Còn âm vang mãi tiếng đàn bầu

Thứ Hai, 24/09/2018, 09:12
Nguyễn Đình Phúc là người có tài năng phong phú và nổi trội. Nhưng ông có bản tính khiêm nhường, kín đáo, chỉ miệt mài làm việc, sinh thời hầu như rất ít xuất hiện trên các phương tiện truyền thông nên công chúng không mấy người biết rõ về thân thế, sự nghiệp...


“Lắng tai nghe đàn bầu/ Thánh thót trong đêm thâu/ Tiếng đàn bầu của ta/ Cung thanh là tiếng mẹ/ Cung trầm là giọng cha/Ngân nga em vẫn hát…”. Hẳn nhiều bạn đã nhận ra đó là những lời mở đầu bài hát “Tiếng đàn bầu” rất đỗi quen thuộc, không ai yêu âm nhạc lại không biết và nhiều người đã thuộc lòng từ lâu. Ca khúc được phổ từ thơ của Lữ Giang. Tác giả âm nhạc là Nguyễn Đình Phúc - một nhạc sỹ gạo cội không xa lạ với số đông công chúng. Đây là tác phẩm đã đưa tên tuổi ông lên hàng những nhạc sỹ có tầm cỡ nhất trong đội ngũ nhạc sỹ hiện đại Việt Nam. Và bài hát nói trên cũng là một trong những bài hay nhất về đề tài ca ngợi Tổ quốc, dân tộc.

Nguyễn Đình Phúc là người có tài năng phong phú và nổi trội. Nhưng ông có bản tính khiêm nhường, kín đáo, chỉ miệt mài làm việc, sinh thời hầu như rất ít xuất hiện trên các phương tiện truyền thông nên công chúng không mấy người biết rõ về thân thế, sự nghiệp.

Nhạc sỹ Nguyễn Đình Phúc.

Ông chẳng những là nhạc sỹ với nhiều tác phẩm nổi tiếng như bài hát vừa nhắc và các bài được ra đời trong cuộc kháng chiến chống Mỹ thần thánh của dân tộc với bút danh Nguyễn Thơ đã có sức sống mãnh liệt như “Gửi anh đi đầu quân”, “Nhớ anh giải phóng quân”… mà còn là họa sỹ và nhà thơ. Từng học ở Trường Mỹ thuật Đông Dương ra, Nguyễn Đình Phúc nổi tiếng cả ở lĩnh vực hội họa với sở trường vẽ chân dung. Nhiều văn nghệ sỹ tên tuổi đã được ông vẽ.

Chân dung về Đại tướng Võ Nguyên Giáp được vị tướng lỗi lạc rất ưa thích và cảm tạ họa sỹ với những lời đầy cảm xúc và trân trọng. Giờ đây, khi Nguyễn Đình Phúc đã qua đời, nếu có dịp đến nhà bà quả phụ Trần Thị Bảo, ta sẽ có cảm giác như vào một bảo tàng mỹ thuật với nhiều bức tranh giá trị của ông được vẽ trong nhiều năm.

Tài năng về âm nhạc của Nguyễn Đình Phúc được phát lộ từ rất sớm. Ngay từ nhỏ ông đã chơi được nhiều nhạc cụ, cả dân tộc lẫn phương Tây. Đến năm 25 tuổi, ông phổ bài thơ “Cô lái đò” của Nguyễn Bính thành bài hát đã làm say đắm nhiều trái tim ngày ấy: “Xuân đã đem mong nhớ trở về/Lòng cô gái ở bến sông kia/ Cô hồi tưởng lại ba xuân trước/Trên bến cùng ai đã nặng thề…”. Người hát đầu tiên và hay nhất bài này là ca sỹ Thái Thanh. Bà đã khiến nhiều bậc mày râu tài ba phải thầm vụng ước ao mỗi khi nghe giọng hát. Sau này, ở vùng gọi là “tạm bị chiếm”, trong các chương trình biểu diễn của mình, hầu như ca sỹ nào cũng hát bài này bên cạnh những bài hát ta vẫn gọi là “tiền chiến” như “Giọt mưa thu”, “Con thuyền không bến” (Đặng Thế Phong), “Đêm đông” (Nguyễn Văn Thương), “Dư âm” (Nguyễn Văn Tý), “Thiên thai”, “Suối mơ”, “Trương Chi” (Văn Cao)…

Nhưng Nguyễn Đình Phúc tỏ ra chưa hài lòng về ca sỹ nào, kể cả Thái Thanh khi cho rằng họ đã hát bài của mình thành quá não nề, nỉ non, sướt mướt. Một lần tiếp xúc với nhạc sỹ, tôi được ông cho biết: “Mình đọc thơ của Nguyễn Bính thấy quá hay.

