Đỗ Trung Lai và "100 nhà thơ Đường"

Chủ Nhật, 23/10/2016, 08:12
Cách đây mấy năm, tình cờ tôi đọc một bài giới thiệu về ba cuốn sách do Đỗ Trung Lai sưu tầm và biên soạn: Lý Bạch; Đỗ Phủ; Bạch Cư Dị - những bài Đường thi nổi tiếng. Tôi vốn yêu thơ, nhất là thơ Đường nên tìm mua. Sách đã bán hết. Tôi tìm đến nhà riêng của Đỗ Trung Lai ở đường Vương Thừa Vũ và được Đỗ Trung Lại tặng cho ba cuốn dưới dạng bản thảo. Tôi đọc và ngạc nhiên vì nhiều bài thơ Đỗ Trung Lai dịch rất có hồn.


Mấy năm qua, khi làm cuốn Những câu thơ hay Đông-Tây-Kim-Cổ (Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành năm 2013), tôi đã đưa nhiều câu thơ Đường do Đỗ Trung Lai dịch vào cuốn sách. Có người bảo tôi: Đỗ Trung Lai đâu có thạo tiếng Hán mà nói chuyện dịch thơ Đường. Người biên tập cuốn sách cũng có lần nói nên thay bản dịch của Đỗ Trung Lai bằng những dịch giả nổi tiếng khác. Thực ra, trong cuốn  “Những câu thơ hay Đông-Tây-Kim-Cổ” do tôi sưu tầm và biên soạn, phần về các nhà thơ Đường tôi đã chọn nhiều bài do Tản Đà, Trần Trọng Kim, Ngô Tất Tố, Nam Trân… dịch. Nhưng tôi vẫn để nhiều câu thơ hay của Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị… do Đỗ Trung Lai dịch vì tôi thấy dịch rất có hồn.

Nhà cao ai đứng trong gương/ Trông lên tóc bạc mà thương phận người (Bài Tương tiến tửu của Lý Bạch - Đỗ Trung Lai dịch).

Công đức thì sút kém/ Văn chương cũng suy đồi/ Vẫn thấy đào núi đá/ Dựng thành bia giữa trời  (Bài Lập bia của Bạch Cư Dị - Đỗ Trung Lai dịch).

Tôi không tiện hỏi Đỗ Trung Lai có thạo tiếng Hán không, nhưng tôi biết Đỗ Trung Lai là một nhà thơ, một người yêu thơ Đường và rất kỳ công tìm tòi, biên soạn thơ Đường. Thời buổi bây giờ thế là quý lắm. Tại Đại hội Nhà văn lần thứ XI, Đỗ Trung Lai tặng tôi tập thơ của anh mới xuất bản. Ơ thờ ơ thơ (Không biết tôi viết thế có đúng không vì bìa thơ hình như tác giả cố tình chơi chữ?) và cuốn 100 nhà thơ Đường do Đỗ Trung Lai biên soạn và dịch thơ.

Cuốn sách dày 828 trang với giá bán là 300.000 đồng. Rất nhiều nhà thơ Đường quen thuộc mà tôi đã đọc và nhiều nhà thơ đời Đường bây giờ tôi mới biết tên. Những Vương Tích, Dương Quýnh, Vương Bột, Lạc Tân Vương, Lư Chiếu Lân, Trần Tử Ngang, Vi Thừa Khánh, Đỗ Thẩm Ngôn, Thẩm Thuyên Kỳ, Tiết Tắc, Tống Chi Vấn, Đương Huyền Tông, Trương Thuyết, Tô Dĩnh, Hạ Tri Chương, Trương Húc, Vương Hàn, Trương Cửu Linh, Từ Anh Trinh, Vương Loan, Vương Xương Linh, Mạnh Hạo Nhiên, Bùi Địch, Vương Duy, Thôi Hiệu, Lý Tích Chi  Sầm Tham…

Trước đây, tôi cũng có đọc Đỗ Mục đời vãn Đường, người được ví như là Đỗ Phủ đời Thịnh Đường. Nhưng nay, đọc cuốn "100 nhà thơ Đường" do Đỗ Trung Lai biên soạn và dịch, tôi hiểu thêm nhiều điều, nhiều bài thơ hay của Đỗ Mục làm tôi thích thú.

