Gian nan tìm “chỗ đứng” cho Nghê

Thứ Hai, 19/02/2018, 08:31
Cuốn sách "Phác họa Nghê - Gã linh vật bên rìa" của nhóm tác giả Trần Hậu Yên Thế (chủ biên) - Nguyễn Đức Hòa - Hồ Hữu Long vừa ra mắt gần đây đã thu hút sự quan tâm của nhiều người. Đặc biệt, theo các nhà nghiên cứu, con Nghê chính là hình tượng con chó được biến điệu, trở thành linh vật thân thuộc được đặt bên những nơi thờ tự trang nghiêm.


Năm "Tuất" hân hoan chào đón "Nghê"

Cuốn sách "Phác họa Nghê - Gã linh vật bên rìa" không chỉ là cuốn sách nghiên cứu đầu tiên về hình tượng nghê - một linh vật được cho là "thuần Việt" nhất trong không gian tín ngưỡng của người Việt - mà nó còn chứa đựng rất nhiều tâm huyết của tác giả Trần Hậu Yên Thế và nhóm tác giả trong việc làm sống dậy một linh vật mang đậm nét dấu ấn văn hóa - kiến trúc riêng đã bị mai một, lãng quên trong hàng thế kỷ qua.

Đồng thời, có thể coi đây là một thành quả đáng mừng góp phần vào việc loại bỏ những linh vật ngoại lai theo tinh thần công văn 2662 của Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch ban hành cách đây hơn 3 năm.

Trước khi cuốn sách "Phác họa Nghê - Gã linh vật bên rìa", triển lãm "Hình tượng sư tử và nghê trong nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam" được tổ chức vào tháng 11-2014 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam do Trần Hậu Yên Thế và nhóm các nhà nghiên cứu thực hiện đã khiến nhiều người phải ngạc nhiên. Vẻ đẹp, sự tinh xảo của 60 hiện vật từ nhiều chất liệu khác nhau như đá, sành, gốm, gỗ... đã góp phần quan trọng khẳng định giá trị thuần Việt của nghê trong tín ngưỡng thờ cúng có lịch sử hàng ngàn năm của người Việt.

Họa sĩ Trần Hậu Yên Thế chụp ảnh lưu niệm bên chú Nghê trong một chuyến đi điền dã.

Với sự hiểu biết, dày công nghiên cứu qua một thời gian khá dài, Trần Hậu Yên Thế và nhóm tác giả đã cung cấp cho độc giả nhiều tài liệu, kiến thức bổ ích, trong đó khẳng định nghê chính là linh vật tín ngưỡng thuần Việt nhất trong hệ thống linh vật thờ cúng trong các không gian tín ngưỡng xưa nay.

Trung tuần tháng 10 vừa qua, trong Hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện Công văn 2662 (đã nhắc tới trên) về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam do Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch tổ chức tại Ninh Bình, một lần nữa bức tranh về sự xâm lấn của linh vật ngoại lai được tái hiện một cách khá nhức nhối.

Theo đó, trong 3 năm qua, về cơ bản các tỉnh, thành, đặc biệt là Hà Nội đã hưởng ứng tốt và đã loại bỏ được khá nhiều linh vật ngoại lai ra khỏi các không gian tín ngưỡng, công sở. Trong đó, đã rải rác một số địa phương (có Hà Nội) thay thế những đôi sư tử đá có hình dáng dữ tợn bằng những cặp nghê.

Theo các nhà nghiên cứu, đây là tín hiệu hết sức đáng mừng, nhất là trước thềm năm Bính Tuất - năm con chó - vốn là hình tượng gốc của nghê sắp đến. Các nhà nghiên cứu như TS. Đinh Hồng Hải, TS. Trần Hậu Yên Thế đều cho rằng, đã xuất hiện các "tín hiệu vui" đến từ xưởng điêu khắc Liên Vũ, Hội quán Di sản, xưởng chế tác của Công ty Vạn Bảo Ngọc và những xưởng chế tác đá ở Ninh Vân (Ninh Bình) khi những nơi này đã cho ra lò nhiều sản phẩm chế tác từ hình tượng nghê và nhiều giao dịch đã thực hiện thành công.

