Kỉ niệm 28 năm ngày mất của nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, 29/8/1988 – 29/8/2016

Lưu Quang Vũ và khát vọng được thành thực

Thứ Hai, 05/09/2016, 08:07
Chúng ta đang sống trong những ngày mùa thu lịch sử, khắp nơi trên cả nước đang nô nức kỉ niệm ngày khởi nghĩa giành chính quyền thành công. Cũng trong những ngày này, nhiều độc giả, khán giả và người làm sân khấu trong cả nước lại rưng rưng hoài niệm về một mất mát to lớn của nền văn học, nền kịch nghệ nước nhà 28 năm trước... 


Sự ra đi vĩnh viễn của nhà thơ - kịch tác gia Lưu Quang Vũ cùng vợ là nữ sĩ Xuân Quỳnh và con trai út của họ. Gần ba mươi mùa thu đã đi qua nhưng khoảng trống mà Lưu Quang Vũ để lại cho sân khấu nước nhà vẫn chưa ai khỏa lấp được, cũng như niềm tiếc thương trong lòng độc giả, khán giả bao năm rồi vẫn đau đáu khôn nguôi.

Dù có vở đã công diễn tới hàng trăm lần nhưng kịch Lưu Quang Vũ chưa bao giờ bớt đi sức sống, sức nóng. Người ta đã bàn nhiều đến tính thời sự, tính chính luận, triết lí đạo đức và nhân sinh khi phân tích nội dung và giá trị tư tưởng trong kịch của ông. Trong phạm vi bài viết này, người viết muốn nêu bật một khía cạnh làm nên tâm hồn, tính cách của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, cũng chính là làm nên hồn cốt cho các vở kịch của ông – khát vọng được thành thực, được nói đúng, nói trúng hiện thực xã hội và lòng người.

Sáng tác thơ từ những năm 60, viết truyện ngắn từ những năm 70 và bén duyên với kịch đầu những năm 80 của thế kỉ trước, có thể nói, sự nghiệp văn chương của Lưu Quang Vũ đã phản ánh những giai đoạn bước ngoặt trong lịch sử dân tộc: chiến tranh – độc lập dân tộc, thống nhất đất nước – hậu chiến, tái thiết đất nước – đổi mới. Lịch sử có những chuyển biến ào ạt như vậy trong khi con người chưa kịp thích nghi, chậm sửa đổi đã tạo ra một tình thế khủng hoảng cả về văn hóa – xã hội và tâm lí con người.

Cơ sở hạ tầng bị tàn phá nặng nề, sản xuất đình trệ, cơ chế quan liêu bao cấp lỗi thời... tạo ra những mâu thuẫn âm ỉ nhưng quyết liệt giữa cái cũ và cái mới, giữa bảo thủ và đổi mới, giữa cái tốt và cái xấu. Thực trạng ấy của “đêm trước đổi mới” đã được nhiều người nhìn ra, nhất là các văn nghệ sĩ bởi họ rất nhạy cảm, tuy nhiên, rất ít người dám phản ánh đúng hiện thực, dám chỉ ra những vấn đề nhức nhối của xã hội, càng không dám lên tiếng ủng hộ cái mới, cái tiến bộ.

Ấy vậy mà Lưu Quang Vũ đã dám làm và làm rất tốt nhiệm vụ ấy với ý thức trách nhiệm công dân và mẫn cảm nghệ sĩ của mình.

Nhà thơ Lưu Quang Vũ và tập thơ “Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi”.

Là người có năng khiếu nghệ thuật (hội họa và văn chương) từ nhỏ, cũng là người sớm hình thành cá tính sáng tạo, Lưu Quang Vũ thành thật trước hết trong thơ, sau đến truyện ngắn và đạt đến độ mẫu mực ở kịch.

Được biết đến nhiều hơn với tư cách là người viết kịch, nhưng ngay từ đầu Lưu Quang Vũ đã là một thi sĩ với tâm hồn đa cảm. Với ba tập thơ (“Hương cây – Bếp lửa” in chung năm 1968, “Mây trắng của đời tôi”,1989 và “Bầy ong trong đêm sâu” (1993) dù khai thác đề tài tình yêu hay thân phận con người thời chiến và hậu chiến cũng đều ánh lên khát vọng được thành thật: thành thật với cảm xúc của mình và thành thật nói hộ những nhức nhối, éo le của người khác.