Thơ của ông diễn tả tình yêu lứa đôi, phần nhiều đều lỡ dở (như “Lỡ bước sang ngang”) nhưng không bi quan, yếm thế mà là nỗi buồn man mác chứ không quá bi lụy, ủ dột. Mình đã phổ bài “Cô lái đò” không với cảm xúc như vậy mà lành mạnh, thậm chỉ là khỏe khoắn. Nhưng không hiểu sao ca sỹ nào hát cũng làm cho bài hát trở nên thê lương, buồn nẫu ruột”. Ông nhắc đến một nam ca sỹ không còn trẻ có giọng hát vốn đã mỏng mảnh đã thể hiện bài này điển hình cho khuynh hướng “lâm ly hóa” nói trên.

Nghe “Cô lái đò”, “Lời du tử” (sáng tác trước Cách mạng Tháng 8/1945) rồi sau này là “Nhớ anh giải phóng quân”, “Gửi anh đi đầu quân”, đặc biệt là “Tiếng đàn bầu” của Nguyễn Đình Phúc, thấy giai điệu của ông rất “ướt át”, lãng mạn, tôi tò mò hỏi ông: “Chắc thế giới yêu đương của anh phong phú lắm?”. Ông “khai báo” rất chân thành: “Không. Ngược lại. Thế giới ấy của mình rất chân phương. Ai cũng nghĩ khi phổ nhạc bài thơ “Cô lái đò” mình phải có kỷ niệm nào với ai sâu sắc lắm.

Nhưng sự thật không phải mà chỉ là một lần mình đi dạo trên đê, nhìn dòng sông lững lờ trôi xuôi, tự nhiên mình thấy tâm hồn rất bâng khuâng, man mác. Đúng lúc đang mê, rung động thơ Nguyễn Bính, mình có sự đồng cảm cao rồi phổ được bài “Cô lái đò”. Rồi ông kể về cuộc tình dẫn đến hôn nhân của mình. Người con gái đầu tiên chàng trai Phúc quen biết là Trần Thị Bảo. Cô Bảo có người anh trai mở cửa hàng bán sách ở 110 phố Cầu Gỗ (Hà Nội).

Vốn mê đọc sách, chàng hay lui tới cửa hàng này tìm mua. Chỉ mua một, hai cuốn ít tiền cho có cớ để đọc nhờ là chính. Thấy người chủ quán có cô em gái khả ái, chàng để ý rồi hai người trở nên quen nhau. Quen biết, chuyện trò được một thời gian, bỗng một lần, Nguyễn Đình Phúc trao cho cô Bảo mảnh giấy có mấy chữ ngắn gọn: “Bảo có muốn làm vợ anh không?” rồi về thật nhanh, không chờ cô đọc. Mấy hôm sau, chàng trở lại thì thấy Bảo đỏ bừng mặt, có vẻ lúng túng, ngượng ngùng. Với sự nhạy cảm của mình, chàng nhạc sỹ trẻ hiểu rằng nàng đã ưng thuận, nhưng không thể nói lời đồng ý ngay.

Bà quả phụ Trần Thị Bảo trong căn phòng đầy ắp tranh của chồng.

Sau này, khi đã về chung sống, Trần Thị Bảo kể với Nguyễn Đình Phúc là lúc đọc lá thư, cô vô cùng xao xuyến, bồi hồi. Suốt đêm đó cô trằn trọc không ngủ, thổn thức mơ về chàng trai hào hoa phong nhã, rất hiền, điềm đạm, thật đáng yêu và nghĩ sẽ là vợ của anh. Vì lý do nào không nên duyên vợ chồng, ví như không được cha mẹ chấp thuận thì sẽ ở vậy, không lấy ai.

