Giáo sư Viện sỹ Đặng Vũ Minh và những chuyện kể về bài học xử thế

Chủ Nhật, 04/09/2016, 09:36
Hiện nay, ta đang bàn nhiều về giáo dục. Giáo dục trong nhà trường, trong cơ quan, công sở, trong gia đình, trong mỗi dòng họ. Giáo dục về truyền thống, nhân cách, ý thức dân tộc, xu thế hội nhập, giáo dục để hàng ngày mỗi con người đều sống có ý thức, sống đẹp, sống có ý nghĩa … Và điều quan trọng nhất là giáo dục thế nào cho có hiệu quả, nhất là giáo dục truyền thống yêu nước cho giới trẻ mà trong đó tự giáo dục là vô cùng quan trọng, chứ không chỉ hô hào chung chung. Tôi đã nghĩ đến điều này khi gặp Giáo sư, Viện sỹ Đặng Vũ Minh.


Tuy đã nhiều lần gặp ông trong các cuộc họp của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, nơi ông đang làm Chủ tịch, nhưng lần này ông dành cả buổi trò chuyện với tôi.

Sinh ra trong một gia đình trí thức lâu đời, bố ông là danh y, Giáo sư bác sỹ Đặng Vũ Hỷ, Giải thưởng Hồ chí Minh đợt đầu tiên, có tên trong từ điển "Danh nhân y học thế giới", người sáng lập ra ngành da liễu Việt Nam.

Giáo sư viện sỹ Đặng Vũ Minh nói rằng thủa nhỏ, mẹ ông (bà Phạm Thị Thức con gái học giả Phạm Quỳnh chủ bút báo Nam Phong, Thượng thư Bộ học và Bộ lại) dạy các con bằng cách kể chuyện. Những câu chuyện trong "Quốc văn giáo thư khoa" của học giả Trần Trọng Kim, cả những câu chuyện trong gia đình ông cho đến nay ông vẫn thuộc lòng.

Giáo sư Viện sỹ Đặng Vũ Minh.

"Tôi kể cho các con nghe những câu chuyện về cha tôi. Những chuyện mẹ tôi kể lại, cả những chuyện chính bản thân tôi được chứng kiến. Những câu chuyện sau này được in thành sách trong cuốn "Đặng Vũ Hỷ cuộc đời và sự nghiệp" do Nhà xuất bản Y học ấn hành" - ông tâm sự.

"Mẹ tôi kể lại rằng, khi mới đi vào kháng chiến, bố tôi được cử làm Trưởng ty Y tế tỉnh Ninh Bình. Một lần đi xuống xã Thư Điền, bố tôi được biết có một bệnh nhân nghi là bị hủi sống trong túp lều hoang giữa cánh đồng, không ai dám đến gần. Hàng ngày vợ con mang cơm ra cũng chỉ để phía ngoài lều rồi về chứ không dám vào… Bố tôi một mình đi ra đồng, vào trong lều người bị hủi bắt mạch khám bệnh cho bệnh nhân. Rồi bố tôi phát hiện ra người này bị một chứng bệnh khác chứ không phải bệnh hủi. Ông cầm tay dắt bệnh nhân về làng nói rõ cho bà con biết sự thật. Sau khi được bố tôi chữa khỏi bệnh, được sống hòa đồng với vợ con, ông cụ cùng gia đình, làng xóm hết sức biết ơn. Bố tôi nói rằng mình làm nghề y những chuyện như vậy là bình thường… Tôi thuộc lòng chuyện đó và thường kể cho các con tôi nghe…".

"Cha tôi kể lại rằng, trong suốt cuộc đời làm thầy thuốc của mình, ông không bao giờ quên được em liên lạc bị thương mà ông đã sơ cứu. Lần ấy, người ta chuyển đến trạm quân y ở xã Thanh Mỹ, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình một em liên lạc chừng 11, 12 tuổi, quần áo dính đầy bùn đất, một tay bị dập nát vì đạn giặc.

Cha tôi vội cầm máu, rửa vết thương để chuyển về tuyến sau. Nhìn em liên lạc nằm im lặng, mặt tái đi vì đau và mất máu, cha tôi nắm lấy bàn tay nhỏ bé của em còn dính những vết máu khô và hỏi "Tây nó bắn như vậy, em có sợ không?".

Em bé liên lạc nghiến răng, cố nén đau và lắc đầu. Về sau bác sỹ Nguyễn Trinh Cơ kể lại chuyện này trong truyện "Em Ngọc", truyện được đưa vào sách giáo khoa. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, một lần trong hội thảo khoa học, có một người đến bắt tay tôi nói lời cảm ơn. Người đó chính là "Em Ngọc" - Trịnh Ngọc Trình, Giám đốc Tổ chức Hỗ trợ và phát triển giáo dục miền núi".

