Nghệ nhân ca trù Bạch Vân: Nỗi lòng đào nương

Thứ Năm, 14/06/2018, 08:55
Nhà báo Hoàng Tùng trong một bài viết của mình đã ví “Hát ca trù ả đào giống như một nàng tiên ngủ trong rừng”. Còn nhạc sĩ Trần Hoàn thì đã không ngại ngần nói thẳng “Người đến đánh thức nàng tiên đó chính là nghệ sĩ Bạch Vân”.


Câu chuyện đó đâu như xảy ra quãng cuối những năm tám mươi của thế kỷ trước. Quãng thời gian mà “luồng gió đổi mới” đã “tiếp sức” không chỉ cho nền kinh tế đất nước mà nghệ thuật truyền thống cũng được “tiếp đà” mà phục hồi. Nói một cách khác thì nghệ thuật truyền thống đã từ lâu được những nghệ nhân dân gian và những người yêu mến nó âm thầm gìn giữ và “lặng thầm” giới thiệu ra công chúng.

Và năm 1990, Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội ra đời với “thủ lĩnh” không ai khác chính là nghệ sĩ Bạch Vân. Không, phải nói chính xác là Đào nương Bạch Vân với “chiếu ca trù” ngụ nơi “Bích Câu đạo quán” nức lòng những người mộ điệu hát ca trù ả đào Hà thành mới đúng. 

Cũng phải khẳng định luôn rằng: Hát ca trù ả đào là một lối hát vừa sang lại vừa trọng. Người hát và người thưởng thức lối hát ấy không dễ mấy ai. Loại trọc phú hợm tiền đừng có “mơ” mon men đến đó. Nói “sang” và nói “trọng” là bởi lối hát này rất “bác học” và cũng rất “phú quý” nên “kén” người nghe nên “chảnh” người hát.

Đào nương Bạch Vân và nghệ sĩ đàn đáy Bá Hải biểu diễn ca trù tại đình Kim Ngân phố Hàng Bạc, Hà Nội.

Một sáng tháng 5, hoa bằng lăng nở tím phố phường Hà Nội. Nắng mới nồng nã như hun lửa ngoài đường phố, vậy mà trên căn phòng chừng mười sáu mét vuông mà thực chất đó chỉ là căn gác xép, ván sàn ọp ẹp, áp sát mái tôn hầm hà hầm hập luôn đều đặn sáng, chiều và tối vang lên tiếng phách “cách cách” giòn đanh, luôn “ỉ à” câu hát mê hoặc những trang “quân tử”. 

Tiếng phách cho biết người tôi tìm gặp đang có mặt ở nhà. Tôi vừa dậm chân mạnh, ý báo có khách tới nhà vừa ngó mắt nhìn lên nói câu xin lỗi vì đã “làm phiền” buổi học một cô một trò. Đào nương Bạch Vân ngừng tay gõ phách ngẩng mặt nhìn ra mỉm cười thân thiện, chị mừng lắm vì lâu rồi mới có người “lọ mọ” tay vịn chân bước lên những bậc cầu thang sắt gỉ “lên chơi” nhà mình.

Buổi học tạm dừng, cô học trò có cái tên rất xinh là Mai Anh bẽn lẽn đứng dậy đun ấm nước đãi khách. Đào nương Bạch Vân giới thiệu: “Cháu Mai Anh quê ở huyện Mê Linh, đã tốt nghiệp Đại học Ngoại thương, hiện là nhân viên Cảng hàng không quốc tế Nội Bài mới xin theo học ca trù ả đào được dăm buổi. 

Đang học gõ phách còn hát thì chưa”. Tôi cười nói góp: “Có học trò xinh ngoan và “yêu” ca trù thì Bạch Vân còn buồn gì nữa”. Đào nương Bạch Vân chợt xịu mặt: “Học trò hiện có sáu cháu thật đấy nhưng mấy ai thiết nghe ca trù ả đào”. Giật mình vì trót lỡ miệng, tôi liền an ủi: “Tối qua còn thấy Bạch Vân hát ở đình Kim Ngân đấy thôi”. Đào nương Bạch Vân cúi đầu nói nhỏ: “Nghệ sĩ đến hát có tới chục người vậy mà người nghe chỉ được có hai. Khán giả ít thế thu chẳng đủ chi”.

