Họa sĩ Lê Hướng Quỳ và "Lộ trình tâm thức"
Tôi tình cờ được đọc tập thơ "Lãng đãng ảo hình" của họa sĩ Lê Hướng Quỳ, do Nhà xuất bản Văn học ấn hành vào tháng 7/2013, với nhiều cảm xúc bất ngờ. Sau được biết tác giả từng nhiều năm chuyên vẽ panô, áp phích cho Sở Văn hóa Hải Dương thì lại càng thêm nể phục. Lê Hướng Quỳ được kết nạp Hội Mỹ thuật Việt Nam từ năm 1984, với những bức tranh lụa đầy lãng mạn về phong cảnh quê hương. Mới đây, có dịp gặp ông trong một ngôi nhà nhỏ gần sông, tôi thấy bùi ngùi làm sao...
1.Cầm trên tay tuyển tập tranh của họa sĩ Lê Hướng Quỳ, tôi ngỡ mình được trải nghiệm cùng ông trên những nẻo đường trở về ký ức, đúng với cái tên sách: "Lộ trình tâm thức" (NXB Mỹ thuật, 2012). Lê Hướng Quỳ đi nhiều nơi. Ông có cả một kho tranh. Nhiều bức vẽ được ông thực hiện trên những cung đường rong ruổi, trong đó có bức ông vẽ ngay khi mới tốt nghiệp trường hội họa năm 1967.
Tuy theo học ngành hội họa và điêu khắc trong 7 năm trời, nhưng khi được phân công về công tác tại Sở Văn hóa Hải Dương, ông chỉ chuyên vẽ tranh cổ động phục vụ tuyên truyền. Ở tuổi 23, họa sĩ trẻ Lê Hướng Quỳ khi đó không nề hà, ngại khó và dồn toàn tâm toàn ý cho công việc…
Có lần vào đội xung kích tuyên truyền của tỉnh, họa sĩ Lê Hướng Quỳ đi công tác ở Quảng Bình, vẽ trực tiếp ngay trên chiến hào hàng tháng trời. Đó là những bức trực họa vương màu khói lửa, với những góc cháy của đạn bom. Lê Hướng Quỳ từng phải cùng đồng nghiệp dựng dàn giáo để vẽ một bức tranh cổ động cho chiến dịch, không ít lần phải tránh máy bay Mỹ đến bắn phá. Hàng trăm bức trực họa ngay trên trận địa mà họa sĩ còn lưu giữ được cho đến ngày nay như một báu vật và là nguồn tư liệu sáng tác dồi dào của ông.
Họa sĩ Lê Hướng Quỳ nhớ có một buổi chiều, khi ông vừa dựng dàn giáo xong, chuẩn bị mọi vật liệu định trèo lên vẽ thì máy bay Mỹ bất ngờ ập đến. Chỉ mới kịp hút xong điếu thuốc lào, ai ngờ một ánh sáng vụt qua, tiếng réo của làn bom rú rít, rồi tiếng nổ dữ dội ầm vang, cả dàn giáo đổ sập. Hút chết, họa sĩ cùng anh em lại tiếp tục dựng dàn giáo khác, vẽ cho đến sáng hôm sau. Bức tranh cổ động tươi mới sắc mầu, dưới bãi cỏ cháy đen vì bom đạn làm họa sĩ dạt dào cảm xúc.
Sau chuyến đi dài ngày ấy, họa sĩ Lê Hướng Quỳ thường xuyên có mặt trên các dàn giáo được đặt dọc theo đường số 5 thuộc địa phận hai tỉnh Hưng Yên và Hải Dương để vẽ tranh thông tin tuyên truyền cổ động. Dọc con đường tỉnh lộ và đường liên huyện có tới hơn 30 bảng tường vẽ tranh cổ động. Mỗi bức tường tranh được dựng cao, rộng từ 15 tới 30 mét vuông, họa sĩ phải dựng dàn giáo cao tới 4 hoặc 5 mét để vẽ.
