Một đời đắm đuối với quan họ
- Cố nhạc sỹ Xuân Oanh: Sáng tác bài ca bất hủ "19 tháng 8" trên một đoạn đường
- Album kỷ niệm 13 năm ngày mất của cố nhạc sỹ Văn Cao
Cái tên Đức Miêng so với nhiều nhạc sỹ khác có thể ít quen biết, nhưng những ai yêu thích quan họ thì không thể không biết các bài hát: “Lời thương ta ngỏ cùng nhau”, “Chiếc nón ba tầm”, “Gửi về quan họ”, “Quan họ nơi đảo xa”… Chỉ nghe cái tên những bài trên, người ta cũng đã thấy được chất quan họ được thể hiện như thế nào. Có nhiều bài hoàn toàn là sáng tác mới của anh nhưng người nghe cứ nghĩ là dân ca quan họ gốc.
Trong giới sáng tác âm nhạc, không ít người cũng rất yêu quan họ và họ cũng có những ca khúc hay, để đời, được khai thác từ chất liệu dân ca này. Ví như Phó Đức Phương với “Những cô gái quan họ”; Huy Du với “Chợ Chờ em vẫn chờ anh”; An Thuyên với “Xe tăng qua miền quan họ”; Nguyễn Trọng Tạo với “Làng quan họ quê tôi”…
Cố nhạc sỹ Đức Miêng. |
Nhưng ở những tác phẩm trên, các tác giả chỉ cho xuất hiện loáng thoáng điệu dân ca gốc rồi phát triển thêm nhiều khiến người nghe chỉ nhận ra hơi hướng, thoảng chút “mùi vị”. Còn Đức Miêng thì sử dụng dân ca đặc sệt. Lúc anh còn khỏe, sức viết đang sung mãn, có lần tôi hỏi:
- Ca khúc của Đức Miêng thì quá rõ là quan họ rồi, không lẫn vào đâu được. Nhưng sao không nhào nặn chất liệu, biến báo đi cho nó mang rõ chất hiện đại để có thêm công chúng trẻ tuổi, nhất là đám học sinh, sinh viên?
Anh trả lời rất thật thà:
- Lớn lên giữa cái nôi quan họ, em ngấm chất liệu này từ bé. Vào trường nhạc lại học đàn bầu rồi về làm nhạc công tại Đoàn Ca múa Hà Bắc, sau về Đoàn Dân ca quan họ, suốt ngày chìm ngập trong các làn điệu quan họ nên đã thấm sâu vào máu, không thoát ra được. Cái tạng em nó thế. Nhiều lần đã cố sáng tác những ca khúc mới hoàn toàn, không dính dáng gì đến quan họ nhưng thất bại, nghe không được, phải bỏ đi, không bao giờ nhớ đến.
Đúng là cái “tạng” Đức Miêng cũng ít nhiều khác người. Hồi trẻ, anh mảnh mai, thư sinh, thậm chí trông ốm o. Lúc nhiều tuổi mới “phát tướng”. Không sôi động, “bốc” như cánh diễn viên trẻ cùng trang lứa, anh sống có phần nội tâm, khép kín, thân thiết mấy cũng không dễ thổ lộ những điều sâu kín. Tôi khá thân thiết với anh từ lâu nhưng mỗi lần gặp nhau chỉ nói chuyện về âm nhạc, sáng tác.
Vậy nên tôi biết đời sống riêng tư của anh có nhiều biến động nhưng qua người khác nói chứ anh chưa tâm sự với tôi bao giờ. Lần đầu lên chơi với anh ở Đoàn Dân ca quan họ Bắc Ninh vào khoảng năm 1984 - 1985, tôi thấy anh sống độc thân nhưng lại có một đứa con trai.
Sau đó một thời gian, anh lấy vợ lần thứ hai. Nhưng cuộc sum họp này cũng không kéo dài do “đệ nhị phu nhân” của anh sớm qua đời. Lần thứ ba, anh lại ra đi sớm khi mới ở tuổi 65, vừa về hưu được mấy năm, chưa đến ngưỡng “thất thập cổ lai hy”, trong đầu còn đầy ắp những dự định sáng tác.
Đức Miêng được sinh ra tại quê ở Thái Bình một ngày đầu năm 1953, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở vào giai đoạn khốc liệt nhất. Dân Thái Bình đi tản cư ra vùng tự do để chạy giặc. Người ta quen gọi là chạy loạn. Đức Miêng được mẹ cho ngồi vào chiếc thúng để gánh lên vùng Bắc Ninh. Anh đã lớn lên, trưởng thành rồi lập nghiệp ở cái nôi quan họ này mà chỉ biết đến quê gốc qua lời kể của mẹ, rồi đến khi lớn lên thì được về thăm.
Vậy có thể nói anh là người quan họ chính hiệu. Cậu bé Đức Miêng ngay từ lúc chập chững biết đi rồi lon ton theo mẹ qua khắp các làng quê quan họ đã sớm được thẩm thấu các làn điệu dân ca xứ Kinh Bắc. Nhà ở gần làng Lim nên năm nào cứ đến ngày Hội chính (13 tháng Giêng âm lịch) là cậu cũng có mặt, khi thì đi theo mẹ, khi thì đi cùng các anh chị lớn hơn.
Cậu khác hẳn các bạn cùng trang lứa khi thay vì đến xem các trò chơi dân gian như đấu vật, đánh đu, cờ người đã chỉ thích nghe hát quan họ. Cậu mê mải nghe suốt ngày quên cả ăn đến mức mẹ nhiều lần phải đi tìm, gọi về. Đức Miêng ngấm quan họ từ đó, càng ngày càng thấm sâu vào tâm khảm và anh cũng biết hát thành thạo nhiều làn điệu ngay từ khi còn là thiếu nhi.
