Một họa sĩ coi hội họa là “Đạo”

Thứ Bảy, 17/06/2017, 08:14
Sau 59 năm cầm bút vẽ, tác giả của hơn 1.400 kịch bản phim, họa sĩ Đặng Huy Quyển đã ghi dấu cuộc đời mình với khoảng 700 bức tranh. Một nửa trong số đó đã lưu lạc trong thời gian ông tá túc nhà bè bạn, gần nửa còn lại lưu tại xưởng gốm của cô con gái ở Bát Tràng. Ông chỉ để ít tranh mới vẽ ở nhà vì chật chội. 


Chưa bức tranh nào bán được, chưa từng có một triển lãm cá nhân đúng nghĩa, chỉ số ít bạn bè, họa sĩ xem tranh. Nhưng bằng tâm thế đến với nghệ thuật “chân thành yêu đến giọt cuối cùng” không mong cầu bất cứ điều gì, thì thái độ ấy ngay cả họa sĩ chuyên nghiệp nhất cũng phải nể trọng. 

Đặng Huy Quyển đến với hội họa một cách giản đơn, vì cha là NSND, cố họa sĩ Nguyễn Hồng, nguyên Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam. Với lợi thế của một họa sĩ trang trí, cha hướng cho ông học Trường Mỹ thuật Công nghiệp để nối nghiệp mình. Nhưng sức hấp dẫn của hội họa tạo hình đã cuốn hút Đặng Huy Quyển. Vài năm sau khi rời trường đại học, ông cũng rời nhà, sống phiêu dạt theo đuổi ước mơ của mình.

Ban đầu, chỉ là một suy nghĩ cá nhân, làm họa sĩ trang trí “vẽ xong phông màn, diễn xong người ta bỏ đi, dựng vở khác, mình không có tác phẩm”. Nhưng khi đã vẽ được hàng trăm bức tranh sơn dầu, vật vã khổ sở vì tranh, vợ con nheo nhóc, phải làm nhiều nghề từ hậu đài sân khấu, viết kịch bản phim, “17 năm vót nhọn chì than đầu đường xó chợ ký họa” thì giấc mơ họa sĩ là một hiện thực cô đơn đã hiện ra.

Họa sĩ Đặng Huy Quyển.

Tranh cứ vẽ, cứ để đấy, hoặc cất đi, chẳng ai xem. Hoặc có người xem thì không ai bàn luận đến nó, “không khen, không chê, không ai nhắc đến mình”. Một phía nào đó, người nghệ sĩ cũng cảm thấy “trống trải, cô đơn”.

Tất nhiên sáng tạo là chuyện cá nhân, và người sáng tạo trước hết là cho chính bản thân mình, để được vẽ những bức tranh của lòng mình; không phải vì một lời khen, ý chê của người khác. Nhưng đã là một con người, có khi nào người ta sống mà không đặt mình trong mối quan hệ với loài người, với xã hội, với thế giới.

Tranh vẽ, bản thân cũng là một đời sống, đời sống kéo dài của người sáng tạo. Mà hiện thực anh ta sống cũng là một đời sống. Những ngày họa sĩ lang thang đói khổ không tem phiếu cũng là sống, bị “ký quyết định đuổi khỏi Đài Truyền hình Trung ương” cũng là sống, viết kịch bản phim hài, phim chính luận để có tiền mua họa phẩm cũng là sống, thậm chí chứng kiến cái chết con trai một họa sĩ tài danh Hà Nội cũng là sống.

Với ông “nghệ thuật là một dòng chảy, người nghệ sĩ phải vận động trong cái dòng chảy ấy”. “Khi đã có phương tiện thể hiện thì nội tâm con người thế nào. Đấy là quá trình học, quá trình lao động và quá trình chấp nhận mọi sóng gió cuộc đời. Và chỉ được phép trả lại những gì long lanh đẹp đẽ cho cuộc đời thì lúc đó anh mới có tâm thế dâng hiến tất cả”.

