NSƯT Lê Chức: "Tôi không sợ cái nghèo mà chỉ sợ kém cỏi"
Hôm nay khi mọi sự đã qua, trách nhiệm và sự nghiệp đã có nhưng ông nói mình vẫn làm việc cần mẫn ngày đêm như một cách để học và không cảm thấy là người "thừa".
NSƯT Lê Chức được giới chuyên môn đánh giá là một nghệ sĩ đa tài. Ông hoạt động sâu rộng trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật, như: diễn viên kịch nói, nhà viết kịch, đạo diễn, người làm thơ… Thế nhưng nhiều người biết đến ông lại với một vai trò khác, một "giọng đọc vàng" của sân khấu và truyền hình nước nhà. Nghề đọc cho ông nhiều trải nghiệm thú vị.
NSƯT Lê Chức. |
Ông kể, cách đây mấy năm, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch có mời ông tham gia giảng dạy cho lớp MC khoảng 100 người. Khi lớp học kết thúc, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh có đến hỏi thăm: "… Lớp kết thúc có được ai không?". Ông thẳng thắn đáp: "Nếu anh hỏi thế thì tôi trả lời là không. Mặc dù ở đây rất nhiều học trò diễn viên của tôi có danh hiệu NSƯT, NSND".
Bộ trưởng sửng sốt hỏi vì sao thì ông tiếp lời: "MC là công việc khác, nếu dịch theo nghĩa tiếng Anh là "người làm chủ một cuộc vui". Khi chúng ta chuyển theo nội dung MC là người dẫn chương trình thì nội hàm của nó lại khác. Anh giao cho tôi chọn trong số này 10 người thôi, họ học tôi trong 6 tháng. Tôi sẽ giảng cho họ sự hiểu biết về ngôn ngữ tiếng Việt và tình yêu đối với nó, sau đó mới là tập luyện giọng đọc và giọng nói".
Ông bảo, một nhà văn nước ngoài từng nói: "Chúng ta có 6 năm để học nói nhưng có 60 năm để học sự im lặng". Nhưng mà "im lặng" cũng có tiếng nói riêng của nó, chứ không phải là thinh không. Nó không có tiếng nhưng bản thân sự không có tiếng đó đã có thanh âm riêng của nó. Nhà thơ Lê Đạt có tập thơ "Bóng chữ", PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái có một chuyên luận là "Đáy chữ".
Tổ tiên để lại cho chúng ta một câu là "tròn vành rõ chữ" thì cách đây 3 năm GS.TSKH Vũ Minh Giang có nói trên truyền hình ý kiến của ông về tiếng Việt với nội hàm tròn vành rõ chữ và còn cần rõ nghĩa. Ví dụ cảm nhận ai đó đưa ông một văn bản nhưng ông làm cho nó "sống lại" bằng giọng người, tức nó phải cộng thêm phần của người nói thì cái đó là một cách tạo "nghĩa" cho câu từ theo mục đích thẩm mỹ.
Tiếng Việt có mấy cách viết: viết phổ thông, viết tắt theo quy định của Nhà nước nhưng khi nói thì còn phụ thuộc vào sự cảm nhận văn bản của người nói và người đọc. Trong bóng đá có một câu rất hay "vấn đề không phải là phong độ mà là đẳng cấp" thì ở đây chính là đẳng cấp để hiểu tiếng Việt.
Quê tổ dòng họ Lê của ông gốc ở Thanh Hóa, nhưng ông được sinh ra và lớn lên ở Hải Phòng, nơi người dân vẫn nói lẫn lộn giữa "n" và "l", nhưng gia đình ông 10 anh em cùng bố mẹ đều nói giọng chuẩn.
"Trong 10 anh em hay nói rộng ra là cả thành phố Hải Phòng kính mến ấy lại sinh ra một người đọc, người nói tiếng Việt chuẩn là Lê Chức. Tôi thỉnh thoảng vẫn ngồi với mấy người bạn học cùng phổ thông ngày trước, có người còn lên đến chức vụ lãnh đạo cao nhất của thành phố Cảng nhưng họ vẫn nói lẫn lộn giữa "n" và "l". Tôi ngạc nhiên hỏi: "Bây giờ các ông vẫn thế này á?". Họ đáp lại một câu rất hay: "Ông để cho chúng tôi nói tiếng địa phương, địa phương chúng ta là thế mà nhưng Hải Phòng đã sinh ra cho đất nước này một Lê Chức để "nói tiếng Việt" chuẩn là đủ", ông kể lại.
Nhưng thực ra ông cũng không phải là người phát hiện ra giọng nói đặc biệt của mình mà chính các thầy cô dạy các môn xã hội thời đi học đã phát hiện ra.
