Kỷ niệm 20 năm ngày mất của họa sĩ Nguyễn Gia Trí (20/6/1993-20/6/2013)

Hai thập kỷ duyên nợ với vua sơn mài

Thứ Năm, 04/07/2013, 08:00

Vậy là 20 năm ông về với cát bụi, yên nghỉ ven vùng ngoại ô Sài thành. Cũng chừng đó năm, Bảo tàng Mỹ thuật Tp HCM gom góp những vết tích, kiệt tác ông để lại cho đời. Tri ân 20 năm đầy duyên nợ, tri ân tài năng và nhân cách của bậc danh họa tài hoa, lần đầu tiên Bảo tàng Mỹ thuật Tp HCM tổ chức triển lãm những phác thảo của họa sĩ Nguyễn Gia Trí vào đúng ngày mất của ông (20/6/1993).

1. "Nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn". Không phải ngẫu nhiên mà người đời lại xếp họa sĩ Nguyễn Gia Trí vào bộ tứ này (gồm Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn). Ông được xem là bậc thầy lớn nhất về tranh sơn mài, biến gam màu trầm vốn có của sơn ta lắng đọng thành cái thâm trầm, lãng mạn, gần gũi mà không kém phần lộng lẫy bởi tuyệt kỹ từ vỏ trứng, son, sơn than, vàng, bạc, sơn cánh gián. Họa sĩ Nguyễn Gia Trí sinh năm 1908 tại Chương Mỹ, Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Tranh của ông thường vẽ về các thiếu nữ, phong cảnh làng quê Việt với xu hướng mộng mơ, lãng mạn. Trong 60 năm, ông cho ra đời khoảng 400 bức tranh. Tiêu biểu trong số đó là các kiệt tác: "Vườn xuân Trung Nam Bắc", "Thiếu nữ bên hoa phù dung", "Dọc mùng"; "Giáng sinh", "Ba vua"…

Có thể nói bức tranh mà Nguyễn Gia Trí trút hết tài năng, tâm sức, tuyệt kỹ và hồn cốt của mình chính là "Vườn xuân Trung Nam Bắc" mà ông sáng tác trong những năm tháng cuối đời. Ghé tầng 2 của Bảo tàng Mỹ thuật Tp HCM, du khách không khỏi trầm trồ kinh ngạc tự hỏi tại sao ông vẫn giữ nguyên cái hồn thanh thoát và cảm hứng sáng tạo dạt dào cho một bức tranh trong suốt hơn chục năm ròng rã sáng tác. Dáng vẻ uyển chuyển của thiếu nữ, những sắc đỏ rực rỡ và sự chuyển sắc của vỏ trứng diệu kỳ. Bức tranh gồm 9 tấm kích thước tổng cộng 2m x 5,4m được Nguyễn Gia Trí tiến hành từ đầu những năm 70 của thế kỷ trước trong điều kiện sức khỏe vô cùng khó khăn, khi những cơn tai biến mạch máu não không ngừng hành hạ ông.

Bà Mã Thanh Cao - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Tp HCM cho biết tuyệt tác này do UBND Tp HCM mua tặng Bảo tàng năm 1990 với giá 600 triệu đồng (tương đương 100.000 đô la thời điểm đó). "Bấy giờ bảo tàng mới xây dựng được 5 năm, còn vô vàn khó khăn, thiếu thốn. Cho nên khi đón nhận bức tranh, chúng tôi cảm động và vui mừng khôn xiết bởi đây là món quà vô giá góp phần khẳng định giá trị của bảo tàng mỹ thuật duy nhất khu vực phía Nam" - Bà Mã Thanh Cao tâm sự. Tuy nhiên, nếu sự kiện này khiến giới nghệ thuật và người mộ điệu nức lòng bao nhiêu thì một số người, trong đó có cả một số họa sĩ lại lên tiếng chỉ trích kịch liệt bấy nhiêu. Họ cho rằng thành phố đã quá lãng phí cho một bức tranh trong khi đất nước ta đang đói nghèo. Nhưng khi bức tranh được trưng bày tại bảo tàng đã có du khách ngỏ ý mua với giá 1 triệu đô la, trở thành tác phẩm hội họa đắt giá nhất của Việt Nam khi ấy thì dư luận mới lắng xuống. Điều đó càng góp phần khẳng định giá trị kiệt tác xứng tầm quốc bảo của họa sĩ Nguyên Gia Trí mà thế hệ sau bằng giá nào cũng phải gìn giữ. Cùng với bức tranh, gia đình họa sĩ Nguyễn Gia Trí còn trao tặng bảo tàng 61 tư liệu và phác thảo của ông.