Từ lâu, Đặng Huy Quyển không còn mong cầu gì ở hội họa. Không tiền bạc, không danh tiếng. Thực tế những bức tranh ông vẽ cũng không mang lại cho ông một ngôi nhà, sự đầy đủ về vật chất hay sự để tâm của đồng nghiệp. Ông lặng lẽ sống, lặng lẽ vẽ, không vì điều gì ngoài “một cái đạo với chính mình”. Nếu “vẽ để được cái gì” thì với những gì hội họa đem lại, chắc ông cũng đã “không vẽ được từ lâu”.

Có lẽ điều ấy ông đã học được ở tiền nhân. “Mình cứ soi vào tấm gương các cụ. Nghệ thuật chả có mưu cầu gì”. “Một nghệ sĩ, khi bị vùi dập, người ta vẫn là người ta. Khi anh tôn vinh người ta lên, người ta vẫn là người ta. Người ta không thay đổi thái độ, vẫn yêu con người, vẫn yêu cuộc sống”; “Hãy trung thực với mình. Xuất phát từ đời sống đã. Anh đã trả giá cho đời sống chưa và anh yêu cuộc sống đến đâu”; “Tai họa đến anh biết ơn nó, kẻ thù đến anh cũng biết ơn nó và người tốt đến anh cũng biết ơn nó. Biết ơn bằng cách trả lại cuộc đời những bức tranh đẹp chứ không có nghĩa quay lại trả thù bằng những hằn học”.

Quan niệm của mỗi người sẽ quyết định đến hành động của người đó. Với họa sĩ, quan niệm cũng quyết định đến hình thức và cách thức vẽ. Một bức tranh có hình thức đẹp, theo Đặng Huy Quyển là “hình thức mà ai cũng thấy, những thứ họ nhìn không xa lạ gì với đời sống”, nhưng khi thể hiện trong tranh, người xem thấy chúng đẹp, “bởi nó được đặt trong một mối quan hệ, bởi nó nhân văn”. Và cái đẹp đó phải xuất phát từ tình yêu khi “anh yêu thương nhân loại, yêu thương cả bản thân cuộc sống của chính mình”, dù “khi thể hiện ra chưa chắc đã được ủng hộ”.  

Tranh của Đặng Huy Quyển không phải là loại tranh dễ xem mà là “có cái để xem và có cái để nghĩ”. Lối vẽ biểu hiện sử dụng nhiều tiểu đối, gợi nhiều đồng âm, nhưng cuối cùng bức tranh hướng đến là nó có “đi vào trái tim” không, có tạo được sự đồng cảm không.

Dù để đi vào trái tim, ngoài hiệu ứng dị biệt mà hình và màu mang lại, cần đến cả “lý trí” của người xem. “Tận cùng của duy lý là duy cảm. Tận cùng của duy cảm thì nó chạm đến duy lý”, “Anh duy lý đến tận cùng thì đấy là một thái độ sống, mà thái độ sống tức là tình cảm. Hoặc anh hoàn toàn thuần túy tình cảm để đi đến một kết luận, thì cũng là lý trí”.

Trích đoạn tranh “Dải thời gian” của họa sĩ Đặng Huy Quyển.

Ám ảnh một câu của họa sĩ người Pháp Gauguin: “Chúng ta từ đâu đến - Chúng ta là ai - Chúng ta đi về đâu”, Đặng Huy Quyển quan tâm đến thần học, tâm linh, quan tâm đến con người và vũ trụ, quan tâm đến thân phận con người.

Trong số nhiều tranh ông vẽ có hai tranh thực sự lớn: một tranh “Nhân sinh” dài 65m, khổ 1.2m; một tranh mang tên “Dải thời gian” cao 50m, rộng 1.75m. Nếu như “Nhân sinh” nói về con người trong chu kỳ vận động sinh - diệt thì bức thứ hai lại nói về “Triết học, tôn giáo” của cây. Trong ý niệm của họa sĩ, “động vật thì có thể tan biến nhưng thực vật thì không”.

