Một đời rong ruổi cùng phim tài liệu
Mỗi bộ phim là một trải nghiệm của riêng mình
Thầm lặng dốc sức trong công việc và mặc nhiên chấp nhận sự "quên" rất "hồn nhiên" của Ban tổ chức những cuộc thi điện ảnh lớn cho đóng góp của nhà biên kịch và viết lời bình phim tài liệu, ông bảo, tới giờ, sau 24 năm làm phim truyền hình, ông vẫn chưa có một giải thưởng nào ghi chính xác cho tên mình.
Dù chưa ai làm thống kê, nhưng có lẽ, tới giờ, Trần Đức Tuấn là nhà biên kịch có số lượng kịch bản phim tài liệu truyền hình nhiều tập lớn nhất cả nước. Tên tuổi ông trở thành một trong những thương hiệu hàng đầu tại TP HCM cũng như trong cả nước khi người ta muốn chọn một cây bút viết lời bình cho phim tài liệu.
Từng có sáu năm học đại học ngành văn tại Cuba và năm năm làm chuyên gia tại Đài phát thanh Moskva, từ những năm tháng thanh niên, nhà biên kịch Trần Đức Tuấn đã được hấp thụ những tinh hoa văn hóa - văn học thế giới ở môi trường ngoại quốc.
Ông đam mê văn chương Pháp, Nga, Tây Ban Nha, Italia, Anh, Trung Quốc…, đặc biệt say mê lối văn chương súc tích và giàu dư vị triết lý của châu Âu. Với văn học Trung Quốc, ông thích nhất mảng tiểu thuyết dã sử và các bài thơ Đường. Ông thừa nhận, ngay trong lúc viết lời bình cho phim, ông đã vận dụng những điều tâm đắc mình thâu nhận được từ những nền văn học lớn của thế giới.
Chưa từng học một trường lớp nào liên quan tới công việc viết lời bình cho phim, ông chỉ tự đặt ra cho mình những tiêu chí để có được hiệu quả tốt nhất. Xa lạ với lối văn học trò sáo mòn và thói sính dùng từ lạ, ông cũng rất dị ứng với lối vừa nói vừa diễn của một số người. Vì lẽ ấy mà ngay cả trong những cuộc chuyện trò hằng ngày, ông thích những người ít lời nhưng đã nói thì rất ấn tượng.
Làm phim tài liệu dù thế nào cũng không thoát khỏi những vấn đề nhạy cảm chính trị. Nếu né tránh, nó sẽ khiến người xem khó chịu, thậm chí có thể tắt ti-vi ngay. Nhưng nếu không muốn né tránh, người viết lời bình nhất thiết phải tìm ra cách nói "mềm hóa" đi. "Văn chương hóa những vấn đề chính trị" vừa là nhiệm vụ và cũng trở thành mục tiêu của nhà biên kịch.
Ông coi mỗi bộ phim ông làm là cho chính mình, với tất cả những kiến thức, cảm xúc và góc nhìn của cá nhân.
Thực tiễn luôn sinh động
Những năm đầu thế kỷ XXI ở Việt Nam, ký sự là thể loại phim mới được HTV tập trung phát triển. Độ mở của kịch bản rất lớn, phải tới 70% nội dung kịch bản được chỉnh sửa, bổ sung thêm trong quá trình thực hiện. Riêng với phim "Mê Kông ký sự", có tới 5 chuyến đi cho bộ phim đó. Trước khi quay ở Trung Quốc, nhà biên kịch phải chuẩn bị nhiều kịch bản khác nhau vì đoạn sông Mê Kông chảy qua đất nước này rất dài. Do đó, mỗi chuyến đi trên đất Trung Quốc lại có một kịch bản riêng.
Nhà biên kịch Trần Đức Tuấn (người đứng ngoài cùng bên trái) cùng đoàn làm phim "Mê Kông ký sự". |
Để tiết kiệm chi phí, đoàn làm phim của HTV không đi tiền trạm như cách làm phim ký sự của các nước khác trên thế giới. Đi đến đâu hỏi han đến đấy, ghi chép cật lực suốt ngày để có thêm thông tin. Nhà biên kịch phải chỉnh sửa lại kịch bản phù hợp hơn với thông tin vừa thu nhận.
Cũng vì độ mở và tính thực tiễn mà các bộ phim ký sự trở thành loại phim hấp dẫn và dễ xem với nhiều người. Thực sự, nó cũng "dễ" cho người làm phim khi triển khai câu chuyện. Khán giả thích đời thường, họ cũng thích những trải nghiệm ở các không gian mới lạ, những nơi không phải ai cũng có cơ hội "tận mục sở thị".
Theo quan niệm của nhà biên kịch Trần Đức Tuấn, với phim tài liệu ký sự, thông tin là yếu tố quan trọng hàng đầu. Chính các thông tin bất ngờ, đôi khi mâu thuẫn với những gì đã biết lại là yếu tố tạo điểm nhấn cho phim.
Vốn mê thơ Đường, khi tới địa danh bến Phong Kiều, ông không thể không nhớ tới bài thơ "Phong Kiều dạ bạc" của Trương Kế đã được Tản Đà dịch xuất thần với những câu gần như ai cũng biết: "Thuyền ai đậu bến Cô Tô/ Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San". Ấy vậy mà sang Trung Quốc, ở nơi bài thơ đó ra đời, hỏi các chuyên gia nghiên cứu văn học ở Tô Châu không ai biết đến các giai thoại làm nên hai câu kết xuất thần của bài thơ. Sau lên tới Bắc Kinh, hỏi các chuyên gia nghiên cứu văn học cổ điển Trung Quốc khác cũng không ai biết.