Một trong những phác thảo của họa sĩ Nguyễn Gia Trí sẽ được trưng bày tại triển lãm.

Đến dự triển lãm tác phẩm của các tác giả đương đại, trong đó có phác thảo của họa sĩ Nguyễn Gia Trí, gia đình họa sĩ không giấu nổi xúc động. Họ không ngờ rằng những bức phác thảo đã cũ, sờn và có bức bị rách khi được trưng bày trong lồng kính lại đẹp đến vậy!

Biết gia đình vẫn còn giữ nhiều tài liệu và phác thảo quý giá của cụ Trí, bảo tàng tiếp tục theo đuổi và thuyết phục gia đình nhượng lại cho bảo tàng. Tuy nhiên, việc đó không đến ngay khi bảo tàng muốn sưu tầm vì gia đình một phần muốn giữ lại để tưởng nhớ người đã khuất.

"Năm 2010, chúng tôi nhận được cuộc gọi của gia đình cụ Trí. Gia đình muốn bán số phác thảo còn lại. Nhận được cuộc gọi này, chúng tôi vỡ òa hạnh phúc. Vậy là 20 năm trời kiên trì theo đuổi, chúng tôi mới mua lại được kho báu quý giá này" - Bà Mã Thanh Cao cho biết. Bảo tàng quyết định mua hết toàn bộ phác thảo mà gia đình gìn giữ dù trong đó nhiều bức đã bị hư hại do thời gian bởi như bà Mã Thanh Cao đánh giá: "Mỗi nét vẽ của họa sĩ Nguyễn Gia Trí đều quý giá".

"Kho báu vô giá" lần này mà bảo tàng mua được gồm 72 tư liệu và bản phác thảo khổ to, nhỏ khác nhau vẽ trên giấy của họa sĩ Nguyễn Gia Trí. Hiện nay, Bảo tàng Mỹ Thuật Tp HCM đã sưu tập được 134 tác phẩm, phác thảo tư liệu của họa sĩ Nguyễn Gia Trí, trở thành một trong những nơi có bộ sưu tập quý về ông "vua sơn mài".

2. Nguyễn Gia Trí là họa sĩ đầu tiên luôn phải từ chối đơn đặt hàng vì vẽ không xuể, cũng là người đầu tiên bán tranh theo số đo. Ông có nguyên tắc "bốn không" đối với khách hàng: Không được ra đề tài. Không được xem phác thảo. Không được hạn định thời gian. Không được trả giá. Chính vì thực hiện nguyên tắc đó đối với tất cả khách hàng, bất kể họ quyền uy hay hào nhoáng bạc tiền như thế nào nên có rất nhiều giai thoại thú vị xung quanh "vua sơn mài". Trước 1975, ông thẳng thừng từ chối bán tranh cho Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn. Ông đuổi thẳng cửa một người đại diện của chính phủ Ngô Đình Diệm khi vị này đến nhà trả giá bức tranh mà chính phủ dự định mua để tặng cho nhà UNESCO ở Paris! Riêng bà Trần Lệ Xuân lại phạm cả "bốn không" của họa sĩ. Năm 1959, bà Trần Lệ Xuân muốn họa sĩ vẽ bức tranh sơn mài có năm cô thiếu nữ trong vườn. Họa sĩ nhận lời và hẹn thời hạn bốn tháng sẽ giao tranh. Bà hỏi về giá cả, ông hơi bực mình: "Tôi chỉ nói chuyện nghệ thuật, chuyện tiền nong xin bà nói chuyện với nhà tôi". Tuy chưa đến ngày hẹn nhưng vì nóng ruột nên bà Xuân muốn xem thử. Ngắm bức tranh vẽ dang dở bà đề nghị sửa cánh tay thiếu nữ đang đưa lên thành hạ xuống. Họa sĩ nói mỉa: "Nếu bà không thích bức này thì tôi sẽ để cho người khác. Tôi khuyên bà nên đến xưởng tranh sơn mài Thành Lễ, ở đấy họ sẽ vẽ theo đúng ý muốn của bà".

