Họa sĩ Nguyễn Thị Châu Giang: Mỗi phụ nữ là một đoá hoa
- Họa sĩ Bùi Thanh Tâm: Quay về nguồn cội để đi ra thế giới
- Họa sĩ Mộng Bích - Chân thực với niềm đam mê nghệ thuật ở tuổi 90
- Họa sĩ Bùi Thanh Thủy: Vẽ như là số phận
Cuối tháng 10, nữ họa sĩ Châu Giang gây bất ngờ cho công chúng khi khai mạc triển lãm tranh mang tên “Ẩn hoa 2”. Bất ngờ bởi sức làm việc bền bỉ, đều đều cho ra đời những đứa con tinh thần của chị. Bộ tranh tại triển lãm lần này được thể hiện bằng màu nước và mực nhuộm trên chất liệu lụa.
Hơn 20 bức tranh vẽ những người phụ nữ với nhiều lứa tuổi, tính cách khác nhau. Họ có thể là những người mẹ chuẩn mực truyền thống; là những người chị hiền lành, tần tảo; là những cô gái mạnh mẽ, nổi loạn. Tính cách của họ thể hiện qua trang phục, mái tóc, dáng đứng, dáng ngồi và cả trên gương mặt, cử chỉ. Có người nền nã, e lệ trong chiếc áo dài kín đáo, có người lại chỉ mặc nội y với dáng ngồi thoải mái. Châu Giang không lí tưởng hóa cuộc sống của những người phụ nữ trong tranh mà luôn đặt họ ở những trạng thái rất thật.
Họa sĩ Châu Giang. |
Châu Giang chia sẻ: “Bộ tranh lụa “Ẩn hoa 2” được lấy cảm hứng từ những người bà, người mẹ, chị em gái, con gái, cô, dì, mợ, bạn gái, và cả những người phụ nữ xa lạ... sống quanh tôi và lướt qua cuộc đời tôi, vốn có một cuộc đời thật bất định và dành tặng cho họ. Bạn có thể thấy xuyên suốt trong các bức tranh, đều là hình ảnh hai người phụ nữ đối lập – một thể hiện cho sự truyền thống, nền nã, khép kín, chịu đựng. Một thể hiện cho sự cởi mở, hiện đại, khao khát tự do, khao khát vượt qua những giới hạn của bản thân và xã hội – đối lập từ tính cách, từ suy nghĩ, từ hành động – nhưng giữa họ vẫn có sự gắn kết chặt chẽ. Họ gắn kết với nhau trong niềm hạnh phúc ngọt ngào, đầm ấm và rất đỗi dịu dàng”.
Những gương mặt trong tranh Châu Giang dù như thế nào vẫn phảng phất sự ấm áp lẫn nét u buồn trong đôi mắt. Phải chăng nó phản chiếu đôi mắt của chính người phóng cọ. Châu Giang cũng mang đôi mắt buồn, nhiều nỗi niềm như chợt dậy sóng mà chôn chặt, mãi mãi bí ẩn đối với người đối diện. Bể dâu này gieo bao điều giông gió cho phái yếu. Ở Việt Nam, vấn đề bất bình đẳng giới chỉ có sự thay đổi tích cực ở vẻ bề mặt, nhưng gốc rễ thì chưa hẳn thay đổi. Và tâm tình về người phụ nữ Việt Nam, đã bao lần người ta nhắc về đức tính hy sinh, nhẫn nhịn.
Nhưng theo Châu Giang: “Tôi cho rằng yêu thương, nhẫn nhịn và hy sinh là bản năng cơ bản của người phụ nữ, nên cho dù ở thế hệ nào, môi trường nào, hoàn cảnh nào thì có dịp nó cũng thể hiện ra. Phụ nữ Việt Nam khác các chị em phụ nữ phương Tây ở điểm họ thường giấu nỗi buồn, thất vọng vào trong lòng và ít khi cho phép bản thân thể hiện ra ngoài một cách dữ dội. Phụ nữ Việt Nam hy sinh bản thân mình một cách rất âm thầm, lặng lẽ vì tình yêu và lòng vị tha của họ là vô tận. Nhiều người sẽ nói tính cách này khiến cho phụ nữ Việt Nam nhu nhược, yếu đuối nhưng tôi lại cho rằng họ có sức mạnh tiềm ẩn. Chính đức tính nhẫn nhịn, vị tha và hy sinh đó lại làm họ trở nên rất mạnh mẽ và dũng cảm, ẩn sau cái vẻ ngoài tưởng như mong manh. Sức mạnh ấy giúp họ có thể chịu đựng được mọi thứ và vượt qua được mọi điều không mong muốn trong cuộc sống”.
Trong bộ tranh lần này, ẩn hiện là những bông hoa lớn nhỏ đầy vui tươi, gửi gắm nhiều hàm ý của họa sĩ. Có nhà phê bình ví bộ tranh là bức thư tình bằng hình ảnh gửi đến những người phụ nữ Việt Nam. Châu Giang nhắn gửi những người phụ nữ quanh mình như lời thủ thỉ với chính chị: “Chúng ta là những bông hoa. Cho dù chúng ta đến từ đâu, từ thế hệ nào, sống trong hoàn cảnh nào, chúng ta xấu hay đẹp, khổ đau hay hạnh phúc, tràn ngập yêu thương hay cô độc... chúng ta vẫn phải nở hoa và tỏa ngát hương thơm. Nở hoa và tỏa hương là cách tuyệt vời nhất để chúng ta có thể tự tin đối mặt được với thế giới đầy rẫy đau thương và lạc loài này!”.