Hãy đọc những lời gan ruột của thi sĩ họ Lưu từ những năm 70 của thế kỉ trước: “Anh là con ong bay giữa trời lận đận/ Trời đêm dài chẳng có một ngôi sao”; “Tâm hồn anh dằn vặt cuộc đời anh”; “Thơ tôi là mây trắng của đời tôi” hay “Giữa chiến tranh hiểu đời thực hơn nhiều/ Rách tan cả những làn sương phủ đẹp/ Chỉ còn lại nỗi buồn trơ núi đá/ Điều em tin là nhảm nhí mà thôi” (Gửi một người bạn gái); “Bao lệnh cấm đang đè lên thế giới/ Cấm yêu thương, cấm khát vọng, cấm tự do/”... “Thơ không bao giờ câm lặng/ Như nhịp đập của trái tim trung thực/... Trước đau khổ của nhân dân thơ đã không gian dối” (Nếu đó là tội lỗi).

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đã từng nhận xét về thơ Lưu Quang Vũ: “Thơ anh thời kì này (những năm 1972-1973) có một cảm hứng nói thật, thật lắm, rất hiếm có trong thơ cùng thời, do đó là rất quý”. Những câu thơ ấy khi thì thể hiện một “cái Tôi” trăn trở, cô đơn và cay đắng, khi lại thể hiện những đau xót, dằn vặt trước những trạng thái nhân sinh của xã hội. Cũng bởi quá thành thật, đã từng có ý kiến cho rằng: trong dàn đồng ca của thơ thời chống Mỹ, thơ Lưu Quang Vũ là tiếng đàn lạc điệu.

Là sự nối dài những xúc cảm của thơ nhưng bớt chủ quan, và ít dằn vặt hơn, truyện ngắn của Lưu Quang Vũ thể hiện là những trăn trở của người trẻ về trách nhiệm trước cuộc sống, những suy tư về nhân thế, về nghề nghiệp, những cảm xúc trong trẻo, những khát vọng vươn lên. Độc giả dễ bắt gặp những điều này khi đọc “Thị trấn ven sông”, “Truyện nhỏ sớm mùa thu”, “Anh Thình”, “Tiếng hát” hay “Một truyện ở biên giới”...

Sau những thành công nhất định cùng không ít thất bại với thơ và truyện ngắn, Lưu Quang Vũ trưởng thành hơn trong kịch. Vẫn là thứ ngôn ngữ đầy ắp cảm xúc và man mác chất thơ, vẫn là những mảnh đời, số phận bị xô đẩy trước bão táp thời đại và những biến chuyển của xã hội nhưng đã được Lưu Quang Vũ tái hiện mới mẻ, linh hoạt và sâu sắc hơn.

Tạng của Lưu Quang Vũ có lẽ hợp nhất với kịch, cá tính sáng tạo và khát vọng được thành thật của ông vừa hay gặp được mảnh đất màu mỡ để phát triển, bởi lẽ, với kịch - người nghệ sĩ - cả sáng tác lẫn trình diễn - có thể nói/dám nói công khai, mà nói một cách sinh động, hấp dẫn trước mọi người, nói mà mọi người tự động đến nghe, cổ vũ và hưởng ứng. Kịch Lưu Quang Vũ có sự gặp gỡ với tinh thần công chúng, vừa giúp nâng tầm thị hiếu thẩm mĩ vừa giải tỏa những khát vọng của đại bộ phận công chúng.

Chắp cánh cho những vở kịch nối tiếp nhau ra đời của người nghệ sĩ tài hoa và góp phần khích lệ, hiện thực hóa khát vọng được nói thật của Lưu Quang Vũ không thể bỏ qua bầu không khí thời đại với những biến chuyển trên các mặt trận: từ chính trị đến xã hội và văn hóa. Công cuộc đổi mới toàn diện do Đảng ta khởi xướng với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật” đã thổi một luồng gió mới tươi mát tới những trái tim và khối óc vốn đầy trăn trở, bức bối và ủ dột của các văn nghệ sĩ.

Cần phải nói thêm rằng, ngay từ đầu những năm 80 (thế kỉ XX), sát cánh cùng Lưu Quang Vũ trong trận chiến tấn công vào thành trì của cái cũ và cơ chế bao cấp bảo thủ, lạc hậu... đã có Trần Huy Quang, Hữu Thọ, Đỗ Quảng (với phóng sự), Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải (với truyện ngắn), Nguyễn Duy (với thơ)...