Ở trường học, cậu bé này luôn là cây văn nghệ đình đám trong các buổi liên hoan, hội diễn. Các bạn khác còn hát nhiều bài không phải là quan họ. Riêng Miêng chỉ hát dân ca nơi mình đang sống.
Lần đầu tiên tôi tiếp xúc với Đức Miêng khi có dịp được dự một hội diễn ca múa nhạc không chuyên toàn tỉnh Hà Bắc (nay là hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang). Trong một buổi mà có đến 3-4 diễn viên cùng hát bài “Nón ba tầm” đậm đặc chất liệu quan họ với đường nét giai điệu thật duyên dáng, dễ thương, lời ca mộc mạc giản dị: “…Nón ba tầm vào mùa trẩy hội lại ngân câu hát đón bạn ngày xuân. Đẹp tươi chiếc nón dáng hình quê nhà…”.
Nghe giới thiệu tác giả là Đức Miêng, tôi thấy quen quen, hình như mình đã nghe tên này ở đâu. Rồi tôi nghĩ ra tên anh gắn với nhiều bài dân ca quan họ được đặt lời mới trên giai điệu cũ vẫn thường xuyên phát trên làn sóng của buổi phát thanh Dân ca và nhạc cổ truyền Đài Tiếng nói Việt Nam. Kết thúc hội diễn, trong bữa liên hoan, tình cờ tôi ngồi cùng mâm, ngay bên cạnh một anh chàng kém mình mấy tuổi, người mảnh khảnh, có đôi mắt to, sáng, cái miệng rộng và nụ cười tươi.
Ngay sau đó, tôi biết đó là Đức Miêng - tác giả bài “Nón ba tầm” được nhiều người hát nhất trong Hội diễn. Khi ấy, tôi phụ trách trang nghệ thuật của một tờ báo ở Trung ương nên ngỏ lời xin anh bài này để về đăng trên báo. Anh không vồ vập, nhiệt tình trao bài ngay mà tỏ ra dè dặt:
- Cảm ơn anh. Nhưng đây là bài thuộc hàng sáng tác đầu tay của em. Lần đầu tiên, em trao cho các bạn diễn viên và được họ đưa lên sân khấu, cũng không biết số phận sẽ ra sao. Hay là anh cho em khất, để khi nào bài này được nhiều người hưởng ứng sẽ xin gửi anh đăng cho.
Tôi rất tự tin ở khả năng tiên liệu số phận các tác phẩm, nhất là ca khúc nên nói với Đức Miêng:
- Bài này rất hay, rồi sẽ trở nên nổi tiếng đó. Bằng chứng là chưa gì mà đã có mấy diễn viên cùng đưa lên sân khấu. Đức Miêng hãy tin ở sự tiên đoán của mình.
Tôi củng cố thêm niềm tin cho tác giả:
- Công chúng họ thích hay không một tác phẩm vô tư lắm. Phải thích họ mới hát, nhất là lại thi thố. Hơn nữa, Miêng là một nhạc công chứ đâu có chức sắc gì mà bảo còn có việc cần lấy lòng tác giả. Và bạn cũng không có chân trong Ban giám khảo cơ mà.
Nhạc sỹ Đức Miêng nhận Huân chương Lao động hạng Ba. |
Chỉ sau khi nghe tôi nói vậy, anh mới hẹn sẽ gửi ngay văn bản cho tôi qua đường bưu điện vì đang không có sẵn bên người (khi ấy, ở nước ta chưa có internet nên không thể gửi qua email như bây giờ).
Về Hà Nội, khi biên tập để trình lên Tổng biên tập cho đăng bài hát, tôi nghĩ ra một chuyên mục mới có tên “Bài hát được nhiều người ưa thích” nhằm giới thiệu, bình luận một bài hát đang được công chúng hưởng ứng, có đăng ca khúc ở bên cạnh. Sau khi nghe tôi thuyết minh ý tưởng, đồng chí Tổng biên tập chấp thuận (vì nghĩ ra một chuyên mục mới không đơn giản do bố cục, cơ cấu trang báo đã được ấn định, nay thay đổi, thêm bớt thì phải suy xét kỹ). Nhưng ông nói:
- Được, chuyên mục mới, hay, chưa báo nào có. Nhưng sao cậu lại chọn bài này, chưa ai biết trong khi có rất nhiều bài nổi tiếng, ai cũng thích thì lại không chọn?
- Thưa anh. Anh vẫn luôn nhắc báo chí phải có chức năng dự báo. Thì đây, tôi xin dự báo bài này rồi sẽ nổi tiếng, ai cũng sẽ thích. Người yêu thích âm nhạc cổ truyền như anh lại càng thích.
- Mình tin cậu. Nhưng nếu ngược lại thì sao?
- Thì tôi xin tự nguyện rút lui khỏi danh sách lao động tiên tiến và không lên lương theo định kỳ vào đầu năm tới.
Quả nhiên, một thời gian sau, bài này nổi lên. Chính đồng chí Tổng biên tập đã nghe trên Đài mấy lần và rất thích. Thế là tôi không “bị” gì.
“Nón ba tầm” vừa nổi thì lại tiếp theo những “Lời thương ta ngỏ cùng nhau” rồi “Gửi về quạn họ” lần lượt ra đời chiếm trọn tình cảm của công chúng đã khiến Đức Miêng trở thành nhạc sỹ được yêu thích nhất của xứ quan họ Kinh Bắc.
Nay mỗi lần có dịp dự Hội Lim hoặc đến Bắc Ninh, tôi lại nhớ mãi người nhạc sỹ giản dị, khiêm nhường rất đỗi đáng yêu đã trọn một đời say đắm với dân ca quan họ, để lại những ca khúc cũng thật đáng yêu như con người tác giả.