Dấu ấn tâm hồn Nguyễn Hồng Vinh
- Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Hồng Vinh: 18 năm "giữ lửa cùng báo Đảng
- Cuốn nhật ký bằng thơ của nhà báo Nguyễn Hồng Vinh
Trước đây, tôi chỉ biết ông với tư cách nhà báo, lãnh đạo các cơ quan báo chí (Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương…). Năm 2010, thật bất ngờ, ông mang đến Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam tập thơ đầu tay nhờ tôi đọc và đề nghị cấp phép xuất bản, tập "Từ những nẻo đường".
Đọc thơ ông, thơ về Hà Nội những thập niên còn leng keng tàu điện, về vùng quê thân yêu Hà Nam của ông… Thơ giản dị nhưng chân tình, có những bài không kém thức gợi, cảm động, ngoài tiên lượng về một "quan chức báo chí" làm thơ của tôi trước đó. Chứng tỏ, trong đáy hồn ông còn nhiều lay thức, hồn vía của những hàng râm bụt đỏ hoa, tiếng tàu điện leng keng thao thiết một thời Hà Nội thân thương, những con đường quê trong gian khó chiến tranh phá hoại và ở đó có mẹ, có những người thân…
Nhà thơ - nhà báo Nguyễn Hồng Vinh. |
Tôi nói ngay với ông, thơ ông viết về quê, cảnh sắc và những người thân yêu, về mẹ, người mẹ nghèo tần tảo, cực nhọc và nhân hậu nuôi con ăn học là được nhất. Nó như được viết ra từ gan ruột mình. Những câu thơ chân thực về mẹ, thảng thốt trên một chuyến bay:"Rau lang luộc với cơm độn sắn/ Rét tháng Giêng, bếp lạnh, mẹ thức chờ/ Vừa chợp mắt canh ba, mẹ đã vùng thức giấc/ Lo cơm nắm, muối vừng cho con học đường xa".
Bay, chẳng biết vòm trời nào, nhưng đó thực sự, theo tôi, chính là lúc ông đang hạ cánh xuống ngôi làng "cơm nắm, muối vừng" của tình mẹ, người mẹ tảo tần khuya sớm nuôi con, và đó là đường băng cho mọi sự cất cánh.
Những câu thơ thẩm thắc, nhớ vợ con thuở cơ hàn, từ nơi xa quê hương, mà đắng đót, mà thương: "Mỗi chuyến về xuân, đâu ít gian truân/ Đường trơn, mưa phùn, từng cơn gió bấc/ Ba mẹ con trên chiếc xe đạp cũ mèm/ Đất chẹn bánh, con ì oạp lội trong bùn nước lạnh…/ Bốn mùa hạ trôi qua, trong sâu thẳm nỗi người/ Em vắt sức vì con, xây tổ ấm…" (Những năm tháng không quên). Khá nhiều câu thơ ở vùng ký ức thân thương, yêu dấu nhất của Nguyễn Hồng Vinh, và những nẻo đường từ rừng tới biển, "Sông Lô có người con gái", "Tình Em chảy mãi", "Hạt phù sa bên biển"… được khắc ghi như thế.
Vậy mà giờ đây, ngoài hai cuốn sách về nghề báo, ông đã có đến 6 tập thơ in trong vòng 8 năm qua: "Từ những nẻo đường" (2010), "Thao thức dòng đời" (2010), "Nhịp điệu thời gian" (2013), "Miền thương nhớ" (2013), "Màu ký ức" (2015), "Lãng quên thì thầm" (2016). Và bây giờ là tập thứ 7, "Thơ và Dấu ấn cuộc đời" (2018). Bình quân gần 1 năm, 2 tháng in một tập thơ (có hai năm, mỗi năm in 2 tập), như là cuộc tổng lực cho thơ, một góc tâm hồn, đời sống tinh thần kìm lại nhiều năm tháng cho đường hành nghiệp, trách nhiệm công dân khác trọng yếu hơn, chỉ đến khi nghỉ, theo nghĩa công chức nhà nước, mới bắt đầu "hồi xuân", trở về miền "thơ ấu", tươi trẻ của tâm hồn.
