Dịch giả Châu Hải Đường: Đam mê với dịch thuật

Chủ Nhật, 03/11/2019, 08:28
Thời gian gần đây, bằng việc cho ra mắt những bản dịch các tác phẩm vốn được rất nhiều độc giả các thế hệ tìm đọc, dịch giả Châu Hải Đường đã khiến những người yêu sách nể vì sức làm việc miệt mài của anh. Có thể ví, bằng đam mê và cách làm việc trách nhiệm của mình, anh đã bắc một cây cầu mới để độc giả có thể tiếp cận những bản dịch chỉn chu, đầy đủ nhất.


Mang tới cho độc giả bản dịch đầy đủ nhất

Mới đây, dịch giả Châu Hải Đường gây bất ngờ khi quyết định dịch mới bộ “Tây Hán diễn nghĩa” của Chung Sơn cư sỹ Chân Vĩ (Trung Hoa) viết vào đầu thế kỷ XVII. Tác phẩm này vốn quen thuộc với độc giả Việt Nam qua bản dịch mang tựa đề “Hán Sở tranh hùng”. Tác phẩm này đã nhiều lần được in ở Việt Nam, với sự đóng góp công sức, trí lực của nhiều người chuyển ngữ, đó là các dịch giả La Thần, Thanh Phong, Mộng Bình Sơn...

Trong số đó, bản “Hán Sở tranh hùng” của Mộng Bình Sơn có thể nói là phổ biến hơn cả. Song, do quan niệm cũng như điều kiện dịch thuật, xuất bản của thời trước, nên đa số các bản dịch đều chưa hoàn toàn bám sát nguyên tác. Ngay cả bản “Hán Sở tranh hùng” của Mộng Bình Sơn vốn xuất hiện muộn nhất cũng bị cắt bỏ hoàn toàn 7 hồi đầu của nguyên gốc, chia 104 hồi còn lại thành 48 hồi và thêm bớt khá nhiều đoạn.

Trước thực tế này, dịch giả Châu Hải Đường không thể đứng “khoanh tay”, bởi anh là dịch giả thế hệ 7X, thấu hiểu được độc giả ngày nay có nhu cầu tiếp cận một văn bản dịch thuật toàn vẹn, để thấy được cả điểm ưu và nhược của tác phẩm gốc. Và Châu Hải Đường đã bắt tay dịch lại “Tây Hán diễn nghĩa”. Anh quyết định lấy tên cho bản tiếng Việt là “Hán Sở diễn nghĩa”.

Sách vừa phát hành bởi NXB Văn học và Công ty Sách Đông A. Đây là bản dịch đã được thực hiện khá công phu với gần 700 trang từ nguyên tác với đầy đủ 101 hồi trên tiêu chí tôn trọng nguyên tác với mong muốn giúp độc giả tiếp cận được “chân diện mạo” của tác phẩm; đồng thời ấn bản còn kèm lời tựa của chính Chân Vĩ, bản đồ Hán - Sở phân tranh và nhiều tranh minh họa sinh động mang đến một tâm thế mới mẻ khi thưởng sách: hiểu tác giả, tường địa thế, rõ hình dong.

Dịch giả Châu Hải Đường cho biết, tên gọi “Hán Sở diễn nghĩa” gồm hai phần thể hiện thể loại tác phẩm và nội dung chính. “Hán Sở” là một tác phẩm tiêu biểu cho dòng văn “diễn nghĩa” và ngược lại cái chất của dòng văn này cũng thấm đẫm xuyên suốt tác phẩm: chủ yếu kể chuyện lịch sử nhưng không hề khô khan mà mang trong mình đặc điểm “dựa theo chuyện sử, tái hiện thành văn; thiên theo thuật, kể, mạnh về cốt truyện; hành văn rõ ràng, phổ thông dễ hiểu”.

Cũng theo dịch giả, việc hoàn nguyên chữ “diễn nghĩa” trong tên gốc là một việc nên làm. Còn về nội dung, "Hán Sở diễn nghĩa" mang nguyên danh Tây Hán, nhưng e rằng chưa thể hiện hết được hồn cốt tác phẩm, bởi hai nhân vật chính của tác phẩm là Lưu Bang và Hạng Vũ, là hai thế lực xưng vương xưng bá, không ngừng tranh cường đấu thắng muôn phần kịch tính.

