Đi tìm em bé trong phim "Cánh đồng hoang"
Đứa trẻ vừa mới biết đi chập chững ấy còn xuất hiện rất ấn tượng trong những cảnh quay nguy hiểm của phim giữa Đồng Tháp Mười mênh mông nước. Bộ phim nổi tiếng, nhưng người xem không hề biết diễn viên nhí ấy là con của một gia đình nông dân nghèo ở giữa cánh đồng hoang...
Liên tiếp trong nhiều ngày, từ cuối năm 2003 đến đầu năm 2004, chúng tôi đến ấp Bắc Chang, xã Tuyên Thạnh (Mộc Hóa), quê hương của cố đạo diễn Nguyễn Hồng Sến, gặp những người từng giúp đỡ đoàn làm phim lúc bấy giờ để hỏi về đứa trẻ. Ông Nguyễn Văn Út, người tham gia đóng vai đại đội trưởng một cánh quân tiến về Kiến Tường rất khoái đứa trẻ, nhưng vẫn tưởng nó là con nhà nòi, vì không nghe đoàn làm phim tiết lộ.
Qua ông Út, chúng tôi biết nơi đóng quân của đoàn làm phim Cánh đồng hoang thuộc địa bàn xã Tân Lập. Theo ông Út, tham gia bộ phim có cô giáo Phượng đóng vai Trạm trưởng dân công Kiến Tường, người đứng ra tiếp tế bánh tét cho đoàn quân giải phóng từ miền Bắc chi viện vào chiến trường Nam Bộ. Cô giáo Phượng đóng phim ngày xưa đã nghỉ dạy, đang sống ở chợ cầu Quảng Dài.
Cô Phượng kể, năm đó nhà cô kinh doanh cừ tràm, đạo diễn Hồng Sến thường lui tới hỏi mượn và mua một số cây làm lều trại dã chiến để quay phim cảnh đóng quân của ta. Một hôm, sau buổi dạy học về, cô giáo Phượng tình cờ bắt gặp một người nhìn mình rất chăm chú. Sau hồi lâu, cô mới biết đó ông là đạo diễn Hồng Sến. Ngay khi bắt chuyện, ông đã hỏi cô có đồng ý tham gia đóng phim không? Cô giáo Phượng đề nghị ông Hồng Sến nên hỏi ý kiến bà mẹ, nếu bà đồng ý thì cô tham gia, không nhận thù lao.
Sau khi quay xong phân cảnh nữ giao liên tiếp tế cho bộ đội, ông Hồng Sến mời cô giáo Phượng đi theo đoàn làm phim, vì theo ông, cô có tố chất của một diễn viên điện ảnh. Không quen sống xa nhà, xa mẹ, cô giáo Phượng đã từ chối lời đề nghị của ông Hồng Sến. Khi phim công chiếu trên màn ảnh nhỏ, cô giáo Phượng nhận được nhiều thư ái mộ, thậm chí có nhiều chàng trai ngỏ lời cầu hôn cô. Trong số này đã có một người đã lọt vào mắt xanh của cô giáo.
Tuy cô Phương không biết gì về diễn viên “nhí” này nhưng theo lời kể của một số diễn viên khác tham gia đóng phim này, chúng tôi biết đứa trẻ đó hiện ở khu vực cầu Quảng Cụt, thuộc ấp 2, xã Tân Lập.
Con đóng phim, mẹ đau tim
Lặn lội trong nhiều ngày liền, cuối cùng, chúng tôi tìm ra vợ chồng ông Nguyễn Văn Nghiệp và bà Huỳnh Thị The, cha mẹ ruột của nhân vật em bé trong phim Cánh đồng hoang. Căn nhà mà chúng tôi tìm đến lợp bằng đưng, nhỏ nhắn, nằm lọt thỏm trong tán tràm già. “Em bé” không có nhà.
Theo vợ chồng ông Nghiệp, đây là nơi quay cảnh vọng gác nổi của vợ chồng Ba Đô và Bé Ba, thời gian khởi quay vào những ngày đầu tháng 11/1978, tính ra đã ngót 26 năm rồi. Trước đó, đạo diễn Hồng Sến và những người trong đoàn làm phim tìm nhiều đứa trẻ từ 15 đến 20 tháng tuổi để đóng vai con của vợ chồng Ba Đô, nhưng không em nào được chọn. Dù không tham gia dự tuyển, nhưng con trai của vợ chồng ông Nghiệp, Nguyễn Duy Khương vừa tròn 16 tháng tuổi lại được đạo diễn chấm.
Lúc đầu, vợ chồng ông Nghiệp không đồng ý, vì được biết nhân vật đứa trẻ xuất hiện trong những cảnh quay nguy hiểm. Sau đó, đạo diễn Hồng Sến thuyết phục được cha của ông Nghiệp, cụ Nguyễn Văn Lập đồng ý cho mượn cháu Khương để quay phim. Tuy vui vẻ giúp đỡ đoàn làm phim, nhưng khi thấy đứa cháu nội bị dồn vào túi nilon, nhận xuống nước, cụ Lập cũng không kềm chế được mình, trách đoàn làm phim là những người làm chuyện “dại dột”.