Đây là tập sách gồm hai phần, Phần I là Thơ, gồm 52 bài; Phần II, Dấu ấn cuộc đời là 32 bài tiểu luận, bình thơ và một số bài về nghề báo của nhiều tác giả, phần lớn luận đàm về thơ của ông qua những tập đã xuất bản. Ở phần thơ mới, thơ ông khá nhiều mùa, đặc biệt là mùa xuân, vì vậy mà nhiều hoa lá, cảm xúc tình yêu; cũng nhiều ngày tháng, vì vậy mà nhiều hoài niệm…
Mùa xuân và thiên nhiên là dấu ấn tâm hồn, đã đến lúc thư thái của người luống tuổi, thường hay muốn trở lại thời xuân sắc, ăm ắp kỷ niệm, để được trẻ lại, sống lại với những nhớ nhung, luyến tiếc về những gì đã qua, như quy luật vòng quay của đời người. Đây, những "Khẽ khàng xuân", "Phút xuân", "Tản mạn đầu xuân", "Nguồn ấm mùa xuân", "Hẹn ước ba xuân", "Lạc lối giữa mùa xuân". Đây, những "Ngày tình yêu", "Tình khúc mùa đông", "Cánh hoa", "Lá sen", "Hoa Lan" và những kỷ niệm mang tính hành trình khác.
Bên cạnh sự tĩnh lặng, trong trẻo của mùa xuân, nghe được "Mầm xuân cựa quậy đâu đây", là những "Hẹn em giêng hai gặp lại/ Quan họ thao thiết triền sông" (Phút Xuân), hay "Khu vườn ba mùa thay lá/ Khăn hồng em mãi chưa trao/ Ai biết ba mùa xuân ấy/ Trang giấy vẫn trắng mặt bàn/ Con chữ xé giằng, vật vã/ Nhịp tim - đồ thị hình sin" (Hẹn ước ba xuân).
Những hẹn ước mùa xuân, đợi chờ lời yêu chăng, mà sao những trang giấy vẫn trắng mặt bàn, chỉ có tiếng những con chữ xé giằng, vật vã trong thầm lặng của hẹn ước và khát vọng gặp em. Nhưng, sau nhiều thi ảnh đẹp, mùa xuân phiêu lãng, thì bất ngờ những câu thơ "thời sự", tỉnh khô: "Cửa ra vào phòng sếp/ Dấu chân đè dấu chân/ Quà không còn chỗ đặt!/… Nước lên thì thuyền lên/ Dân giàu là nước mạnh/ nhưng đâu khỏi băn khoăn:/ Có người một túi sách/ Bằng mười nhà tặng dân!..." (Tản mạn đầu xuân).
Nỗi đau của tệ tham nhũng, lợi ích nhóm, chạy dự án, chạy chức quyền… đang những ngày nóng bỏng, nhức nhối trong dư luận xã hội, trên các diễn đàn, được ông nói bằng cách của mình, tiếng nói trung thực, thẳng thắn, phẩm cách và trách nhiệm của người cầm bút với xây dựng xã hội, không chỉ miên man mãi trong vẻ đẹp của hoa lá, tình yêu.
Ngoài mảng thơ đậm về mùa, như cái cớ giao duyên con người với thiên nhiên, chuyển vận đất trời cũ và mới, con người với con người, quá khứ với hiện tại, thấy ở ông nhiều bài thơ viết trên các lộ trình, địa danh mà ông đến và đi, khơi gợi lại nhiều kỷ niệm, nhiều tâm tư… C
ó thể gọi đó là tình yêu hành trình, rộng lớn hơn là tình yêu đất nước, gặp người gặp cảnh mà thảng thốt: "Cúc vàng rực triền đê em dạo/ Cốm dẻo thơm trong lá sen em gói/ Quyện hương cà phê buổi sớm hồ Tây" (Ký ức Sầm Sơn). Những câu thơ mê cảm và gợi đến bẫng lẫng, giao hòa vị biển Sầm Sơn với hương cà phê và sương khói Tây Hồ.
