Chuyện lạ về những chú chó cưng

Thứ Sáu, 16/02/2018, 08:00
Nói chó là con vật thông minh - chưa đủ. Phải nói nó là con vật thông minh và nhạy cảm; nhạy cảm đến độ, trong nhiều tình huống, nó dường như  hiểu được… tiếng người.


Hiểu được tiếng người?

Nhiều người chẳng đã từng kể, khi bọn lái chó đến nhà họ bàn việc mua chó giết thịt, chủ nhà đã rất ngạc nhiên là ngay sau khi những gã này ra về (hẹn mai quay lại lấy “hàng”) thì con chó của họ bỗng trở nên ủ dột; nhiều con thậm chí nằm bẹp, bỏ ăn; có con đột ngột trốn biệt tích! Dường như trong câu chuyện qua lại, kết hợp với sắc thái gương mặt người mua kẻ bán, chúng đã nhận biết được điều nguy hiểm đang chờ mình phía trước.

Còn đây là ví dụ về sự “nhạy cảm”, “hiểu tiếng người” của con Ki nhà tôi:

Đợt ấy, vì được thả rông trong nhà quá lâu, Ki sinh hư, tè “đánh dấu chủ quyền” tứ tung. Đã vậy, mùa rụng lông, suốt ngày nó gãi phành phạch, lông rụng quét vun được cả túm. Cứ cái đà người - chó sống lẫn lộn thế, chắc rồi sinh bệnh hết. Ông con trai tôi đi học về còn mang theo cả tập tài liệu, chứng minh mối nguy hại về sức khỏe, thậm chí cả tính mệnh… do chó gây nên. Vậy là cả nhà phải đi đến “quyết nghị”: “Trục xuất” Ki ra ở ngoài sân sau.

Sân sau nhà tôi là một khoảng không gian chừng hai mươi mét vuông; một đầu dành cho cây khế và một đầu dành cho gian nhà kho nhỏ, lâu nay bỏ hoang. Ki có thể mặc sức tung hoành trong không gian nhỏ hẹp ấy và khi mưa, khi nắng, hoặc đêm đến, nó có thể chui vào gian nhà kho để ngủ.

Tất nhiên, với bản tính thích… quấn người thì ở nơi biệt lập, không trông thấy ai như thế này, chắc là cu cậu… chẳng thích.

Gian phòng làm việc (cũng là nơi ngủ) của tôi có cửa đi và cửa sổ mở ra sân sau, chỗ gần cây khế. Kể từ hôm nhốt Ki ngoài ấy, tối đến tôi phải đóng cửa sổ, tắt đèn ngủ sớm, sợ cu cậu… phát hiện. Chỗ này tôi quả là ngờ nghệch; bởi chó dù không nhìn thấy, nghe thấy thì nó vẫn có thể đánh hơi thấy, bởi khứu giác của nó rất nhạy. Dù là tôi có nằm “im thin thít như thịt nấu đông” thì cu cậu vẫn nhận ra sự “có mặt” của tôi cách nơi cu cậu ở không xa.

Vậy là, chỉ sau khi tôi tắt đèn chừng mươi phút, cu cậu bắt đầu dò dẫm tiến tới bên cánh cửa phòng tôi ở. Thoạt tiên, cu cậu còn “khéo”, còn giả bộ “đánh tiếng” bằng những cái khịt khịt mũi như thể mình đang… lùng bắt chuột. Được một lúc, thấy ông chủ vẫn không hó hé gì, cu cậu bắt đầu… hoảng. Giờ  là lúc cu cậu công khai cào nạy cửa. Mặc, tôi vẫn im thít.

Dường như thấy mọi động tác của mình không tác dụng, cu cậu bắt đầu “bài ca” rên rẩm. Hết ư ử, ưng ửng, cu cậu lại chuyển sang sụt sịt, thổn thức, rồi thì thở dài não ruột. Có ai nghe được những âm thanh này mới hiểu được tâm trạng, hiểu được sự “nhu nhược”, mềm lòng của tôi. Không chỉ vậy, chốc chốc cu cậu lại chồm lên cạy cửa.

