Khóc cười với Nguyễn Danh Khôi

Thứ Sáu, 30/07/2021, 08:11
Tôi nghiệm ra rằng, nhiều anh viết văn nóng tính thường rất hay cười và hay... khóc. Mấy ông làm thơ có lẽ ít khóc hơn. Nếu có bài được in, được giải thưởng thì Nguyễn Danh Khôi (1954 – 2014) cười đến vỡ giời. Nhưng sau đó ngồi với nhau để nghe Khôi đọc, phân tích cái tác phẩm ấy, thấy anh lại... khóc. Mà có điều rất lạ là khi nhìn Khôi khóc, tôi cứ như trông thấy cụ Nguyên Hồng vì cái dáng ngồi, bộ râu và cái nét... khóc hệt như ảnh cụ ấy.


Đời viết của Khôi thì nhiều cái đáng khóc.
Khởi nghiệp Văn... Khôi đã phải khóc ròng.

Sẩy chân còn đỡ được chứ sẩy mồm thì không thể đỡ được, bị đuổi khỏi trường đại học, mộng ước có tấm bằng đại học đã vĩnh viễn bỏ Khôi. Lại về đơn vị cũ. Các Thủ trưởng đơn vị cũng xót xa và tìm được cách an ủi Khôi: Anh được đi lao động xuất khẩu tại Đức.

Nhưng nghiệp viết vẫn đeo đẳng. Ở nước ngoài, ngày đi làm cóp nhặt từng đồng để tối tối ra chợ mua vòng bi gửi về cho vợ con. Đêm đêm ngồi viết. Những trang văn xuôi đau đáu nỗi đời, khắc khoải nhớ thương và những kỷ niệm ngày tháng hào hùng trong quân ngũ. Vừa khóc vừa viết. Nhưng tuyệt nhiên không một chữ nào ý tứ oán trách ai. Có lẽ anh sợ cái cơ hội cuối cùng bỏ sức lao động nơi xứ người kiếm đồng tiền lành lặn để gửi về cho vợ con cũng có thể bị tước bỏ.

Về nước Khôi gom góp tất cả vốn liếng mua được tý đất, làm được cái nhà hai tầng cỡ 40 mét vuông cho mỗi sàn. Ngày ấy được vậy đã là hạnh phúc. Hai đứa con lớn lên, các khoản chi tiêu gia đình cần nhiều hơn mà chỉ có nhõn đồng lương dạy học của vợ. Để tồn tại, anh phải làm đủ mọi việc: Chụp ảnh, quay camera, đánh máy thuê, đóng sách, vẽ quảng cáo… thu nhập chẳng đáng là bao.

Nhà văn Nguyễn Danh Khôi (1954 - 2014).

Nhưng nghiệp viết thì không bỏ được. Khôi âm thầm viết và đăng cả loạt tác phẩm trên các báo Trung ương và địa phương. Nhuận bút ít ỏi chủ yếu đãi bạn bè và chuyện trò thâu đêm rồi say lử lả văng ra sàn nhà hiến máu từ thiện cho lũ muỗi. 

Trong căn buồng hẹp khoảng 9 mét vuông, Khôi bày ra đủ thứ đồ dùng: Máy tính máy in, đàn oocgan, ấm điện, chai lọ đựng rượu, dao xén… nhưng nhiều nhất là sách. Sách chất đầy trên kệ cao tới trần nhà, sách trên bàn viết, sách trên giường… Nhìn Khôi gầy nhom lọt thỏm trong không gian toàn là sách mà thương và phục anh đọc nhiều viết nhiều. Nếu tính đầy đủ thì số đầu sách sáng tác của Khôi phải gần 20 cuốn dày dặn.

Khôi đã in 5 tập truyện ngắn, một tiểu thuyết, 2 cuốn cảm nhận phê bình, 4 tập thơ, 2 tập nhạc và một số sách khác không kể sách in chung. Khôi làm thơ từ khi còn trong quân ngũ. Thơ ngày ấy hào hùng lắm, khí thế lắm nhưng thật thà đúng tính cách mấy anh văn xuôi làm thơ. Chỉ những tập thơ sau này khi chiêm nghiệm nhân tình thế thái thì thơ Khôi mới thực sự là hay và đẫm nỗi đời. Những bài thơ về cuối đời như thể Khôi đã biết trước được số phận, dự cảm cả thời khắc ra đi… Bây giờ đọc lên còn dựng tóc gáy. 

