Có thật nữ hoàng Cleopatra chết bởi rắn cắn?
Truyền thuyết kể lại rằng, vào năm 30 trước Công nguyên, sau thất bại tại trận thủy chiến Actium, người chồng sau của Cleopatra là danh tướng Mark Antony bị quân đội của Octavian truy đuổi. Trước khả năng cả hai vợ chồng có thể rơi vào tay địch thủ, trong khi Mark Antony dùng kiếm tự vẫn, vị nữ hoàng đã chọn lựa cho mình một cách giải thoát: Bà lén đem một con rắn mào - loài rắn cực độc của núi rừng châu Phi - vào khuê phòng khóa kín rồi thả cho rắn cắn để tự sát theo chồng. Cùng bà đi về thế giới bên kia cũng với cung cách trên là hai nữ tì. Truyền thuyết này được lưu truyền hàng nghìn năm và đến nay, gần như mọi người đều mặc định việc bị rắn cắn là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới cái chết của Nữ hoàng Cleopatra.
Tuy nhiên, không phải không có người nghĩ khác. Năm 2008, tại châu Âu và Mỹ, nhà Ai Cập học Joyce Tyldesley đã cho xuất bản một cuốn sách có tựa đề "Cleopatra: Nữ hoàng cuối cùng của Ai Cập". Trong cuốn sách, tác giả đã lý giải việc Cleopatra chết bởi rắn cắn là không có cơ sở, bởi thực tế, một con rắn dù độc tới cỡ nào cũng khó mà cùng lúc giết chết được ba người đàn bà. Theo Tyldesley, sở dĩ có truyền thuyết trên là do người Ai Cập rất sợ và tôn sùng loài rắn. Bản thân Cleopatra cũng từng đội vương miện mang hình rắn do các nghệ nhân chế tác với một sự sùng kính. Chính vì thế, người đời sau đã dùng rắn để thi vị hóa cái chết của bà.
Sự thật đến nay, không một cuốn sử nào kể lại một cách chi tiết, thuyết phục về cái chết của Cleopatra. Chuyện bà tự tử bằng cách cho rắn cắn có thể xuất phát từ việc, trong quan niệm của người Ai Cập cổ đại, một người bị rắn độc cắn có thể đi vào cõi bất tử. Ngay trong tài liệu của sử gia Hy Lạp Plutarch, mặc dù thừa nhận có thể có việc Cleopatra đem theo một con rắn vào phòng qua một chiếc bình quả sung hoặc bình nước, song ông cũng nghi ngờ tính xác thực của câu chuyện trên, bởi theo sử gia này, một con rắn dù độc đến mấy cũng khó có thể cùng một lúc giết chết ba người đàn bà.
Trở lại với cuốn sách của Tyldesley. Theo Tyldesley, có quá nhiều lỗ hổng trong giả thuyết rắn độc. Cho dù con rắn có thể cùng lúc giết chết ba người đàn bà đi chăng nữa thì nó đã vào phòng như thế nào, rồi sau đấy đi đâu? Hơn thế, đâu phải loài rắn nào cũng đều là rắn độc, và làm sao người muốn tự sát có thể đảm bảo chắc chắn rằng, với cách thức ấy, họ hoàn toàn có thể yên tâm đi về thế giới bên kia? Thực tế, họ hoàn toàn có thể chọn lựa cách thức khác đi tới cái chết nhanh chóng, hiệu quả hơn, ví như dùng độc dược chẳng hạn.
Ủng hộ quan điểm của bà Tyldesley, chuyên viên Pat Brown, người lập hồ sơ tội phạm Mỹ, với sự trợ giúp của các chuyên gia nghiên cứu chất độc, chuyên gia tâm lý đã đi đến kết luận rằng: Một con rắn độc dù độc đến mấy thì khi nó cắn, cũng phải mất tới 2 giờ đồng hồ mới khiến một người chết. Hơn thế, đâu phải lúc nào rắn cắn cũng tiết ra nọc độc, và lượng nọc độc của một con rắn cũng không đủ để ba người khỏe mạnh chết cùng một lúc. Như vậy, nếu Nữ hoàng Cleopatra muốn chọn cách chết cùng lúc với các nữ tì của mình thì hẳn bà phải lựa chọn cách thức khác.
Cách thức ấy là gì thì hiện chưa ai dám khẳng định, song theo Pat Brown, chắc chắn nó không phải là cách dùng rắn cắn như trong truyền thuyết được lưu truyền từ trước tới nay