Những chiếc khẩu trang biết nói của Lê Sa Long
- Chiêm ngưỡng thế giới của hoạ sĩ 90 tuổi
- Họa sĩ Bùi Thanh Thủy: Vẽ như là số phận
- Các họa sĩ triển lãm sau mùa COVID-19
Bình Định - quê hương họa sĩ Lê Sa Long và Phú Yên - quê tôi cùng "phông" văn hóa xứ Nẫu. Có lẽ vì vậy mà giữa chúng tôi nhanh chóng có sự đồng cảm chỉ sau thời gian ngắn gặp gỡ qua cầu nối của nhà văn Trần Nhã Thụy. Anh cũng tự nhiên trở thành một trong những thành viên của nhóm Văn Học Sài Gòn, nhiệt tình vẽ chân dung các nhà văn và thiết kế mỹ thuật cho mọi hoạt động, từ tọa đàm văn học tới từng cái giấy Tặng thưởng Thơ 1-2-3 hàng tháng.
Vì má tôi cao tuổi, ốm đau, nên thời gian gần đây tôi hay về Phú Yên. Nhiều đêm khuya ở quê nhà ngồi một mình bên hàng hiên tuổi thơ nhìn trăng sao tôi hay nghĩ về cuộc đời thăng trầm của các văn nghệ sĩ. Họ như con tằm cả đời rút ruột nhả tơ nhưng có người khi nằm xuống chẳng để lại dấu vết gì đáng kể. Vì sao vậy? Những người thiếu năng lực thì không nói. Nhưng có những người tài năng, làm việc rất cật lực thì do đâu tác phẩm của họ nhanh chóng rơi vào quên lãng? Phải chăng lời giải nằm ở sự tự do khám phá, nuôi dưỡng ý tưởng và sáng tạo khác biệt?
Họa sĩ Lê Sa Long bên bộ tranh "Khẩu trang và người nổi tiếng". |
Tài năng là do thiên phú, không ai tự mình tạo ra tài năng cho mình. Còn nhân cách là đức tính cộng hưởng trải nghiệm sống và văn hóa ứng xử. Khi tài năng lập trình trong một nhân cách, được thúc đẩy trong môi trường tự do sáng tác, văn nghệ sĩ sẽ không ngừng khám phá, làm giàu ý tưởng, kết hợp với lao động nghệ thuật sẽ tạo nên tác phẩm khác biệt. Họa sĩ Lê Sa Long đang tạo nên sự khác biệt bằng tài năng lẫn tấm lòng nhiệt thành của mình đối với cuộc đời, mà bộ tranh "Khẩu trang và người nổi tiếng" là một minh chứng sống động. Bằng sắc màu hội họa, anh đã tích cực tham gia chống đại dịch COVID -19 đe dọa sinh mạng hàng triệu người trên thế giới.
Họa sĩ Lê Sa Long khởi động vẽ bộ tranh độc đáo gần 40 bức này từ tháng 7.2020 và hoàn thành trong khoảng ba tháng. Ý tưởng và hành động của họa sĩ Lê Sa Long càng có ý nghĩa vào lúc Bộ Y tế truyền thông điệp "Bạn vẫn đẹp khi đeo khẩu trang" để phòng chống đại dịch. Chúng ta bắt gặp trong đó hình ảnh những nhân vật nổi tiếng của Việt Nam và thế giới đeo khẩu trang. Họ là những chính khách, văn nghệ sĩ, nhà kinh tế, nhà hoạt động từ thiện và nhiều giới khác. Không chỉ toát lên vẻ đẹp chân dung, mà các bức họa còn hàm chứa dấu ấn sự nghiệp của các nhân vật qua hình ảnh minh họa trên chiếc khẩu trang đủ các màu sắc sinh động.
Nhà văn Tô Hoài. Tranh: Lê Sa Long |
Đỉnh điểm họa sĩ Lê Sa Long hoàn thành bộ tranh "Khẩu trang và người nổi tiếng" là tháng 9 năm 2020. Đây cũng là tháng diễn ra kỷ niệm 100 năm sinh nhà văn lớn Tô Hoài. Và trên chiếc khẩu trang chân dung ông đương nhiên là những chú dế mèn trong tác phẩm nổi tiếng "Dế mèn phiêu lưu ký". Với nhà văn, nghệ sĩ Mạc Can thì chiếc khẩu trang mỏng mảnh màu trắng pha hồng của con người đa năng, lụy tình, ẩn hiện bộ râu bạc hóm hỉnh.
Trong làng giải trí Việt, danh hài Hoài Linh bôn ba bốn phương, đóng đủ thứ vai, giả đủ thứ giọng, nhưng vẫn không phai nhạt tình yêu và khí chất quê hương đất Quảng. Cũng thể hiện trên khẩu trang, danh hài Trường Giang với đôi dép nhựa quen thuộc mỗi khi xuất hiện trên sân khấu. "Đả nữ" Ngô Thanh Vân thì trong vai diễn Hai Phượng kịch tính, bạo liệt trong bộ phim hành động cùng tên.
