Một người bạn Nga thời chống Mỹ
Tính đến năm 2018 này, bà Nguyễn Thị Hiền đã ở tuổi 73, thể trạng đã có bệnh tật, thậm chí là bệnh hiểm, nhưng tình yêu nghề cùng nghị lực phi thường đã giúp bà vượt lên tất cả để lãnh đạo ngôi trường đạt đỉnh cao về chất lượng dạy và học.
Phải khi thân thiết với bà Nguyễn Thị Hiền, tôi mới hiểu, để có một bản lĩnh cao cường và một nghị lực lớn như hôm nay hoàn toàn không phải là ngẫu nhiên, mà nó được hình thành ngay từ những ngày tháng chiến tranh ác liệt.
Năm 1963, tốt nghiệp cấp ba, Nguyễn Thị Hiền thi đỗ vào Đại học Sư phạm Hà Nội, Khoa Tiếng Nga. Năm 1965, Nguyễn Thị Hiền đang học năm thứ ba thì cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ leo thang ra miền Bắc, những sinh viên Khoa Tiếng Nga, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, không kể nam hay nữ, lần lượt được gọi nhập ngũ làm nhiệm vụ phiên dịch cho các chuyên gia quân sự Liên Xô, hướng dẫn bộ đội phòng không Việt Nam học cách sử dụng vũ khí của bạn.
Nữ phiên dịch Nguyễn Thị Hiền và Trung úy Vinxepxki Vơlađimia thời trẻ. |
Nguyễn Thị Hiền là một trong số sinh viên hăng hái lên đường. Những chuyên gia Liên Xô mà Hiền làm việc cùng phần lớn còn rất trẻ và đầy nhiệt huyết, nhưng hầu hết họ không biết tiếng Việt. Chính vì vậy, trong mỗi đơn vị Trung đoàn, Tiểu đoàn, Đại đội mà có các chuyên gia Liên Xô thì đều có các phiên dịch người Việt như Hiền.
Dịch những thuật ngữ thuộc lĩnh vực quân sự có phần khô khan, lại chưa từng được giảng dạy trong trường, Hiền phải vừa dịch vừa tự học. Không ít phen bộ đội bật cười khi nhìn cảnh phiên dịch viên và chuyên gia Liên Xô nói chuyện với nhau. Ấy là khi phiên dịch chưa thạo ngôn ngữ kỹ thuật quân sự, phải nói bằng những động tác, y như người diễn kịch câm.
Với những chuyên gia Liên Xô, những ngày tháng đầu tiên ở Việt Nam là vô cùng khó khăn, căng thẳng. Điều kiện khí hậu giữa Liên Xô và Việt Nam rất khác nhau. Chỉ một loài côn trùng bé tí teo như muỗi, dĩn, đỉa… cũng gây phiền nhiễu cho họ. Không hợp khí hậu, một số chuyên gia xuất hiện các căn bệnh lạ.
Nhưng vốn mang trong mình truyền thống quả cảm của cha ông - những hồng quân Liên Xô từng trải qua cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại - họ là những người có nghị lực phi thường. Không ít lần, máy bay Mỹ bay lượn gào rú trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng, ném đủ các loại bom đạn xuống các trận địa phòng không của ta, mảnh đạn bay vèo vèo trên đầu mà các chuyên gia Liên Xô vẫn bình tĩnh, kiên nhẫn hướng dẫn kỹ thuật cho Bộ đội Việt Nam.
Là sinh viên năm thứ 3, sau khi tích lũy được vốn từ quân sự và có khả năng dịch, Nguyễn Thị Hiền được phân công về Xưởng Sửa chữa tên lửa A31, làm nhiệm vụ phiên dịch cho nhóm chuyên gia kỹ thuật. Trong số chuyên gia ấy có một anh mang quân hàm Trung úy, 23 tuổi, tên là Vinxepxki Vơlađimia. Anh là chuyên gia tên lửa S-75 thuộc Tiểu đoàn 278, Cụm Phòng không Hà Nội biệt phái về Xưởng Sửa chữa tên lửa A31. Tuy chỉ hơn Nguyễn Thị Hiền 2 tuổi nhưng Vinxepxki Vơlađimia như một người anh lớn của Hiền, bởi anh chững chạc, vui tính và rất nhân ái.
Không ít lần Hiền phiên dịch bị vấp váp, nhưng chàng Trung úy không hề tỏ ra phật ý; chàng tìm mọi cách giúp công việc của Hiền thành công. Trong quá trình làm việc với Vinxepxki Vơlađimia, Nguyễn Thị Hiền cảm nhận được những tình cảm mà các chuyên gia quân sự của Liên Xô dành cho Quân đội nhân dân Việt Nam là vô bờ bến. Càng về sau Nguyễn Thị Hiền càng hiểu, đây là một trong những yếu tố quan trọng khiến bộ đội phòng không - không quân của ta chiến thắng không quân Mỹ.