Cứ tình cảnh này suốt đêm thì còn ngủ nghê gì nữa. Thế không đừng được, tôi lật đật trở dậy lấy mấy tấm đệm trải sẵn trên nền gạch rồi ra mở cửa “rước ông bạn” vào, không quên quát mấy câu thị uy: “Mày là hư lắm, hư lắm”. “Ông bạn” chỉ chờ có thế, đuôi ngoáy tít, mõm rúc rúc vào bắp chân tôi. Đoạn, “ông bạn” xoay xoay mấy vòng rồi làm cái “ịch” xuống tấm đệm đối diện giường ngủ của tôi, ngoan ngoãn khoanh tròn đánh một giấc… tới sáng.

Hôm sau trở dậy, biết chuyện, ông con trai tôi nói “mát”:

- Đêm qua bố lại cho con Ki vào phòng phải không?

- Ừ, nó cậy cửa, kêu than ghê quá, đành phải cho nó vào.

- Bố cứ thế thì chả trách - Thằng con tỏ vẻ khó chịu - Đà này nhà này sinh bệnh hết.

Tôi nghe vậy, bực, quát:

- Thế theo mày thì phải làm gì? Nó đã vậy, chẳng lẽ đập chết ăn thịt à.

Nói rồi, tôi xô ghế đứng dậy, hầm hầm bỏ đi.

Ki lớn từng ngày trong bàn tay chăm sóc của ông bà chủ.

Bực thì bực vậy, song tôi không thể không nghe lời cậu con. Nó phản ứng dữ vậy chẳng qua cũng là lo cho sức khỏe của bố. Đêm ấy, tôi quyết “mũ ni che tai”, rằng nếu con Ki tiếp tục “giở trò”, tôi sẽ không mở cửa. Còn nếu có mở thì chắc hẳn chỉ là để tôi quất cho nó mấy chiếc dép tông vào mõm.

Nghĩ là thế, song… Thật trái ngược với hình dung của tôi: Một tiếng, rồi hai tiếng trôi qua, phía sân sau, tất cả vẫn êm ru, không chút động tĩnh. Tôi thoáng lo lắng, hay là “nó” bị sao rồi? Rón chân tới bên cửa sổ, tôi khẽ vén rèm nhìn qua ô kính.

Dưới ánh sáng hắt xuống từ ngọn đèn trên sân thượng nhà hàng xóm, tôi giật mình khi thấy: Ki không nằm cuộn trên tấm thảm ở gian nhà kho do mọi người sắp xếp mà mò ra nằm sát ngay mép cửa ra vào của phòng tôi, lù xù như một mớ giẻ lau. Nghĩ mà tội! Vậy là nó chấp nhận cả đêm phơi sương chỉ cốt để được… gần người. Nó cứ nằm thế và lần này thì không hề ho he lấy một tiếng.

Những đêm sau cũng vậy.

Hình như, sáng ấy, nghe hai bố con tôi to tiếng, nó đã hiểu sự tình và “biết thân biết phận mình”.

Làm nũng

Ngày nhỏ, đọc tiểu thuyết “Không gia đình” của nhà văn Pháp Hector Malot, tôi rất thú vị với câu chuyện chú khỉ Joli Coeur (một thành viên trong gánh xiếc rong của cụ Vitalis), mặc dù đang ốm vẫn cố rặn ho thêm để được cậu chủ cho ăn kẹo mạch. Vừa thú vị, vừa nửa tin nửa ngờ, rằng không hiểu tại sao một con vật lại “láu lỉnh” đến vậy.

Giờ, khi có Ki làm bạn đồng hành, tôi mới hiểu ra, quả thế giới loài vật có nhiều điều lạ.

Lần ấy, tôi đang chuẩn bị đồ lề đi làm thì từ sân trước, Ki thúc cửa ình ình, đòi vào. Mặc, “ông mày” đang dở việc. Kể thì cũng thoáng chút ngạc nhiên. Bình thường, Ki rất thích ra sân trước  chơi. Với hơn ba chục mét vuông, có cây có lá, lại được thỏa sức chạy nhảy, nhìn ngắm người qua kẻ lại, nhất là các bạn “đồng nghiệp”, Ki có thể “nán” ở đây cả ngày. Cu cậu chỉ đòi vào sớm khi mưa gió bất thường, hoặc sắp đến giờ “măm”. Vậy mà hôm nay…

Tôi vừa mở cửa thì Ki lách vào, rồi cứ thế tếch lên cầu thang. Là người đầu tiên phát hiện ra sự bất thường ở Ki, bà xã tôi hoảng hốt kêu lên: “Thôi chết! Con Ki bị sao thế kia?”. Theo tay chỉ của bà xã, tôi ngạc nhiên thấy Ki lên thang gác với một bên chân co quắp, như người bị chuột rút. “Chết rồi, nó bị sao mà máu dây đầy nhà thế này” - Có lẽ tiếng kêu và thái độ của bà chủ làm Ki thêm hoảng. Lên tới tầng gác, nó lỉnh vội vào một gian phòng rồi cứ thế, lết qua khe hở giữa thành giường và sàn nhà, rúc hẳn vào sâu trong gầm giường. Ở trong đó, nó lấy lưỡi liếm liếm mấy ngón chân đọng máu, thỉnh thoảng đảo mắt nhìn ra, lo lắng.

