NSƯT Tố Nga: Nỗ lực làm mới mình

Thứ Năm, 27/08/2020, 15:08
Cái tên NSƯT Tố Nga đã là một sự định vị trong dòng nhạc dân gian, nhưng có vẻ như giấc mơ của chị không dừng lại ở đó. Chị không ngừng nỗ lực bứt phá khỏi những giới hạn. Chị vừa cho ra mắt một sản phẩm ấn tượng, album Vol 12 “Trăng” với 3 định dạng khác nhau đĩa than, băng cối và CD.


Nỗ lực làm mới

Nhiều người cho rằng NSƯT Tố Nga đang mạo hiểm “chơi sang” khi trong mùa COVID-19, hầu hết các nghệ sĩ khác đều “nằm im” do những khó khăn và ảnh hưởng của dịch bệnh, thì chị lại dốc hết vốn liếng làm album. Tuy nhiên, album Vol 12 “Trăng” cũng là dự án nghệ thuật mang tính đột phá với hy vọng sẽ tạo nên một dấu ấn nghệ thuật trong sự nghiệp của NSƯT Tố Nga.

NSƯT Tố Nga vẫn nói vui, dự án album “Trăng” của chị là album “COVID” vì ý tưởng được khởi lên từ sau Tết, khi COVID - 19 bắt đầu bùng lên trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Chính trong thời điểm này NSƯT Tố Nga đã suy nghĩ rất nhiều về những dự án nghệ thuật trong năm của mình.

Mỗi năm, NSƯT Tố Nga đều thực hiện ít nhất một dự án “khủng”, mang tính ghi dấu ấn. Với năm 2020, chị đã dự tính sẽ làm 1 MV đặc biệt về Trường Sa nhân dịp tháng 7 để nối tiếp chuỗi các dự án về đề tài tri ân sau MV “Cúc ơi!” và MV “Gửi vào thương nhớ” của chị đã từng gây ấn tượng mạnh với khán giả những năm qua. 

Vol 12 “Trăng” nằm trong kế hoạch phát hành dịp cuối năm. Tuy nhiên, do dịch COVID - 19 bùng phát nên kế hoạch không được như ý, NSƯT Tố Nga đã quyết định dồn hết tài chính, tâm sức vào album Vol12 “Trăng”. 

Vol 12 “Trăng” là một sự mới mẻ trong nghệ thuật của NSƯT Tố Nga, một màu sắc âm nhạc khác, một hướng đi khác. 10 ca khúc trong dự án là 10 thân phận phụ nữ khác nhau. 10 thân phận ấy là những vui buồn, hạnh phúc khổ đau, yêu thương cháy bỏng, khắc khoải chờ đợi… Tất cả đều khắc họa nên vẻ đẹp, tình cảm của người phụ nữ trong những truân chuyên đời sống, trong những ngọt bùi tình yêu… Cũng vì vậy, NSƯT Tố Nga đặt tên cho album với một cái tên giản dị: “Trăng”. 

Điều đặc biệt ở “Trăng”, chính là “cuộc chơi” của Tố Nga với đĩa than và audio - một cuộc chơi tốn kém và công phu mà nếu không đủ đam mê và tinh thần cống hiến cho âm nhạc, chị sẽ không đủ sức đi đường dài. Có thể nói, chị đã mang đến một sắc màu mới cho dòng nhạc trữ tình vốn quen thuộc với người nghe.

Cuộc chơi sang của nghệ sĩ Việt

Thực ra, NSƯT Tố Nga không phải là người tiên phong trong cuộc chơi tốn kém này. Trong giới nghệ sĩ, hai năm trở lại đây, nhiều người chọn đĩa than và audio cho các sản phẩm âm nhạc của mình. Đây là một cuộc chơi tốn kém và công phu, đòi hỏi sự dấn thân và đầu tư lớn của các nghệ sĩ. 

Năm 2019, một nghệ sĩ trình làng đĩa than, Giang Trang hát nhạc Trịnh Công Sơn - Album “Lênh đênh nhớ phố”, Đồng Lan với “Này em còn nhớ”. Ca sĩ Quang Dũng cũng ra mắt đĩa than thứ 2 với các nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn (Sau Tình ca Phạm Duy). Ca sĩ Tuấn Hiệp, Hồ Trung Dũng, Phạm Thu Hà cũng từng làm đĩa than. Rất nhiều dự định của các nghệ sĩ với đĩa than đang được thực hiện nhưng chắc sẽ bị chậm lại cho dịch COVID-19.

Theo ca sĩ Phạm Thu Hà, cộng đồng nghe đĩa than và Audio ngày càng nhiều, bởi sau thời kỳ nghe nhạc từ công nghệ kỹ thuật số, khán giả bắt đầu chán với cách thưởng thức tiện lợi, có sẵn. Họ quay về tìm đến các giá trị truyền thống. Ca sĩ Đồng Lan cũng chia sẻ: “Xã hội càng công nghệ hiện đại, người ta lại thèm những cảm giác đời thường như đọc thư tay, nghe những âm thanh mộc mạc, tình cảm từ đĩa than, audio. Tôi làm đĩa than trước hết để thỏa mãn đam mê của mình và cũng muốn biết cảm giác của khán giả khác nhau thế nào khi nghe nhạc từ CD, nhạc số và nhạc từ đĩa than. Những ai thích chơi đĩa than hay tìm kiếm sự yên tĩnh, tinh tế và gu thưởng thức của họ rất “chất”.

Định dạng băng cối của album Vol 12 "Trăng".

