Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trường Chinh (9/2/1907 - 9/2/2017)

Một "kiến trúc sư" của nền văn hóa văn nghệ cách mạng

Thứ Năm, 16/02/2017, 08:00
Tham gia cách mạng từ năm 18 tuổi, giữ nhiều trọng trách của Đảng và Nhà nước - mà cao nhất là Tổng Bí thư của Đảng - Trường Chinh là tấm gương một chiến sĩ cách mạng kiệt xuất, chiến đấu không biết mỏi mệt, từ lúc đánh giặc ngoại xâm đến khi làm "kiến trúc sư" của công cuộc Đổi mới, đưa đất nước chuyển sang một trang lịch sử hiện đại ở thời bình. Chưa nói đến những hoạt động rất đa dạng và hết sức quan trọng, chỉ riêng lĩnh vực văn hóa văn nghệ, theo tôi, Trường Chinh cũng là một "kiến trúc sư" ngay từ thời Cách mạng Tháng Tám.


Trong lúc chuẩn bị tổng khởi nghĩa, giành độc lập cho nước nhà với bao công việc bộn bề, thiết thực, liên quan trực tiếp đến vận mệnh đất nước, văn hóa văn nghệ vẫn được Đảng coi trọng. Ngay sau cuộc họp của Thường vụ Trung ương Đảng ngày 25-3-1943, Hội Văn hóa cứu quốc thành lập và "Đề cương văn hóa" - mà người soạn thảo là Trường Chinh - đã ra đời.

Dù khó tránh hết những hạn chế do hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ, "Đề cương văn hóa" xác định: văn hóa cùng với chính trị kinh tế là ba mặt trận của Đảng; và "Đề cương văn hóa" có hai tác dụng cấp thiết: đề xuất phương hướng cho một nền văn hóa văn nghệ mới, tập hợp lực lượng trí thức (chính vì vậy, hầu hết các nhà trí thức bấy giờ đã nhanh chóng, tích cực cùng toàn dân đứng lên làm tổng khởi nghĩa, và sau đó đi chiến khu tham gia kháng chiến).

"Đề cương văn hóa" nhấn mạnh ba nguyên tắc: "Dân tộc hóa, Khoa học hóa, Đại chúng hóa" - mà sau đó, Trường Chinh đã giải thích rõ trên Báo Tiên phong:

"Phàm cái gì chống lại tinh thần dân tộc độc lập, thống nhất phải thẳng cánh đập tan.

Phàm cái gì trái khoa học, phản tiến bộ phải kiên quyết bài trừ.

Phàm cái gì phản đại chúng, xa đại chúng phải nhất quyết phê phán.

Bác Hồ với Tổng Bí thư Trường Chinh .

Ba nguyên tắc trên đây là cái khâu của một sợi dây chuyền. Nó có tính cách liên hoàn. Không thể hoàn thành nhiệm vụ vận động văn hóa mới Việt Nam nếu ta bỏ sót một nguyên tắc nào trong ba nguyên tắc ấy".

Đến năm 1948, tại Đại hội văn hóa toàn quốc lần thứ hai (Đại hội lần thứ nhất họp năm 1946, phải bỏ dở do giặc Pháp gây hấn), Trường Chinh trình bày bản báo cáo "Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam". Đây là công trình hoàn thiện hơn cả của ông và là cơ sở vững chắc cho đường lối xây dựng nền văn hóa văn nghệ cách mạng. Tinh thần khoa học cùng với một văn phong mạch lạc, khúc chiết, chặt chẽ làm cho bản báo cáo đầy sức thuyết phục và sinh động, hấp dẫn; không chỉ có tác dụng vào thời ấy mà vẫn có nhiều vấn đề còn nóng hổi tính thời sự cho đến tận bây giờ, thậm chí cả sau này.