Năm 1966, chia tay chàng chuyên gia trẻ, Nguyễn Thị Hiền đã tặng anh tấm ảnh của mình, phía sau có ghi cả tiếng Việt và tiếng Nga: "Nguyễn Thị Hiền, 68 phố Huế - Hà Nội Việt Nam". Từ đó, Nguyễn Thị Hiền không có điều kiện liên lạc với anh nữa.
Năm 1968, sau gần 3 năm phục vụ trong quân đội, Nguyễn Thị Hiền được trở về trường đại học tiếp tục học năm cuối. Sau khi tốt nghiệp, bà được giữ ở lại trường công tác một thời gian, sau đó chuyển về làm giáo viên dạy tiếng Nga ở Trường Phổ thông chuyên ngoại ngữ, Hà Nội.
Vào buổi trưa một ngày cuối năm 2012, bà Nguyễn Thị Hiền nhận được điện thoại của một nữ phóng viên Báo Quân đội nhân dân, nói: "Có một bác mang quân hàm Đại tá, người Ukraine trong đoàn Cựu chiến binh Xôviết, tên là Vinxepxki tìm bác". Bất ngờ quá, bà Hiền như không tin ở tai mình. Không lẽ anh chuyên gia quân sự trẻ tuổi từ thời chiến tranh vẫn nhớ và tìm mình? Mà mình có gì đặc biệt để anh ấy phải nhớ kia chứ? Sao nữ phóng viên này lại biết mà điện thoại cho mình? Cô ấy có nhầm không?
Tất cả những câu hỏi tại sao chỉ được giải đáp khi bà Nguyễn Thị Hiền gặp Trung tướng Lê Phúc Nguyên, Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân tại tòa soạn. Trước đó, Trung tướng Lê Phúc Nguyên đi cùng máy bay với đoàn Cựu chiến binh từ Matxcơva về Hà Nội để dự Lễ kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không. Trung tướng Lê Phúc Nguyên đã gặp Vinxepxki Vơlađimia trên chuyến bay đó.
Nghe Trung tướng Lê Phúc Nguyên kể về việc viên sĩ quan Nga đi tìm Nguyễn Thị Hiền công phu, vất vả như thế nào, bà xúc động không cầm được nước mắt. Đã 46 năm trôi qua, 46 năm chờ đợi để được gặp lại đồng đội một thời đã cùng chung chiến hào máu lửa. Vâng, họ không có tình cảm nào khác tình đồng đội mà sâu nặng đến thế.
Tấm ảnh chân dung có ghi họ tên, địa chỉ gia đình mà nữ phiên dịch Nguyễn Thị Hiền tặng Trung úy Vinxepxki Vơlađimia năm 1966. |
Gặp lại nhau, Nguyễn Thị Hiền và Vinxepxki Vơlađimia cùng rơi lệ, những giọt nước mắt của sự vui mừng và đồng cảm. Hóa ra sau khi họ chia tay Vinxepxki Vơlađimia vẫn không quên Nguyễn Thị Hiền, ông tìm cách liên lạc với bà mà không được. Vinxepxki Vơlađimia vẫn giữ tấm ảnh bà Hiền tặng cách đây 46 năm. Được nghe ông kể về quá trình đi tìm bà, bà cảm thấy mình thật có lỗi.
Kể từ cuộc hội ngộ ấy, Nguyễn Thị Hiền và cựu đại tá Vinxepxki Vơlađimia thường xuyên giữ liên lạc với nhau. Cho đến ngày 30 - 3 - 2016, con trai Vinxepxki Vơlađimia gửi thư điện tử cho bà Hiền, báo tin bố mất. Bà Hiền quá bất ngờ, vì bà mới nhận được bưu thiếp chúc mừng của ông nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8 - 3. Trước khi mất, Vinxepxki Vơlađimia dặn con báo cho bà Hiền. Ngay lập tức, bà Hiền gửi thư điện tử nhờ học sinh ở thành phố Odessa đặt vòng hoa viếng ông.
Giờ đây, Vinxepxki Vơlađimia đã an nghỉ vĩnh hằng ở phương trời xa, nhưng ký ức về người sĩ quan Liên Xô đẹp trai, hiền hậu vẫn luôn hiện diện trong ký ức của bà Hiền và gia đình, đó là những hình ảnh đẹp, những kỷ niệm đẹp của người đồng chí, đồng đội cùng chiến hào chống Mỹ. Nguyễn Thị Hiền thầm cám ơn đất nước Liên Xô, cảm ơn Vinxepxki Vơlađimia và những người con Xô viết đã đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi với những chiến binh Việt Nam trong những ngày tháng chiến tranh gian khổ, ác liệt của đất nước.
Còn bản thân bà Nguyễn Thị Hiền, với bản chất của người cựu chiến binh, bà phấn đấu không biết mệt mỏi. Năm 2014, bà được trao tặng danh hiệu "Công dân ưu tú" của Thủ đô Hà Nội; năm 2017 bà được phong tặng danh hiệu "Nhà giáo nhân dân" cao quý.