Chi tiết văn học trong một cuốn sử thời Trần

Thứ Ba, 19/03/2019, 08:15
Đó là cuốn "Đại Việt sử lược", một tác phẩm sử học nhưng giàu tính văn học, tác giả khuyết danh đời Trần ra đời thế kỷ XIV (khoảng sau năm 1377) ghi chép các sự kiện lịch sử từ buổi đầu, rõ hơn cả là từ thời Triệu Đà, Ngô, Đinh, Tiền Lê, cho đến việc Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh mở đầu triều đại nhà Trần.


Chi tiết văn học là các sự kiện, tình tiết mang sức chứa lớn về cảm xúc và tư tưởng để tạo nên hình tượng nghệ thuật sinh động, gợi cảm. Sức hấp dẫn của tác phẩm sử học này được người đời sau đánh giá cao một phần là nhờ tác giả chọn được những chi tiết đắt giá nói lên cái hồn, cái bản chất của sự kiện.   

Đầu thời Trần, Phật giáo còn mạnh, tham gia cùng chính quyền vào việc quản lý xã hội nhưng tinh thần dân chủ khá cởi mở đã làm xuất hiện cả những tiếng cười giải thiêng Phật giáo. Không ngẫu nhiên nhiều nhà nghiên cứu thường dẫn ra chi tiết trong chính sử về Tuệ Trung Thượng Sỹ được em gái (Thái hậu) mời ăn cơm, trong mâm có thịt ông vẫn ăn bình thường, em gái ngạc nhiên hỏi anh đã theo Phật thì ăn thịt sao thành Phật được.

Tuệ Trung thản nhiên đáp: "Phật là Phật, anh là anh. Anh không muốn là Phật, Phật chẳng muốn làm anh". Đó là chi tiết đắt giá để xem xét tác phẩm văn học cũng như sử học thời Trần không thể không tính đến yếu tố dân chủ khá rõ này. Đó còn là sự coi trọng cá tính, cái tôi cá nhân bắt đầu được chú ý, đề cao.

"Đại Việt sử lược" rất quan tâm đến đạo làm vua, như muốn đưa ra những răn dạy với các vị vua về sau qua những bài học của các đời vua trước. Ví dụ chung quanh vua Lê Ngọa Triều thì các chi tiết đưa ra đều nhằm mục đích lên án vị vua này là hiện thân của loài quỷ dữ: "Vua thích giết. Người ta bị tội hình, vua sai quấn rơm vào người rồi thiêu chết, lại sai tên hề Liêu Thủ Tâm dùng dao cùn để mổ người cho lâu chết. Như thế độ vài ngày, người bị tội kêu la thảm thiết, Thủ Tâm nói khôi hài: "Mày không quen chết". Vua cười lớn, lấy làm vui…".

Cuốn "Đại Việt sử lược", một tác phẩm sử học  giàu tính văn học.

Những chi tiết "thích giết" của ông vua này như là sự cảnh tỉnh phải tránh xa cái ác, cái tàn bạo. Đừng như Ngọa Triều phi nhân tính, lấy cái chết của người làm cái "vui" của mình. Đó là những chuyện quái đản, vua sai áp tải tù binh ra bờ sông rồi cho đóng chuồng ở dưới nước, khi nước triều rút xua tù vào đó để khi nước triều lên, tù binh ngớp ngáp mà chết ngạt. Vua còn bắt người trèo lên cây cao, rồi sai chặt cây cho đổ xuống. Thậm chí, sai người dắt trâu bò đến để tự tay vua đâm chết rồi mới giao cho nhà bếp làm thịt.

Lại có chi tiết vua róc mía trên đầu sư (Quách Mão) rồi giả vờ lỡ tay, làm đầu sư bị thương chảy máu, vua cười lớn. Lại có những chi tiết rùng rợn khó tin như đang đêm khuya, vua sai giết mèo bán cho các tước vương ăn. Khi họ ăn xong, vua giơ đầu mèo lên cho xem, các vương sợ hãi mà đều nôn mửa…

Tác phẩm đã xây dựng nhân vật lịch sử bằng thi pháp văn học, cụ thể là sử dụng nguyên tắc "quỷ hoá" một cách triệt để. Ông vua này không hề còn là "vua", mà đã trở thành "quỷ". "Quỷ" thích xem giết và trực tiếp giết với những kiểu kỳ lạ, tàn bạo nhất. "Quỷ" vui khi thấy người chết ở trạng thái đau đớn nhất. "Quỷ" thích hại người. "Quỷ" thích tự tay đâm chết sinh linh. "Quỷ" thích doạ người bằng những tình huống oái oăm khó ngờ nhất…

