Huy Cận và mối sầu "thượng đẳng như lai"
… A thân thể! một cái bình tội lỗi
Đất sơ sinh đã hóa lại bùn lầy…
Đọc hai câu thơ trên của ông, tôi thấy lạnh cả người .
Lần ấy, Hội Văn học nghệ thuật Hà Tĩnh tổ chức một buổi giao lưu thơ nhạc với những nhà thơ, nhạc sĩ người Hà Tĩnh đang sống ở Thủ đô. Tôi cũng được mời đến đọc thơ. Khi tôi bước vào hội trường đã thấy mọi người vây quanh nhà thơ Huy Cận ngồi ở hàng ghế đầu. Ông rất yếu, không lên đọc thơ được, một nghệ sĩ ngâm thơ của ông. Đến lượt tôi lên đọc thơ, đọc xong có vài người lên tặng hoa. Tôi ôm bó hoa được tặng xuống hàng ghế đầu đến chỗ nhà thơ Huy Cận ngồi, cúi đầu chào và tặng hoa ông. Ông ngước nhìn tôi, cái nhìn mệt mỏi. Một lúc, ông mới nhận ra tôi, ông thều thào nói: "Kỳ Anh, Dương Kỳ Anh…".
Chỉ mấy ngày sau, ông đã ra đi, đi về cõi vĩnh hằng…Tôi đâu ngờ, đó là lần cuối cùng được gặp ông.
Tôi đội tang đen và mũ trắng
Ra đi, không hẹn ở trên đường…
Tôi lại nhớ đến hai câu thơ trên của ông.
Dạo ông còn làm Bộ trưởng (Bộ trưởng không bộ), có lần hình như là năm 1989 thì phải, tôi đi CHDC Đức họp Tổng biên tập báo thanh niên các nước XHCN (đó cũng là lần họp cuối cùng), lúc trở về Việt Nam, tại sân bay Berlin, mấy người bạn đi tiễn tôi bảo: "Này, nhà thơ, à, Bộ trưởng Huy Cận đang ở trong phòng an ninh của sân bay". "Lạ quá, sao có chuyện ấy được, Bộ trưởng đi hộ chiếu ngoại giao cơ mà!". Tôi không tin.
Khi lên máy bay, tôi gặp ông, thấy gương mặt ông không vui, hình như có chuyện hiểu lầm gì đó.
Sau này tôi hay gặp ông ở tòa soạn Báo Tiền Phong.
Chuyện không vui với ông khi con trai ông đến gặp tôi mấy lần đề nghị đăng bài "kiện" lại bố về chuyện nhà cửa, sân vườn gì đó!
Nhà thơ Huy Cận đến gặp tôi, gọi điện cho tôi nhiều lần. Ông bảo: "Ông Kỳ Anh ơi, thôi nhé, thôi đừng đăng nhé… Chuyện buồn trong nhà mình… Thôi nhé, ông Dương kỳ Anh… thôi nhé!".
Những lần như vậy, tôi thấy ông buồn lắm.
Có lần, ông gửi cho tôi một bài thơ mới làm để đăng báo. Tôi vốn rất yêu thơ ông, nhưng bài thơ ông gửi chưa tương xứng với tài năng của ông nên tôi có ý chần chừ. Ông đi xe ôtô đến tận tòa soạn gặp tôi mấy lần để hỏi bao giờ thì đăng? Khi thơ đã đăng, ông lại đến hỏi xin mấy tờ báo. Tôi nói với mấy anh em làm thơ trong tòa soạn: "Một nhà thơ lớn, nổi tiếng như thế mà còn… như thế, quan tâm đến tác phẩm của mình như thế… Đó chẳng phải là bài học cho chúng ta hay sao".
…Một tấm linh hồn nhỏ
Mang mang thiên cổ sầu…
"Thơ Huy Cận vốn là sầu, nhưng là sầu thượng đẳng như lai" - Nói về nỗi sầu của Huy Cận, bất giác tôi lại nhớ tới nhận xét trên của Bùi Giáng.
Đúng là, Huy Cận có những nỗi sầu thượng đẳng, mà bài "Tràng Giang" là một ví dụ:
Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về nước lại sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòngLơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều
Nắng xuống, trời lên sâu chót vót
Sông dài, trời rộng, bến cô liêuBèo dạt về đâu hàng nối hàng
Mênh mông không một chuyến đò ngang
Không cầu gợi chút niềm thân mật
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàngLớp lớp mây cao đùn núi bạc
Chim nghiêng cánh nhỏ, bóng chiều sa
Làng quê dờn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.
Có một dạo, Huy Cận viết thơ vui. Thật lạ, thơ vui của ông đọc cũng rất hay: "Mưa xuân tươi tốt cả cây buồm"