Họa sĩ Mộng Bích - Chân thực với niềm đam mê nghệ thuật ở tuổi 90
- Họa sĩ Bùi Thanh Thủy: Vẽ như là số phận
- Họa sĩ Đào Hải: Chàng "tí quậy" thân thương
- Họa sĩ Tô Chiêm: Lặng lẽ với những đam mê
Người ta thường nói, tuổi trẻ thì hãy theo đuổi hoài bão, hãy ước mơ thật nhiều bởi chẳng ai đánh thuế bao giờ. Câu này hoàn toàn đúng. Thế nhưng lạ một điều là hiếm ai đề cập đến "ước mơ của người cao tuổi". Thật ra, bản thân tôi cũng chưa thực sự để ý đến khía cạnh này cho tới khi có cơ hội được gặp gỡ và giao lưu cùng hoạ sĩ Mộng Bích. Đó là vào một buổi chiều cuối thu tại Trung tâm văn hoá Pháp L'Espace trước giờ khai mạc triển lãm "Đi giữa hai thế kỷ".
Họa sĩ Mộng Bích tại triển lãm tranh cá nhân đầu tiên "Đi giữa hai thế kỷ". Nguồn: Bùi Hoài Nam Sơn. |
Người nghệ sĩ lớn xuất hiện ngay trước mắt tôi có vóng dáng đặc trưng của phụ nữ Á Đông, mái tóc bạc trắng sợi thương sợi nhớ, tấm lưng khom còng theo dấu thời gian và một nụ cười hiền hậu. Dù chia sẻ rằng có đôi chút "sợ" vì nhiều nhà báo tham dự, nhưng xuyên suốt buổi giao lưu, hoạ sĩ Mộng Bích luôn là người dẫn dắt, hút chúng tôi vào những câu chuyện đời, chuyện nghề đầy cảm xúc.
"Cũng may là tranh tôi ế"
Mở đầu buổi trò chuyện, hoạ sĩ Mộng Bích cho biết mình rất vui và hạnh phúc khi thực hiện được cuộc triển lãm tranh đầu tiên với sự góp công góp sức rất lớn từ phía Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam.
Bà kể, hồi còn trẻ bà không có nhiều tác phẩm hội hoạ vì cuộc sống khó khăn. Bà là hoạ sĩ trình bày duy nhất của tờ Độc Lập nên rất bận. Ngoài ra, chồng bà hay đau ốm, các con còn quá nhỏ và chiến tranh khiến mọi thứ nặng phần khốn khó. Nhưng đổi lại, tất thảy những gì bà phải trải qua lại càng khiến sự ra mắt của triển lãm "Đi giữa hai thế kỷ" thêm ý nghĩa.
"Đối với tôi, mở được triển lãm giống như giấc mơ thành hiện thực của một bà già 90 tuổi vậy", bà nói. Rồi người hoạ sĩ tiếp tục kể về câu chuyện "lội ngược dòng" của tác phẩm đầu tiên mà bà đoạt giải.
"Hồi mới tốt nghiệp trung cấp trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, tôi có gửi bức tranh "Mẹ và Con" tham dự triển lãm của Sở Văn hoá Liên khu Việt Bắc tại Thái Nguyên. Thế nhưng bức tranh này lại không được treo lên bởi khâu kiểm duyệt không thông qua. Tôi vẽ cảnh một người mẹ đang cho con bú lộ hai bầu ngực. May thay, bức tranh dù không được treo, chỉ để xó, nhưng lại chưa bị vứt đi. Thầy Trần Văn Cẩn và một viện sĩ từ Ba Lan đến xem đã vô tình nhìn thấy tác phẩm của tôi và đề nghị phải treo bức tranh đó lên. Cuối cùng, tác phẩm đoạt giải nhất hội thi. Đó cũng lại là duyên may của tôi nữa", bà cho hay.
Bức tranh "Bà già" của họa sĩ Mộng Bích đoạt giải Nhất - giải thưởng thường niên của Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 1993. |
Hoạ sĩ Mộng Bích thường nói rằng bà hay gặp may chứ tranh của bà "ế" lắm. Nhưng tôi hiểu, người hoạ sĩ già chỉ đang khiêm tốn. Nói đến đây, bà nhấp chút nước, đôi mắt hơi rưng rưng: "Cũng may là tranh tôi ế. Còn nếu cứ chạy theo đồng tiền thì có khi mất nghệ thuật".
Bà luôn trung thành với lối vẽ Đông Dương trên vải lụa bởi bà quan niệm rằng cái gì chuyên sâu cũng đều cuốn hút hơn cả. Bắt gặp bất cứ ai, thứ gì, hay khung cảnh nào đem lại cảm xúc, bà đều vẽ lại và ở thời đại nào thì phản ánh đúng thời đại đó.
Thật vậy, khác với cái tên đầy "mơ màng" Mộng Bích, những tác phẩm nghệ thuật của bà giàu tính chân thực và rất gần gũi. Từng bức tranh bà vẽ như những mẩu ghép hình, khi ráp lại với nhau sẽ mang đến một cái nhìn vừa bao quát vừa chi tiết về đất nước Việt Nam trong dòng chảy thời gian giữa hai thế kỷ.
Nói "tranh ế" chỉ là bông đùa, kỳ thực cái sự "ế" mà hoạ sĩ Mộng Bích nói tới có thể giải thích là sự "kén" người xem. Dù khá kín tiếng trong làng nghệ thuật, nhưng những người biết đến Mộng Bích đều dành cho bà những lời phê bình "đắt nhất".