Bộ phận nhỏ văn nghệ sĩ này, bằng sự nhạy cảm và dũng cảm, bằng tài năng nghệ thuật và trách nhiệm công dân đã “nổ những phát súng” đầu tiên, thưa thớt nhưng dõng dạc, đưa ra những dự báo về sự đổi thay và sự cần thiết phải thay đổi. “Cảm hứng sự thật là một cảm hứng lớn của văn học những năm 80 tạo nên một bước chuyển quyết định sang một thời kì mới” (Vũ Tuấn Anh) và kịch của Lưu Quang Vũ đã thể hiện rất mạnh mẽ cảm hứng ấy.

Cho ra đời hơn năm mươi vở chỉ trong khoảng chín năm gắn bó với kịch, tuy không phải vở nào cũng đạt được thành công nhưng dễ thấy, nổi cộm trong kịch của Lưu Quang Vũ những chủ đề và cảm hứng nổi bật: Phê phán tệ nạn quan liêu bao cấp, ỉ lại, ngại thay đổi (“Tôi và chúng ta”, “Nếu anh không đốt lửa”, “Quyền được hạnh phúc”...), sự cẩu thả, vô trách nhiệm trong công việc (“Hồn Trương Ba, da hàng thịt”), vấn đề tình yêu và lẽ sống (“Điều không thể mất”, “Cô gái đội mũ nồi xám”...), vấn đề suy giảm đạo đức của con người (“Những ngày đang sống”...).

Tác giả đã mạnh dạn nhìn thẳng vào sự thật, bóc trần những cái xấu, cái ác, cùng với đó đề xuất những giải pháp và cổ vũ những con người mới dám thay đổi và dám chịu trách nhiệm.

Khát vọng được nói thẳng, nói thật đã khiến không ít sáng tác của Lưu Quang Vũ chịu số phận long đong như chính tác giả của chúng. “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”, “Tôi và chúng ta”... là những tác phẩm như thế, nhưng lạ thay, cũng chính những tác phẩm sau nhiều lần “kiểm duyệt” mới được công chiếu ấy đã làm rực rỡ hơn cho sân khấu kịch nước nhà, kéo khán giả đến với rạp và tạo ra được hiệu ứng tích cực trong xã hội.

Thế mới biết, tài năng của người nghệ sĩ, và hơn hết là sự chân thành của cảm xúc mà Lưu Quang Vũ gửi gắm qua mỗi tác phẩm đã có được sự đồng vọng từ đông đảo quần chúng nhân dân.

Lưu Quang Vũ giờ đây đã là “người trong cõi nhớ”, lịch sử sân khấu và lịch sử văn học nước nhà đã, đang và chắc chắn sẽ dành những tôn vinh xứng đáng cho tài năng cùng những sản phẩm nghệ thuật tuyệt vời của ông. Gần bốn mươi năm kể từ khi vở kịch đầu tiên của Lưu Quang Vũ ra đời, chúng ta đã có một độ lùi lịch sử nhất định để đánh giá gia tài nghệ thuật đồ sộ mà ông để lại, ấy vậy mà dường như Vũ vẫn đang sống ngay trong thời đại này để viết cho chúng ta. Xã hội ngày nay có thiếu những “bệnh thành tích”, “làm láo, báo cáo hay”, những “lợi ích nhóm”, những lạc hậu, bảo thủ, ngại thay đổi?

Trong cái heo may chuyển mùa của đất trời, chúng ta nhớ về Lưu Quang Vũ. Sân khấu nhiều nơi vẫn sáng đèn với những vở diễn kỉ niệm: “Bệnh sĩ”, “Ông không phải là bố tôi”, “Người tốt nhà số 5”, “Vụ án 2000 ngày”... và vẫn nhận được những tràng pháo tay cùng cả những giọt nước mắt tán thưởng. Lưu Quang Vũ đã từ biệt chúng ta 28 mùa thu, nhưng chừng nào Chân – Thiện – Mỹ cùng những giá trị căn cốt của con người còn tồn tại trong xã hội, trong mỗi chúng ta, thì chừng đó các sáng tác của Lưu Quang Vũ còn chỗ đứng vững chắc.

Bùi Hải Yến
.
.