Khi con gái tôi - Dương Anh Xuân - dự Đại hội Nhà văn trẻ toàn quốc lần thứ VI về, có tặng tôi cuốn VĂN sáng tác trẻ do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, tôi đọc truyện ngắn Kiều Tỏa của Dương Anh Xuân in trong tập sách và tự hỏi, không biết con gái tôi mới 16 tuổi đã đọc Đỗ Mục khi nào mà biết được câu thơ nổi tiếng Đồng Tước xuân thâm tỏa nhị kiều trong bài thơ nổi tiếng “Xích Bích hoài cổ”. Giờ đọc lại bài thơ do Đỗ Trung Lai dịch, tôi lấy làm thích thú:

Kích gãy, chìm sâu dưới đáy sông/ Mài qua là gặp dấu cha ông/ Gió đông không giúp Chu Công Cẩn/ Hai Kiều thoát nổi khóa xuân không?

Bài Tạm biệt của Đỗ Mục  do Đỗ Trung Lai dịch cũng rất có hồn .

Dịch nghĩa: Người đa tình là hạng rất vô tình / Trước chén rượu không sao cười lên nổi / Ngọn nến kia có lòng thương xót cảnh biệt ly / Thay người nhỏ lệ cho đến khi trời sáng.

Dịch thơ:

Cái giống đa tình thường vô tình / Lặng lẽ lên ly lúc tiễn hành / Nến bạc đem lòng thương lữ khách / Thay người nhỏ lệ suốt năm canh.

Câu chuyện Thạch Sùng người giàu có bậc nhất Trung Hoa thời cổ đã xây vườn Kim Cốc cho người thiếp yêu Lục Châu, một mỹ nữ nhan sắc vô cùng, hát hay đàn giỏi đã bị tên gian thần Tôn Tú bày mưu hãm hại.

Nàng Lục Châu nhảy lầu tự vẫn, chàng Thạch Sùng bị bọn hôn quân giết hại, vườn Kim Cốc nổi tiếng bị tàn phá đã gây cảm hứng cho rất nhiều thi nhân.

“Vườn Kim Cốc” là bài thơ nổi tiếng của Đỗ Mục do Đỗ Trung Lai sưu tầm và dịch đã thực sự cảm hóa tôi.

Dịch nghĩa: Sự phồn hoa đã tan theo hơi bụi / Nước chảy vô tình, cỏ cứ xanh tốt / Buổi chiều gió đông thổi đến một tiếng chim buồn thương / Hoa rụng tựa như người xưa nhảy lầu rơi xuống.

Dịch thơ:  Phồn hoa theo cát bay đi / Nước trôi, cỏ mọc, còn gì nữa đâu / Gió chiều vọng tiếng chim sầu/ Hoa rơi, ta tưởng trên lầu người rơi.

Rất nhiều bài thơ của các nhà thơ đời nhà Đường trong cuốn sách do Đỗ Trung Lai soạn và dịch thơ đã mang đến cho người yêu thơ nhiều hiểu biết và cảm hứng khác lạ. Tôi chỉ lấy hiện tượng Đỗ Mục làm ví dụ. Tôi biết, bây giờ người yêu thơ, say thơ, đọc thơ không nhiều. Xã hội bây giờ có cả trăm ngàn thứ để người ta đọc, nghe, nhìn, thưởng thức, say mê…

Cả các nhà thơ tôi đồ rằng nhiều người cũng chỉ đọc thơ mình đăng trên báo chứ không đọc thơ người khác. Dẫu vậy, những bài thơ hay, những câu thơ hay của mọi thời chắc cũng có không ít người quan tâm. Tại Đại hội Nhà văn lần thứ IX, tôi cũng được nhiều nhà thơ tặng sách, tôi về nhà đọc cả chục tập thơ,  ngẫm ngợi để có thể viết đôi dòng vì tôi rất quý trọng những người làm thơ, hết lòng vì thơ.

Chỗ nào cũng đau, chỗ nào cũng mỏi / Lười ngủ biếng ăn là đã ốm rồi / Ừ thì ốm, đã làm sao nhỉ / Khỏe suốt trăm năm chắc đã ra người (Ốm - trích trong tập Ơ thờ ơ thơ của Đỗ Trung Lai). …Vừa mới khóc chào đời / Nay đã sầu tóc bạc (Bài ca tuổi 60 - Đỗ Trung Lai). Nhiều câu thơ như vậy trong tập thơ của Đỗ Trung Lai tôi cho là thơ thực, thực sự là thơ. Bây giờ người ta đang nói nhiều đến cách tân thơ, đến thơ hiện đại, hậu hiện đại…

Dù là gì thì tôi vẫn thiển nghĩ rằng thơ chỉ có thể là thơ như ngàn đời nay nó vẫn tồn tại. Như những câu thơ Đường do nhiều học giả, nhà thơ nổi tiếng Việt Nam đã dịch; những bài thơ mà tôi yêu thích và cả những bài thơ do nhà thơ Đỗ Trung Lai sưu tầm, dịch trong 100 nhà thơ Đường. 

Nhà vườn Sóc Sơn  2016
Dương Kỳ Anh
.
.