Tác phẩm trong triển lãm “Ẩn hoa 2”. của họa sĩ Châu Giang. |
Có lẽ “Người trợ giúp” là bức tranh mà Châu Giang đặt để nhiều tâm tư nhất. Hình ảnh bà mẹ giúp cô con gái gài áo ngực như một sự nâng đỡ, dìu dắt đầy nữ tính của tình mẫu tử, thiêng liêng của sợi dây thế hệ.
Hãy nghe Châu Giang nói về bức tranh ấy: “Trong suốt thời gian vẽ nó, tôi đã thường xuyên rất xúc động và luôn nuôi cảm xúc bằng một ý nghĩ thế này: Bạn có thể không hạnh phúc khi sinh ra là một người phụ nữ. Nhưng bạn chắc chắn sẽ hạnh phúc khi có mẹ - người luôn yêu thương và hy sinh vô điều kiện cho bạn. Cái thứ tình cảm này, nếu bạn được trải qua vai trò làm con rồi làm mẹ (đặc biệt là mẹ của một cô con gái), bạn sẽ thấy nó thiêng liêng và kì diệu không cách nào lý giải được".
Sớm có nhiều tác phẩm văn chương ấn tượng từ thuở đôi mươi nên khi cầm cọ, Châu Giang thổi vào tranh nhiều tầng nghĩa sâu sắc, thâm trầm của văn chương. Nó pha trộn giữa cảm xúc và trí tuệ, tựa hồ như một áng văn dịu dàng, như câu thơ mơ mộng để người thưởng lãm chợt thấy như từng mảng màu đang gảy lên tiếng tơ sâu thẳm trong lòng họ. So với những nổi loạn, táo bạo ngày trẻ, giờ tranh chị mang cái đằm thắm, thâm trầm của người đàn bà sắp bước qua nửa đời người. Hai chất liệu quen thuộc của chị là sơn dầu và lụa. Trong đó, lụa là chất liệu lắm thách thức nhưng cũng quyến rũ chị nhất bởi sự mong manh, trong trẻo và tinh tế của nó.
“Thời gian đầu khi vẽ lụa, tôi đi màu bị dày, đục. Cái này mình phải đọc sách, học hỏi rất nhiều từ các bậc tiền bối về cách xử lý màu. Sau đó trải qua một thời gian, kỹ thuật được cải thiện nhiều, nhờ đó mà mình cũng có thể tạo ra được những cái rất riêng của mình mà vẫn giữ được bản chất trong trẻo của lụa. Khi vẽ tôi đưa nghệ thuật đương đại vào để tranh mang hơi thở thời đại. Đối với lụa, người ta thường sử dụng màu nhạt nhưng tôi lại vẽ màu đậm và tương phản nhau” – chị cho biết.
Cách đây hai năm, Châu Giang tổ chức triển lãm “Bên trong tôi” ở TP Hồ Chí Minh. Tại triển lãm đó, các kỹ thuật đương đại được chị áp dụng vào lụa một cách triệt để. Ngay cả cách treo tranh để khán giả có thể thưởng thức ở cả hai mặt cũng được áp dụng. Loạt tranh ngày ấy dữ dội và nhiều ẩn ức hơn triển lãm “Ẩn hoa 2” bây giờ, có lẽ bởi những giằng xé, mâu thuẫn trong chính tâm can chị. Nhân vật chính trong tranh là những người đàn bà khỏa thân ở nhiều tư thế. Vờn quanh họ, xuyên qua họ là những con rồng màu xanh, màu đỏ.
Trong văn hóa Á Đông, rồng là con vật hiền lành, thanh cao. Nhưng nó là con vật không có thật mà chỉ được dệt nên bởi trí tưởng tượng của loài người. Vì thế, nó khó nắm bắt. Tính chất ấy tựa hồ như nội tâm phức tạp, chất chứa đầy mâu thuẫn của người đàn bà. Màu xanh - đỏ tượng trưng cho trạng thái tích cực – tiêu cực; sự bình yên, hạnh phúc – bất định, bi kịch... như mặt đối lập của vạn vật trong vũ trụ này cũng như thái cực trong cõi lòng phái đẹp.
Dường như, càng về sau, Châu Giang càng lặn ngụp sâu vào thế giới nội tâm đàn bà của bản thể để dệt màu lên tranh mà giải thoát cho chính mình. Ở đó, những trải nghiệm được thể hiện dường như cũng đau đáu hơn, khắc khoải hơn, đa đoan hơn. Ở đó, là thế giới rất riêng tư, chân thật, thân thuộc và đầy mến thương đối với chị, đối với những người phụ nữ quanh chị. Ngắm đấy, cảm đấy, nghĩ đấy để mà cùng thức tỉnh, cùng nhận ra lòng mình đang bắt đầu tỏa hương...