Ngày lại ngày. Năm lại năm. Họa sĩ không khác gì một người thợ xây vất vả với công trình cùng những gian nan với nắng mưa, giá rét. Không ít lần bị ngã đau vì dàn giáo gãy đổ trong cơn gió mạnh, song Lê Hướng Quỳ vẫn quyết tâm hoàn thành công việc của một tay bút xung kích phục vụ hậu phương hướng về tiền tuyến lớn.
"Hội thi cấy" - tranh lụa của Lê Hướng Quỳ. |
Từ năm 1972 đến 1977, Lê Hướng Quỳ được cử đi học tiếp Đại học Mỹ thuật, chuyên ngành hội họa, song ông vẫn tiếp tục vẽ tranh tuyên truyền cổ động cho UBND tỉnh Hải Dương. Cho mãi đến năm 1982, khi được chuyển sang phòng sáng tác xuất bản, làm tờ Văn hóa Thông tin, họa sĩ Lê Hướng Quỳ vẫn tham gia vẽ trên các panô hay áp phích tại nhiều địa chỉ treo tranh. Cho đến nay, khá nhiều tranh trong số hàng trăm bức mà họa sĩ Lê Hướng Quỳ vẽ đã trở thành vốn quý, và là nhân chứng lịch sử chiến đấu và dựng xây của tỉnh được lưu giữ tại các Bảo tàng cách mạng, Khoa học quân sự và Mỹ thuật Việt Nam.
Họa sĩ Lê Hướng Quỳ là một trong số ít họa sĩ có tới 14 bức tranh cổ động được in làm mẫu tuyên truyền khắp cả nước trong thời chiến. Năm 1976, ông đã được nhận giải nhì (không có giải nhất) về tranh cổ động toàn quốc của Hội Mỹ thuật Việt Nam.
2. Tuy có gần hai chục năm chuyên vẽ tranh cổ động, nhưng họa sĩ Lê Hướng Quỳ không sao nhãng việc chăm chút cho những hình tượng nghệ thuật ở các chất liệu khác như sơn dầu, bột màu và nhất là lụa, một thế mạnh của ông. Nhiều tranh lụa của ông đã tạo được ấn tượng ấm áp với những nỗi xúc động sâu lắng.
Người xem rất ấn tượng trước những tác phẩm lụa giàu chất trữ tình của ông như: "Bác Hồ đọc bia ở Côn Sơn", "Một thời chưa xa", "Xuống đồng", "Chân quê", "Mùa thi"… Không ít tư duy và cảm xúc trong lĩnh vực tranh cổ động đã tràn lên những hình tượng nghệ thuật trong tranh lụa của ông và đã được người xem yêu thích, qua các đề tài: "Mùa mới", "Mùa đay", "Trăng quê", hay "Khoảnh khắc biển động"… Đặc biệt, những bức chân dung của vợ con qua chất liệu lụa của Lê Hướng Quỳ càng để lại nhiều điều lắng đọng trong cảm xúc người xem. Điển hình trong đó là bức tranh lụa "Hội thi cấy" đã được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sưu tầm.
Năm 2004, họa sĩ Lê Hướng Quỳ tổ chức triển lãm cá nhân, với những tác phẩm từng ghi dấu ấn qua những Giải thưởng Mỹ thuật triển lãm khu vực sông Hồng hay Giải Mỹ thuật Côn Sơn của Tp Hải Dương…
Bên cạnh sự nghiệp hội họa, Lê Hướng Quỳ còn thể hiện cảm xúc của mình qua những áng thơ. Đây cũng là một hành trình nghệ thuật đồng hiện trong tâm hồn nghệ sĩ. Nói như vậy bởi lẽ, cùng với hội họa, Lê Hướng Quỳ làm thơ cũng đã lâu. Ông hiện có tới bốn tập thơ in riêng và hàng chục bài được chọn trong các tuyển tập in chung. Thơ của ông cũng được không ít nhạc sĩ phổ nhạc, và thể hiện một nét riêng của một họa sĩ làm thơ, đó là tính chau chuốt và ẩn dụ khá độc đáo.
