Gã phu chữ và góc lặng thành phố

Thứ Sáu, 30/12/2016, 08:03
Bạn bè thân thiết thường gọi Nguyễn Lương Hiệu là "gã phu chữ". Anh là một trong số những người chỉ sống bằng ngòi bút. Từ thuở thanh niên, anh không làm gì khác ngoài viết báo, làm thơ "bán" cho các tờ báo "khó tính, kén bài" như Tuổi Trẻ, Thanh niên, Người Lao Động, An Ninh Thế Giới...


Cuộc chơi sảng khoái của kẻ lãng du

Giữa tháng 12-2016, một góc con phố Sách (đường Nguyễn Văn Bình, quận I, TP Hồ Chí Minh) trở nên sống động hơn bởi một cuộc triển lãm ảnh mang tên "Sống động những dòng kênh". Sát cạnh đó, một cuộc giao lưu nhỏ gọi là lễ ra mắt tập thơ "Lặng" của nhà thơ, nghệ sỹ nhiếp ảnh Nguyễn Lương Hiệu. 

Buổi giao lưu của anh có nhiều bạn thơ "nặng ký" trong giới văn nghệ sỹ như Phạm Sỹ Sáu, Lê Thị Kim, Trần Quốc Toàn, Hoàng Hải Vân, Quách Thu Nguyệt... Thậm chí, nữ sỹ Trúc Linh Lan (Phó Chủ tịch hội Văn nghệ Cần Thơ) cũng bắt chuyến xe 4 giờ sáng từ Cần Thơ để kịp tham dự.

Anh bảo, đó là "cuộc chơi thôi mà".

Nữ sỹ Trúc Linh Lan (trái) từ Cần Thơ vượt hàng trăm cây số để chúc mừng nhà thơ Nguyễn Lương Hiệu.

Chỉ là cuộc chơi nhưng anh đã phải theo đuổi suốt 16 năm qua, kể từ khi rời quê Duy Xuyên (Quảng Nam) trôi thân vào TP Hồ Chí Minh lập nghiệp. Môt cuộc chơi kéo dài 16 năm không phải là chuyện hiếm trong giới nghệ sĩ lãng tử, nhưng cuộc chơi ấy chèn giữa những cuộc "mưu sinh quá đớn đau - hay hạnh phúc" (Lặng), mới thấm được cái đau đáu ẩn chứa trong tâm hồn nghệ sĩ của anh. Bởi bộ ảnh "sống động giữa dòng kênh" là sự chắt lọc từ hàng ngàn bức chân dung con kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè mà anh sống cùng từ thuở nó bị hấp hối bởi nước thải, rác cho đến khi được hồi sinh.

Hồi năm 1973, anh đã khăn gói vào Sài Gòn học Đại học Luật, sau đó trở về quê dạy văn ở trường phổ thông. Anh yêu Sài Gòn từ thuở sinh viên. Những ngày dạy học ở quê nhà, bóng dáng dáng Sài Gòn cứ quẩn quanh tiềm thức, ẩn hiện trong nỗi nhớ: “Sài Gòn, nơi tôi không sinh ra/ Sài Gòn nuôi tôi khôn lớn... Sài Gòn, thành phố nhìn từ nhiều phía/ Mảng phù sa vươn tới mặt trời” (“Sài Gòn trong tôi” - đã được nhạc sĩ An Thuyên phổ nhạc).

Năm 1992, anh khăn gói về TP Hồ Chí Minh để khởi đầu một hành trình chinh phục chính trái tim mình; thuê một căn phòng trọ nhỏ "mọc" ven mép bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè để làm nơi tá túc.

Anh gia nhập vào đội ngũ viết báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Người Lao Động để mưu sinh bằng ngòi bút. Anh vừa gõ bài cho tòa soạn chính, vừa viết bài cộng tác với nhiều tờ báo khác. Tờ nào có trả nhuận bút là anh gửi bài cộng tác. Anh viết báo để quy thành tiền cơm áo và làm thơ để... sướng. Nhiều đồng nghiệp viết tay phải, kinh doanh tay trái mới đủ sống. Anh nghĩ mình sống được với nghề viết là thỏa chí tang bồng rồi. Anh bật câu thơ: "Mang tấm lòng người nông dân tỉnh lẻ/ Vào thành phố tôi đi cày trên đường nhựa/ Cảm xúc tóe lên, tôi khai thác mình một nửa/ Một nửa cuộc đời tận dụng chính tôi".