Hồi học phổ thông khi có đoàn kiểm tra cấp sở đến thì các thầy thường nói: "Hôm nay Chức trả lời nhé". Lên lớp 6, ông thường xuyên diễn kịch trong trường. Sau này là diễn viên kịch nói thì ông cũng là người đọc thơ rất sớm. Đi biểu diễn phục vụ ở tuyến lửa những năm chống Mỹ, ông còn "trở thành" một ca sĩ. Ra nước ngoài học, ông không chỉ hát những bài ca tiếng Việt mà còn hát cả những ca khúc tiếng Nga, Ukraina. Tất cả điều đó tạo nên sự cộng hưởng thanh âm trong ông.
NSƯT Lê Chức và những người học trò. |
Ông bảo, tính từ khi tốt nghiệp về nước từ năm 1987 đến nay, ông đã đọc hàng nghìn chương trình trên truyền hình, phát thanh. Ông làm phép tính nhẩm: Nếu một tuần ông chỉ tính đọc 2 chương trình (thậm chí có ngày ông đọc 5 chương trình), một tháng ông đọc 8 chương trình, 1 năm ông đọc 96 chương trình, mà tính đến nay là 34 năm thì đã là hơn 3.000 chương trình.
Giờ giọng đọc của ông "phủ sóng" trên nhiều kênh phát thanh, truyền hình ở khắp cả nước cũng như các chương trình cộng tác của nước bạn Lào, Campuchia...
Ông cho biết, khi đọc phim thì có nhiều cái lợi mà nhất là về kiến thức. Đọc một phim về hàng không, dầu khí, khảo cổ, rừng, nuôi cá, môi trường, HIV… thì mình vô hình trung đã được tìm hiểu và có kiến thức về nó.
Khi đọc cho phim về 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, ông biết thêm được nhiều thông tin thú vị như: Hà Nội có bao nhiêu cây đa, người Hà Nội uống bia từ bao giờ, làng nghề Hà Nội xuất xứ như thế nào?.
Đọc lời cho bộ phim tài liệu nhiều tập "Thời đại Hồ Chí Minh - Biên niên sử truyền hình" là cơ hội để ông tìm hiểu lại lịch sử nước nhà. Đọc "Hào khí Bạch Đằng giang" lần đầu tiên ông được nghe một khúc sông là sông Thải. Ông cảm thấy sướng vô cùng khi đọc: "Chúng ta ném xác của quân thù xuống dòng sông Thải".
Ông cũng bảo đọc các phim tài liệu, lễ hội cho Hải Phòng phải là hay nhất, phải bừng sáng lên một vùng cửa biển để còn lấy lối… "về quê mẹ"!
Một số anh em đạo diễn, tác giả phim tài liệu khi nghe ông đọc lời bình cho phim thì đã phải thốt lên rằng: "Hình như chúng tôi phải cảm nhận phim của mình theo cách khác, cùng với sự cảm nhận của ông". "Giọng đọc vàng" Lê Chức nói tiếp: "Tôi là người đọc các phim tài liệu có nội dung chính luận, hầu hết các chương trình về Đảng và hệ thống chính trị nên những phim có nội dung quảng cáo là tôi từ chối ngay. Đó là giữ cho mình trước một công việc đòi hỏi sự chuẩn mực”.
Ông bảo, đọc những chương trình về Đảng là ông rất "cẩn trọng". Khi đọc trong đầu ông hiện lên Đảng cầm quyền đang lãnh đạo Đất nước và đi cùng Dân tộc, do đó cùng với "nghĩa" của câu từ và xử lý "âm điệu", ông mong khán, thính giả cùng đồng cảm và cùng có một nhận thức về Đảng một cách trân trọng.
Với số tiền (không nhiều) được nhận từ mỗi lần đọc, ông thường dành phần lớn để giúp cho các đồng nghiệp sân khấu, các học trò nghệ thuật của mình, những trẻ em khuyết tật, nghèo khó khi gặp phải các tình huống cần sự giúp đỡ. Rất xa xăm trong ánh nhìn, ông hạ giọng: "Tôi sống cho mình một phần còn như là sống cho mọi người nhiều hơn. Và tôi tự bằng lòng trong công việc và phương thức sống ấy!".
Vậy là sau khi đã bước qua được những khó khăn của riêng mình, nay ở tuổi 75, ông càng thêm chiêm nghiệm với tự cảm: "Tôi không sợ cái nghèo mà chỉ sợ sự kém cỏi trong cuộc đời nghệ thuật của mình trước gia đình, đồng nghiệp cùng khán, thính giả mà tôi luôn trân kính!".