Ca sĩ một thời bị xem là ngoại đạo Chi Pu thành công trong MV cổ trang gây sốt "Anh ơi ở lại" với vai Cám độc đáo. Ca sĩ Lệ Quyên với chiếc mũi hếch và đôi môi gợi cảm. Đặc biệt, ca sĩ Xuân Mai hiện lên hình ảnh thuở còn thơ với "Con cò bé bé/ Nó đậu cành tre" khi còn là học trò mẫu giáo của bà xã tôi và tôi là người đầu tiên viết bài giới thiệu "thần đồng" ca nhạc nhí này…
Nhà văn, nghệ sĩ Mạc Can. tranh: Lê Sa Long |
Ở các lĩnh vực khác, chân dung các nhân vật với chiếc khẩu trang qua cách nhìn của họa sĩ Lê Sa Long cũng thật ấn tượng. Đó là doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ ông chủ cà phê Trung Nguyên với một chữ "Qua" trong xưng hô. Doanh nhân Hoàng Anh Tuấn với sáng kiến cây ATM gạo đầu tiên ở quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh đã được nhân rộng cả nước giúp đồng bào nghèo mùa đại dịch.
Cũng trong mùa dịch, "vua" bánh mì Kao Siêu Lực phát kiến bánh mì thanh long giải cứu bà con nông dân. Còn ông Đoàn Ngọc Hải một thời nổi tiếng chỉ huy dọn dẹp vỉa hè đường phố quận 1, sau khi đột ngột từ bỏ mọi chức tước đã trở về cùng gia đình kinh doanh và mua xe đưa đón miễn phí bệnh nhân nghèo…
Bước ra thế giới, họa sĩ Lê Sa Long cũng thể hiện sống động chân dung nhiều nhân vật nổi tiếng với chiếc khẩu trang. Danh họa Pablo Picasso người Tây Ban Nha tác giả những bức tranh trừu tượng giá triệu đô sau khi qua đời, sinh thời với lòng khát khao hướng tới hòa bình cho nhân loại giữa khói lửa chiến tranh vây hãm. "Vua" hề Charlie Chaplin người Anh với chiếc gậy huyền thoại thời kỳ phim câm mở đầu cho nền công nghiệp điện ảnh thế giới. Một người Anh khác là nữ văn sĩ JK Rowling với những nhân vật trong bộ truyện Harry Potter quyến rũ bạn đọc năm châu.
Ngoài văn học nghệ thuật, họa sĩ Lê Sa Long còn tìm nguồn cảm hứng ở các nhân vật trên các lĩnh vực khác của thế giới xưa nay. Đó là nhà vật lý lý thuyết vĩ đại Albert Einstein người Đức với phương trình về sự tương đương khối lượng - năng lượng làm thay đổi khoa học và đời sống nhân loại. Anh hùng Che Guevara người Argentina đã tham gia lãnh đạo và chỉ huy phong trào cách mạng Cuba và Mỹ Latinh.
Tổng thống Donal Trump cương quyết giữ vị thế cường quốc số 1 của Hoa Kỳ trước các thế lực khác. Quả táo trên khẩu trang chân dung doanh nhân Mỹ Steve Jobs, nhà phát minh, sáng lập và điều hành công ty công nghệ Apple lừng lẫy. Và tất nhiên không thể thiếu một người Mỹ khác là Mark Elliot Zuckerberg, nhà lập trình máy tính đồng sáng lập facebook hiện đang chi phối đời sống thế giới hiện đại…
Có thể nói bộ tranh "Khẩu trang và người nổi tiếng" là sự sáng tạo khác biệt và tấm lòng của họa sĩ Lê Sa Long giữa mùa đại dịch Covid-19. Khẩu trang là điểm nhấn còn đôi mắt là thần thái các nhân vật. Thế mạnh của Lê Sa Long vẽ chân dung luôn thể hiện ở đôi mắt, cái cửa sổ nối kết tinh thần con người với thế giới. Bộ tranh là sản phẩm nghệ thuật độc đáo và đầy giá trị nhân văn. Và từ sắc màu hội họa của Lê Sa Long, chiếc khẩu trang đã cất tiếng nói, có một giá trị khác, mang một thông điệp khác tới đời sống. Thông điệp của tình yêu, sáng tạo và thăng hoa!
Những chiếc khẩu trang biết nói của Lê Sa Long
Khi nhân loại vượt đại dịch được che chắn bằng khẩu trang
Qua sắc màu những chiếc khẩu trang thay con người cất tiếng
Xin đừng đồng nhất với phương tiện bịt mồm bịt miệng
Từ bàn tay nghệ sĩ tài hoa khẩu trang nâng cấp lên đời
Nhân vật xưa nay đều bình đẳng tự do… ẩn nụ cười tươi!