Bà Mã Thanh Cao cho biết: "Tại triển lãm kỷ niệm 20 năm ngày mất của họa sĩ Nguyễn Gia Trí, Bảo tàng trưng bày 108 bản phác thảo và tư liệu trong bộ sưu tập. Ngoài ra, chúng tôi đã liên hệ với gia đình cụ Trí và mượn những cây cọ, lọ màu, chén tô pha sơn… mà cụ dùng dang dở để trưng bày. Đặc biệt, trong số những vật dụng "kể" câu chuyện về cụ Trí tại triển lãm, sẽ có chiếc áo sơ mi màu đen mà cụ thường mặc khi còn sống".

Hiện nay, gia đình cố họa sĩ Nguyễn Gia Trí sống rất kín tiếng và gần như không tiếp xúc với người lạ, đặc biệt là giới báo chí. Thông tin về cụ Trí và gia đình chỉ qua hồi ức từ những người bạn rất thân với ông. Sinh thời, họa sĩ Nguyễn Gia Trí kiếm được rất nhiều tiền từ việc bán tranh nhưng có bao nhiêu, ông lại đổ vào mua nguyên liệu để phụng sự nghệ thuật. Trong xưởng vẽ Thịnh Hào, đồ đạc của ông chỉ có một chiếc giường và một ngăn sách. Khi vào Sài Gòn, nhà ở và xưởng vẽ của họa sĩ rất tuềnh toàng. Họa sĩ Nguyễn Xuân Việt từng nói: Lần nào đi qua mảng tường nứt toác sau xưởng, anh cũng rùng mình vì trông như cái máy chém chực rơi xuống.

Chuyện ăn uống, ăn mặc của ông cũng vô cùng giản tiện. Nhiều lúc ông bảo bà: "Nếu thiếu lắm thì ăn nước mắm chưng cũng được". Ông cũng chẳng để ý mình đi hai chiếc vớ khác màu hay bộ vest là đồ "hưởng ké" từ anh trai. Cả đời ông, chỉ biết có sơn mài. Ông quan niệm: "Tìm tòi và sáng tạo với tất cả linh tính. Không phải sáng tạo bằng mắt, bằng tay, mà gần như người mù sờ soạng, mò mẫm trong đêm tối để tìm cái đẹp. Như người mẹ mang thai không thể bắt con mình là gái hay trai, đẹp hay xấu, mà cầu mong ở con người mình, ở chính phúc đức và chính thể chất của mình sẽ sinh ra đứa con lành lặn đẹp đẽ". Thế nên có lần vợ ông bắt gặp ông ngồi mài tranh trong bóng tối, hỏi thấy gì mà mài thì ông ôn tồn: "Tôi đâu có vẽ bằng mắt".

Với triển lãm lần này, Bảo tàng hy vọng, lần đầu tiên công chúng sẽ có cơ hội tìm hiểu thêm về tài năng và cuộc đời giản dị, khiêm nhường của một danh họa tài hoa dù con đường ông ngập tràn muôn lời tán tụng và tràn ngập bạc tiền. Bởi như ông từng tâm sự với Đoàn Phú Tứ: "Ngay cả trong thời gian khó khăn nhất, tôi cũng có thể thành triệu phú, nhưng tôi quý trọng tự do hơn tiền bạc"

Nguyễn Trang
.
.