Nhà biên kịch đã ngờ ngợ đồ rằng giai thoại văn chương với những câu thơ khác rất hay làm bối cảnh để đưa đẩy tới chuyện Trương Kế có được hai câu cuối xuất thần trong bài "Phong Kiều dạ bạc" là sản phẩm sáng tạo riêng của thi sĩ Tản Đà. Giai thoại văn học tồn nghi đó đã để lại dư vị sâu lắng khiến người xem muốn nghĩ thêm cùng tác giả lời bình là vì thế.
Ghi chép, ghi chép và ghi chép
Trên ôtô di chuyển cũng như khi ở địa bàn thực tế, lúc nào ông cũng kè kè cuốn sổ ghi chép. Sổ to sổ bé, sổ mẹ sổ con với tất cả những thông tin từ việc chú thích tên nhân vật, địa danh, di tích trong cảnh quay, tới những ý nghĩ chợt nảy khi quan sát cảnh vật, con người. Lắm khi, ông phải mất công ghi lại thật đầy đủ một câu văn chợt đến trong đầu. Cũng phải thôi, đôi khi, sự việc, con người và cảnh vật của thực tiễn lại là cái cớ thật đắc địa để người viết lời bình "chạm" tới nỗi lòng người xem bởi những liên hệ nhân tình, thế thái.
Không ít lần đoàn làm phim quay trên đỉnh núi, xuống tới chân núi, ông mới biết đã bỏ quên cuốn sổ chỗ quay phim, lại tất tả ngược lên tìm. Sau này rút kinh nghiệm, mỗi chuyến đi ông ghi riêng tài liệu trong một cuốn, để lỡ có mất, chỉ mất cuốn đó thôi, không liên quan tới tư liệu phim khác. Tới giờ, số lượng sổ ghi chép tư liệu trong các chuyến làm phim của ông đã chất thành đống!
Làm phim ký sự: nối dài giấc mơ thuở bé
Giai đoạn trước năm 1990, Trần Đức Tuấn tham gia viết kịch bản và lời bình cho các bộ phim như "Một thoáng Hong Kong", "Một thoáng Bang Kok", "Một thoáng Malaysia", 8 tập phim về Cuba, "Paris hoa lệ", "Hai bờ đại dương nước Mỹ", v.v... Những bộ phim ngắn, mỗi phim chừng 3 đến 4 tập đó có thể coi là những bước đầu đưa nhà biên kịch Trần Đức Tuấn ngày càng tiến sâu và thuần thục hơn vào lĩnh vực biên kịch, viết lời bình phim.
Tới năm 2000, ông bắt đầu "bơi xa" hơn với bộ phim "Trung Hoa du ký" 23 tập, năm 2001 là phim "Những nẻo đường Trung Hoa" 8 tập. Tới năm 2002 ông bắt tay viết kịch bản bộ phim có thể nói lớn nhất đời mình: "Mê Kông ký sự". Ban đầu HTV chỉ định làm 20 tập, sau dự kiến nâng lên 50 tập và rốt cuộc đã thành 92 tập.
Trong quá trình làm 92 tập phim tài liệu "Mê Kông ký sự" suốt năm năm, ông và đoàn phim đã lang thang khắp sáu nước nằm dọc theo dòng sông Mê Kông là Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar và Việt Nam. Trong 92 tập phim đó, có tới 85 tập do nhà biên kịch Trần Đức Tuấn viết lời bình.
Vốn ham thích lãng du nên từ lúc bước vào nghề làm phim, nhà biên kịch Trần Đức Tuấn đã như cá được về với nước. Dù chứng đau cột sống hành hạ suốt mấy chục năm, nhưng được say sưa, đắm chìm trong các chuyến viễn du, ông gần như không còn nghĩ về nó.
Thường mỗi chuyến, thành phần đi rất ít người. Ngoài lái xe chỉ có sáu thành viên gồm một đạo diễn, một quay phim, một phụ quay, một biên kịch, một phiên dịch và một hướng dẫn viên nơi sở tại.
Đã có những chuyến làm phim ở Trung Quốc, sau khi kết thúc hành trình, hướng dẫn viên nói thẳng với trưởng đoàn phim lần sau có mời ông cũng từ chối. Đó là bởi những con đèo cua tay áo liên tục bên bờ vực thẳm trên hành trình mà ngay chính những người làm phim cũng không ngờ tới. Lại có những lần cả đoàn phải thở ôxy ở những độ cao không khí quá loãng.
Dù vậy thì với nhà biên kịch Trần Đức Tuấn, gian khổ mấy cũng không thấm vào đâu so với các trải nghiệm quý giá ông thu nhặt được trong suốt hành trình. Ông đã đi được khoảng bốn mươi nước, trong đó, có những cuộc trở đi trở lại nhiều lần ở một quốc gia để làm phim. Như Trung Quốc, ông đã đi về tới hơn hai mươi lần. Ông vẫn còn mấy tập kịch bản phim ký sự dài tập nữa (mỗi bộ phim gần trăm tập) chưa được quay. Đó là các kịch bản: "Người Việt ở nước ngoài", "Xe lửa xuyên lục địa Trung Quốc", "Xe lửa xuyên lục địa Nam - Bắc Mỹ". Ông cũng đã hoàn thành xong kịch bản 100 tập cho bộ phim ký sự biển đảo do HTV đặt hàng.
Sau công việc này, với quá nhiều chứng bệnh đang có trong người, ông cảm thấy mình đã không còn sức khỏe để tiếp tục với niềm đam mê suốt hơn hai mươi năm qua. Có lẽ cũng đã tới lúc đôi chân một thời rong ruổi khắp các vùng miền đã "mệt quá" rồi, và phải "tìm đến chiếc ghế" nghỉ ngơi