Tất nhiên “trong thế giới xuyên suốt ấy” cây “cũng có trật tự của nó; có đẹp, có xấu; có cũ, có mới; có sự phát triển của xã hội cây”. Cuối cùng, con người văn minh không còn tồn tại thì cao nhất, ở trên đỉnh của “Dải thời gian” vẫn là “tam bảo hương” của cỏ cây hoa lá, là vườn địa đàng Eden.

Rõ ràng kích thước bức tranh không nói lên tầm vóc của người họa sĩ, nhưng không phải bất cứ họa sĩ nào cũng có đủ dũng cảm, sức mạnh vẽ những bức tranh như vậy. Để chỉnh thể một bức tranh không phân đoạn nào bị lặp lại thì đòi hỏi “mỗi khúc truyện mình phải đáp ứng một mục đích của nó”. 

Đặng Huy Quyển chia sẻ rằng bây giờ ông không đủ sức khỏe vẽ những tác phẩm lớn như trước, khi hàng năm trời thời gian đảo lộn, toan rải dưới đất, còn “chân đi tất, đứng tô từng tí một”. Nhiều lúc thiếp đi mê man mà ông vẫn tưởng mình đang vẽ. 

Có lẽ do quá trăn trở, những đợt vào tác phẩm lớn, đề tài lớn, ông quên mất cả khái niệm ngày đêm, no đói. Nhưng ông cảm thấy dường như mình được truyền thêm năng lượng, cả về thể lực, bút lực lẫn trí lực. Đến đoạn “quẫn bí” “các cụ lại về dạy bảo, mắng mỏ, nói năng, cho nhìn thấy tranh sau đó chỉ việc vẽ ra”.

Làm mọi việc, cuối cùng chỉ để vẽ tranh, nhưng lại chẳng mấy người xem, đó là hạnh phúc hay cô đơn của người họa sĩ? Đặng Huy Quyển dường như không còn bận tâm nhiều đến chúng nữa. Chỉ là, đến một lúc, ông thấy cảm ơn tất cả những bất hạnh, thiệt thòi mình chịu đựng. Vì nhờ nó mà ông “có ngày hôm nay”, còn không ông “sẽ thành con người khác”. Và ông “không bao giờ đổi cái con người khác lấy con người này”.

Có lần họa sĩ bàn với bạn, đem tất cả các tác phẩm mình cất giữ, triển lãm một lần ở bờ sông cho bạn bè đến xem rồi châm lửa đốt hết. Nhưng một người bạn khác đã ngăn lại: “Mày có thể tự thiêu chứ mày đừng đốt tranh. Mày không còn giá trị nữa thì mày đốt mày đi còn những cái mày làm ra thì đừng đốt”. Cũng là để trả lời với bạn bè tại sao, Đặng Huy Quyển đã nói là: “Người ta xây Opera Sydney là việc điên rồ, Vạn lý Trường thành xây ra là sự điên rồ, tháp Eiffel xây lên cũng điên rồ. Nhưng may nhờ sự điên rồ ấy mà chúng ta có cái để xem”.

“Vẽ tranh như thế này cũng là sự điên rồ”. Nếu không ông “có thể đi ăn cướp, có thể giết người, có thể làm bất cứ việc gì để thỏa mãn cơn điên. Thì may quá có hội họa” để trút vào. “Thượng đế cho mình một đời sống để mình thấy nắng vàng, thấy mưa bạc, thấy gió thổi, thấy hoa nở. Cái ơn ấy không bao giờ trả được. Mà lại còn được vẽ, được làm nghệ thuật, còn đòi cái gì”. Dù thế nào, ông cũng “bằng lòng hết”.

Hải An
.
.