Anh có những bài thơ "cảm" được các nhạc sỹ như An Thuyên, Trương Tuyết Mai, Nguyễn Ngọc Thiện, Thế Hiển, Nguyễn Văn Hiên, Nguyễn Đức Trung, Phạm Đăng Khương, Lê Quốc Thắng, Quỳnh Hợp, Đình Láng. Những bài thơ ấy được phổ thành những ca khúc: Thành phố mặt trời, Giấc mơ trên đường, Rực rỡ mắt em cười, Nhịp bước đường về, Tiếng chim rơi, Vuông cỏ xanh...

Thuở đó, anh chỉ biết chụp ảnh minh họa cho bài báo để bạn đọc tin tưởng chứ không nghĩ mình có năng khiếu nhiếp ảnh nghệ thuật.

Bỏ quên sinh mạng ở nhà

Một ngày nọ, anh được mời đi dự lễ hội truyền thống của dân tộc Chăm. Những điệu múa Chăm quá đẹp đã xúi anh chụp ảnh lia lịa. Kết thúc chuyến đi, khi trở về TP Hồ Chí Minh, một người bạn là nghệ sỹ nhiếp ảnh xem xong bộ ảnh đã thốt: "Đẹp lắm! Dự thi ảnh nghệ thuật đi!". Anh gửi ảnh vì nể lời bạn hơn là niềm tin đoạt giải. Không ngờ, bức ảnh đó đoạt giải nhất.

Sau đó, một số bức trong bộ ảnh đó còn được giải thưởng nhiếp ảnh quốc  tế. Thế là anh trở thành nghệ sỹ nhiếp ảnh.

Chàng nghệ sỹ nhiếp ảnh mang tâm hồn thơ ấy, cứ mỗi sáng thức giấc với mùi thối của kênh, trưa ngắm nắng tỏa trên những ... đống rác trên dòng nước đen; chiều ngắm những cặn bã kết tủa trôi bồng bềnh; đêm ngủ thao thức cùng tệ nạn xã hội rình rập xung quanh con kênh; ... thay vì bịt mũi sống cùng con kênh thối tha và nhếch nhác như một khối mủ trong cơ thể thành phố, anh vẫn cứ hít sâu từng nhịp thở của nó.

Anh nhớ lại: "Tôi được biết từ trước năm 1975, việc cải tạo dòng kênh này là điều bất khả thi vì hai bên dòng kênh có hàng trăm, hàng ngàn căn nhà lụp xụp của người dân đang sinh sống, hình thành một khu ổ chuột chạy suốt chiều dài con kênh. Người ta cơi nới, làm nhà sàn khiến lòng kênh thu hẹp dần. Mỗi ngày, chúng tôi chứng kiến người dân xung quanh đem tất cả các loại rác vứt xuống dòng kênh, nó đã trở thành dòng kênh đen bốc mùi thối nồng nặc. Một ổ bệnh khổng lồ từ dưới dòng kênh đem lại cộng với trăm thứ tệ nạn đặc trưng của cư dân khu ổ chuột... Trước những hình ảnh tệ hại ấy, tôi nghĩ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè sẽ rất khó cải tạo cho đẹp".

Không ngờ, sau khi tuyên bố sẽ cải tạo con kênh, chỉ 10 năm, chính quyền và nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã đồng tâm, hiệp lực biến dòng kênh dơ bẩn ngày nào thành dòng kênh xanh thơ mộng. Những căn nhà ổ chuột không còn. Con kênh có một diện mạo mới, sắc màu mới.

Bài thơ của nhà thơ Nguyễn Lương Hiệu được phổ nhạc.

Thế là anh lặng lẽ đi tìm những góc nhìn đẹp để chụp ảnh diện mạo dòng kênh.

