NSND Hoàng Dũng: Đã có lần tôi muốn bỏ nghề
Phải đến lần gặp thứ ba, tôi mới có được một cuộc trò chuyện thực sự với NSND Hoàng Dũng. Chẳng phải vì anh khó khăn gì mà do công việc của anh quá bận rộn. Giờ đây, trong vai trò là Giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội, NSND Hoàng Dũng luôn đau đáu làm sao để chất lượng của Nhà hát được nâng lên và đời sống của anh em trong đoàn thêm phần được cải thiện...
-Thưa NSND Hoàng Dũng, nghe nói anh đến với môn nghệ thuật thứ 7 hoàn toàn do một sự tình cờ. Vậy anh có thể chia sẻ điều này với độc giả?
+ Trong lúc tôi đang đợi kết quả thi vào trường Ngoại ngữ thì có mấy người bạn rủ đi thi vào trường Sân khấu. Chỉ là thi chơi cho vui, không ngờ lại đỗ. Nhưng đang học tôi lại có ý định đi nước ngoài nên bỏ dở không học nữa. Chẳng biết là may hay rủi mà trong quá trình chuẩn bị thủ tục xuất cảnh, tôi gặp một số trục trặc về giấy tờ nên không đi được...Người có công rất lớn trong việc giúp tôi trở lại trường học tiếp đó là thầy Huỳnh Nga. Thầy đã tìm đến tận nhà và hỏi tôi có muốn học nữa không. Sau khi nghe nguyện vọng của tôi là muốn tiếp tục trở lại trường, thầy đã về xin với Ban Giám hiệu cho tôi được tiếp tục đi học. Ban đầu Ban Giám hiệu nhà trường nhất quyết không nghe vì họ nói rằng tôi đã nghỉ cả một học kỳ, hơn nữa đây là trường học chứ không phải cái chợ muốn ra thì ra muốn vào thì vào.
- Vậy hẳn thầy Huỳnh Nga đã phải rất vất vả để thuyết phục được Ban Giám hiệu?
+Đúng vậy. Hồi đó, khóa của tôi có 2 lớp, mỗi lớp khoảng 30 người. Thầy Huỳnh Nga đã nói rằng mỗi lớp cũng chỉ có thể trông vào vài ba cô cậu. Và Hoàng Dũng là một trong số ít mà tôi đặt hy vọng. Và thầy đã mang cả uy tín của mình ra để đảm bảo cho tôi. Nhưng cũng từ đó mà tôi bị các thầy và bạn bè "soi" nhiều hơn. Nhiều người nghĩ rằng tôi là cái gì mà khiến thầy Huỳnh Nga tin tưởng đến thế. Vậy nên nếu tôi sơ xẩy điều gì thì người ta có thể nhân lỗi của tôi lên gấp mấy lần.
- Được thầy giáo trực tiếp dạy dỗ tin tưởng là thế, hẳn khi ra trường Hoàng Dũng sẽ gặp nhiều thuận lợi trong việc khẳng định mình?
+Mọi chuyện hoàn toàn ngược lại. Ra trường, tôi đầu quân về Đoàn kịch Hà Nội. Trong lớp diễn viên đó, tôi là người lớn tuổi nhất nhưng mặt lại rất trẻ. Mọi người trong đoàn thường nói, mặt nó trẻ thế mà giọng lại già thì chả đóng được vai gì phù hợp. Có người còn cay nghiệt hơn khi nhận xét tôi giống như một thằng Tây con. Họ bảo tôi là: "Về đây đóng kịch cho Tây xem à?".
NSND Hoàng Dũng trong vai Lý Cao Tông (phim Trần Thủ Độ). |
- Hẳn là anh đã rất buồn khi nghe những lời nhận xét thiếu thiện chí đó?
+ Đương nhiên là tôi đã rất buồn và sốc nữa. Tôi nghĩ vậy là mình sẽ chẳng có cơ hội để mà thể hiện khả năng của mình. Và trong một thời gian khá dài, trong khi bạn bè cùng lớp về đầu quân ở Đoàn Kịch Hà Nội, ai nấy đều có vai, dù lớn dù nhỏ, còn tôi vẫn lông bông, chỉ luôn là một thằng cầm cờ, hay một vai quần chúng nào đó mà không có cả lời thoại. Nhưng có một điều rất nghịch lý là, bạn bè được phân vai thường hay đến nhà nhờ tôi phụ đạo, phân tích lớp lang nhân vật. Và với bất kể ai tôi cũng đều giúp đỡ rất nhiệt tình. Nhưng sau khi bạn bè về, tôi lại cảm thấy buồn và tủi cho phận mình.