  Ai, ai đã hại con Ki thế này? Tôi mở cửa chạy ra sân trước thì vô cùng hoảng hốt khi thấy khắp mặt sân chi chít các đốm máu ướt, hình hoa đào. Đây rõ ràng là những vết máu từ cụm ngón chân bị thương của Ki. Tôi hỏi chị Hạnh bán xôi - nhà đối diện: “Chị ơi, chị có thấy ai làm gì với con Ki nhà em không?”. “Không! Có ai đâu nhỉ?”. “Máu dây đầy sân đây này chị - Tôi nói, không giấu được cảm xúc - Ai mà ác thế không biết”. Trong đầu tôi thoáng một ý nghĩ, rất có thể một kẻ tiểu nhân nào đó, khó chịu vì tiếng sủa của Ki, nhất là khi gã định dựng xe sát hàng rào nhà tôi, đã dùng hung khí đâm trộm nó.

Chị bán xôi vẫn lắc đầu quầy quậy: “Không! Tôi bán hàng ở đây từ sáng tới giờ, có thế nào tôi phải biết. Còn khách đến ăn nữa chứ!”.

Vì đã đến giờ tới cơ quan, tôi đành lòng gác việc này lại, dặn vợ ở nhà chăm sóc, trông nom Ki cẩn thận và làm rõ lý do gì khiến nó bị thương. Vừa ngồi vào bàn làm việc, tôi nhận được điện thoại của vợ, thông báo: Ki bị chảy máu chân là do giẫm phải mảnh cốc vỡ sót lại ở góc sân, chứ chẳng phải bị ai đánh cả. Những hình ảnh này đã được hệ thống camera ở nhà ghi lại.

Mấy ngày liền, Ki vẫn ăn uống, chạy chơi bình thường, chỉ tội với bước chân cà nhắc. Mỗi khi đi làm về, nhìn cảnh ấy, tôi lại “rên” lên: “Ki, Ki, lại đây xem nào. Tội nghiệp con quá! Tội nghiệp con!”. Tôi thầm trách mình không dọn rác cẩn thận, để Ki gặp nạn.

Một chiều làm về, tôi vừa với tay bấm chuông thì đã nghe tiếng Ki sủa ông ổng trong nhà. Vợ tôi mở cửa ngõ. Từ trong nhà, Ki xộc ngay ra sân trước. Theo phản xạ quen thuộc, tôi cất lời: “Ki, lại đây xem nào, khổ thân con!”.

Ki tập tễnh, tập tễnh tới bên cổng sắt, vươn đầu qua ô cửa, gí sát mũi vào người tôi, hít hà, thổn thức. Vợ tôi cười ngặt nghẽo: “Ối giời ơi ông Ki ơi là ông Ki! Ông… diễn sao giỏi thế”.

Tôi hơi ngạc nhiên, và thoáng chút khó chịu: “Diễn diễn cái gì?”. Vợ tôi ngồi thụp xuống, ôm bụng cười: “Nó chạy nhảy bình thường cả ngày nay rồi, ông ạ”. Nói tới đây, vợ tôi phải lấy tay chẹn cơn ho: “Con này… diễn… diễn… giỏi quá. Cả ngày nay chạy nhảy bình thường. Vậy mà thấy anh nói vậy, ông tướng đã quắp chân lên, giả… thọt ngay. Sao ông tài thế ông Ki ơi là ông Ki ơi”.

Khi hai vợ chồng quay vào nhà, để xóa nỗi bán tín bán nghi của tôi, vợ tôi đã mở camera, “tua lại” cho tôi xem cảnh trước khi tôi về, Ki tung tăng chạy nhảy như thế nào. Không hề lò cò. Chẳng chút tập tễnh.

Nào, giờ thì còn ai dám bảo chó cưng không biết làm nũng!

