Ca trường nhạc giới vắng thêm một người

Thứ Ba, 23/02/2016, 08:08
Soạn giả - NSND Viễn Châu là một trong những viên ngọc quý của sân khấu Cải lương Nam Bộ. Ông từng được tôn vinh là "Vua vọng cổ", để lại dấu ấn khó phai trong đời sống văn hóa văn nghệ nước nhà gần một thế kỷ qua.

Ra đi từ đồng ruộng

Trà Vinh là một trong những địa danh Nam bộ gắn liền với những bước thăng trầm của lịch sử, nhiều nhân kiệt cũng đã xuất hiện trên vùng đất yêu thương này. Tại đất này, năm 1924, soạn giả - NSND Viễn Châu sau này cất tiếng khóc chào đời ở xã Đôn Châu, huyện Trà Cú, với tên khai sinh Huỳnh Trí Bá, trong một gia đình nho học. Là con thứ sáu trong gia đình, nên ông còn có tên gọi là Bảy Bá theo cách gọi của người miền Nam.

Thuở nhỏ, trừ những lúc đi học chữ ở trường làng, cậu bé Huỳnh Trí Bá rất mê thích đờn ca, cả tân lẫn cổ. Sự hiểu biết về bài bản âm nhạc tài tử và cải lương là do ông học lỏm chương trình ca cổ nhạc ở các đĩa nhựa và đài phát thanh. Ngoài ra, ông được dịp làm quen, học hỏi về kỹ năng đờn ca với các nghệ sĩ ở đoàn hát thời xưa như: Văn Võ hí ban, bầu Lúa, bầu Phục, bầu Hùng mỗi khi đến địa phương lưu diễn.

Soạn giả - NSND Viễn Châu.

Nếu như năm 15 tuổi, Bảy Bá được mến mộ bởi ngón đờn Tranh điêu luyện thì đến năm 19 tuổi, ông đờn thành thạo các loại đàn khác như: Violon, guitar phím lõm được mọi người hết lời ngợi khen. Cũng vì tính mê thích đờn ca, ông rời bỏ quê nhà lên Sài Gòn tìm đến các ban nhạc lừng danh để hòa đờn thỏa mãn niềm đam mê cổ nhạc. Nhờ khiếu đờn của mình, ông có mặt trong một dàn nhạc với những bậc danh tài ở một Đài phát thanh lúc bấy giờ như: Jean Tịnh (violon), Bảy Hàm (đàn cò), Hai Biểu (tranh), Chín Hòa (kìm)..., ban cổ nhạc này chuyên đệm đàn cho các danh ca: Năm Cần Thơ, Ngọc Nữ, Ba Vĩnh Long, Tư Bé…, những nghệ sĩ nổi tiếng của giới cổ nhạc miền Nam thời điểm đó. Vậy là cái tên Bảy Bá được ghi danh trong giới danh cầm cổ nhạc.

Mới vào nghề là ông được nhạc sĩ Mười Còn giới thiệu vào đoàn Việt kịch Năm Châu đi lưu diễn ở Hà Nội suốt hai tháng rưỡi, nhưng khi vừa về tới Sài Gòn thì người anh của ông là Huỳnh Thanh Tòng bắt ông về quê, không cho theo đoàn hát nữa. Sau khi cha mẹ mất, ông rời người thân cùng cuộc đời ruộng rẫy nghèo khổ để bắt đầu cuộc phiêu lưu vào ca trường nhạc giới.

Khi trở lại Sài Gòn, ông tham gia đoàn Việt Kịch Năm Châu đi lưu diễn khắp mọi miền đất nước, được bậc thầy của sân khấu cải lương là các nghệ sĩ, soạn giả như: Năm Châu Trần Hữu Trang, Duy Lân, Lê Hoài Nở… tận tình nâng đỡ về nghề nghiệp, học hỏi được nhiều kinh nghiệm sáng tác từ những nghệ sĩ, soạn giả nổi tiếng này. Nhờ sự động viên của NSND Năm Châu, Bảy Bá bắt đầu tập viết tuồng vào những năm cuối cùng thập niên 40 của thế kỷ XX.

Vở đầu tay có tựa đề "Nát cánh hoa rừng", cảm tác từ chuyện đường rừng của nhà văn Khái Hưng trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn với bút danh mới là Viễn Châu, hàm ý chữ đầu của "viễn xứ", cộng với chữ chót trong tên xã Đôn Châu, thành "Viễn Châu" để mãi mãi nhớ về quê hương nguồn cội của ông. Soạn phẩm này đã thành công trên sân khấu Việt Kịch Năm Châu, mở đường cho những thành công liên tiếp sau đó của người con đất Trà Vinh trong sự nghiệp sáng tác cổ nhạc.