Chỉ nguyên tắc "quỷ hoá" này mới tương ứng với tình huống "lộn ngược": vua lộn ngược thành quỷ dữ. Vì thế chi tiết nào cũng ngược đời: quấn rơm đốt người; dùng dao cùn mổ người cho lâu chết; bắt người chết ngạt nước; vua tự tay giết lợn trâu; róc mía trên đầu sư (tức coi đầu sư là thớt); cho các vương ăn thịt mèo rồi doạ…

Qua những chi tiết ấy đã cho thấy một hoàn cảnh xã hội phi nhân tính, cả triều đình ấy cũng bị "vật hoá" cả, chắc chắn sớm muộn cũng tiêu vong. Tác phẩm như muốn đưa ra một nhận định phổ quát: một chế độ có vua "quỷ" thế kia tất yếu sẽ bại vong một cách thảm hại nhất.

Tiếng cười trong "Đại Việt sử lược" sắc sảo với bút pháp khá hiện đại, cách miêu tả linh hoạt mà ngắn gọn, hóm hỉnh mà tinh tế. Miêu tả sự kiện năm 1148, tác phẩm đi tìm các mối quan hệ phức tạp. Anh Vũ tư thông Thái hậu bị phò mã Dương Tự Minh và Điện tiền Vũ Đái bắt trói. Thái hậu đem vàng hối lộ Vũ Đái tha cho Anh Vũ. Tự Minh giận dữ mắng: "Điện tiền là Vũ cứt chứ không phải Vũ Đái!". Nói rồi đâm đầu xuống giếng tự tử.

Quả nhiên về sau Anh Vũ giết hết những người đã bắt hắn, kể cả Vũ Đái. Tiếng cười đau đớn cho Vũ Đái vì tham của mà chết, cao hơn còn châm biếm những kẻ hám lợi, vì một chút ích kỷ mà làm hỏng cả đại nghiệp của bao người. Tiếng cười còn hướng tới bọn Anh Vũ, Thái hậu dâm loạn đã làm ô uế nơi cung cấm, bất chấp đạo lý.

Mỉa mai Anh Vũ, kẻ vũ phu tàn ác, giết cả ân nhân đã cứu sống hắn. Về hình thức, tiếng cười nổi rõ hơn khi tác giả chơi chữ trong lời nhân vật để mỉa kẻ đáng cười cũng là kẻ đáng thương, đáng giận là Điện tiền Vũ Đái: "Vũ cứt chứ không phải Vũ Đái!".

Tác phẩm hướng sự phê phán vào ngôi vị cao nhất là vua, dùng những chi tiết của tiếng cười để bóc trần những hào nhoáng quân vương giả dối bên ngoài để làm trơ ra những gì đáng chê nhất, đồng thời cũng hướng vào đám quan lại phơi bày những tính cách hèn hạ thảm hại. Năm 1206, nước bị loạn mà vua Cao Tông (lên ngôi 1175) vẫn ăn chơi vô độ.

Tháng 10 năm ấy trời hạn: "Nhà vua bảo tả hữu rằng: "Ai có thể làm nước sông dâng lên chảy tràn vào trong hồ thì ta sẽ hậu thưởng". Chỉ cần qua câu nói này cũng cho thấy là vua mà lại có sự nhận thức quá kém cỏi về tự nhiên đến vậy. Sự ngu dốt càng rõ hơn khi có kẻ nịnh thần là Trần Túc thưa rằng: "Tôi làm được việc ấy", vua cũng cho làm. Tất nhiên là không bao giờ được.

Nói về sự vô trách nhiệm của người "thay trời chăm sóc dân" thì chi tiết sau là nổi bật. Một hôm vua đi chơi, nghe ngoài thành có kẻ kêu la vì bị cướp, mải chơi vua cứ giả vờ không nghe thấy. Nói về tính nhát của "người đứng đầu thiên hạ" thì chi tiết sợ sấm là đích đáng. Mỗi khi sấm động thì vua lấy làm kinh sợ lắm. Có tên cận thần là Nguyễn Dư tự xưng là có thuật "hành phục" (làm im) được tiếng sấm, vua cũng cứ tưởng thật…

Thế là chân dung một vị vua hiện lên thật sinh động, khách quan: độc ác, ngu dốt, hèn nhát, đần độn. Còn bọn nịnh thần cũng chỉ đáng là trò cười, u mê, rỗng tuếch, khoác lác. Tác phẩm đã cười cả một thời đại, một triều đại hơn là cười một con người, một vài người như muốn khẳng định sự "tống tiễn" cái chính thể cực kỳ thối nát ấy là đúng quy luật lịch sử.