Biết thân biết phận

Ông chủ Khách sạn chó mèo Nguyễn Bảo Sinh là một chuyên gia về chó. Ông Sinh có một đúc kết nghe rất phũ phàng nhưng lại là sự thật, rằng một thời ở Việt Nam, chó được nuôi chỉ với ba lý do: Một, để trông nhà; hai, dọn phân trẻ con và ba, để làm thịt!

Quả vậy, với tuyệt đại người dân nước ta, dù chó có được gần gụi, âu yếm đến mấy thì cuối cùng chúng cũng bị giết thịt, nếu không “may mắn” chết bệnh từ trước. Và phút lìa đời của những con vật tội nghiệp này thường là rất đỗi bi thương, với những pha mổ xẻ kinh hãi. Và, đâu chỉ nỗi đau thể xác, đó còn là nỗi đau tinh thần. Những con vật hết mực tận tụy, trung thành, tình nghĩa với chủ này chắc chắn tới phút chầu trời cũng không thể hiểu nổi mình đã làm gì nên tội mà phải chịu sự trừng phạt tàn độc đến nhường vậy.

Người Việt luôn xem chó là vật nuôi yêu quý - người bạn thủy chung của gia đình (trong ảnh: Để tưởng nhớ Vàng, cha mẹ nhà văn Như Bình luôn nuôi trong nhà những chú chó làm bạn).

Nữ nhà văn Như Bình chia sẻ, mỗi lần kể lại câu chuyện dưới đây, chị lại nổi da gà. Ngày ấy nhà chị rất nghèo. Con Vàng “tự đến” nhà lúc Bình mới lên 5 tuổi và suốt 7 năm trời, nó như thể một “vị cứu tinh” của gia đình chị. Tuy thuộc loại chó ta, song Vàng có vóc dáng khá cao lớn. Đặc biệt, Vàng rất mắn đẻ, có lứa cho ra đời cả chục chó con. Tiền bán chó đã giúp mấy chị em Bình trang trải ăn học. Gần như có thể nói, một thời, chính mẹ con nhà Vàng đã nuôi mấy chị em Bình.

Một hôm, từ bên hàng xóm, Vàng đau đớn lê về nhà rồi chui vào gầm giường nằm bẹp. Nó cố ẩn trong đó không để mấy cô cậu chủ nhỏ biết. Chỉ đến khi mẹ Bình đi làm về, nó mới bò ra, gại gại vào chân bà rồi cứ thế ngoắc ngoắc đầu, miệng kêu hộc hộc. Biết Vàng “gặp chuyện”, mẹ Bình cuống quýt, xuýt xoa, cố tìm cách chữa chạy cho nó. Nhưng vô vọng. Bát cơm để trước mặt mà nó cũng không ăn được. Mẹ Bình vừa xoa cổ cho nó, vừa khóc, nói: “Tội quá Vàng ơi! Mi nuôi cả nhà, các chị em ăn học. Giờ bà không cứu được mi”.

Nghe mẹ kêu vậy, ba chị em Bình chỉ biết ôm chó khóc, nghĩ chẳng chắc nó sống thêm được mấy ngày nữa.

Rồi bác sĩ thú y được gọi đến. Sau khi thăm khám qua loa cho con chó (ngày ấy dụng cụ y tế rất hiếm), người này xác định nó bị hóc xương, vết thương nghiêm trọng, kiểu gì cũng chết. Tiếc con chó to, đẹp, ông ta khuyên mẹ Bình nên “giải tán” nhanh để người ta thịt, không thì phí.

Nghe tới vậy, ba chị em Bình lại khóc um. Các cô cậu nhỏ ai cũng muốn giữ Vàng ở nhà để chăm sóc, và nếu nó có chết thì cũng phải được chôn cất tử tế. Bình quỳ xuống, cắn gấu quần mẹ, nói trong nước mắt: “Mẹ, con van mẹ, mẹ đừng bán chó”.

Bà mẹ thôn quê nói gỡ: “Giờ nhà mình nghèo quá. Bán nó đi còn được mấy trăm bạc, lo học cho các con”.

Nói rồi mẹ Bình cũng khóc. Bà khóc nhưng không ai cản được việc bà làm.

Khi người lái chó tròng dây thừng vào cổ Vàng, nó hiểu số phận mình đã được định đoạt. Không cắn, cả không vùng vẫy. Chỉ đến khi bị lôi ra cổng, nó mới ngoái lại nhìn các cô cậu nhỏ, ngoái lại nhìn bà chủ. Và từ hai khoé mắt của nó rỉ ra hai vệt nước... Rồi cứ thế, nó cung cúc đi theo người dắt sợi dây, miệng kêu hộc hộc. Nó gần như nghẹn ngào chấp nhận tất cả...

