NSND Thanh Hoài: Một thời mê đắm
- NSND Triệu Trung Kiên: Cải lương phải chấp nhận những đổi mới, phá cách
- NSND Vương Duy Biên: Trong khu vườn nghệ thuật
- NSND Quốc Hương: Với những bản "Tình ca" cháy bỏng
Vừa qua, một lần nữa khán giả yêu mến giọng hát của NSND Thanh Hoài lại được thưởng thức giọng ngâm truyền cảm, đặc biệt của bà qua dự án “Ngâm Kiều toàn truyện” vừa ra mắt khán giả vào đầu tháng 4...
Dự án “Ngâm Kiều toàn truyện” được nhạc sĩ, nhà lý luận âm nhạc Nguyễn Quang Long ấp ủ từ rất lâu với mong muốn “tái sinh” Truyện Kiều trong đời sống tinh thần đương đại.
Nhưng đây quả là một công trình lớn, muốn thực hiện cần có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ có tài và cũng cần có một nguồn kinh phí lớn để vận hành nên nằm ngoài khả năng cá nhân.
NSND Thanh Hoài. |
NSND Thanh Hoài đã cùng với NSND Thúy Ngần và các NSƯT: Quốc Khanh, Văn Phương, Thúy Nga sẽ ngâm trọn vẹn truyện Kiều có tổng thời lượng lên tới gần 10 tiếng âm thanh với sự “chắp cánh” của dàn nhạc bao gồm các nghệ sĩ: Trần Quế Hương (đàn tranh), Phạm Đức Bình (đàn nguyệt), Lê Tiến Trung (sáo, đàn bầu), NSƯT Xuân Hải (nhị)...
Các nghệ sĩ cùng nhau tâm niệm góp phần tôn vinh một lối ngâm độc đáo được “phái sinh” gắn liền với kiệt tác “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du, đồng thời góp phần đưa “Truyện Kiều” trở nên gần gũi, phổ biến hơn trong lòng người Việt.
NSND Thanh Hoài tâm sự: “Cha ông ta vui buồn đều lảy Kiều. Truyện Kiều đã đi vào đời sống của nhân dân, nên dù là mẹ hát ru con, chị hát ru em bên cánh võng đều ru bằng Kiều. Đến bây giờ, các bạn trẻ như nhạc sĩ Quang Long biết tìm về nguồn cội, tôn vinh giá trị truyền thống của cha ông, thì mình phải ủng hộ, giúp các em các cháu kẻo nó mai một đi mất! Tôi nhận giúp các em chương đầu “Kiều thăm mộ Đạm Tiên” và chương cuối “Kiều và Kim Trọng đoàn tụ”. Tôi năm nay cũng có tuổi rồi, ngoài 70 rồi nhưng khó khăn mấy tôi cũng giúp! Từ lúc có dự án, cũng đi lại đến 7-8 lần rồi nhưng tôi vẫn thấy hào hứng, yêu thích công việc này lắm! Thôi, coi như các em các cháu nó có “tâm” thì mình cũng có “công”!”.
Theo NSND Thanh Hoài, từ thuở nhỏ bà đã được nghe cụ, bà, mẹ lảy Kiều nên cứ ngấm dần dần theo năm tháng. Đến khi vào trường nghệ thuật thì lại được nghe các thầy cô như NSND Minh Lý, NSND Bùi Trọng Đang truyền dạy kỹ năng lảy Kiều “chuẩn chỉ” là điều vô cùng may mắn. Chính vì thế, bà mong muốn truyền lại những kỹ thuật này cho thế hệ mai sau bảo tồn, lưu giữ và phát triển nó.
Đối với bà, “Truyện Kiều” không chỉ là một tuyệt tác, mà còn là triết lý cuộc đời, triết lý làm người, là những bài học đạo đức răn dạy cho con cháu như: “Thiện căn ở tại lòng ta/ Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Bởi vậy, càng lan tỏa giá trị của truyện Kiều được nhiều bao nhiêu thì là tốt bấy nhiêu.
Nhắc đến tên tuổi NSND Thanh Hoài, người ta thướng nhớ đến bà với chất giọng “vang, rền, nền, nảy” chuẩn mực trong những làn điệu chèo, những bài hát văn hay ca trù nhiều hơn là những vai diễn. Từng thành công với vai diễn Giáng Hương trong vở “Từ Thức”, vai cô Ba trong “Lọ nước thần”, Bà chúa Liễu trong “Vua Chổm” và giành được nhiều Huy chương Vàng trong các hội diễn, nhưng để tên tuổi Thanh Hoài vẫn vang mãi trong lòng công chúng đến hôm nay, đó chính là vì bà đã yêu say đắm, thiết tha và cống hiến hết mình cho từng làn điệu chèo truyền thống: Cứ có nơi nào mời biểu diễn là bà nhận lời mà không quản ngại đường sá xa xôi và cũng chẳng quan tâm xem mức thù lao là bao nhiêu.
Mặc dù NSND Thanh Hoài đã sống và làm việc ở Hà Nội hơn 50 năm, nhưng vẫn giữ nét mộc mạc, chân thành, hồn hậu trong cuộc sống, giao tiếp, ứng xử. Bà kể rằng, hồi còn trẻ khỏe, mỗi lần được mời đi thu thanh ở Đài Tiếng nói Việt Nam trên phố Quán Sứ, lại đạp xe từ khu Văn công Mai Dịch vào.
