Một gia đình nhiều thế hệ nổi danh

Thứ Sáu, 16/12/2016, 09:49
Có lẽ ở ta ít có gia đình nào nhiều đời, với nhiều người nổi tiếng như gia đình cố GS, Nhà giáo Nhân dân (NGND) Nguyễn Lân. Tôi đến thăm gia đình GS Nguyễn Lân Dũng ở phố Trần Thánh Tông sau nhiều lần hẹn. GS Nguyễn Lân Dũng là con thứ ba trong 8 người con của GS Nguyễn Lân. 


Khi tôi hỏi bí quyết nào để gia đình lớn của ông qua nhiều đời với nhiều thế hệ có nhiều người học hành đỗ đạt và nổi tiếng như vậy? GS Nguyễn Lân Dũng nói: "Người ta thường nói đến gen trí tuệ, đến di truyền… Nhưng theo tôi, giáo dục gia đình và môi trường xã hội là rất quan trọng".

Ông kể rằng năm lên 7 tuổi, ông được chứng kiến sự kiện vua Bảo Đại thoái vị ở Huế. Lúc đó, bố ông đang làm đốc lý (như là thị trưởng thành phố Huế) cho Chính phủ Trần Trọng Kim. Chính bố ông khi đảm đương chức vị đốc lý đã đổi tên các con đường ở thành phố Huế từ tiếng Pháp sang tiếng Việt và kiên quyết từ chối tiếp xúc với những người Nhật, từ chối lương bổng của một đốc lý, chỉ nhận lương dạy học mà thôi. Ngay từ ngày đó, ông đã chứng kiến tấm gương sống liêm khiết của bố "Đến cái máy chữ bị mất ba tôi cũng cố tìm bằng được  để bàn giao cho chính quyền mới" -  Ông cho biết.

Giáo sư Nguyễn Văn Lân và vợ - bà Nguyễn Thị Tề.

Cách mạng thành công, bố mẹ ông đưa cả gia đình lên Việt Bắc, đi theo kháng chiến. Bố ông được phân công làm Giám đốc Giáo dục Liên khu 10 gồm 6 tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Yên, Tuyên Quang, Lào Cai và Hà Giang, lương hàng tháng là 53 ki lô gạo. Với chiếc xe đạp cũ, bố ông đã không quản suối sâu, đèo cao, đến với từng cơ sở, từng bản, từng mường …

"Trong hoàn cảnh  gian khổ  thiếu thốn khó khăn như vậy mà ba mẹ tôi vẫn vui vẻ, lạc quan. Mẹ tôi vốn là con một đại điền chủ, từng sống trong nhung lụa, nay phải chịu đói, chịu rét, chịu gian khổ để nuôi các con. Mẹ  giành dụm được ít tiền, thường đi hỏi mua lại quần áo cũ của người tản cư  mang về giặt sạch rồi chuyển cho dân bản để họ đỡ phần rách rưới,  đổi  lại  dân bản cho mẹ tôi gạo, ngô, khoai, sắn mang về nuôi con… Ba mẹ tôi dạy chúng tôi trước hết bằng chính tấm gương của mình…

Có lần, đang đêm mưa rét, có người dân bản gõ cửa nói người nhà bị bệnh nặng. Em trai tôi là Nguyễn Lân Việt ngại đi, mẹ tôi bảo: "Con không là gì thì cũng là một sinh viên y khoa, con phải đi cứu người, cứu được một con người là phúc đẳng hà sa đấy"…

Tôi vẫn nhớ như in lời ba tôi dạy rằng mình là gia đình cán bộ, không có tiền nên các con cố mà học; ba mẹ chỉ cho các con kiến thức, các con cố học mà thành tài…"- GS Nguyễn Lân Dũng tâm sự.

Tôi đọc cuốn "Vinh quang nghề thầy"  do Nhà xuất bản Giáo Dục ấn hành và nhận ra được rất nhiều điều từ cách dạy con, dạy cháu nên người của gia đình dòng họ Nguyễn Lân.

"Những đêm trăng cùng bố mẹ đi thuyền trên sông Hương, những buổi nghỉ cuối tuần cha tôi thường xuyên tổ chức trên núi Ngự Bình; những cuộc đi thăm lăng tẩm, đồ sộ nguy nga, gần gũi với thiên nhiên… Những buổi lửa trại cùng đoàn hướng đạo sinh… Chính là cái gen văn nghệ của bố tôi đã giúp tôi thành đạt trong sự nghiệp âm nhạc của mình…" - GS.TS Nguyễn Lân Tuất, người con cả trong gia đình hồi tưởng.

Dạy con yêu thiên nhiên, yêu các di sản văn hóa, hướng tới những việc làm lương thiện chính là dạy con có cuộc sống tinh thần phong phú mà GS.TS Nguyễn Lân Tuất đã tiếp thu được ở bố mình để trở thành người Việt Nam đầu tiên được phong danh hiệu Nghệ sỹ Công huân ở Liên bang Nga.