Cũng do Khôi viết nhiều, viết có thương hiệu nên được anh chị em nhà văn ở Trung ương quý mến, nếu có dịp về Nam Định thì bao giờ cũng ghé qua thăm hỏi động viên. Những sự động viên thăm hỏi như vậy được anh em viết lách ở thôn quê rất trân trọng.

Còn nhớ có một lần khoảng giữa năm 2013 nhà văn Nguyễn Thế Hùng ghé thăm. Lúc ấy Khôi đang ốm nằm lệt bệt, nghe thấy người nhà bảo có chú Hùng đến thăm thì nhổm dậy nức nở: “Ối giời ối giời chú Hùng đấy à, về thăm anh à, quý hóa quá quý hóa quá. Mà tiến bộ nhanh thế đã Đại tá rồi cơ à… Đại tá về thăm thằng Trung úy thất nghiệp… quý quá quý quá…”. Khôi khóc như mưa làm cho Nguyễn Thế Hùng lúng túng. Mọi người cũng lúng túng, tôi bảo: “Mắt cập bờ lờ hay sao mà nhìn Đại úy thành Đại tá, thôi trật tự nói chuyện cho vui”. Nhưng xem ra lời nói của tôi không tác dụng. “Ừ đại úy, tao nhầm, tao nhầm. Hùng ơi quý hóa quá…”. Và càng khóc to hơn. Chợt Nguyễn Thế Hùng hô: “Trung úy Nguyễn Danh Khôi!”. Khôi nhà ta như bị điện giật ưỡn thẳng người: “Có!”. Nhà văn dõng dạc ra lệnh: “Không được khóc!”. Khôi im tịt, không khóc nữa. Cuộc trò chuyện vui vẻ nhưng thỉnh thoảng Thế Hùng phải vãn hồi trật tự bằng khẩu lệnh trên.

Khôi vẽ giỏi, làm nhạc khá. Tranh của anh giờ vẫn trưng bày ở Bảo tàng Binh chủng Pháo binh. Rất lạ là sống ở Đức ba năm, chịu ảnh hưởng của âm nhạc phương Tây, thỉnh thoảng Khôi hát lên bằng giọng ồ ồ kiểu ôpêra nhưng ca khúc sáng tác của anh lại đậm chất dân ca Việt. Mỗi lần tôi hát ca khúc của Khôi thì anh ngồi khóc. Hát càng to thì anh khóc càng to. Tôi hát đến cao trào thì anh òa lên thành tiếng nức nở. Khôi bảo: “Tao nghe thấy hay quá, thấy đúng nỗi niềm của tao, thấy hạnh phúc quá vì có người hiểu mình nên tao mới khóc”.

Bìa tập sách "Những áng mây đa đoan" của nhà văn Nguyễn Danh Khôi.

Thì ra khóc đấy là vui là mừng. Tôi chợt nhận ra điều đơn giản: Chọc cười thì rất dễ, người ta có thể cười trước một chuyện tiếu lâm vớ vẩn, cười vì câu nói tếu táo trong một vai hề… Nó là sự thỏa mãn bên ngoài. Nhưng khi sự kỳ vọng, sự mừng rỡ, sự khao khát… bên trong được thỏa mãn đến tột đỉnh thì người ta bật khóc. Đó là những giọt nước mắt hạnh phúc. Nhìn Khôi khóc bởi hạnh phúc tự dưng tôi rút ra một điều chả biết có đúng hay không: Viết gì thì viết. Hãy viết để độc giả khóc với trang viết của mình - có thể khóc vì đau, có thể khóc vì vui sướng. Thành công tác phẩm văn chương là ở chỗ ấy.                