                      *

Tôi biết đến giọng hát ca trù ả đào của nghệ sĩ Bạch Vân đâu như ba mươi năm trước. Dạo đó cánh viết văn trẻ Hà Nội náo nức truyền tai rồi rủ nhau đến đền Bích Câu trên phố Cát Linh để nghe hát ca trù ả đào. Chả là lối hát “tai tiếng” này bọn chúng tôi chỉ được nghe qua những câu chuyện về các bậc văn sĩ Hà thành xưa đêm đêm kéo nhau sang phố Khâm Thiên “tom tom chát chát” rồi “ngả ngốn bàn đèn”. Chuyện “hát” chuyện “hút” ấy xem ra đã làm người đời hiểu “lệch lạc” một thời gian rất dài về một lối hát mà bây giờ có thể không ngần ngại mà nói rằng: Ca trù ả đào về phương diện nào đó chính là “dân ca” của Hà Nội.

Dưới ánh đèn tỏ mờ trong đền Bạch Mã, cảm giác “hiu hiu” ấy rất dễ “chạnh lòng” người đến thưởng thức, tôi nghe giới thiệu rồi thực sự lấy làm lạ tại sao cái cô đào nương tên Bạch Vân, tuổi Đinh Dậu, đang ngồi mê mê trên chiếu trải giữa nhà kia lại say hát ca trù ả đào hơn say đàn ông. 

Bạch Vân mãi sau này tâm sự, chị cho rằng nếu từ thời ấy mà chị “đụng” vào chuyện chồng con thì chắc giờ làm gì có được Bạch Vân, đào nương ca trù ả đào “bậc nhất Hà thành”. Tôi lại càng “lạ” hơn bởi Lê Thị Bạch Vân là con út trong một gia đình có sáu anh chị em quê mạn Thanh Chương mãi trong xứ Nghệ lại “đắm lòng” với ca trù ả đào Hà thành?

Tốt nghiệp Trường Văn hóa nghệ thuật Nghệ Tĩnh nhưng cô sinh viên Bạch Vân cảm thấy chưa yên, chị theo học tiếp ở khoa thanh nhạc thuộc Nhạc viện Hà Nội. Ra trường, Bạch Vân không theo nghiệp ca sĩ cho thời thượng mà đầu quân về Phòng Văn hóa quần chúng thuộc Sở Văn hóa Hà Nội. Đó là năm 1986 đầy kham khó. Cô chuyên viên văn hóa quần chúng lại “bén duyên” với ca trù ả đào. 

Vậy là Bạch Vân quyết đi khắp nơi tìm gặp bằng được các nghệ nhân dân gian để “tầm sư học đạo” cho trọn đam mê. Kể cũng nhân duyên, kể như định mệnh, giọng hát của Bạch Vân dường như sinh ra chỉ để dành hát ca trù ả đào nên khi “bén với ca trù ả đào” rồi thì giọng hát ấy nhanh chóng làm nên tên tuổi nghệ sĩ Bạch Vân.

Đào nương Bạch Vân dạy học trò mới Mai Anh tại nhà.

Nắng tháng 5 oi ả, Bạch Vân nhắc cô học trò Mai Anh nhớ đặt bàn phách lên tấm khăn mặt bông. Thấy là lạ tôi bèn góp “Lót vậy âm thanh nghe không thật tai”. Đào nương Bạch Vân nhỏ nhẹ: “Để dưới nhà không bị ồn”. Ra vậy, căn nhà số 74 phố Ngọc Khánh ở quận Ba Đình này nghệ sĩ Bạch Vân “định cư” từ năm 1995, một ngôi nhà mặt phố nhưng vẻ lại tuềnh toàng. 

Lạ nhỉ, giữa chốn phố hội mà ở đó người ta đua nhau nếu không xây mới to đẹp để ở cho sướng thì cũng cho thuê làm cửa hàng cửa hiệu đèn điện sáng choang. Nghệ sĩ Bạch Vân cũng cho thuê nhà nhưng chỉ là cho thuê nhằm góp thêm chút thu nhập chắt chiu cho “nghề hát” chứ chị không cho thuê để gom tiền “mở mang” nhà cửa.