"Ba tôi thường dạy 8 anh chị em chúng tôi là không được đánh con và ông cũng gương mẫu thực hiện điều này suốt trong cả cuộc đời mình. Ông giảng giải cho tôi: Đánh con, mạt sát con là thể hiện sự bất lực của mình và làm cho con cái không phục, phải khuyên nhủ cho chúng thấy được điều hay, lẽ phải …"- PGS-TS Nguyễn Lân Cường, người con thứ tư tâm sự về những bí quyết của cha tmình trong cách nuôi dạy ứng xử với con cái mà ông luôn ghi lòng tạc dạ.

Bố mẹ dạy dỗ, chăm sóc các con, rồi người anh, người chị phải có trách nghiệm dạy em, chăm sóc cho em, đó là truyền thống trong gia đình GS-NGND Nguyễn Lân. GS - TS Nguyễn Lân Hùng nhớ lại những lời cha dạy sâu sắc về tình yêu thương giữa các anh chị em trong gia đình: "Hòa bình lập lại, khu học xá chuyển dần về nước, cả nhà tôi cũng về, trừ tôi và Lân Tráng ở lại tiếp tục học (lúc đó tôi lớp 5, Lân Tráng lớp 1). Khi chia tay, ba tôi dặn: Các con đã lớn, phải cố gắng học tập và thương yêu nhau, đứa lớn phải chăm sóc cho đứa bé …". 

 Người con dâu Trần Thảo Nguyên thì kể rằng: "Ba chia sẻ với chúng con những mệt nhọc của nghề dạy học… Ba giảng cho con về cách dạy học của Khổng Tử: hình vuông chỉ dạy ba góc… con phải biết tìm cách gợi mở cho sinh viên để họ suy nghĩ và trao đổi, cách ấy có hiệu quả hơn, giờ học sinh động và hứng thú hơn, còn mình cũng đỡ phải nói nhiều …".

Cách dạy "Hình vuông chỉ dạy ba góc"  của tiền nhân cũng chính là cách mà cố GS Nguyễn Lân dạy các con mình, dạy bằng cách gợi mở, chứ không áp đặp, tạo ra suy nghĩ độc lập sau này.

Khi có nhà báo hỏi cố GS - NGND Nguyễn Lân bí quyết nào để 8 người con của cụ thành đạt, giỏi giang như vậy, cố GS nói: "Chúng tôi phải luôn tận tâm với con, các con sẽ không phụ thuộc vào cha mẹ, đồng thời phải phấn đấu  làm gương cho các con, từ cách làm việc, tác phong, quan hệ, ứng xử với hàng xóm, với con cái trong nhà…".

Theo từ điển bách khoa mở  Wikipedia, cụ Nguyễn Lân sinh năm 1906  tại Mỹ Hào, Hưng Yên, là "GS, NGND, nhà soạn từ điển, học giả nổi tiếng Việt Nam. Ông lấy vợ là bà Nguyền Thị Tề, một phụ nữ đẹp, hiền thục, nữ sinh trường Sainte Marie Hà Nội, con đại điền chủ Nguyễn Hữu Tiệp. Ông có 8 người con, tất cả đều là giảng viên các trường đại học lớn, là những nhà khoa học nổi tiếng ở Việt Nam… Ông được Giải thưởng Nhà nước về các công trình khoa học".

Tám người con của cố GS- NGND Nguyễn Lân là GS-TS Nguyễn Lân Tuất, nguyên Chủ nghiệm khoa Lý luận và Sáng tác Nhạc viện Novoxiec (Nga), Nghệ sỹ Công huân Liên bang Nga; TS Nguyễn Tề Chỉnh (đã mất) nguyên giảng viên đại học Sư phạm Hà Nội; GS-TS Nguyễn Lân Dũng, nguyên Giám đốc Trung tâm Sinh vật học Ứng dụng, đại biểu Quốc hội 3 khóa PGS - TS Nguyễn Lân Cường Phó tổng thư ký hội khảo cổ Việt Nam, Phó chủ tịch hội cổ sinh địa tầng Việt Nam; GS-TS Nguyễn Lân Hùng, giảng viên đại học Sư phạm Hà Nội, Phó Tổng thư ký Hội Sinh vật học Việt Nam; Phó GS-TS Nguyễn Lân Tráng, giảng viên đại học Bách khoa Hà Nội; GS - TS - NGND Nguyễn Lân Việt, Viện trưởng Viện Tim mạch, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Y khoa Hà Nội; PGS-TS Nguyễn Lân Trung, Hiệu phó đại học Ngoại ngữ Hà Nội, nguyên Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Cho đến nay gia đình lớn của cố GS - NGND Nguyễn Lân có 7 GS, 8 phó GS, 12 tiến sỹ, quả là một gia đình thành đạt ít có ở Việt Nam .

Nhà vườn Sóc Sơn, 2016

Dương Kỳ Anh
.
.