Làm lửa thì phải tỉnh

Thứ Hai, 13/02/2017, 08:11
Hôm nay đã là ngoài Tết. Nghe hai chữ ngoài Tết, tự dưng tôi buồn mềm như lạt. Buộc mãi, buộc trọn những ngày vui trong Tết. Nhớ Tết thì để đấy, nhưng lại thấy buồn. Buồn làm tóc rối từ sáng đến tối. Rồi từ tối ngậm miệng cho đến mặt trời mọc. 


Buồn trằn trọc như viên bi. Buồn lăn lóc trên giường như một gã thất tình. Buồn đến nỗi chả nhớ cạo râu với rửa mặt. Nhưng buồn nhất là khi thấy cành đào vứt ngổn ngang ở ngoài đường. Những cành đào vứt lăn lóc. Vứt chồng chất. Vứt lổng chổng cùng với lá bánh, thùng các tông, xương gà, giấy bóng kính, hộp đựng kẹo. Cùng với tranh ảnh khỏa thân, giấy vụn, xương gà, thịt thối, củ quả ôi thiu…

Chiếc xe rác từ từ lăn trên đường hoa héo, hoa tàn. Cánh hoa rơi đỏ tươi như máu. Máu rắc lên nỗi người nhớ người. Nỗi nhớ người với người cách xa nhau. Xa nhau một ngày đường xe hơi. Không sao. Xa nhau nửa vòng trái đất. Cũng không sao.

Xa cách một tầm tay với. Nhưng không nhìn thấy nhau. Thế thì đau. Đau lắm! Nỗi đau làm cho hồn người treo lơ lửng trên sợi dây thừng mục. Chỉ cần sơ ý là nó rơi đánh bụp. Nỗi nhớ vỡ tan tành thành tiếng khóc khát sữa mẹ. Ai là người Tày xa nhà mà được nghe một giọng ru con "ứ nọong nòn", lập tức ông già bảy mươi trở thành đứa bé lên ba tháng tuổi. Ông già ngồi nhớ mẹ. Người mẹ đó chính là quê hương miền núi yêu dấu của mình.

Bên bếp lửa của người Mông.

Tiếng lục cục của bánh xe lăn lăn trên đường. Tiếng cót két của trục xe khô dầu, nhưng vẫn nhẫn nại. Ôi! Những chiếc xe chở rác đầy mẫn cán. Tôi bỗng nhiên liên tưởng đến sự mệt mỏi của những người nghỉ hưu. Họ đã cầm sổ cả chục năm nay. Nhưng hàng ngày vẫn lóc cóc vào cổng cơ quan làm việc. Họ vẫn cố tình tìm cách nán lại, làm thêm tháng vài trăm ngàn, hoặc khá hơn đến tiền triệu.

Ngày nay, nhiều người chẳng biết dùng tiền để làm gì. Con cái, nhà cửa, vườn rừng, trang trại…mọi bề đều đã yên ấm. Họ đi làm để hàng ngày được gặp bạn bè. Nhìn thấy cái bản mặt nhau. Bởi họ đã nghiện tiếng đùa cợt ằng ặc của bạn mình. Ôi! Cái tình người. Cái tình người vô hình là thế, nhưng vô cùng đắt giá. Yêu nhau đấy, rồi đùng đùng giận nhau đấy. Nhưng làm sao bỏ được. Chẳng có gì cưỡng lại được tình người.

Chị công nhân đeo kính đen, bịt khẩu trang vàng. Kính với khẩu trang che kín cả khuôn mặt. Chẳng biết chị ấy còn tươi hay đã nhàu rách chân chim. Nhưng tôi cam đoan rằng chị công nhân kia có một tâm hồn nhạy cảm. Hãy nhìn xem. Mỗi khi chị nhấc những cành đào xếp gọn vào một góc, bao giờ cũng nhẹ tay, sợ làm hoa đau, cánh hoa sẽ rơi. Tôi thấy đôi kính đen trên gương mặt chị khe khẽ nhướn lên một cách xót xa, lòng đầy thương cảm. Hoa như trẻ con. Ừ hoa là trẻ con.  

Chiếc xe rác dừng ở nơi chân cầu thang bên này của khu nhà tập thể. Tôi thấy mùi hoa xoải theo chân người lên xuống. Vẫn thấy tiếc cành đào vẫn còn tươi như cười. Vui chưa đầy ôm, đã đến lúc phải chia tay. Người chia tay hoa là một chia tay tàn nhẫn nhất trần đời. Có phải thế không nhỉ.

Chiếc xe rác dừng chân ở nơi cầu thang bên kia của khu nhà tập thể. Bỗng có tiếng hát quan họ vọng xuống chân thang "người ơi người ở đừng về". Nghe bộn bề day dứt lắm. Chiếc xe rác chở hoa bỗng tần ngần. Đi tiếp hay dừng lại để nghe nốt bài ca chia tay.

Chợt nghe tiếng vợ tôi thở dài. Thế là lại có một cái Tết nữa sắp đến. Nhanh lắm. Ở quê mình, giờ đang là mùa trông ngô. Hết mùa ngô là đến mùa lúa. Hết mùa Tết bánh mặn lại đến kỳ bánh ngọt. Tay chân vừa mới rửa xong, chưa kịp khô, lại thấy muốn cầm đũa rồi.