Về hưu năm 2013, cô chuyên viên Phòng Văn hóa quần chúng và sau chuyển sang Phòng Nếp sống văn hóa những tưởng sẽ có nhiều cơ hội cho ca trù ả đào. Vậy mà đời đâu như mơ. Ngồi nói chuyện với tôi, đào nương Bạch Vân như chìm đi giữa bề bộn cửa nhà. Căn gác ọp ẹp và chật chội hẳn đi bởi dàn áo dài biểu diễn treo trên dây (Bạch Vân không có tủ quần áo cũng có thể do nhà quá hẹp và cũng có thể sàn gác quá yếu), bởi sách vở và bởi đồ dùng cho sinh hoạt cá nhân. Tôi nói đùa: “Không chồng con kể cũng thoải mái”, Đào nương Bạch Vân cười “Cũng lấy chồng một lần rồi”.

Hóa ra cách đây mười mấy năm, nghệ sĩ Bạch Vân đã “lên xe hoa”. Người đàn ông mà chị chọn lựa không ngờ lại là một người “duyên chùa” không đặng. Nghệ sĩ Bạch Vân hồi đó tình cờ gặp “chàng” trong chùa Một Cột. Thấy người đàn ông tuổi Canh Tuất quê huyện Mỹ Hào bên tỉnh Hưng Yên hình như “chưa nguôi” trần tục vì đã nhiều năm “theo cửa Phật” mà vẫn chưa “xuống tóc” được nên đào nương Bạch Vân năn nỉ “chàng” bỏ chùa. 

Rồi chị giới thiệu anh đi học đàn. Học miết hai năm liên tục thì “chàng” thành tài và theo hẳn “chiếu ca trù” của Bạch Vân. Họ sống với nhau không quá một năm thì chia tay duyên vợ tình chồng nhưng với “chiếu ca trù” thì lại bện lâu bện mãi. Hằng đêm cuối tuần “cặp tài tử giai nhân” mà “chàng” là nghệ sĩ đàn đàn đáy Bá Hải còn “nàng” là cô đào nương ca trù Bạch Vân đều đặn ngồi bên nhau “níu kéo” câu hát ả đào như cách tỏ niềm gắn bó nhưng đó là sự gắn bó với nghề hát.  

Đào nương Bạch Vân không giấu nổi nỗi xúc động. Hơn ba mươi năm gắn bó với ca trù ả đào và cũng chừng đó thời gian “tên tuổi” đào nương Bạch Vân “nổi danh”, vậy mà cũng chừng đó thời gian câu hát ca trù ả đào vẫn “lay lắt” nếu không muốn nói là nó có “nguy cơ” mai một. Gặng mãi đào nương Bạch Vân mới nói trong nước mắt: “Trên không quan tâm. Dưới cũng không để tâm. Đến muốn treo cái “pốt tơ” mời chào du khách thì cũng bị tháo gỡ”.

Tôi  băn khoăn. An ủi ư? Vô nghĩa. Động viên ư? Bằng thừa. Quan trọng là câu hát được ví là “dân ca Hà Nội” này phải được chính thành phố Hà Nội đưa vào thành một trong những mục tiêu gìn giữ và lưu truyền vốn quý. Cái chính là thành phố Hà Nội phải đưa thành chương trình biểu diễn thường xuyên và có sự đầu tư kinh phí thích đáng. Cách quản lý và điều hành như hiện nay là để Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội tự thân vận động. Tự thân vận động theo cơ chế thị trường khi mà dân ca nhạc cổ thưa thớt người nghe và trong điều kiện bị “bỏ bê” thì sớm muộn ca trù ả đào cũng “mờ phai”.

Chuyện cũng tới trưa, nắng thêm oi nắng. Đào nương Bạch Vân quệt tay lau những giọt nước mắt lăn trên gò má, chị thong thả cầm dùi, chị lại như “lạc” vào câu hát. Và tôi đang nghe những nhịp phách giòn đanh.


Nguyễn Trọng Văn
.
.