- Bế tắc trong một thời gian dài như thế, có khi nào anh cảm thấy mệt mỏi và muốn buông xuôi?
+ Có chứ. Tôi đã nhiều lần muốn đổi nghề vì nghĩ rằng có lẽ mình đã chọn nhầm nghề. Nhưng trong những lúc như thế thì anh Trần Vân (diễn viên Trần Vân- người đã để lại dấu ấn sâu sắc trong vai nam chính của bộ phim "Nửa chừng xuân") luôn động viên tôi. Anh bảo rằng: "Rồi thì mày cũng đóng thay hết các vai của anh thôi. Phải biết kiên nhẫn". Và quả thật, cuối năm 1979, sau khi được phân một vai trong một vở kịch, tôi đã tập rất miệt mài, vì tôi tâm niệm đây chính là cơ hội để thể hiện khả năng của mình. Kết quả là sau vở kịch đó, tôi đã được các thầy ghi nhận và là người đầu tiên của lớp học được "nhặt" lên diễn với các anh chị lớp trên.
- Vậy là từ đó, con đường anh đi sẽ toàn trải hoa hồng?
+ Ôi, tuổi trẻ bồng bột. Tôi đã phải trả giá quá đắt cho sự chủ quan của mình. Còn nhớ, ngay sau đó NSND Xuân Đàm dựng vở "Bình minh đó, trái tim anh" nói về đời sống của một trí thức trẻ hiền lành, mực thước. Ứng cử viên cho vai diễn này là anh Trần Vân và tôi, thế nên cùng lúc cả hai cùng được giao tập kịch. Nhưng nói thật, trong suy nghĩ của mình, tôi đinh ninh rằng, vai này hợp với tôi hơn hẳn anh Trần Vân. Vì tôi còn trẻ, là một sinh viên vừa ra trường, thế nên tôi tập rất chểnh mảng. Kết quả khi chọn vai tôi đã bị loại. Đang từ ứng cử viên cho vai chính, giờ tôi còn chẳng được phân một vai nào nữa. Và khi vở diễn tham gia Đại hội Sân khấu đã thành công rực rỡ. Mọi người trong đoàn ai cũng có vai nên khi vở diễn thành công, họ vui mừng khôn xiết. Còn tôi, đứng dưới khán phòng như một người khách, cảm giác bơ vơ không thuộc về đâu cả.
Mất một thời gian dài tôi vô cùng chán nản, vì sau đó tôi cũng chẳng được phân thêm một vai mới nào. Nhưng đến một hôm, khi tôi đang nằm ngủ trên gác thì anh trợ lý của đoàn kịch lên gọi tôi dậy và bảo: "Anh Trần Vân đang rất mệt, có thể tối nay mày phải diễn thay anh ý" (khi đó Đoàn Kịch Hà Nội đang diễn vở "Bình minh đó, trái tim anh" rất thành công dưới Hải Phòng). Ngay lập tức tôi ngồi dậy đọc lại kịch bản, rồi tự mình ra sân khấu, tưởng tượng ra các bạn diễn và cứ thế diễn một mình. Trước khi ra sân khấu, tôi đã rất tự tin, vậy mà khi nghe tiếng nhạc nổi lên, không hiểu sao trong tôi lại dâng lên một cảm giác chênh vênh và mong manh đáng sợ. Và rồi tôi cứ diễn, diễn như bị mê hoặc, diễn xong mà hoàn toàn không biết mình đã diễn như thế nào. Chỉ biết là tối hôm đó tôi đã được cả khán giả và anh em trong đoàn khen rất nhiều.
- Anh đã gặp sự cố nào trên sân khấu khiến tự mình phải điều chỉnh kịch bản chưa?