Đặc biệt, trong những bài thơ viết ở nước ngoài, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh có những bài thơ như tâm tình, như chia sẻ và hoài niệm về nước Nga một thời gần gũi, thân quen, thương mến, nơi ông từng du học: "Nước Nga trong tôi và tôi trong nước Nga/ Với tuyết trắng mùa đông và đêm trắng mùa hè/ Sóng sông Hồng gọi sóng Von-ga/ Trăng dát bạc nghiêng đồi chè sóng lượn…/ Tôi tin lòng em đầy nắng/ Nước Nga trong tôi và nước Nga trong em" (Hai trong một).
Tác phẩm "Thơ và dấu ấn cuộc đời" của nhà thơ - nhà báo Nguyễn Hồng Vinh. |
Trong Hoài niệm tháng 6, trở lại Nê-va, ông lại nhớ về một thời yêu dấu, một nỗi buồn len lén chia xa: "Ba mươi năm sao trôi nhanh/ Mỗi người đều theo ngã rẽ/ Vật vã trong cuộc mưu sinh/ Mái đầu lơ thơ tuyết trắng/ Trở lại Nê-va tháng 6/ Hồn ta xanh lại nước sông/ Thương em dầm mưa dãi nắng/ Hon-đa lầm lũi chở hàng…" (Hoài niệm tháng 6). Vâng, có một thời thương yêu, đau đáu niềm nhớ nhung như thế.
Sau tất thảy, thơ Nguyễn Hồng Vinh nói nhiều về thực và ảo, thiện và ác, lòng tham và danh lợi, cái mất và cái còn…, sau những trải nghiệm, thăng trầm khác nhau, như là cuộc tổng kết nhận thức và chuyển hóa trong tâm thế, trong tinh thần tự tại, soi chiếu thế giới, soi chiếu chính mình của ông… "Tiền tài và danh vọng/ Trộn đắng cay xe lòng? Hòa ta bao nước mắt/ Xóa nhòa nụ cười duyên/… Ngẫm ra đều phù vân/ Hão huyền và ảo tưởng/ Chỉ tình người còn đọng/ Giữa bốn bề trái ngang" (Vô đề 3).
Ở một bài thơ vô đề khác, như một sự bổ trợ cho dòng tư biện mà ông đang đề cập: "Những khổ đau, oan trái/ Giữa cái thiện, lòng tham/ Danh lợi và chức quyền/ Cứ đan xen thường nhật!/ Càng ngẫm lời kinh Phật:/ Đời-sắc sắc không không" (Vô đề 1).
Phải chăng, những tâm sự trên được chắt ra từ những ngữ cảnh, một thời tưởng như chỉ có hoa thơm và mật ngọt, mà giờ đây: "Trời sáng nay mây đen vần vũ/ Xa một ngày, mọi thứ đã hư không/ Nhớ chăng lần đầu gặp em/ Cơ man mỹ từ, nay thành thuốc đắng/ Sông sâu khó đo/ Sự đời ngóc ngách/ Lòng người - ai biết nông sâu?!" (Lòng người - ai biết?!).
Cũng như, sau 50 năm cầm bút, ông đã bắt đầu nghiệm ra cái cốt yếu trong nghiệp văn của mình, hay cũng là nghiệp của những người cầm bút: "Có chân trời hy vọng/ Dành cho ai chí bền/ Đọc hàng trăm trang sách/ Mới viết vài trang văn…/ Mật ngọt của trang văn/ Có khi trong một chữ/ Vật vã bao ngày đêm/ Chắt từ Đời và Sách!" (Tản mạn nghĩ về nghề).
Nếu phần thơ, là thơ mới, viết từ 2016 đến nay thì phần hai, tiểu luận là tập hợp những cảm nhận, đánh giá, phẩm bình rất tích cực của các nhà thơ, nhà lý luận phê bình về thơ ông trong hành trình tác cảm, nghiệm sinh đời sống của các nhà thơ Hữu Thỉnh, Nguyễn Sĩ Đại, Bằng Việt, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Hữu Quý, Đặng Huy Giang, Quang Hoài… mà do khuôn khổ trang báo này tôi phải để lại cho dịp khác. Xin chúc mừng ông.