 Điều cô gái lường trước đã xảy ra. Nguyễn Đình Phúc không giấu gia cảnh của mình với người yêu: Nghèo, đông anh em, mẹ bán cá ở chợ Đồng Xuân nên tối tối phải đi kéo đàn cello ở các quán bar để có tiền phụ giúp mẹ nuôi các em. Điều này chẳng những không khiến Bảo coi thường mà càng cảm kích, nể phục người bạn trai của mình hơn. Lúc đầu, cô gái chưa muốn cho cha mẹ biết chuyện riêng của mình, nhưng không hiểu sao các cụ đã rõ.

Cha của Bảo là người cực kỳ nghiêm khắc và mang nặng tư tưởng phong kiến đã cầm sẵn con dao rồi gọi con gái lên “khảo” và đưa ra hai lựa chọn: Một là có thể lấy ai cũng được, không kể giàu nghèo, trừ Nguyễn Đình Phúc. Hai là nếu cố tình lấy chàng nhạc sỹ thì sẵn con dao, hãy đâm chết cha trước đã. Quá sợ cha và biết tính ông không dọa mà nói thật, Bảo đành phải hứa với cha là sẽ đoạn tình với người yêu. Nhưng đó chỉ là kế “hoãn binh” vì cô tự thấy tình cảm của mình là chính đáng và lại rất thương Nguyễn Đình Phúc.

Chỉ vì quá thành kiến với nghề đàn hát, cho Phúc là hạng “xướng ca vô loài”, tâm hồn lãng đãng phiêu diêu, ham vui, lãng mạn sẽ làm khổ con gái mình mà người cha của cô đã quyết “phá” bằng được. Thế là từ đó, cặp uyên ương đã buộc phải tạm thời rời xa, không thể công khai mà phải lén lút gặp gỡ và cũng chỉ thi thoảng vì sợ “lộ”. Họ đành chờ cơ hội khác, nhờ trời thương sẽ cho họ gặp lại, se duyên.

Rồi bẵng đi nhiều năm. Cả dân tộc cuốn vào cơn biến động long trời lở đất với cuộc Cách mạng Tháng 8 rồi sau đó là toàn quốc kháng chiến. Và cơ hội đã lại đến với hai người khi vào năm 1947, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang ở vào thời kỳ khó khăn của quân dân ta. Tại chiến khu Việt Bắc, họ tình cờ gặp lại nhau trong mừng tủi khôn xiết, nước mắt lưng tròng. Lúc này Nguyễn Đình Phúc khoác ba lô đi kháng chiến và Trần Thị Bảo cũng lên Việt Bắc tham gia dạy bình dân học vụ. Nhạc sỹ lại gửi cho người yêu mảnh giấy giống như mấy năm trước lúc mới quen nhau, cũng vẫn mấy chữ ngắn gọn nhưng khẳng định hơn: “Bảo phải là vợ anh”. Hai năm sau - 1949 - vào đúng ngày 19/8 lịch sử, kỷ niệm tròn 2 năm nổ ra cuộc cách mạng vĩ đại của dân tộc, khi Nguyễn Đình Phúc đã 30 tuổi và Trần Thị Bảo 25, họ làm lễ thành hôn tại Thái Nguyên. Đám cưới trong kháng chiến thanh đạm, cực kỳ giản tiện nhưng rất vui do hai nhà văn tên tuổi là Nguyễn Đình Thi và Nguyễn Huy Tưởng làm đồng chủ hôn.

Vậy là cuộc hội ngộ rồi nên vợ chồng của hai người quá đẹp, được tất thảy mọi người chia vui. Những ngày tháng cực kỳ hạnh phúc này, Nguyễn Đình Phúc đã viết nên hai bản tráng ca đầy hào hùng, rừng rực khí thế chiến thắng của quân dân ta: “Chiến sỹ sông Lô”, “Bình ca”. Sinh thời, hai nghệ sỹ nổi tiếng Quý Dương và Quang Hưng đã hát rất hay hai bài hát này. Ta thấy ngoài chất trữ tình mềm mại, duyên dáng, Nguyễn Đình Phúc còn có thêm chất lửa, mạnh mẽ, sôi động trong các ca khúc của mình. Hai tính chất này đã làm nên phong cách đặc sắc trong các ca khúc của ông.

Nhạc sỹ, họa sỹ Nguyễn Đình Phúc qua đời năm 2001, để lại một khoảng trống lớn trong nền âm nhạc cách mạng của chúng ta.

Nguyễn Đình san
.
.