Bà The kể: Sau khi thực hiện xong cảnh “trấn nước”, cháu Khương cảm sốt, mất ngủ, hoảng hốt, la khóc nhiều đêm liền. Còn lần tận mắt chứng kiến cảnh “hãi hùng”: con trai té từ vọng gác xuống nước, bà The còn kêu trời, đòi “bắt đền” đoàn làm phim.--PageBreak--
Đến cảnh Bé Ba (Thúy An đóng) giận chồng, bỏ con lên chiếc xuồng nhỏ, tròng trành chống qua sông Vàm Cỏ Tây, thì bà The đứng ngồi không yên. Lúc đó là mùa lũ lớn, nước chảy xiết, sông rộng, gió to, còn người thủ vai này thì mới học chống xuồng có mấy hôm. Bà nói: “Nếu xảy ra sự cố lật xuồng, thì Thúy An không thể ứng phó được, đứa trẻ sẽ trôi mất”. Còn ông Nghiệp thì bảo: “Tôi sốt ruột nhất là cảnh cháu ngủ giữa cánh đồng hoang để vợ chồng Ba Đô gặt lúa. Hôm đó, cháu Khương bị muỗi đốt khắp người”.
Ông Nghiệp cũng khen Thúy An và Lâm Tới khéo dụ con nít trong một thời gian dài. Nhiều lần thằng nhỏ vừa khóc ngất, khi được hai người này ôm vào lòng thì nó nín ngay, trông như cha mẹ thật. Ngay cảnh cho bú giả nhưng cháu lại tưởng thật, tha hồ mân mê, quấn quýt làm cho cảnh phim sống động như ngoài đời.
Vẫn theo vợ chồng ông Nghiệp, khi quay xong bộ phim Cánh đồng hoang, đạo diễn Hồng Sến nhã ý xin cháu Khương để nuôi dạy thành một diễn viên điện ảnh chuyên nghiệp. Rất tiếc, do Khương là đứa con trai độc nhất nên ông bà không đồng ý.
Đứa con trong phim, đứa con ngoài đời
Ba ngày sau, chúng tôi trở lại xã Tân Lập gặp Nguyễn Duy Khương. Đó là một thanh niên to lớn, tháo vát, có làn da sạm nắng, rắn rỏi, trông giống "người cha" trong phim Cánh đồng hoang.
Khương nói: “Tới năm 18 tuổi, em mới được xem phim Cánh đồng hoang qua truyền hình, nhưng không tin đứa trẻ đó là mình. Rồi qua nhiều người trong xóm, cộng với những bức ảnh tư liệu bác Lâm Tới và cô Thúy An bế cháu đứng cạnh ông nội thì em mới tin đó là sự thật. Xem phim, em thấy mình hồi nhỏ khóc khỏe thật! Bộ phim chẳng những giúp em hiểu được chiến tranh từng xảy ra trên quê hương mình, mà còn để lại một kỷ niệm đẹp”.
Khi chúng tôi hỏi về những bức ảnh ngày xưa, thì Khương bùi ngùi: “Cơn lũ năm 2000 đã cuốn trôi tất cả. Em tiếc lắm!”.
Theo vợ chồng ông Nghiệp, gia đình khó khăn, mãi đến năm tám tuổi, Khương mới vào học lớp 1, nhưng chỉ học đến lớp 3 thì phải nghỉ, do mẹ lâm bệnh nặng.
Ngoài cha mẹ, anh còn phải phụng dưỡng bà nội tuổi đã quá cao, một bà cô bệnh tật và một ông chú câm điếc. Ngày nào Khương cũng làm việc quần quật từ mờ sáng đến tối, không cưa tràm thì vác gỗ, gieo tràm, sạ lúa, ngày nào không có việc, thì ra chợ chạy xe ôm. Về nhà, đôi khi, Khương phải lăn vào bếp nấu cơm, giặt giũ khi mẹ lên cơn đau tim. Cuộc đời vất vả nhưng Khương vẫn lạc quan, để cả nhà cùng vui trong cái nghèo lận đận.
Khương tâm sự: “Đôi lúc, em có cảm tưởng mình là đứa trẻ sinh ra trong thời chiến mà Ba Đô và Bé Ba là cha mẹ ruột. Khi xem đến cảnh Ba Đô bị giặc sát hại em đã bật khóc, thốt lên tiếng kêu “ba” trong xúc động nghẹn ngào. Rồi em cảm thấy buồn và mắt cay cay khi hay tin bác Lâm Tới qua đời. Mong muốn của em là được gặp cô Thúy An, mẹ Bé Ba bằng xương bằng thịt, nhưng em không biết cô ấy ở đâu mà tìm. Còn gì đẹp hơn khi ngày em cưới vợ, có người mẹ trong phim về dự và rước dâu”