Sự suy sụp về sức khỏe có lẽ bắt đầu từ những đòn chí tử mà cuộc đời giáng thẳng vào kiếp nghiệp văn chương của Nguyễn Danh Khôi. Ngày đêm rút hết mình ra mà viết như thể chim yến rút cả máu huyết ra xây tổ nhưng lại luôn gặp những tai ách trên đời thì sức nào mà chịu thấu. Khôi kể do yêu cầu của nhà xuất bản về thời gian, trong đêm khi viết những trang cuối bản thảo tiểu thuyết “Cỏ và Cát” chợt nghe “phực” trong đầu rồi chân tay rụng rời giời đất quay cuồng, Khôi gục xuống bàn bất động. Không biết bao lâu mới tỉnh lại, mở mắt nhìn cái gì cũng rặt màu đỏ, bên tai xoe xóe tiếng ve. Kệ! Anh gượng dậy cố viết đến chữ cuối cùng để ngày hôm sau nộp bản thảo cho kịp thời gian.

Rồi Khôi nằm bệt cả tháng. Vợ con ra sức thuốc thang. Nhờ giời cũng dần khỏe lại, dẫu trong đầu vẫn còn váng vất, bên tai vẫn còn rền rĩ tiếng ve. 

Cuộc đời lại giáng cho Khôi một nhát chí tử nữa vào đúng ngày trọng đại cưới con gái lớn. Đang hân hoan mừng hạnh phúc của con, chuẩn bị đưa con lên xe hoa về nhà chồng thì người ta đưa Quyết định của Ban chấp hành khai trừ Nguyễn Danh Khôi khỏi Hội Văn học nghệ thuật tỉnh nhà! Thì ra Khôi cùng vài hội viên ở Hội Văn nghệ tỉnh tố cáo một ông nhớn biển thủ công quỹ. Người ta lập tức kiếm cớ gán cho Khôi hai tội: Tội thứ nhất là uống rượu khi họp bộ môn; tội thứ hai là viết văn hộ một hội viên khác.

Khôi giấu cái quyết định rồi cắn răng gạt cái sự khốn nạn ấy sang một bên. Bên ngoài vẫn tỏ ra vui vẻ để tiễn con về nhà chồng cho trọn vẹn.

Lạ một điều nữa: Sau đấy không thấy Khôi khóc. Có lẽ sự thất vọng lớn hơn cả nỗi đau! 

Từ đấy trở đi sức khỏe của Khôi bắt đầu suy sụp nhanh kinh khủng.

Dẫu sức khỏe yếu nhưng Khôi vẫn làm việc. Vẫn đọc và góp ý với bạn viết rồi cắm cúi viết lời giới thiệu sách cho bạn. Có lẽ đối với Khôi thì tình yêu với văn chương luôn thường trực trong tim. Đối với người thân còn có lúc hờn giận nhưng đối với văn chương thì anh chưa bao giờ tỏ ra lơ là trách nhiệm. Đến cuối năm 2013 thì Khôi đã yếu lắm, không viết văn xuôi nữa mà chuyển làm thơ… những vần thơ chiêm nghiệm cuộc đời vừa xa xót vừa hy vọng. Những bài thơ ấy bây giờ đọc lên chợt thấy cái sự kỳ lạ của tâm thức, y như người viết dự cảm biết trước được số phận và cái kết khắc nghiệt của cuộc đời mình.                

Đối với Khôi thì văn chương là thứ rượu ngon của cuộc đời. Anh say nó đến đam mê rồi nghiện đến mức không dứt ra được, rồi đắm chìm vào nó, bị vùi dập bởi nhân danh nó.

Dù hoàn cảnh nào Khôi vẫn vươn lên để khẳng định mình. Bị vùi dập đến mức đáng khóc nhất thì anh nuốt nước mắt để nó lặn vào trong, vẫn giữ cho mình tâm thế là một văn nhân đúng nghĩa.

Hôm nay ngồi viết những dòng này chợt nhớ mấy câu của Khôi:

“Thôi thì ta cười một trận
Thôi thì ta khóc một phen
Gió mưa rồi mai sẽ tạnh
Quên đi mọi nỗi ưu phiền”
.

Khôi đã về miền an lạc sau sáu mươi năm cộng bảy ngày nơi trần thế. Nhưng với bạn bè, vẫn hiển hiện một Nguyễn Danh Khôi đau đáu những trang văn, vẹn nguyên những nỗi khóc cười…

Mai Tiến Nghị
.
.