Tập thơ mới nhất "Ảo hình lãng đãng" do chính tác giả tự trình bày, kèm minh họa và thiết kế bìa sách nên đã gây được sự chú ý nơi người đọc về phần mỹ thuật. Nhưng điều quan trọng hơn cả chính là những tứ thơ ám ảnh cùng những liên tưởng lãng mạn - đó mới là điều Lê Hướng Quỳ hướng tới. Tứ thơ "Vị thời gian" bao quát khá nhiều hình ảnh mà tác giả quan tâm và gửi gắm trong cảm xúc, khi thì ảo mộng, khi lại cụ thể, lại có lúc lãng đãng chân tình như "Trăng chia ly.../ như một bình rượu rỗng/ Tóc dài ơi.../ Trăng nõn hay tàn?".
Nhà phê bình hội họa Nguyễn Đỗ Bảo đã từng nhận xét về hội họa và thơ ca của Lê Hướng Quỳ, với ẩn ý "Thi chung hữu họa" hay "Họa chung hữu thi" là hết sức nhất quán giữa tính công dân của tâm hồn một nhà thơ đồng điệu với những bức tranh lụa hết sức dịu dàng và ngây ngất men say cuộc sống.
3. Sau phút trầm ngâm với những kỷ niệm về những ngày bươn chải trong chiến tranh cùng những dàn giáo chênh vênh trước cơn gió bão, tôi hỏi Lê Hướng Quỳ về nỗi nhớ sau hơn nửa thế kỷ dựng nghiệp, người họa sĩ chỉ nhắc lại câu chuyện về những gói mì được bồi dưỡng sau những đêm cùng đồng nghiệp thi công Tượng đài liệt sĩ cho tỉnh Hải Dương hồi đầu những năm 80 của thế kỷ trước (Lê Hướng Quỳ được giao làm phần phù điêu quanh chân tượng).
Công trình tượng đài phải thực hiện trong ba tháng mới hoàn thành. Kể cả làm thêm ngày chủ nhật hay ngày lễ, cuối cùng mọi người chỉ được thanh toán với số tiền hết sức khiêm tốn và 10 gói mì tôm. Vậy mà, trong lòng mọi người, ai cũng thấy vui làm sao. Mỗi gói mì ngày ấy, dù là ít ỏi nhưng lại ấm tình người và khiến người họa sĩ nhớ mãi không quên. Kể đến đây, ông nhìn ra khoảng sân nhỏ dẫn lối xuống xưởng vẽ, với bao ký ức của một thời nghèo khó, chật vật gian nan với bao buồn tủi. Cả một đời theo nghiệp vẽ lang thang khắp nẻo với chiếc xe đạp Thống Nhất. Lê Hướng Quỳ chỉ chiếc xe 82 cũ, nói: "Mãi tới năm 2005, tôi mới mua được nó, thế là đã cố gắng lắm rồi".
Vợ chồng họa sĩ có ba người con gái, hiện cả ba đều đã ở riêng nên ngôi nhà càng trở nên cô quạnh. Ông bảo: "Lương hưu của hai vợ chồng được tất cả sáu triệu, ấy thế mà nào có ăn được mấy, vì đều dồn vào thuốc thang là chính". Căn bệnh thấp khớp của ông và bệnh tiểu đường của vợ càng làm cho cuộc sống gia đình thêm nhiều bận tâm.
Nói rồi, họa sĩ Lê Hướng Quỳ mỉm cười ngước nhìn lên bức tranh lụa và mô hình tượng đài đã nhắc tới ở phần trên. Ông cho hay, mỗi lần đi qua tượng đài, ông lại nhớ tới những gói mỳ tôm và những đêm thức trắng để ghi dấu một thời các chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Đó là kỷ niệm đẹp ở tuổi 70 của ông, một họa sĩ cả cuộc đời hiến dâng cho nghệ thuật nhưng lại khuất lấp sau bao bộn bề của cuộc sống