Bên cạnh đó, biểu tượng của nghê Việt cũng đã sống lại trên các bức họa của làng tranh Kim Hoàng, xuất hiện trong bộ sưu tập áo dài mùa Tết năm nay của nhà thiết kế Lasen Vũ… TS. Trần Hậu Yên Thế vui mừng thông báo: "May mắn thay tại thời điểm này, sau một thời gian dài, cũng như nhiều linh vật Việt khác đứng bên rìa của đời sống đương đại, giờ đây nghê Việt đã bắt đầu được nhận diện lại. Từ trong các xưởng mộc, xưởng đá, lò gốm, nghê đã âm thầm hồi sinh, nhanh chóng khẳng định một giá trị Việt không dễ gì vùi dập...".

Gian nan hành trình đi tìm "chỗ đứng" cho nghê

Để có cuốn sách "Phác họa Nghê - Gã linh vật bên rìa",  họa sĩ - Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế và cộng sự đã phải mất trên 10 năm đi điền dã tại đền thờ Vua Đinh - Lê tại Ninh Bình, tại Thanh Hóa và nhiều địa phương khác. Sau đó, nhóm nghiên cứu  phải mất tới 3 năm tập trung cao độ vào việc nghiên cứu và vẽ phác họa.

Theo nghiên cứu của họa sĩ - Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế và nhóm cộng sự, hình tượng nghê xuất hiện từ thời Lý, Trần, phát triển mạnh mẽ vào thời Lê và bắt đầu chững lại vào thời Nguyễn, trước khi gần như biến mất ở thời kỳ hiện đại.

Trong buổi nói chuyện chuyên đề "Đi về đâu nghê ơi?", họa sĩ Trần Hậu Yên Thế chia sẻ: "Nghê là một con vật hư cấu, có thể ban đầu nó là một biến thể của rồng (theo thuyết long sinh cửu tử) hoặc giống với sư tử. Song hình tượng nghê là một ví dụ tiêu biểu cho sự tiếp biến, dung hợp văn hóa trong không gian tín ngưỡng của người Việt.

Nhiều cơ sở thủ công mỹ nghệ đã đưa hình tượng Nghê vào sản xuất nhân dịp năm mới Bính Tuất.

Người Việt đi tới đâu, nghê theo tới đó. Nghê có mặt ở đền miếu, lăng tẩm, đình chùa, từ thường dân cho đến cả chốn hoàng cung... Trong tâm thức của người Việt, con nghê có hình dạng cơ bản là con chó. Hay nói cách khác, con nghê chính là con chó biến điệu ra. Tuy nhiên, cũng như các linh vật khác, tạo hình nghê có sự biến hóa và thay đổi qua các thời kỳ lịch sử.

Bên cạnh đó, do nhu cầu "thiêng hóa" của mỗi không gian thờ cúng, tín ngưỡng, nghê có nhiều dạng thức khác nhau như: sư tử nghê, long nghê, kỳ lân nghê, khuyển nghê. Chính vì thế, hiếm có linh vật nào có thần thái sinh động, nhiều biểu cảm như nghê.

Song có lẽ cũng một phần do sự biến hóa ấy mà một thời gian dài, nghê đã bị "bỏ quên" khỏi những cuốn sách về nghệ thuật cổ truyền của người Việt, thậm chí bị nhầm tên, bị nhầm là sư tử hay kỳ lân trong một số công trình nghiên cứu của các học giả nước ngoài.

Theo tác giả Trần Hậu Yên Thế, trong lịch sử văn hóa - kiến trúc - mỹ thuật của Việt Nam đã không bắt con nghê "diễn" những vai trấn yểm, dọa nạt. Nghê có hai chức năng cơ bản: như lời chào đón với sắc thái hoan hỉ ở các cổng vào hoặc tạo ra sự thương cảm ở các đền miếu.