Bên cạnh đó, để ghi dấu sự kiện này, đơn vị xuất bản còn in 100 cuốn đặc biệt, bìa da làm thủ công do nghệ nhân đóng bìa Nguyễn Đức Khuynh và cộng sự thực hiện, đánh số từ ĐA 1 đến ĐA 100 để dành cho nhưng người sưu tập sách, thích sách đẹp.

Dịp này, dịch giả Châu Hải Đường cũng ra mắt bộ sách “Hán Sở diễn nghĩa liên hoàn họa” gồm 6 tập. Bộ truyện này mang đến một cách tiếp cận khác giàu hình ảnh, giản lược, dễ hiểu; vừa có thể đọc riêng rẽ, vừa có thể xem như một phần minh họa tương hỗ cho “Hán Sở diễn nghĩa”.

Qua những nét vẽ tỉ mỉ, lôi cuốn trong 875 bức tranh của các họa sĩ danh tiếng Trung Quốc như: Trần Đan Húc, Trương Lệnh Đào, Hồ Kiệt, Trương Chi Phàm, Lý Thành Huân… độc giả không chỉ “đọc truyện” mà còn được “xem truyện”, “thưởng truyện”, gặp gỡ nhân vật có dáng có hình, dự khán tình tiết mười phần sống động và có những trải nghiệm thú vị khi khám phá lịch sử qua ngôn ngữ hội họa.

Kế thừa tinh hoa dịch thuật

Dịch giả Châu Hải Đường sinh năm 1974, anh từng thực hiện nhiều dịch phẩm như: “Đường Tống truyền kỳ”, “An Nam Truyện”, “Đông Chu liệt quốc liên hoàn họa”, “Phù sinh lục ký” cùng với các bản dịch tùy bút đương đại Trung Quốc.

Nói về dịch phẩm mới nhất của mình, dịch giả Châu Hải Đường cho rằng, “Hán Sở diễn nghĩa” là một cuốn sách hấp dẫn, với những câu chuyện về cái tài của người làm tướng quyết thắng ngoài nghìn dặm, cái trung của kẻ làm tôi hy sinh cứu chúa, cái dũng của tướng sỹ công thành hạ địch, cái mưu của kẻ sĩ quy phục chư hầu.

Ở đó, cuộc tranh hùng trục lộc giữa Hán và Sở – hai thế lực mạnh nhất sau khi nhà Tần sụp đổ - không chỉ đơn thuần là việc kể lại lịch sử. Dưới ngòi bút của Chung Sơn cư sĩ Chân Vĩ, tác phẩm đã đạt đến “trong văn có sử”, văn và sử tương hỗ nhau một cách nhuần nhuyễn; các nhân vật cũng được đắp thịt thổi hồn với những nét tính cách riêng hết sức sống động và tạo nên sức hút với các độc giả yêu thích dòng văn “diễn nghĩa” ở Việt Nam.

Còn nhớ hồi tháng 7 năm ngoái, độc giả mê tác phẩm “Đông Chu liệt quốc” của Phùng Mộng Long cũng đã được đọc một ấn bản với sự “nhuận sắc” rất cao tay của dịch giả Châu Hải Đường.

Bộ tiểu thuyết đồ sộ “Đông Chu liệt quốc chí” mà chúng ta quen gọi là “Đông Chu liệt quốc” gồm 108 hồi, phản ánh 550 năm bão táp của lịch sử Trung Hoa từ thời Xuân Thu đến Chiến Quốc (năm 770 - 221 TCN). 5 thế kỷ tranh hùng đồ bá ấy, với hàng trăm sự kiện và nhân vật được miêu tả sinh động.

Các nhà “Đông Chu liệt quốc” cho rằng, tác phẩm không còn gói gọn trong khuôn khổ của những tiểu thuyết “diễn nghĩa” đương thời mà trở thành kho sử liệu ngồn ngộn và rành rẽ. Qua đó có thể thấy những quan hệ xã hội, lối ứng xử, nhận thức chính tà, đen trắng, thị phi và nhiều vấn đề phức tạp của một xã hội đang chuyển mình.

