Đại tá, nhà văn Nguyễn Trần Thiết: Sống đã rồi mới viết

Thứ Năm, 05/09/2013, 08:01

Năm 2010, tiểu thuyết "Ông tướng tình báo và hai bà vợ" của nhà văn Nguyễn Trần Thiết ra mắt bạn đọc. Hỏi chuyện bếp núc công việc sáng tạo, nhà văn nói: "Không biết các nhà văn khác thai nghén tác phẩm thế nào, còn tôi, khi viết tác phẩm này, tôi tự đặt câu hỏi: Người xưa đã để lại cho đời những áng văn chương ghi lại những tấm gương bất hủ về tình cảm vợ chồng như Tống Trân - Cúc Hoa, trong khi cuộc sống ngày hôm nay có bao nhiêu kỳ tích tương tự, vậy tại sao mình không viết?".

Nghe nhà văn nói thế, bạn đọc cũng có thể hiểu sơ qua nội dung cuốn sách này rồi. Hiển nhiên, đó chính là cuộc sống đầy gian truân và éo le của ba con người, một tình yêu tay ba. Nhưng đó là một tình yêu trọn vẹn hiếm hoi và lạ lùng, diễn ra dưới sự chi phối của tình người và nghĩa lớn dân tộc. Câu chuyện được hư cấu trên cơ sở chất liệu có thực. Năm 1946, ông Đức cùng vợ là bà Thanh (đều là cán bộ tình báo) từ Hà Nội sơ tán về Thanh Hóa. Năm 1948, ông bà được lệnh trở ra Hà Nội nhận nhiệm vụ "trèo cao leo sâu" vào hàng ngũ địch. Ngặt nỗi, lúc đó bà vừa sinh con nên đành chấp nhận để ông "vào thành" trước, còn bà sẽ thu xếp ra sau.

Tại Hà Nội, trong khi chui được vào hàng ngũ địch, ông Đức gặp Quận chúa Cẩm Nhung, con gái một trùm phản gián Pháp và tình yêu sét đánh giữa hai người đã xảy ra. Rồi quan hệ của họ ngày càng trở nên khăng khít vì lúc này, nhà tình báo Việt Nam đang cần có một chỗ dựa để có cơ hội hoàn thành trách nhiệm  của mình. Thông cảm với chồng, vì nghĩa lớn, năm 1952 trở ra Hà Nội, bà Thanh một mặt phải dằn lòng cho chồng lấy Quận chúa Cẩm Nhung để ông có được một vỏ bọc kín đáo, mặt khác đành chấp nhận việc rời bỏ nhiệm vụ, cùng con chuyển lên sống và làm việc ở Nông trường Vân Lĩnh xa xôi, với niềm tin chỉ hai năm nữa là tổng tuyển cử, thống nhất đất nước, người chồng thân yêu sẽ xong nhiệm vụ và trở lại với vợ con gia đình. Hóa ra nỗi buồn đau chua xót, trong đó phải kể tới sự nghi ngờ, dè bỉu của cộng đồng mà bà Thanh phải chịu đựng kéo dài tới 21 năm đằng đẵng.

Tiểu thuyết "Ông tướng tình báo và hai bà vợ" được độc giả đón đọc rất nhiệt tình. 29 tập phim dựa theo tác phẩm này của đạo diễn Bùi Cường đã đoạt Huy chương Vàng trong Liên hoan phim truyền hình toàn quốc và đã chắp cánh cho tác phẩm tiếp tục bay xa hơn. Bà Thanh, người được nhà văn Nguyễn Trần Thiết lấy làm nhân vật chính của cuốn sách nói: "Hơn 15 năm nhận sổ hưu nghỉ mất sức, gia đình tôi không có bất cứ một vị khách nào lại qua. Từ ngày sách của ông Thiết xuất bản, đã có 400 đoàn khách đến thăm hỏi và tặng quà. Tôi đã được nhà nước cho chuyển về Hà Nội và cấp nhà để ở".

Dựa vào các nguyên mẫu ngoài đời, thông qua hư cấu, tạo nên một chỉnh thể  nghệ thuật, đó là đặc điểm quan trọng nhất đã được thể hiện qua các sáng tác của nhà văn Nguyễn Trần Thiết. Hãy điểm qua những nhan đề sách của ông: "Chiến công thầm lặng", "Gia đình biệt động", "Nữ tướng Phunrô", "Kẻ cuồng vọng mang mật kế Z", "Viên chuẩn tướng", "Mặt trận không tiếng súng", "Truy tìm ổ quỷ", "Hành trình đồng đôla", "Theo bước chân thần tốc", "Cơn lốc Trường Sơn", "Dương Văn Minh, tổng thống cuối cùng"... Hương vị đời sống thực tỏa ra ngay từ các tên sách và sức hấp dẫn của văn chương Nguyễn Trần Thiết cũng là ở chỗ đó. Tiểu thuyết và ký sự của ông thỏa mãn nhu cầu độc giả được tiếp cận nghiêm nhặt với cái thật ở ngoài đời. "Dương Văn Minh - tổng thống cuối cùng" - cuốn tiểu thuyết thứ 93 của lão nhà văn đã được tái bản nhiều lần, được giới thiệu ở Anh, Mỹ, Pháp và đang được dựng phim với qui mô cả trăm tập. 

93 cuốn sách - tuổi tác ngoại bát tuần. Một sức nặng thời gian và một sức lao động đáng kính nể. Nguyễn Trần Thiết xuất thân trong nghèo khổ, từ thân phận kẻ cày thuê cuốc mướn, rồi đổi đời cùng Cách mạng Tháng Tám. Nhập ngũ trong vai anh lính Cụ Hồ, ông trực tiếp cầm giáo mác công đồn diệt giặc. Lặn lội trong gian khó, vào sinh ra tử trong máu lửa chiến tranh, ông đã trải qua chức trách từ tiểu đội trưởng, trung đội trưởng tới đại đội trưởng, rồi nhờ năng khiếu viết, được điều về làm phóng viên Báo Quân đội nhân dân, tham gia hầu hết các chiến dịch lớn từ thời đánh Pháp đến đánh Mỹ. Nay ông đeo hàm đại tá, nhận huy hiệu 65 năm tuổi Đảng.

Sống đã rồi mới viết được - đó là một chân lý. Tuy nhiên, dẫu khiêm nhường và tỏ ra có lý khi tự gọi mình là "nhà văn chân đất", Nguyễn Trần Thiết  cũng chưa thật công bằng với chính mình lắm đâu. Là bởi, phải có một quá trình học tập nghiên cứu bền bỉ đến thế nào, phải có một khối lượng kiến thức tư liệu dầy dặn đến thế nào, cây bút quân đội Nguyễn Trần Thiết mới sở hữu được một khối lượng tác phẩm lớn đến như thế. 

Nguyễn Trần Thiết là phóng viên đã từng hỏi cung bại tướng De Castrie năm 1954 ở lòng chảo Điện Biên, ông cũng lại là người đã phỏng vấn Dương Văn Minh, Tổng thống cuối cùng của chế độ Sài Gòn ngày 30/4//1975.

Khi nghe một phóng viên đặt câu hỏi: "Giữa hai lần tiếp xúc với De Castries và Dương Văn Minh, ông thấy có gì khác nhau?", lão nhà văn gật đầu, tủm tỉm: "Khác nhau. Một đằng là lòng chảo Điện Biên trắng xóa màu trắng cờ đầu hàng của giặc Pháp. Một đằng là sắc cờ đỏ tươi thắm rực rỡ tràn ngập phố phường đô thành Sài Gòn!"

Hoàng Tuyên
.
.