Tới thời Nguyễn, nghê có thêm một ý nghĩa nữa là con vật soi xét, phân biệt ngay - gian, tà - chính. Họa sĩ Trần Hậu Yên Thế cho biết: "Một trong những văn bia quan trọng về sự xuất hiện của con nghê là văn bia thời Lý năm 1090 có tên "Minh Tịnh tự bi văn" ở Thanh Hóa. Qua sự dịch chuyển văn hóa giữa các tộc người, người Việt đã tiếp thu, học tập và sáng tạo nên hình tượng con nghê sống động. Đó là con vật uy nghiêm, biểu cảm, gần gũi, không hướng đến sự trấn áp hay dọa nạt như một vài con vật khác...". Thông qua linh vật này, người Việt thường gửi gắm những ước mơ, hi vọng: như ở Phú Thọ, người xưa đã tạc dựng con nghê cầm một thẻ có 5 chữ: "Phú, Quý, Thọ, Khang, Ninh", hay hình ảnh con nghê đánh đàn ở đình Cung Chúc (Hải Phòng)... Điều đó cho thấy qua hình tượng nghê, người dân đã gửi gắm những thông điệp nhân văn sâu sắc.

Như vậy, theo chiều dài lịch sử, nghê đã gắn bó ân tình với người Việt hàng nghìn năm nay. Vì thế, theo lời họa sĩ Trần Hậu Yên Thế: "Chúng xứng đáng tiêu biểu cho trình độ nghệ thuật vừa giản dị, thuần hậu lại rất mạnh mẽ, lôi cuốn của người Việt. Nó ấm áp, gần gũi, tinh tế, kỹ lưỡng mà không phô trương, tỉa tót.

Nếu nhìn kỹ vào khuôn mặt nghê, có thể bắt gặp từ ánh mắt, nụ cười, cả những giọt nước mắt của người xưa thấm lên đá, lên gỗ. Để phù hợp với chiều kích văn hóa người Việt, nghê của người Việt thường nhỏ nhắn, vì đặt dưới bệ thấp sẽ tạo sự hài hòa với con người. Đầu nghê thường nhìn lên, tạo sự giao cảm với con người chứ không ngăn cách, thị uy như linh vật ngoại lai. Bởi vậy, người ta thường nói là nói cười như nghê là bởi con nghê mang lại niềm vui, sự hoan hỉ cho con người...".

Trong khoảng 20 năm qua, đã có một làn sóng sử dụng linh vật ngoại lai trong các chùa chiền, đình đền, miếu mạo của người Việt. Vì thế, nhiều người dân, trong đó có các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, mỹ thuật đều có chung mong muốn làm sao để hình tượng linh vật thuần Việt, tiêu biểu là nghê "sống dậy". Điều này nếu làm tốt được, thì vừa là sự thể hiện lòng tự tôn dân tộc, đồng thời cũng giảm thiểu được nạn lai căng, thích phô trương, khoe mẽ trong các không gian thờ cúng, thậm chí là công sở.

Trước thềm Xuân Bính Tuất đang đến gần, việc ra mắt cuốn "Phác họa Nghê - Gã linh vật bên rìa", công trình nghiên cứu công phu và nghiêm túc về linh vật Việt từ những con nghê ở đền vua Đinh, vua Lê ở cố đô Hoa Lư, sau đó mở rộng tầm nhìn đến các vùng miền khác của họa sĩ - Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế và các cộng sự được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng vào việc nhận diện, bảo tồn linh vật Việt và chống lại tình trạng du nhập bừa bãi các biểu trưng văn hóa ngoại lai.

Và nữa, như đã đề cập đến ở trên, con nghê thường mang sắc thái hoan hỉ, vui vẻ nên "Phác họa nghê - Gã linh vật bên rìa" cũng được kỳ vọng như lời chào đón năm mới Bính Tuất đầy ý nghĩa.

Nguyệt Hà - Xuân 2018
.
.