"Năm 1954, gia đình tôi ở gần trường Đại học Y khoa khi ấy sơ tán về Tuyên Quang, một buổi sáng, cha tôi dẫn tôi vào một lán nhỏ ở góc rừng. Tôi thấy chị y tá đang chuẩn bị tiêm cho một người nước ngoài râu ria tua tủa. Anh ta là một trong những tù binh Pháp bị bắt ở Điện Biên Phủ. Cha tôi khám cho anh ta xong, sờ tay lên trán người tù binh rồi nhắc "Hôm nay anh ta đỡ sốt, nhưng phải tiếp tục tiêm theo đơn".

Quay lại phía người tù binh, cha tôi nói một câu gì đó bằng tiếng Pháp. Anh ta nhìn cha tôi đầy lòng biết ơn rồi lắp bắp: "Méc-xi, méc-xi".

Năm ấy tôi lên 8 tuổi, ám ảnh bởi cảnh chết chóc đau thương, tôi hỏi cha tôi: "Ba ơi, sao ba lại chữa cho thằng Tây?". Cha tôi nói: "Nó đã đầu hàng rồi con ạ. Chữa cho nó để nó còn về với gia đình. Nó cũng là một con người…". Một lần khác, đó là vào năm 1958, cả nhà tôi thức dậy vì tiếng kêu la ồn ào ngoài cửa "Có người treo cổ tự tử". Những người cùng nhà sợ hãi bỏ chạy ra ngoài hè phố.

Nghe tiếng kêu, cha tôi chạy đến, dưới ánh sáng mờ mờ của ngọn đèn điện ở tận hành lang, cha tôi vội vàng gỡ người treo cổ xuống, đặt nạn nhân nằm rồi làm hô hấp nhân tạo. Đã quá muộn. Khi Công an đến lập biên bản, cha tôi phải giải trình. Có người bảo cha tôi sao dại thế, lại mua rắc rối vào người. Cha tôi nói: "Mình là thầy thuốc, chừng nào còn hy vọng cứu chữa thì không thể bỏ nạn nhân…".

Gia đình của Giáo sư Viện sỹ Đặng Vũ Minh năm 1980.

Viện sỹ Đặng vũ Minh trầm ngâm như đang nhớ lại tất cả. Ông kể cho các con mình nghe những chuyện có thực như vậy. Mỗi câu chuyện là một bài học ở đời. Bài học về đức tính dũng cảm, về lòng bao dung, nhân ái, về tình thương, trách nghiệm của con người. Ông nói rằng giáo dục làm người là điều quan trọng nhất. Chính những người thân yêu trong gia đình ông đã nêu những tấm gương sáng cho con, cho cháu, cho đời sau.

Viện sỹ Đặng Vũ Minh có hai người con gái. Con gái đầu tên Đặng Lan Phương sinh năm 1970, bảo vệ thành công luận án tiến sỹ về giáo dục học ở Nga, hiện làm việc ở bộ Giáo dục và Đào tạo. Cô con gái thứ hai Đặng Lan Anh sinh năm 1974, có bằng tiến sỹ về hóa học ở Pháp, hiện làm việc ở Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam, nơi Viện sỹ Đặng Vũ Minh nhiều năm làm Chủ tịch. Vợ ông, bà Trương Thị Xuân Dung, từng  dạy ở Đại học Sư phạm, nay đã nghỉ hưu, cũng từng học đại học ở Liên Xô (cũ). Ông đã có bốn cháu ngoại và cháu đầu 19 tuổi hiện đang học đại học ở Học viện Ngoại giao.

Trò chuyện với ông, với một nhà khoa học nổi tiếng nhưng sống giản dị, chân tình, cởi mở, tôi càng hiểu hơn hai chữ gia giáo, hiểu vì sao các con ông, cháu ông học hành giỏi giang, hiếu thảo như vậy.

Những câu chuyện từ trong gia đình, có sức lay động tâm hồn mà ông đã kể cho các con mình nghe là một cách dạy con thân tình mà có hiệu quả nhất.

Và không những thế, đó còn là những câu chuyện cho nhiều thế hệ, nhất là thế hệ trẻ hiện nay, những người sinh ra sau cách mạng, lớn lên trong hòa bình, để họ hiểu được một thời đạn bom máu lửa, hiểu được cái giá mà cha ông mình đã phải trả cho những ngày bình yên hôm nay. Cũng là bài học cho những người làm nghề y hiện nay. Những tấm gương sống đẹp của những người yêu nước, yêu dân, đã hy sinh, chịu đựng, để vượt qua tất cả trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc.

Tôi thiển nghĩ, đó cũng là những câu chuyện cụ thể, sinh động cho những thế hệ về sau…

Dương Kỳ Anh
.
.