Dịch giả Châu Hải Đường ký tặng sách bạn đọc. 

Ở Việt Nam, trong gần trăm năm qua, đã có nhiều ấn bản “Đông Chu liệt quốc”. Thậm chí, mấy năm trước, có những đơn vị xuất bản đã in “Đông Chu liệt quốc” và đề ngay ngoài bìa là “Bản dịch đầy đủ nhất”. Tuy nhiên, đó là việc làm sai quấy, dối lừa bạn đọc.

Phải tới tháng 7 năm nay, một bộ “Đông Chu liệt quốc” bản tiếng Việt khá hoàn chỉnh mới chính thức ra mắt. Đó là công sức của Công ty Sách Đông A phối hợp với các nhà nghiên cứu, dịch giả thực hiện trong hơn 1 năm qua. Cái đáng quý của dự án này, đó là việc không dịch mới toàn bộ tác phẩm, mà đã rà soát lại các bản dịch cũ để kế thừa những giá trị dịch thuật đã được thời gian thừa nhận.

Theo đó, trong số các ấn bản “Đông Chu liệt quốc” tại Việt Nam, ấn bản do Nguyễn Đỗ Mục dịch, Tân Việt Nam thư xã xuất bản khoảng năm 1930-1932 được lưu truyền phổ biến và được giới nghiên cứu, sưu tầm và bạn đọc đánh giá cao. May mắn thay, nhà báo - nhà sưu tập Yên Ba còn lưu giữ được một bản “Đông Chu liệt quốc” do cụ Nguyễn Đỗ Mục dịch, xuất bản lần đầu. Đây là bản dịch chưa qua các lần chỉnh sửa, hiệu đính, chú giải của những thế hệ sau. Được sự đồng ý của đại diện gia đình dịch giả Nguyễn Đỗ Mục, Đông A đã mời dịch giả Châu Hải Đường tiến hành hiệu đính cuốn sách.

Dịch giả Châu Hải Đường cho biết, từ trước tới nay, anh không nghĩ đến lại có lúc ngồi rà soát, hiệu đính lại một dịch phẩm đã được các cụ tiền bối làm cách đây gần trăm năm. Nhưng trước lời đề nghị chân thành, Châu Hải Đường đã bắt tay thực hiện. Công việc cứ tưởng sẽ nhanh, nhưng hóa ra không. Anh mất gần 4 tháng và phải “rất tập trung” mới hoàn thành.

Mặc dù đã có bản dịch đầu của cụ Nguyễn Đỗ Mục, song tìm được bản “Đông Chu liệt quốc chí” tiếng Trung Quốc để đối chiếu cũng là vấn đề, vì trên thị trường sách tiếng Trung cũng có nhiều bản in. Nhưng khi đã có bản sách tiếng Trung đáng tin cậy trong tay, dịch giả Châu Hải Đường mới biết, trước đây cụ Nguyễn Đỗ Mục đã lược dịch nhiều đoạn, bên cạnh đó, nhiều phiên âm địa danh, nhân danh trước đây chưa chính xác.

Ngoài ra, bản dịch gốc nhiều chỗ sắp chữ nhà in in nhầm. “Phần bổ sung nhiều nhất trong ấn bản mới nhất chính là thơ. Khoảng 400 bài thơ trước đây bị lược đã được dịch bổ sung”- dịch giả Châu Hải Đường cho biết. “Trong đó, có hồi nhiều nhất lên tới 8 bài, hồi ít nhất cũng có 2 bài bị lược. Các bài thơ chủ yếu là thơ tứ tuyệt, có một ít thơ trường thiên và một ít thơ bát cú. Những trận đánh thường được dịch là “mang quân đi đánh”, nhưng trong bản gốc luôn nói cụ thể mang bao nhiêu quân đi đánh, bao nhiêu cỗ xe, nước kia tham gia bao nhiêu cỗ xe… đều đã được dịch bổ sung, mang tới cho bạn đọc một bộ sách tăng tới 400 trang so với bản dịch cũ của cụ Nguyễn Đỗ Mục”.

Thư Hoàng
.
.