Chỉ vài mươi phiên chợ nữa, đất quê tôi không còn chỗ trống. Cây ngô, cây đậu, cây cỏ dại… đồng loạt phủ xanh từ chân làng đến chân trời. Chỗ nào cũng rậm rạp lá hoa. Mùa xuân là mua rậm rạp. Những gì rậm rạp thường đi liền với sự thăng hoa sinh nở. Ở trong lá hoa, người xưa truyền lại rằng, trong đó có những con tinh tinh chuyên bắt vía người lười yêu.

Đời người ngắn lắm. Chưa đầy một tràng cười là cạn ngày. Ngày mở cửa bốn lần đã tối. Dậy đun ấm nước pha trà, đã le lói sáng. Nắng tràn vào, vàng cả lòng nhà. Trời đã trưa. Gà gáy óc eo lên nóc. Trời đã chiều.  Dùng tay sờ lên đầu. Trời đã nhạt. Những sợi thời gian mà người đời gọi là tóc sâu. Tóc sâu hung như râu ngô. Trắng như ban ngày. Dài như chờ đợi. Sợi thời gian gây ngứa cho da đầu. Tự nhổ thì không sạch. Đúng quá rồi. Phải nhờ người yêu thôi. Người yêu nhau thì chỉ làm đẹp cho nhau chứ nhỉ.

Cô dâu về nhà chồng phải làm lễ nhập thần bếp.

Thời gian được làm bằng mùi hương của cây trong vườn, ngoài rừng. Thời gian được làm bằng đôi chân trần của nắng, mưa, sương, gió. Bằng đôi mắt, đôi tai của núi cao sông dài. Bằng những luống cày lật đất thơm ngây ngất cho đồng ruộng. Thời gian âm thầm chảy ra như nước. Không thể lấy bất cứ cái gì ngăn chặn. Kể cả đắp phai ngăn sông bằng xôi nếp nương. Nước thời gian vẫn băng băng trôi qua. Từ lão ăn mày đến các bậc đế vương, đều phải đầu hàng thời gian vô điều kiện.

Nhưng, những người dân quê tôi biết làm chậm thời gian lại bằng nhiều cách. Cách phổ thông nhất là vùi đầu vào trong chăn bông vải chàm mà ngủ. Dân @ gọi là ngủ nướng. Ngủ là phương thuốc hữu hiệu nhất để người ta khỏi phải nghĩ ngợi. Ngủ là để quên đi cái đói, cái rét, cái ấm ức, cái buồn bực, cái vất vả nhọc nhằn, cùng trăm cái bà rằn bất mãn linh tinh khác. Ngủ cũng là một cách tự làm cho mình được sung sướng.

Người Tày cổ xưa có câu khuyến dụ "slíp ám nựa cáy ton bấu tấng đua nòn rẳp rủng". Nghĩa là mười miếng thịt gà thiến không bằng giấc ngủ về sáng. Thịt gà thiến được người Tày Nùng chúng tôi coi là món ngon đầu bảng. Người dân quê áo ngắn, bàn chân chỉ quen xục bùn đất. Nên bàn chân chúng tôi to bè nghèo khó, lấy đâu ra nem công chả phượng, yến sào… mà để so sánh.

Cách thứ hai là đặt cược vào sự nhàn. Người Tày chúng tôi có câu "slíp lạo hêt quan bấu tấng lạo lỏt pàn". Mười ông làm quan to, không bằng một ông vét đĩa mà được nhàn hạ. Thế cũng đủ biết, dân đen chúng tôi coi cái sự làm quan chẳng là cái gì sất. Lên ngựa xuống xe đấy, nhưng không có cái nào là của mình chính thức đâu.

Đều là của mượn mồ hôi nước mắt của dân cả. Nhàn hạ mới là của mình.  Nhàn hạ vẫn cứ là đỉnh. Không phải đụng chân đụng tay mà vẫn có cái ăn. Nhàn hạ, có lẽ không chỉ người Tày "nòn mai thả mác đứa". Người Kinh cũng có câu tương tự y xì: Há miệng chờ sung rụng. Cổ nhân từng dạy "vạn sự bất như nhàn". Cái ăn bày sẵn trong thiên nhiên: "thu ăn măng trúc, đông ăn giá/xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao" (Nguyễn Bỉnh Khiêm). Đấy cũng là một kiểu triết lý nhàn hạ của những bậc túc nho đa văn bác học.

Cách thứ ba là mỗi tháng mỗi mùa đều có xôi, có bánh, có rượu thịt mời thời gian đụng đũa. Ông thời gian say bét nhét, say lướt khướt. Chân nam đá chân chiêu. Thời gian vuốt râu cười khà khà. Nhưng không vì thế mà cỗ xe thời gian không một giây ngưng nghỉ. Thời gian chăm chỉ, vẫn nhớ đúng ngày đúng mùa.

Người dân quê tôi bèn ngớ ra. Thời gian là ông vua lửa. Vua lửa chỉ ăn mỗi củi khô. Củi càng khô giòn càng sướng miệng. Gộc củi này ăn gần tới đến mút, liền cho gộc củi khác vào thế. Vì không được để lửa chết. Lửa nuôi sống con người. Lửa làm ấm muôn vật. Con người lại xoay vần cùng với lửa. "Slỉnh pần phầy đây pần cáu". Làm lửa thì phải tỉnh táo. Đã làm người thì phải lao vào công việc. Hết Tết là cày cuốc có việc. Con trâu có việc. Con dao quắm có việc. Thương tiếc mãi hoa mà chi.

Y Phương
.
.