“Lúc ấy, tiền thù lao từ việc hát thu thanh thường chỉ có... 1 hào/bài, nhưng cứ hễ được mời là lại vui vẻ đạp xe đi, chẳng nề hà gì, vì tôi yêu nghề lắm. Sau này có kinh nghiệm hơn thì đi thu vài bài một lúc, cũng đỡ mất công hơn. Bây giờ có tuổi rồi, không đi được xe đạp nữa nhưng Đài Tiếng nói mời đi thu cũng vẫn đi bằng xe ôm. Có những khi còn đi cả những tỉnh xa như Thanh Hóa chỉ để hát có 1 bài. Nhưng cứ được biểu diễn là thấy vui rồi!”...
NSND Thanh Hoài (thứ 2 từ phải ) chụp ảnh lưu niệm với các nghệ sĩ trong dự án “Ngâm Kiều toàn truyện”. |
Với tinh thần làm việc ấy, từ lâu tiếng hát của NSND Thanh Hoài là người bạn thân thiết với các vở diễn rối nước của Nhà hát Múa rối Thăng Long, Nhà hát Múa rối Việt Nam. Giọng hát ca trù đặc biệt của NSND Thanh Hoài đã khiến các đạo diễn phim tìm đến bà khi trong phim có cảnh diễn viên hát chèo, hát văn, hát ca trù hay hát xẩm như “Mê Thảo - thời vang bóng”, “Long thành cầm giả ca”.
Với “Mê Thảo - thời vang bóng”, đạo diễn Việt Linh đã thử rất nhiều giọng, cuối cùng đã dừng lại ở giọng hát Thanh Hoài để hát lồng tiếng cho nhân vật thị Tơ do diễn viên Thúy Nga thể hiện. Trong phim “Long thành cầm giả ca”, NSND Thanh Hoài lại được mời hát lồng tiếng trải dài suốt bộ phim cho vai cô Cầm do diễn viên Nhật Kim Anh thể hiện.
Các nghệ sĩ trẻ tuổi như Phó An My, nhạc sĩ Quốc Trung, Hồ Hoài Anh... cũng đã nhiều lần mời bà tham gia các dự án âm nhạc mang âm hưởng dân gian, truyền thống. Bà cũng có lần bà nhận được một hợp đồng lớn đảm nhiệm toàn bộ phần lời hát trong vở rối nước “Người thầy của những con rối” do đạo diễn Dominique Pitoiset - Giám đốc Nhà hát Quốc gia Bordeaux (Pháp) dàn dựng.
Mỗi chuyến đi Pháp, bà diễn từ 30 đến 60 buổi liền. Vở diễn tạo được nhiều ấn tượng tốt đẹp với công chúng Pháp, được báo chí Pháp đưa tin. Đối với cá nhân NSND Thanh Hoài, bà chia sẻ rằng đi diễn với bà là một niềm vui, niềm kiêu hãnh được đem nghệ thuật dân tộc đến với thế giới.
Sinh ra ở một làng quê của tỉnh Thái Bình trong một gia đình nông dân nghèo, lại mồ côi cha từ thuở còn nằm trong lòng mẹ nên sớm chịu nhiều thiệt thòi so với các bạn cũng trang lứa. Sớm biết phụ giúp mẹ những công việc đồng áng, chăn trâu cắt cỏ nhưng trong tâm hồn cô bé Thanh Hoài đã sớm có một tình cảm đặc biệt với tiếng trống, tiếng hát chèo. Chính vì thế nên nghe nói có đoàn chèo về tuyển diễn viên thì vội vã trốn mẹ đi thi và trúng tuyển.
Vậy là 15 tuổi, Thanh Hoài khăn gói lên Hà Nội học hát chèo. Và đúng như tâm nguyện lúc từ biệt mẹ ra đi, Thanh Hoài đã khiến người mẹ hiền của mình luôn đầy tự hào bởi những bước đi và sự trưởng thành của mình. Đầu năm 2007, khi vinh dự nhận danh hiệu NSND duy nhất của làng chèo năm ấy, toàn bộ số tiền được tặng thưởng, Thanh Hoài đã mang về quê chia cho họ hàng bà con lối xóm mỗi người một chút gọi là “lộc bất tận hưởng” để mọi người cùng vui.
Nhân nói chuyện về quê hương, bà lại kể chuyện ngày xưa vợ chồng bà tăng gia bằng cách nuôi lợn, nuôi gà, cấy rau quanh nhà như thế nào, chuyện bà nghỉ sinh con nhưng vẫn phải chăm nuôi một đàn lợn của công đoàn nhà hát thì mới có lương, chuyện hai vợ chồng được tiêu chuẩn mua một cái xe đạp mà phải trừ lương 3 năm mới hết nợ...
Kết hôn với đồng nghiệp là nhạc sĩ Vũ Đình Quân - lúc ấy đang là nhạc công của đoàn, sau này trở thành Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam - hai vợ chồng đều là nghệ sĩ nên chuyện nghèo là... đương nhiên, nhưng được cái vợ chồng quý trọng, yêu thương, ủng hộ nhau.
Cả cuộc đời NSND Thanh Hoài dẫu có nhiều nỗi vất vả, nhưng dường như luôn đắm chìm trong những câu hát, trong làn điệu chèo. Bà luôn cảm thấy mình khỏe hơn, vui hơn, như được tái sinh, sống có ý nghĩa hơn, có đời sống tinh thần bay bổng theo từng điệu hát. NSND Thanh Hoài quả là một nghệ sĩ vô cùng hạnh phúc theo cách riêng của bà.