NSƯT Tố Nga cũng khẳng định rằng, càng ngày, cộng đồng nghe đĩa than và cộng đồng nghe băng cối audio càng đông. Với album mới này, chị một lần nữa dấn thân để làm mới mình. Có thể nói, với dòng nhạc dân gian, NSƯT Tố Nga là một người tiên phong khi sản xuất đĩa than và định dạng audio. Chị đau đáu với câu hỏi, làm gì thật mới mẻ và sáng tạo với dòng nhạc chị theo đuổi, vốn dĩ đã quá quen thuộc trong lòng khán giả. Chị muốn tìm một lối đi mới, vẫn giữ được cái hồn của tác phẩm mà không làm mất đi bản sắc nghệ thuật riêng của chị. Vì thế, Tố Nga chọn một cách “chơi sang” hướng đến một chất lượng âm thanh đậm audiophile với những tiêu chuẩn, yêu cầu và đòi hỏi vềchất lượng âm thanh, thu âm cực kỳ ngặt nghèo. 

NSƯT Tố Nga cho biết, bên cạnh việc đem đến cho khán giả của chị một màu sắc mới mẻ của Tố Nga, thì dự án này chị chủ tâm hướng đến chinh phục “dân” chơi audio trong và ngoài nước. Để chinh phục “dân” chơi audio là một việc không hề dễ dàng bởi họ là những người rất sành âm thanh, nghệ thuật, chính vì vậy mọi khâu thực hiện đều phải tỉ mỉ, công phu, thận trọng và chuẩn mực từ âm thanh đến in ấn.

NSƯT Tố Nga là một thành viên của “dân” audio. Khi tiếp xúc với giới này, chị nhận ra, sản phẩm âm nhạc của người nghệ sỹ phải đến được tai của khán giả một cách trung thực, chân thật nhất. Đó là điều nghệ sĩ cần hướng đến. Trong thời đại ngày nay, với máy móc, kỹ thuật phòng thu hiện đại ngày càng tiên tiến đã hỗ trợ “mông má” giọng hát ca sĩ, nhiều trường hợp hát qua phòng thu khác xa với giọng hát live khiến khán giả bị shock. 

“Tôi tin là khi tôi táo bạo hướng cho mình hướng đi chuẩn audio, tôi sẽ có một vị trí thuyết phục đối với các tai nghe chuẩn audiophile. Và khi chinh phục được những khán giả khó tính nhất thì tất nhiên tôi sẽ thuyết phục hơn đối với khán giả của mình lâu nay. Đây thực sự là “cuộc chơi” lớn và mạo hiểm của tôi” - NSƯT Tố Nga nói. 

Các chuyên gia giới audiophile cho biết, định dạng băng cối và đĩa than đều mang đến những màu sắc âm nhạc khác biệt, tạo cho người nghe nhiều cảm xúc khác nhau. Đây cũng là hai định dạng mà giới audiophile rất “nghiện”. Với đĩa than nhiều khán giả Việt cũng đã biết đến nhưng băng cối có phần đặc biệt hơn. Đã từng có những nghệ sĩ Việt phát hành album định dạng băng cối, nhất là các nghệ sĩ hát aucostic. NSƯT Tố Nga mạnh dạn tiên phong chinh phục những khán giả khó tính bằng sản phẩm mới của mình. Đây là một cuộc chơi công phu và tốn kém, nhất là trong thời điểm khó khăn hiện nay.

NSƯT Tố Nga bày tỏ: “Trước hết, tôi thực hiện dự án vì đam mê và từ đây mọi người sẽ hiểu hơn về một Tố Nga yêu nghề đến cháy bỏng, sẵn sàng mạo hiểm để thử sức trên một chặng đường mới và cũng như để lại dấu ấn cho sựnghiệp của chính mình. Sau nữa là vì tôi là thành viên của hội audio Hà Nội, nên tôi rất hiểu lượng khán giả của mình trong lĩnh vực này, vì vậy tôi tin rằng với sự đầu tư nghiêm túc và chỉn chu của mình, tôi sẽ gặt hái được những thành quả tốt đẹp. Nhờ vậy mà khi vừa thông báo ngày phát hành, với đơn hàng của các đại lý đã đặt tôi đến thời điểm hiện tại, tôi tin là sẽ phải nhân bản trong thời gian gần nhất”.

Cuộc chơi audio là cuộc chơi không dành cho số đông, điều đó ai cũng biết. Trong giới chơi audio cũng có kiểu chơi ít tiền và kiểu chơi nhiều tiền, có những bộ âm thanh lên đến vài chục tỉ đồng, cũng có những người chơi dám bỏ ra vài chục triệu đồng để mua một cuốn băng, CD hay đĩa than gốc… 

Tuy nhiên, điều mà NSƯT Tố Nga hướng đến không phải là những khán giả chịu chơi, nhiều tiền, sẵn sàng mua sản phẩm của chị. Tố Nga muốn chinh phục những người nghe nhạc khó tính nhất, minh chứng cho giới audiophile thấy nghệ sĩ Việt có thể thực hiện được sản phẩm đạt chuẩn audio không thua kém nước ngoài. (Thực tế hiện nay, các album định dạng đĩa than và audio đều gửi qua Mỹ, Pháp để làm hậu kỳ). 

Và theo chị, nếu nghệ sĩ đủ tâm huyết, đủ say mê, họ sẽ luôn tìm được những hướng đi mới cho mình, để cống hiến cho âm nhạc và cho cộng đồng khán giả ngày càng văn minh và chất hơn. 

Ái Vân
.
.