Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Bông: Chim sơn ca của núi rừng Tràng Định
- Nhiều nghệ nhân cố đô được trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”
- Vinh danh 16 nghệ nhân ưu tú lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể
- Nữ nghệ nhân bảo tồn nghệ thuật ẩm thực cung đình Huế
- Nghệ nhân góp sức lan tỏa nghề truyền thống Việt ra thế giới
Gần 60 năm miệt mài nghiên cứu sưu tầm, bà đã có đóng góp không nhỏ trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát triển dân ca Tày, trong đó có hát then. Đặc biệt với việc sáng lập Câu lạc bộ (CLB) Cẩu Pung, bà đã đào tạo, bồi dưỡng, "ươm mầm" nhiều nghệ nhân then tiếp nối công việc đầy thiêng liêng và cao quý này.
Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Bông được trời phú cho chất giọng cao vút nhưng lại không được đào tạo bài bản như người chị gái - ca sĩ Thanh Loan, ca sĩ đầu tiên Đoàn Ca múa dân gian Việt Bắc (nay là Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc) và cũng là người đầu tiên (song ca cùng NSƯT Nông Văn Khang) thể hiện ca khúc "Việt Bắc nhớ Bác Hồ" nổi tiếng của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Tuy vậy, bà lại được học từ nhiều nghệ nhân có tiếng trong vùng Tràng Định, hễ ai hát làn điệu dân ca Tày, Nùng hay là bà lại xin đến học.
Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Bông (đứng) truyền dạy hát then cho hội viên CLB Cẩu Pung. |
Năm nay đã bước vào tuổi 72 nhưng bà vẫn còn rất khỏe mạnh và qua ánh mắt, cử chỉ của bà, tôi hiểu người phụ nữ gốc Tày này còn tràn đầy nhiệt huyết và sung sức với then. Trong cuộc trò chuyện, bà say sưa nói về giá trị của then trong đời sống tâm linh của người dân tộc Tày, Nùng trên vùng núi cao Việt Bắc. Đó là tài sản vô giá mà ông cha đã để lại cho chúng ta và sẽ thật buồn nếu giới trẻ quay lưng với di sản ấy. Vì thế với trách nhiệm của người đi trước, bà mong muốn đem kiến thức của mình truyền lại cho thế hệ sau để di sản then sẽ như dòng thác vận động không ngừng.
Bà Bông làm quen với đàn tính và các làn điệu then cổ, hát lượn Tày từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước từ các nghệ nhân Nguyễn Thị Điệu, Nguyễn Thị Bình, nghệ sĩ Nguyễn Thị Loan (diễn viên Đoàn Ca múa dân gian Việt Bắc). Năm 20 tuổi, bà về công tác tại Đài Truyền thanh huyện Tràng Định. Tại đây, bà thường xuyên nghiên cứu và sử dụng những kiến thức đã học để biên tập, sáng tác tác phẩm và phát thanh trực tiếp trên đài phát thanh phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương cũng như nhu cầu thưởng thức văn nghệ của nhân dân các tỉnh biên giới phía Bắc.
Chính vì hoạt động phong trào sôi nổi, năm 1994, bà được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Thất Khê (huyện Tràng Định). Đó là cơ hội, điều kiện để bà đứng ra vận động, tập hợp các anh chị em và các "hạt nhân" văn nghệ địa phương cùng tham gia luyện tập, biểu diễn các tiết mục, trong đó có đàn hát then và các làn điệu dân ca Việt Bắc.
Gần 20 năm trước khi được Nhà nước cho nghỉ hưu theo chế độ nhưng trong trí óc và trái tim người phụ nữ dân tộc Tày vẫn chưa cho phép mình được ngơi nghỉ. Bà quan niệm phải bằng mọi cách, mọi giá gìn giữ và phát triển dân ca của dân tộc mình.
Bởi thế, không khó hiểu khi tuổi đã cao bà vẫn thường xuyên mở các lớp truyền dạy nghệ thuật hát then cũng như truyền dạy các làn điệu dân ca Tày, Nùng cho các CLB, cho các em học sinh trong các trường học. Trong đó, CLB dưỡng sinh thị trấn Thất Khê đã được bà truyền dạy nhiều tiết mục như "Lời cây đàn tính", "Tổ khúc non xa xa" đều đã giành giải trong các kỳ liên hoan tại địa phương.
Đặc biệt, từ năm 2014 đến nay, bà dồn hết tâm sức và trí tuệ trong việc truyền dạy đàn hát then cho hơn 100 hội viên ở CLB Bảo tồn dân ca Cẩu Pung (Tràng Định). Đây là một "địa chỉ đỏ" về bảo tồn và phát triển then được giới chuyên gia và truyền thông đánh giá cao.
Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Bông say sưa bên cây đàn tính. |
Trong suốt quá trình gần 60 năm đắm say với then, bà còn sưu tầm, tự chỉnh biên, đặt lời và dàn dựng cho nhiều tác phẩm có giá trị, tiêu biểu như trích đoạn then "Hát én" (trong nghi lễ then Lỉn én của dòng then Nà Cạn năm 1967), vần lẩu (từ nghi lễ đón tướng trong lẩu then dân tộc Tày Tràng Định), "Én khỉn tồng nàng tiên" (lược trích trong nghi lễ Lẩu then cấp sắc của dòng then Nà Cạn (Lạng Sơn), "Suôi lừa", "Khỉn khái dà dỉn" (then), "Tặng hoa" (hát lượn), "Xỉnh slay" (Hát mo, trong nghi lễ đầy tháng của dân tộc Nùng Cháo), "Ú phang", "Xiên tâng" (dòng Tào Săng Thất Khê), "Ứ noọng" (hát ru)…
Các tác phẩm do bà đặt lời, sưu tầm và thể hiện đều mang được hơi thở thời đại nhưng vẫn giữ được vốn quý của cha ông để lại. Đó là công việc không dễ, đòi hỏi mỗi tác giả phải có kiến thức am hiểu thật sâu rộng về then, về văn hóa của dân tộc Tày, Nùng.
Nhìn lại chặng đường dài đã qua, nghệ nhân Nguyễn Thị Bông tự hào khi là người nắm sâu được cả then mới và then cổ. Đối với then cổ, qua quá trình học hát then Điệu, then Bình, then Nhâm, bà đã nắm được cách thức đàn và hát các làn điệu trong then nghi lễ của xã Hùng Sơn và xã Đại Đồng (huyện Tràng Định) như các điệu: Khay pác, pây tàng, xuôi sluông, hát khéc, vọng én, khỉn tồng nàng tiên, khảm hải, xỉnh tướng, múa chầu, vần lẩu…
Còn với then mới, bà cũng đã nắm được cách thức đánh đàn tính và hát các làn điệu then cho gần 100 bài thực hành then của các vùng Cao Bằng (miền Đông và miền Tây), then Lạng Sơn, then Bắc Kạn, then Tuyên Quang, then dân tộc Nùng…
Là nghệ nhân đầu tiên của huyện Tràng Định được phong Nghệ nhân Ưu tú và là một trong số ít những nghệ nhân then được phong tặng danh hiệu cao quý này, hơn ai hết bà hiểu trách nhiệm của mình lớn lao đến nhường nào. "Ở cái tuổi này, muốn làm được nhiều hơn thế nhưng "lực bất tòng tâm". Tôi chỉ mong các làn điệu then được đi sâu vào trong quần chúng, thấm vào nhiều thế hệ, trong đó đặc biệt là những em học sinh.
Vì đó là thế hệ "măng non then", là lớp người tiếp nối công việc đầy trọng trách, vinh quang nhưng cũng rất đỗi khó nhọc này. Có thế thì tôi mới không cảm thấy có lỗi với tổ tiên dân tộc Tày, Nùng, với những nghệ nhân đã từng truyền dạy cho mình", nghệ nhân Nguyễn Thị Bông bộc bạch.
Một trong số những học trò tiêu biểu của nghệ nhân Nguyễn Thị Bông là nghệ nhân Xuân Bách (giảng viên trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc). Anh hiện nay đang nổi lên là một nghệ nhân trẻ với khát khao được đưa then lan tỏa đến với nhiều thế hệ, nhiều vùng miền, trong đó có việc "xuất ngoại then" như anh và một số nghệ sĩ, nghệ nhân đã thực hiện vào cuối năm 2017 khi đưa then đến với "kinh đô ánh sáng" Paris, Thủ đô nước Cộng hòa Pháp. Nói về người "mẹ nghề" của mình, anh Bách khẳng định, bà Bông là một kho tri thức vô giá về dân ca Việt Bắc nói chung và then nói riêng. Riêng về giọng hát thì bà đích thực là con chim sơn ca của núi rừng Tràng Định.
"Bà Bông được trời phú cho chất giọng nữ cao trong trẻo và rất hiếm có. Chất giọng ấy đã liên tục cất lên trên Đài Phát thanh Tràng Định suốt từ những năm 60 cho đến tận khi bà nghỉ công tác. Nghỉ hưu rồi nhưng niềm đam mê ca hát của bà vẫn không tắt, bà lại tiếp tục đem tiếng hát của mình đến với bà con các bản làng xa xôi và cả với bạn bè mọi miền Tổ quốc. Giọng hát của bà đã nhiều lần được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam và làm say lòng biết bao thế hệ khán, thính giả yêu then qua nhiều thế hệ", nghệ nhân Xuân Bách chia sẻ.