Nói về quan hệ giữa nghệ thuật và tuyên truyền, ông viết:

"Nghệ thuật và tuyên truyền không hoàn toàn khác nhau, nhưng cũng không hoàn toàn giống nhau. Tuyên truyền cao tới một mức độ nào đó thì tuyên truyền trở thành nghệ thuật. Nghệ thuật thiết thực tới một mức độ nào đó thì nghệ thuật có tính chất rõ rệt là tuyên truyền".

Không nên quên Trường Chinh cũng trực tiếp tham gia hoạt động báo chí, ngoài việc phụ trách ông còn viết báo và được coi là một nhà báo sắc sảo, tài năng. Đặc biệt, ông say mê thơ, sáng tác khá nhiều thơ; khi in trên sách báo thường ký với bút danh Sóng Hồng. Thơ ông sáng tác đã in hai tập. Lần in đầu ở Nhà xuất bản Văn học: tập I, 1966; tập II, 1974. Sau đó còn in trong một số quyển sách khác.

Trường Chinh tâm sự một cách khiêm nhường: "Tôi là một cán bộ cách mạng biết làm thơ, không phải là một nhà thơ". Tuy nhiên, thơ ông vẫn được nhiều người đọc và ông vẫn được nhiều người coi là một nhà thơ. Tôi thích bài "Đi họp", vừa mang phong vị cổ kính, vừa có tính hiện đại, lại thấy có phảng phất lối thơ "khẩu khí" của các cụ nhà nho thời xưa, nhưng đây không phải khẩu khí của một người thường. Bài thơ này tác giả viết ở rừng Việt Bắc cuối năm 1953:

Vút ngựa vượt qua đèo,
Rì rầm tiếng suối reo.
Xuống đèo trời mới tối,
Vằng vặc mảnh trăng treo.

Ngựa mỏi đi bước một,
Người suy nghĩ vấn vương.
Nhiều khi ý kiến lớn
Vụt đến lúc đi đường.

Đêm lạnh, cành sương đượm,
Long lanh bóng nguyệt vờn.
Nhà ai bếp vẫn đỏ,
Thấp thoáng ở sườn non?

Đường xa, cơn gió rít
Xao xác chim cầm canh.
Hội nghị mai họp sớm,
Băm băm ngựa bước nhanh.

Tôi đã từng có dịp viết về bài thơ "Là thi sĩ" của Sóng Hồng. Nhân đây xin nói rõ hơn một chút: Bài thơ, như tác giả đã ghi ở cuối: viết ở ngoại thành Hà Nội, tháng 6 năm 1942. "Là thi sĩ" đầu tiên đăng báo bí mật, sau Cách mạng Tháng Tám mới đăng trên báo công khai ở Hà Nội.

Ta hãy đọc vài đoạn:

LÀ THI SĨ

  (Tặng các nhà thơ Việt Nam)

Nếu "thi sĩ nghĩa là ru với gió,
Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây"
Để tâm hồn treo ngược ở cành cây,
Hay lả lướt đìu hiu cùng ngọn liễu;
Nếu thi sĩ nghĩa là nhăn với mếu,
Nghĩa là van Thượng đế rủ lòng thương,
Hồn bơ vơ lạc lõng ở mười phương,
Khóc rả rích như ve sầu tháng hạ;
Nếu thi sĩ vùi đầu mài miệt tả
Cặp "tuyết lê" hồi hộp trước tình yêu,
Cho cuộc đời là mộng ảo cao siêu,
Chìm đắm ở thương hoa và tiếc ngọc;
Nếu thi sĩ nghĩa là đem gấm vóc
Phủ lên trên xã hội đã điêu tàn,
Véo von ca cho át tiếng kêu than
Của nhân loại cần lao đang giãy giụa;
Thì bạn hỡi, một nhà thơ như rứa
Là tai ương, chướng họa của nhân quần...

