney, Australia. Còn nghệ sĩ Lưu Đức Anh tốt nghiệp đại học và thạc sĩ tại Nhạc viện Hoàng gia Lìege, Bỉ và chương trình nâng cao tại Học viện Âm nhạc Malmo, Thụy Điển. Hiện anh là đồng sáng lập và chỉ đạo nghệ thuật của tổ chức âm nhạc Maestoso, startup tiên phong của Việt Nam về tổ chức hòa nhạc cổ điển. Từ 2018, anh trở thành giảng viên trẻ tuổi nhất của Khoa Piano, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. |