+ Có. Khi ấy tôi đóng vai nam chính trong vở kịch "Cô gái đội mũ nồi". Vở kịch nói về một anh kiến trúc sư trẻ, rất lãng mạn, luôn mang trong mình những ý tưởng viển vông. Và anh ta luôn thiết kế ra những ngôi nhà của 50 năm sau. Trong kịch bản, có một phân đoạn, người kiến trúc sư trẻ nói rất nhiều với người công nhân sẽ thực hiện những ý tưởng nghệ thuật của anh. Và đó cũng là phân đoạn mà tôi thích nhất vì nó tạo được sự thăng hoa cho người diễn viên. Nhưng hôm đó, do mải chơi quá nên đã sát giờ diễn tôi mới trở về đoàn và bước lên sân khấu luôn. Kết quả là tôi đã chẳng thể nhớ được bất cứ câu nào trong kịch bản. Không biết làm thế nào tôi đành nói với bạn diễn là diễn viên Trần Hạnh (đóng vai một anh công nhân xây nhà) là: "Thôi, tôi không nói với anh nữa, vì nói anh cũng chẳng hiểu gì".
- Phản ứng của khán giả và của lãnh đạo đoàn khi ấy ra sao?
+ Khán giả chả hiểu gì, và tôi đã bị lãnh đạo đoàn khiển trách rất nhiều.
- Từ nãy giờ chúng ta toàn nhắc đến những ký ức buồn, vậy anh có thể chia sẻ cho độc giả biết một chút những kỷ niệm vui trong cuộc đời làm nghệ thuật của mình?
+ Một kỷ niệm mà đến bây giờ nhớ lại vẫn khiến tôi rùng mình. Đó là thời điểm tôi tham gia đóng phim "Đời mưa gió" của đạo diễn Đức Hoàn. Trong phim, tôi vào vai nam chính, trong đó có cảnh ngồi ở bờ biển, trầm tư suy nghĩ, nhớ về người yêu. Cảm xúc phải dạt dào, không khóc mà như khóc. Tôi ngồi trên một mỏm đá, chân thì gác lên một mỏm đá khác cách nhau chừng 40 cm. Đang thả hồn cho vai diễn bỗng tôi nhìn xuống khoảng trống giữa hai mỏm đá, rồi bật dậy chạy như bị ma đuổi. Vừa chạy tôi vừa hét lên: "Không diễn nữa, không diễn nữa". Cả đoàn làm phim mắt tròn mắt dẹt không hiểu lý do vì sao tôi lại có hành động kỳ quặc thế. Đến khi hoàn hồn tôi kể lại cho mọi người nghe tôi đã thấy gì ở giữa hai mỏm đá thì mọi người mới vỡ lẽ. Vì đây là một bãi biển đẹp, nên rất nhiều người đến đây du lịch, và họ lấy luôn khoảng trống giữa hai mỏm đá ấy để làm nơi đại tiện.
Ngay sau khi biết được lý do vì sao tôi sợ, đạo diễn Đức Hoàn đã bắt mọi người cọ sạch chỗ ấy và bắt tôi tiếp tục phải diễn đúng nơi đó. Nhưng càng cọ, lại càng dậy mùi, cộng với những gì đã trông thấy khiến tôi không sao tập trung thả hồn cho vai diễn của mình được. Quay đi quay lại rất nhiều lần vẫn không đạt. Cuối cùng đạo diễn Đức Hoàn đành phải chấp nhận lấy một đúp mà chị cho là thành công nhất, cho dù nó không được như mong muốn. Khi xem duyệt phim, đến phân đoạn đó, cả đoàn làm phim cười ồ lên và trêu tôi: "Hoàng Dũng giỏi thật, ngồi trên một đống phân mà vẫn nhớ người yêu được".
- Nghe nói, anh vừa từ Trung Quốc trở về sau khi đã thực hiện một số cảnh quay cho bộ phim "Trần thủ Độ". Vậy anh có thể bật mí cho độc giả biết một chút về nhân vật mà anh tham gia trong phim?
+ Tôi vào vai Vua Lý Cao Tông. Đó là một nhân vật nhu nhược, việc triều đình phó thác cho gia đình nhà vợ. Có thể nói đây là một nhân vật thất thế nhưng tôi lại muốn đi sâu khai thác cái nhân tính trong con người của ông vua này. Hy vọng khi phim công chiếu, nhân vật của tôi cũng sẽ giành được cảm tình của khán giả.
- Xin cảm ơn NSND Hoàng Dũng về cuộc trò chuyện cởi mở này