Tác giả còn phê phán các nhà thơ kiểu này mạnh hơn nữa ở những câu sau đó, nhưng vẫn coi trọng họ, khích lệ họ:

Không, không được! Hỡi các nhà văn nghệ,
Các nhà thơ yêu dấu của đồng bào,
Các nhà thơ trong sạch và thanh tao,
Hoa thơm ngát trong vườn xuân đất Việt!
Là thi sĩ phải là hồn cao khiết,
Chí kiên cường và sức mạnh cao siêu;
Ca tự do, tiến bộ với tình yêu
- Yêu nhân loại, hòa bình và công lý -
Cao giọng hát những bài ca chính khí
Của anh hùng đã vì nước quên mình,
Sống quang vinh mà chết cũng quang vinh,
Của Bãi Sậy, Thái Nguyên và Yên Bái...
Là thi sĩ nghĩa là theo gió mới
Tìm ý thơ trên ngọn sóng Bạch Đằng.
Để tâm hồn dào dạt với Chi Lăng,
Làm bất tử trận Đống Đa oanh liệt.
Dốc cho hết cả một bầu nhiệt huyết,
Tưới tâm can đồng loại lúc tàn đông;
Thả trái tim hòa nhịp với Đô Lương,
Với Lục Tỉnh, Bắc Sơn và Đình Cả.
Là thi sĩ nghĩa là cao khúc họa
Cuộc đấu tranh vĩ đại của hoàn cầu
Chống hung tàn xâm lược khắp năm châu.
Trên trái đất dựng cao cờ dân chủ.
Dùng ngòi bút làm đòn xoay chế độ,
Mỗi vần thơ: bom đạn phá cường quyền,
Và lúc cần, quẳng bút lấy long tuyền.

("Long tuyền" là tên gọi thanh gươm báu ngày trước)

Như vậy, nghe giọng thơ ở "Là thi sĩ" và đọc những dòng đầu của bài thơ với lời đề tặng, người đọc sẽ nghĩ ngay đến bài thơ "Cảm xúc" của nhà thơ Xuân Diệu, viết năm 1933, cũng là một giọng thơ, cũng có lời đề tặng, và nhất là có hai câu đầu mà bài "Là thi sĩ" đã sử dụng:

CẢM XÚC

Tặng Thế Lữ

Là thi sĩ, nghĩa là ru với gió,
Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây,
ể linh hồn ràng buộc bởi muôn giây,
Hay chia xẻ bởi trăm tình yêu mến...

Cũng do đó mà đã có các nhà nghiên cứu, các nhà giáo cho rằng "Là thi sĩ" được Sóng Hồng viết để đấu tranh trực diện với quan niệm về thơ trong bài "Cảm xúc" của nhà thơ Xuân Diệu. Tuy nhiên, theo chính nhà thơ Sóng Hồng cho biết thì bài "Là thi sĩ" ông viết năm 1942 là để giúp một chị binh vận tuyên truyền một anh thư ký của nhà binh Pháp (xem "Trường Chinh: Tuyển tập văn học" tập II, tr.295-296, Nhà xuất bản Văn học, 1997).

Người đọc cũng không quên, có một dịp rất hiếm hoi (viết theo yêu cầu của Nhà xuất bản Văn học ở những dòng in đầu tập "Thơ" của ông) nhà thơ Sóng Hồng đã nói trực tiếp quan niệm của nhà cách mạng Trường Chinh về thơ.

Thật vinh dự cho thơ, cho các nhà thơ, khi được nghe một nhà cách mạng kiệt xuất nói về thơ như thế này:

- Thơ là một hình thái nghệ thuật cao quý, tinh vi.

- Thơ là nghệ thuật kỳ diệu bậc nhất của trí tưởng tượng.

- Thơ là một viên ngọc kim cương long lanh dưới ánh sáng mặt trời. Thơ là thơ, đồng thời cũng là vẽ, là nhạc, là chạm khắc theo một cách riêng.

- Thơ tức là sự thể hiện con người và thời đại một cách cao đẹp. Thơ không chỉ nói lên tình cảm riêng của nhà thơ, mà nhiều khi thông qua tình cảm đó nói lên niềm hy vọng của cả một dân tộc, những ước mơ của nhân dân, vẽ nên những nhịp đập của trái tim quần chúng và xu thế chung của lịch sử loài người...

Hồng Diệu
.
.