Anh nói: "Không riêng gì tôi, mọi công dân TP  Hồ Chí Minh đều tự hào khi đi trên đường Hoàng Sa - Trường Sa lượn vòng cùng dòng kênh Nhiêu Lộc. Tôi tin, nếu bất ngờ dừng lại và nhìn, chúng ta sẽ thốt lên rằng: Kênh Nhiêu Lộc đây ư! Tôi ôm cảm xúc thảng thốt ấy mà lượn vòng theo dòng kênh như tôi đang đi thẳng vào lòng mình nhằm tìm kiếm và ghi nhận bằng hình ảnh dòng kênh Nhiêu Lộc ở mọi thời khắc sáng, trưa, chiều, tối".

Con kênh uốn lượn, lại bị nhiều nhà cao tầng che khuất góc nhìn nên anh phải tốn rất nhiều thời gian đi tìm góc máy thích hợp để chụp toàn cảnh.

Có lần, anh tìm được sân thượng của một tòa nhà 25 tầng có thể quan sát được gần như toàn cảnh con kênh. Tuy nhiên, ở vị trí đó vẫn che khuất bởi 1 góc cạnh của tòa nhà.

Say mê quá, anh leo qua lan can, trèo qua góc vuông của tòa nhà bấm máy liên tục. Sau khi thỏa mãn, khi leo trở lại, anh mới kinh hoàng khi nhận ra, vị trí ngồi chụp rất cheo leo, xung quanh không có điểm tựa nào ngoài cái gờ nhỏ xíu. Chỉ cần một cơn gió phất qua cũng có thể thổi anh bay vèo xuống đất.

Lần mạo hiểm đó, anh sáng tác được bức ảnh "Như vòng tay yêu thương 2" được giới nghệ sỹ nhiếp ảnh đánh giá cao. 

Cuộc lãng du còn dài

Trong số 300 bức ảnh chụp kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Nguyễn Lương Hiệu rất tâm đắc với những tác phẩm Vút lên, Như vòng tay yêu thương 1, Chữ Tâm, Như vòng tay yêu thương 2, Đan nhau, Vươn ra, Dòng kênh vàng, Chữ Tâm, Đan nhau, Dòng kênh vàng...

Tập hợp được nhiều bức ảnh ưng ý về con kênh nhưng không có tiền để "làm thêm một điều gì đó". Người giàu chất nghệ sỹ trong huyết quản thì thường xuyên túng thiếu. Anh cũng thế. Bao nhiêu năm trời, báo cô vợ con. Giờ không thể ngửa tay xin tiền vợ để làm triển lãm. Trong lúc cơn băn khoăn giày vò tâm can thì một đơn vị của Chính phủ đang có kế hoạch tuyên truyền về môi trường tìm đến đề nghị tài trợ triển lãm bộ ảnh khắp nhiều tỉnh, thành. Mục đích cuộc  triển lãm là khơi gợi ý thức bảo vệ môi trường của xã hội.

Cuộc chơi chưa cạn, anh tiếp tục tập hợp một số tác phẩm nhiếp ảnh, thơ và thơ được phổ nhạc để ra mắt Tuyển tập ảnh - thơ - nhạc rumba xanh thu phục được cảm tình của giới chuyên môn khó tính. Và Trung tâm kỷ lục Viết Nam (Vietkings) đã xác nhận: "Tuyển tập ảnh, thơ và nhạc Rumba xanh- có số lượng nhiều nhất với chủ đề ca ngợi vẻ đẹp kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (TP. Hồ Chí Minh) sau cải tạo".

Với anh, cuộc triển lãm ảnh "sống động những dòng kênh" và tập thơ "Lặng" chỉ là một dấu chấm phẩy. Anh vẫn còn đang háo hức với những cuộc lãng du kế tiếp.

Một số thành tích của Nguyễn Lương Hiệu:

- Huy chương đồng Nhiếp ảnh nghệ thuật TP Hồ Chí Minh.
- Giải I nhiếp ảnh cuộc thi “Nét đẹp Sài Gòn”.
- Giải khuyến khích Nhiếp ảnh nghệ thuật toàn quốc.
- Huy chương đồng Nhiếp ảnh ACCU do Nhật tổ chức.
- Giải Đặc biệt, Xuất sắc do APO Nhật tổ chức.
- Nhiều tác phẩm nhiếp ảnh được các tổ chức nước ngoài chọn triển lãm. 
- Có tác phẩm nhiếp ảnh được chọn in trong Tuyển tập 100 năm kiệt tác ảnh Việt Nam.

Nông Huyền Sơn
.
.