Điệu đờn Kìm theo gió đã bay về trời

Thứ Hai, 30/03/2020, 08:10
Soạn giả Thanh Hiền tên thật là Đỗ Văn Trượng, chào đời năm 1942 tại Gia Lộc, Trảng Bàng, Tây Ninh. Ông thuộc thế hệ văn nghệ sĩ trưởng thành trong thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước tại miền Nam.


Soạn giả Thanh Hiền là cha đẻ của nhiều bài ca vọng cổ, nhiều kịch bản sân khấu Cải lương. Ông được công chúng biết đến nhiều hơn khi bài “Trường Sơn ca” của ông được phổ biến rộng rãi trên làn sóng của Đài Phát thanh Giải phóng do NSƯT Thanh Vũ và NS Kim Hà thể hiện giữa thập niên 60 của thế kỷ trước. Sáng ngày 26-02-2020, tác giả của những bài ca: "Trường Sơn ca", "Bông điệp Sài Gòn", "Rẻ mạ đầu mùa", "Chuyến xe Tây Ninh", "Em bé Phú Riềng", "Xuân vui Long An tươi màu lá mạ"... đã về trời ở tuổi 78.

Soạn giả Thanh Hiền tên thật là Đỗ Văn Trượng, chào đời năm 1942 tại Gia Lộc, Trảng Bàng, Tây Ninh. Ông thuộc thế hệ văn nghệ sĩ trưởng thành trong thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước tại miền Nam.

Trước khi trở thành soạn giả cổ nhạc chuyên nghiệp, ông là cây văn nghệ có tiếng ở địa phương nhờ biệt tài ca tài tử và biết chơi thành thạo một số nhạc cụ, nhưng sở trường là đờn Kìm. Đầu thập niên 1960, ông được Đoàn Văn công tỉnh Tây Ninh rút về hoạt động.

Soạn giả, Nghệ nhân ưu tú Thanh Hiền.

Do được học tiếng Pháp và chữ Hán thời niên thiếu, lại có năng khiếu về dòng nhạc cổ truyền miền Nam và luôn năng động, nhạy bén sáng tạo ra nhiều tác phẩm mang tính thời sự chính trị… nên ông được Đoàn Văn công Giải phóng nhận về làm Trưởng ban Cổ nhạc vào năm 1961. Sau đó, ông vừa phục vụ văn nghệ kháng chiến, vừa được cử đi học các lớp, các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhiều kỹ năng văn hóa, văn nghệ khác nhau được tổ chức trong chiến khu. Các khóa thông tin, báo chí và văn nghệ do các soạn giả, nhà báo có tiếng thời ấy như Trần Bạch Đằng, Trần Hữu Trang… hướng dẫn.

Thường thì kết thúc khóa học, tổ chức sẽ phân công ông và những anh em văn nghệ sĩ học viên khác đi thực tế sáng tác tại các tỉnh Tây Ninh, Sài Gòn - Gia Định (Thành phố Hồ Chí Minh), Long An, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang,...

Ở đó, họ vừa trực tiếp sống, chiến đấu cùng quân và dân địa phương, vừa thâm nhập, tìm hiểu đời sống văn hóa văn nghệ, cuộc đấu tranh, số phận, tâm tư của đồng chí, đồng bào để làm chất liệu sáng tạo tác phẩm văn nghệ Cách mạng. Ông đã viết nhiều bài phản ánh chiến trường miền Nam cho Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Phát thanh Giải phóng từ cuối năm 1964 đến 1968. Chủ yếu, giai đoạn này ông viết báo.

Cũng trong thời gian này, những lúc rảnh rỗi, ông hay tham gia chỉnh sửa tuồng với cố soạn giả Trần Hữu Trang, đồng thời tiếp tục ôn luyện ngón đàn kìm cho thành điệu nghệ. Thấy Thanh Hiền có năng khiếu về biên soạn cổ nhạc, soạn giả Trần Hữu Trang động viên ông nên theo nghiệp sáng tác chuyên nghiệp. Những sáng tác đầu tay của soạn giả Thanh Hiền được thầy Trần Hữu Trang, soạn giả lẫy lừng, chỉnh sửa và chỉ bảo tận tình.

Nhờ vậy mà chẳng bao lâu, soạn giả Thanh Hiền đã có một số soạn phẩm cổ nhạc về đề tài kháng chiến thật hay và ý nghĩa, được phát trên Đài Phát thanh Giải phóng. Sáng tác của ông được các nghệ sĩ có giọng ca ngọt, mùi, tình cảm như: NSƯT Thanh Hùng, NSƯT Ngọc Hoa, NSƯT Thanh Vũ, NS Kim Hà... thể hiện. Những bài ca: "Em bé Phú Riềng", "Vui kháng chiến", "Gởi bạn khúc tình ca", "Tiếng sóng biển tiếng quê hương", "Xuân vui Long An tươi màu lá mạ", "Lá thư Đường Bốn", "Đường ra trận hôm nay", "Trường Sơn ca"... của soạn giả Thanh Hiền đi vào lòng giới mộ điệu từ chiến khu ra đến đời thường. Cho đến ngày hôm nay, những ca từ ngọt ngào ấy vẫn còn nguyên sức sống và sự quyến rũ, được nhiều người ái mộ.

Từ năm 1969 đến 1975, ông được phân công về Trường Văn nghệ Giải phóng (B 2.5) công tác. Tạm xa chiến trường, ông cũng được cử ra Thủ đô Hà Nội để tham gia các chương trình đào tạo cán bộ văn nghệ nguồn. Ông đã hoàn thành chương trình Trung cấp, rồi Cao cấp Nguyễn Ái Quốc để nâng cao tầm nhận thức chính trị; tốt nghiệp khóa Lý luận nghiệp vụ Văn hóa và Dự bị đại học sân khấu để phát triển cao hơn về chuyên môn văn hóa văn nghệ. Việc học tập bài bản kéo dài 6 năm, cho đến tận ngày hòa bình.

Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, ông về làm việc tại Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh. Chim xa nhớ tổ,  năm 1978, ông xin chuyển về Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Tây Ninh công tác cho gần gia đình. Ở đó, ông đã góp nhiều công sức gây dựng và phát triển nền tảng văn hóa – văn nghệ Cách mạng cho quê nhà.

Miệt mài như con ong tìm hoa nhả mật,  cuối cùng ông gắn bó đời mình, sự nghiệp của mình với Hội Văn học - Nghệ thuật Tây Ninh, đảm nhiệm cương vị Chủ tịch cho đến lúc nghỉ hưu (2007). Nhưng niềm đam mê với những thanh âm luyến láy và di sản văn nghệ dân tộc thì chẳng bao giờ nghỉ hưu. Ông tiếp tục gắn bó với phong trào Đờn ca Tài tử của địa phương. Người nghệ sĩ già giàu tâm huyết tiếp tục sáng tác và thường xuyên mở lớp truyền dạy đờn và ca Tài tử - Cải lương cho thế hệ trẻ đến tận ngày nhắm mắt.

Đồng hành cùng sự nghiệp văn nghệ Cách mạng của dân tộc, lao động sáng tạo miệt mài, ông đã để lại một gia tài không nhỏ. Soạn giả Thanh Hiền biên soạn lời mới rất nhiều làn điệu, bài bản của Nghệ thuật Đờn ca Tài tử Nam Bộ. Trong đó có những bản như: "Hiệp Nhứt Trường" (điệu Đảo ngũ cung), "Bài ca quê hương" (điệu Trường tương tư)… được những giọng ca Tài tử chính hiệu như: NNƯT Kim Thanh, NNƯT Ngọc Đặng… thu thanh và phổ biến thành công. Ông còn là tác giả của nhiều kịch bản Cải lương, từng được giải thưởng cao trong các kỳ Liên hoan, Hội diễn Sân khấu Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc những năm trước đây như các vở: "Tiếng hát An Cơ" (Huy chương Bạc - Đoàn Cải lương Tây Ninh), "Chim quyên xuống đất" (Huy chương Bạc - Đoàn Văn công Đồng Tháp)…

Soạn giả Thanh Hiền yêu cây đờn Kìm như một vật bất ly thân.

Hơn 60 năm gắn bó với nghệ thuật, gia tài của ông không chỉ là những soạn phẩm vọng cổ, những vở tuồng Cải lương với ngôn từ đậm chất văn học, dạt dào cảm xúc, phù hợp với tâm tư tình cảm của cư dân vùng đồng bằng Nam Bộ; mà ông còn là một tay đờn Kìm lừng danh của vùng đất Tây Ninh và khu vực miền Đông Nam bộ. Ngón đờn của ông nhẹ nhàng, réo rắt, lúc khoan lúc nhặt, âm sắc ngọt ngào, chuẩn xác về giai điệu, khúc thức của từng bản nhạc Tài tử.

Suốt cuộc đời theo nghệ thuật cách mạng, soạn giả Thanh Hiền vinh dự được nhà nước trao tặng nhiều Bằng khen, Huy chương, cùng nhiều giải thưởng quan trọng khác. Ông đã đoạt giải thưởng Văn học Nghệ thuật (VHNT) Nguyễn Thông lần đầu tiên của tỉnh Long An năm 2001.

Đây là giải thưởng công nhận sự đóng góp của giới văn nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh trên lĩnh vực VHNT, có tác phẩm tiêu biểu, phản ánh, ngợi ca đất và người Long An. Trong số những tác phẩm cổ nhạc của soạn giả Thanh Hiền có bài vọng cổ “Xuân vui Long An tươi màu lá mạ” và bài “Nhớ Nguyễn Thông” gắn với tình đất, tình người của quê hương có hai con sông Vàm Cỏ khiến đồng bào Long An mộ điệu rung động. Ông còn nhận được giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu của tỉnh Bến Tre và đặc biệt là danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” cao quý do nhà nước Việt Nam phong tặng năm 2015. Đó là phần thưởng xứng đáng dành tặng cho ông, một nghệ sĩ miệt mài cống hiến cả đời mình cho sự nghiệp Văn học - Nghệ thuật nước nhà.

Soạn giả Thanh Hiền được ví như người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa với vũ khí chiến đấu là ngòi bút sắc bén và tiếng đờn Kìm huyền hoặc của mình. Không chỉ bám sát thực tế để phản ánh một cách chân xác về cuộc sống, mà thẳm sâu trong trái tim ông còn có những rung động nghệ thuật hết sức tinh tế, sâu sắc. Nhờ vậy mà những biên soạn của Thanh Hiền luôn phong phú, đa dạng, thể hiện tính cách, tâm tư tình cảm của người Việt Nam với quê hương nguồn cội.

Soạn giả - NNƯT Thanh Hiền đã ngủ yên trong lòng đất mẹ, nhưng ắt hẳn tên tuổi ông luôn được giới nghề và công chúng trân trọng, suy tôn vì đã cùng với các soạn giả danh tiếng khác như: Viễn Châu, Kiên Giang, Loan Thảo, Châu Thanh, Trọng Nguyễn, Ngô Hồng Khanh, Đức Hiền… chắp thêm đôi cánh cho điệu nhạc vọng cổ nhịp 32 bay cao, bay xa trên bầu trời nghệ thuật và trở thành bản nhạc “vua” trong nhạc mục Tài tử - Cải lương.

Phạm Thái Bình
.
.