Đưa ra những câu chuyện nhỏ với chi tiết chọn lọc mang tính khái quát khá cao, tác phẩm cho thấy cả một bối cảnh xã hội thời Lý đạo Phật thịnh trị, chịu ảnh hưởng của phái Mật tông khá nặng. Phật giáo ảnh hưởng tới triều chính, muốn chi phối đến cả nhà vua.

Điều này trái với lập trường "bài Phật" của tác giả, được thể hiện trong câu chuyện giàu sắc thái tiếng cười sau: "Có một nhà sư người xứ Tây Vực (vùng Trung Á, Bắc Ấn) tới. Vua (Cao Tông) hỏi sư biết làm phép gì. Sư trả lời: biết giáng hổ. Vua sai đưa sư về nhà công quán nghỉ, và sai người bắt hổ đến để thử pháp thuật. Hơn một tuần sau, sư nói hổ ấy có thể phục được rồi. Vua bèn sai làm chuồng ở gác Vĩnh Bình, rồi bảo sư vào đó. Sư đi rón rén bước một, vừa đi, vừa niệm chú, tiến về phía hổ, lấy gậy cốc vào đầu nó. Hổ chồm lên vồ lấy gậy.

Sư nhân thế bèn tâu với vua rằng: "Có kẻ ác đã giải mất phép mầu. Xin lại để tụng niệm cầu Phật thêm nữa rồi sau đó sẽ thi thố pháp thuật". Vua nghe lời. Sư cầu đảo mãi, lâu lắm, nhưng vua cứ muốn thử đến cùng. Một hôm, vua lại bảo sư tiếp tục. Hổ bèn nhảy chồm lên. Sư sợ hãi, lùi lại, không biết làm thế nào được, bèn đứng tựa vào chuồng mà chết".

Câu chuyện là một bi hài kịch, có cao trào, thắt nút, mở nút. Tiếng cười đủ cung bậc hài hước, chế giễu, châm biếm, mỉa mai nhà sư khoác loác phải trả giá bằng cả mạng sống của mình. Hài hước ở chỗ nói khoác biết giáng hổ. Châm biếm ở chỗ đã không biết gì mà dám đi vào chuồng trêu hổ, đã vậy vẫn tiếp tục lừa dối bị "giải mất phép mầu" và xin "cầu đảo" làm kế hoãn binh. Cuối cùng phải chịu chết thảm hại. Ý nghĩa phổ quát của câu chuyện là răn dạy người đời phải biết chín chắn, đừng khoác loác kẻo hại cả đến tính mạng. Tiếng cười chủ yếu hướng đến nhà Phật, "tầm thường hoá" hạ bệ, "giải thiêng" nhà Phật.

Là sách chép sử nhưng tác phẩm lại thường sử dụng cốt truyện gay cấn để đưa nhân vật vào tình huống thử thách cho chúng bật ra bản chất con người thật. Ở câu chuyện "giáng hổ" trên cũng là sự tạo ra thử thách cho nhân vật nhà sư. Những chi tiết này cho phép ta liên tưởng đến truyện cười dân gian "Đẻ ra sư" (có thể ra đời trong thời kỳ này), cũng có nhân vật là sư, cũng có tình huống thử thách (nhưng ngẫu nhiên là nhiều hơn), cũng có những chi tiết rất gợi, nhà sư gặp người đàn bà chửa giữa sông đúng lúc con cua cắp vào chỗ kín.

Nhà sư buộc phải cứu (thế mới đúng mới giáo lý "cứu độ chúng sinh") nhưng không thể cho tay vào chỗ "ấy"… vì "phạm luật" không được gần gũi đàn bà chưa nói tới chuyện đưa tay vào nơi "ô uế"! Sắc điệu mỉa mai nhà Phật của dân gian rõ hơn và ác hơn: người đàn bà "đẻ" ra sư!!!

Thì ra chi tiết nghệ thuật không chỉ có ở văn học mà sử học, triết học, mỹ học đều cần. Nhờ thế mà chất đời tươi mát hơn, thuyết phục hơn, thấm và ngấm hơn. Đó cũng là bài học cho việc viết và học sử, triết, mỹ hôm nay.

Nguyễn Thanh Tú
.
.