Cây bàng ở nhà tù Hoả Lò

Thứ Sáu, 02/02/2007, 08:00
Thực dân Pháp xâm lược nước ta. Năm 1896, chúng xây dựng nhà tù Hỏa Lò. Từ năm 1899 trở đi, các nhà nho yêu nước và các chiến sĩ Cộng sản vì đấu tranh cho độc lập tự do và hạnh phúc của nhân dân đã bị thực dân Pháp đọa đày đánh đập, hoặc sát hại ở Hỏa Lò.

Là nhà giam trung tâm Bắc Kỳ, Hỏa Lò Hà Nội đã giam giữ một số lượng tù ở khắp các tỉnh miền Bắc, gồm đủ loại: tù chính trị, tù binh, tù kinh tế (thường phạm) và tù ngoại kiều, kể cả thành án và chưa kết án. Khu nhà giam có 2 lần cổng sắt. Từ trại này sang trại khác phải theo một lối đi, có nhiều cửa sắt, tù khó có thể trốn thoát.

Phía ngoài cổng đặt một cái máy chém. Trước kia, thực dân Pháp vẫn duy trì cách “xử trảm” theo kiểu phong kiến, dùng đao phủ chém người ở các bãi sinh từ, bờ sông v.v... Sau, để giết người được “văn minh” như chúng nói, chúng đã đưa máy chém từ Pháp sang. Máy chém bằng gỗ lim, đồ sộ, gồm có khung lưỡi đao, ván đặt người, hộp đựng quan tài, sọt đựng đầu lâu. Lưỡi dao bằng thép đúc, nặng 50kg, treo bằng dây chão lớn trên khung 8m, rộng 0,8m.

Sống trong nhà tù nắng và nóng, các chiến sĩ cách mạng đã thành án nảy ra sáng kiến bứng những cây bàng mọc hoang trên các lùm cỏ dại bên tòa án về trồng trên sân trại giam. Các cây bàng lớn lên tán xòe như chiếc lọng. Vào mùa hè, bàng tỏa bóng che chở cho người tù lao động khổ sai trên nền sân bêtông Hỏa Lò.

Từ năm 1930 đến 1945, mỗi lần ra sân làm vệ sinh, tắm giặt xong, người tù thường ra sum vầy dưới gốc bàng để tận hưởng cái dịu mát của những làn gió nhẹ thoảng qua dưới bóng râm của những tán bàng. Cây bàng vốn thân thiết với những người tù Hỏa Lò. Nhân hạt bàng dùng để bồi dưỡng lúc yếu mệt, lá bàng sắc uống để chữa tiêu chảy và lị, nước sắc vỏ bàng rửa các vết thương, dùng lá bàng bánh tẻ nhai nuốt hoặc sắc uống để chữa cảm nóng, làm cho ra mồ hôi, lá bàng tươi giã nát thường xuyên hơ nóng chườm và đắp vào những nơi đau nhức do đòn roi của bọn chúa ngục đánh đập.

Lúc thiên nhiên đã khoác lên mình cây bàng tấm áo choàng màu nâu nhạt của những cành lá héo khô thì người tù Hỏa Lò vẫn cảm thấy sung sướng khi lấy được những nhành bàng non làm cán bút (ngòi bút là nụ hoa tigôn), hoặc dùng nhánh bàng non rỗng làm kỷ vật tặng bạn hay người thân.

Trong nhà tù Hỏa Lò, có những cây bàng cao tuổi, ước khoảng gần 100 năm. Không phải là huyền thoại mà sự thật bàng cũng có cảm giác về tình cảm, biết buồn vui, lo lắng, nhiều thí nghiệm của các nhà khoa học đã chứng minh điều đó. Và cây bàng ở Hỏa Lò đã được ngợi ca:

Gió xào xạc vòm lá

Trăng lên treo đầu cành

Cây bàng như hiệp sĩ

Đứng vững giữa đề lao

Cây bàng nhiều tuổi thế

Vóc dáng vẫn trẻ tươi

Bởi bàng là hiệp sĩ

Niềm tin của cuộc đời./.

Ngay trên khu đất nhà tù Hỏa Lò, cây bàng đã bao năm chứng kiến lịch sử với bao nỗi niềm của các bạn tù nơi đây. Đến nay, bàng vẫn đứng bên hai tòa nhà chọc trời vừa dựng lên.

Các chiến sĩ cách mạng bị tù đày ở Hỏa Lò như các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Nguyễn Lương Bằng, Xuân Thủy, Trần Huy Liệu, Hoàng Văn Thụ, Đỗ Hoàng Tôn, Trần Đăng Ninh, Nguyễn Cơ Thạch, Văn Tiến Dũng, Nguyễn Văn Trân, Tạ Quốc Bảo, Hoàng Thị Ái, Quang Thái, Trương Thị Mỹ... đã gắn bó tâm hồn mình với một khu đất quá khứ đầy thương đau và uất hận, nhưng rất đỗi hào hùng. Bởi thế, Đảng, Nhà nước và các đồng chí lãnh đạo thủ đô đã ra quyết định giữ lại 2.434m2 nhà tù Hỏa Lò làm di tích lịch sử. Giữ lại cây bàng đứng giữa trại D và trại E, vọng gác trại lô cốt để phục chế caxô (hầm tối), khu xà lim tử hình, khu để máy chém, sân hành quyết... và xây dựng Đài tưởng niệm.

Các đồng chí Lê Khả Phiêu, Trần Đức Lương, Nông Đức Mạnh, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Phú Trọng... đã đến nơi đây đặt hoa thắp tuần nhang tưởng niệm các liệt sĩ và chiêm ngưỡng cây bàng lịch sử.

Với khu di tích cách mạng, cây bàng Hỏa Lò còn đó mãi mãi có giá trị lịch sử ghi sâu đậm những gương trung kiên của các anh hùng, liệt sĩ đã tô đậm truyền thống vinh quang của Cách mạng Việt Nam

Nguyễn Đình Cần
.
.