Hoạ sĩ Trần Văn Cẩn từng nói: "Mộng Bích vẽ tranh bằng bản năng, đầy cảm xúc, rất xuất sắc". Giáo sư Nora A. Taylor tại Học viện Mỹ thuật Chicago (Mỹ) đánh giá: "Ở tuổi gần 90, Mộng Bích không chỉ sống lâu hơn hết những người đồng trang lứa, bà còn là hiện thân của những thay đổi mà lịch sử mỹ thuật nói riêng và lịch sử Việt Nam nói chung đã trải qua. Sự nghiệp của bà luôn vừa tuân theo khuôn khổ của thời đại vừa vượt ra ngoài thời đại. Mộng Bích chẳng bao giờ muốn gây sự chú ý. Bà vẫn luôn thầm lặng".
"Vẽ chính là nghỉ ngơi"
Bước sang mùa xuân thứ 90 của cuộc đời, hoạ sĩ Mộng Bích vẫn không ngừng sáng tạo nghệ thuật. Nếu như trước đây không có nhiều thời gian dành cho hội hoạ thì bà lại bắt đầu vẽ nhiều hơn từ khi về hưu cho đến tận bây giờ.
Theo nữ hoạ sĩ, bà đã chuẩn bị cho sự "nghỉ ngơi" của bản thân từ rất lâu. Trong những chuyến đi thực tế hay đi công tác trước đây, bà thường ký hoạ rất chi tiết những gì thích và lưu lại cẩn thận để làm tư liệu cho những tác phẩm tranh lụa sau này.
Được biết, là thế hệ đi trước, cây đại thụ trong làng hoạ sĩ Việt Nam luôn đánh giá cao tài năng và lòng nhiệt huyết của các hoạ sĩ trẻ hiện nay. Bà nói rằng ai cũng có cá tính riêng nên thật khó để đưa ra một lời khuyên cặn kẽ, đương thời cho giới trẻ. Nhưng bà gợi ý, đọc sách là một trong những chìa khoá giúp mỗi người tự sửa và hoàn thiện bản thân hơn. "Mình đọc sách thì trí tuệ được mở mang thêm, giúp thẩm mĩ được nâng tầm và tranh ta vẽ sẽ không bị sến", bà nhấn mạnh.
Chia sẻ với Chuyên đề Văn nghệ Công an, ông Thierry Vergon, Tuỳ viên Văn hoá, Giám đốc L'Espace nói rằng, ông vô cùng ấn tượng về sự minh mẫn của họa sĩ Mộng Bích trong lần gặp đầu tiên và càng ngạc nhiên hơn khi xem tranh của bà.
Ông gọi triển lãm lần này là một câu chuyện kể, câu chuyện của một phụ nữ trẻ hiếu kỳ và sáng tạo đi khắp Việt Nam, câu chuyện của một phụ nữ chín chắn hơn về gia đình và bạn bè mình và câu chuyện của một phụ nữ có tuổi thuật lại những cuộc hội ngộ trong đời.
Ông Thierry Vergon cũng đặc biệt tiết lộ với tôi rằng, triển lãm "Đi giữa hai thế kỷ" chưa phải là cái đích cuối cùng. "Sự nghiệp của hoạ sĩ Mộng Bích có những giai đoạn khác nhau và chúng tôi đã cố gắng chọn lọc để mang những tác phẩm của bà lại gần hơn với công chúng. Đây chỉ là bước đầu tiên thôi. Chúng tôi cũng sẽ gửi cuốn sách tranh song ngữ "Đi giữa hai thế kỷ" đến nhiều viện văn hoá Việt Nam và quốc tế. Khi các chuyên gia hay giới sưu tập "cảm" được cái hồn trong tác phẩm của Mộng Bích, chúng tôi sẽ có thêm nhiều cơ hội giúp hoạ sĩ thực hiện các triển lãm tranh ở nước ngoài. Đó mới là điều mà chúng tôi hướng tới".
Qua tiếp xúc và được lắng nghe những chia sẻ riêng của họa sĩ Mộng Bích cũng như các phê bình của nhiều chuyên gia, tôi hiểu được rằng sự thông tuệ của bà từ đâu mà có, sự kiên trì của bà từ đâu mà ra và vì sao cái hồn trong từng bức tranh bà vẽ lại mang đến cho người xem xúc cảm đến vậy. Rõ ràng, đó chính là từ những thăng trầm mà bà từng trải, những tinh hoa bà chắt chiu suốt hai thế kỷ nhờ việc không ngừng học hỏi và bởi sự chân thật trong chính tâm hồn của người hoạ sĩ.
Hoạ sĩ Mộng Bích tên khai sinh là Nguyễn Thị Mộng Bích, sinh ngày 26-6-1931 tại Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội. Bà thuộc thế hệ sinh viên đầu tiên theo học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Từ năm 2011 đến nay, bà sống và sáng tác nghệ thuật tại một căn nhà ở làng Na, xã Hiên Vân, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. "Đi giữa hai thế kỷ" là triển lãm cá nhân đầu tiên, chọn lọc và tập hợp các bức tranh lụa, màu nước và ký họa của hoạ sĩ trong bốn giai đoạn bao gồm: 1956 - 1970, 1987 - 1990, 1990 - 2010 và 2011 - 2020. Triển lãm kéo dài đến hết ngày 22-11 tại Trung tâm Văn hoá Pháp L'Espace, 24 Tràng Tiền, Hà Nội. |