Câu chuyện nữ nhà văn Như Bình kể có gì tương tự câu chuyện “Con chó Giôn” (đã in trong tập “Ký ức vụn”) của nhà văn Nguyễn Quang Lập. Đó đều là hai câu chuyện có thật, đều xảy ra ở hai vùng quê nghèo và đều gắn với những cô cậu chủ nhỏ. Con chó trong hai câu chuyện cũng đều rất khôn, rất “ý tứ” và đều có kết cục khiến người đọc thương cảm.

Thoạt đầu, cứ ngỡ cậu bé Lập và chú chó Giôn sẽ mãi mãi bên nhau. Nhưng rồi, cảnh nhà buộc mẹ Lập phải bán Giôn cho một người đàn ông ở cuối xóm. Bán để làm thịt. Biết tin này, cậu bé Lập khóc vật vã, nhất mực không cho bán chó. Bà mẹ khóc, giải thích bán chó là để giả nợ. Nếu không giả được nợ thì người ta rĩa rách, người ta sinh sự. Bà phải nói tới vậy Lập mới chịu.

Lập đồng ý rồi thì cậu cầm dây kéo Giôn đi (đến nhà người mua chó). Điều lạ là trên con đường cát sau làng, Giôn chạy sau cậu chủ nhỏ, cứ được mươi bước là nó trì (ghìm) sợi dây lại, ngước mắt nhìn cậu chủ nhỏ van xin. Rồi thì nó khóc, hai mắt giàn giụa nước. Lần đầu tiên thấy chó khóc, Lập ngồi ôm chó khóc theo. Cậu ước sao bỗng nhiên có mười đồng để không phải bán chó.

Cứ vậy, cậu bé ngồi ôm Giôn giữa cát nắng chang chang, khóc đến khản cổ, nói đi nói lại câu: “Ui trời ơi, răng nhà tui nghèo ri hè”. Đến đây dường như con chó cảm nhận được vấn đề và biết nó phải làm gì “Giôn bỗng rùng mình một cái, vụt chạy. Tưởng nó chạy đi đâu, được mươi bước nó dừng lại ngoảnh mặt nhìn mình chờ đợi. Mình biết nó đã đồng ý đi, không chống đối nữa nên không cần dắt dây, cứ để nó chạy theo mình. Từ đó đến nhà anh Dậu (tên người mua chó), mặt nó cứ cúi gằm”. Đến đây, ta có thể thấy, vì tình yêu thương với cậu chủ nhỏ, Giôn đã chấp nhận “cho qua” mạng sống của mình.

Đoạn kết của câu chuyện thật cảm động:

“Đến ngõ nhà anh Dậu nó mới dừng lại run lẩy bẩy. Nhưng nó không khóc, mình cũng thế, cũng run lên nhưng không khóc. Cho đến khi anh Dậu tuồn nó vào bao bố, nó còn kịp nhìn mình trân trối, cái nhìn vừa trách móc, vừa thương yêu bất tận, kêu ẳng một tiếng đau nhói tim.

Anh Dậu ném cái bao bố xuống ao. Mình đứng im, chết giấc. Khi thấy hồ nước sủi bọt, mình bỗng xâm mắt, nghiến răng nhảy bùm xuống ao. Anh Dậu lôi lên cho một tát, nói ngu, điên, rồi đuổi về. Đến chiều thì mình lên cơn cảm hàn, sốt li bì, sốt quá phát cuồng vùng té chạy, ai đuổi theo cũng không kịp. Mình vừa chạy, vừa hét lên ôi Giôn ơi Giôn ơi!”.

Tác giả kết thúc câu chuyện bằng một dòng “Viết đến đây thì ngồi khóc, bây giờ đã là 2 giờ sáng”.

Thú thật, là một người đọc, không phải tới lúc đó tôi mới khóc.

Với tôi, cái nhìn của những chú chó luôn ám ảnh. Nhưng cái nhìn vừa ai oán số phận, vừa chan chứa yêu thương của con chó Giôn mà nhà văn Nguyễn Quang Lập miêu tả thì trước đấy tôi chưa thấy ai đề cập bao giờ.

Phạm Khải - Xuân 2018
.
.