Dấu ấn thăng hoa điệu "Vọng cổ"

Từng tham gia sáng tác cổ nhạc và biên soạn tuồng cải lương cho nhiều hãng đĩa, nhiều đoàn hát đại bang lừng lẫy một thời, từng được người trong giới và công chúng xưng tụng là "Vua vọng cổ", nhưng ấn tượng nhất về soạn giả - NSND Viễn Châu có lẽ chính là việc ông góp phần làm thăng hoa điệu "Vọng cổ" thành "Tân cổ giao duyên" và "Vọng cổ hài". Đây là hai sáng tạo của soạn giả Viễn Châu có ý nghĩa đặc biệt của âm nhạc cổ truyền miền Nam và được nhiều người ưa chuộng ngót hơn nửa thế kỷ qua. Bản "Tân cổ giao duyên" đầu tiên của ông có tựa "Chàng là ai" (tân nhạc của Nguyễn Hữu Thiết), sáng tác từ năm 1958, do Lệ Thủy ca vào năm 1964.

Cũng trong thập niên 1960, khi đến quán Lệ Liễu ở Thị Nghè - Sài Gòn, tình cờ ông phát hiện khả năng ca diễn của nghệ sĩ Văn Hường, về nhà ông biên soạn bài ca hài mang tên "Đêm tân hôn" rất vui nhộn, dễ thương và đưa cho Văn Hường thể hiện. Bài vọng cổ hài "Đêm tân hôn" xuất hiện như một pháo hiệu đầu tiên cho hệ phái vọng cổ hài hước. Dù hai thể loại "Tân cổ giao duyên" và "Vọng cổ hài" khi mới ra đời gây ra nhiều tranh cãi trên báo chí thời bấy giờ, nhưng sức tồn tại của nó cũng như sự hâm mộ của công chúng cho đến ngày hôm nay là bằng chứng cụ thể nhất đối với hai điệu cổ nhạc của vùng đất phương Nam.

Soạn giả - NSND Viễn Châu (phải) và GS-TS Trần Văn Khê.

Người tạo danh cho nhiều nghệ sĩ

Hơn nửa thế kỷ lao động nghệ thuật, nhờ có đôi mắt tinh tường và đôi tai thẩm âm tốt, soạn giả Viễn Châu được mệnh danh là "người tạo danh cho nhiều nghệ sĩ", bởi chỉ cần nghe nghệ sĩ cổ nhạc ngâm thơ hoặc nói lối ông đã biết làn hơi của họ thích hợp với loại bài bản nào và qua những sáng tác của ông, nhiều nghệ sĩ khi thể hiện được đông đảo công chúng yêu mến, chú ý nhiều hơn. Ông phát hiện và "đo ni đóng giày" làm nên tên tuổi các danh ca: NSND Út Trà Ôn với "Tình anh bán chiếu", NSND Bạch Tuyết với "Hai sắc hoa Ti-gôn", NSND Lệ Thủy với "Bạch Thu Hà", Sầu nữ Út Bạch Lan với "Hoa lan trắng", NSƯT Mỹ Châu với bài "Hòn vọng phu", Hoàng đế đĩa nhựa Tấn Tài với "Mùa xuân của mẹ", NSƯT Diệu Hiền với "Tần Quỳnh khóc bạn" và "Trụ Vương thiêu mình", NSƯT Thanh Nga với "Nguyệt Kiểu xuất gia" và "Hai lối mộng",...

Bên cạnh đó, ông biên soạn ra nhiều bản vọng cổ hài hước mà sau này nhiều gương mặt như Văn Hường, Hề Sa nổi danh nhờ những bài ca dí dỏm này. NSND Ngọc Giàu khẳng định: "Không có Viễn Châu sẽ không có Ngọc Giàu cũng như gần hết các tên tuổi nổi tiếng của sân khấu cải lương thời hoàng kim. Hồi mới 12-13 tuổi, ông đã viết cho tôi bài "Áo tình đắp mộ người yêu" để tôi thu đĩa và nổi tiếng từ đây. Nhiều nghệ sĩ khác thời còn con nít như tôi cũng được nổi tiếng nhờ những bài ca của chú Bảy Viễn Châu viết theo kiểu "đo ni đóng giày"…".

Bí quyết thành công

Soạn giả Viễn Châu để lại cho đời khoảng 50 kịch bản cải lương, hơn 2.000 bản vọng cổ đủ các thể loại. Ông có một tình yêu cháy bỏng dành cho cổ nhạc. Tình yêu ấy làm nên một sức sáng tác bền bỉ, nguồn cảm hứng dồi dào. Từng chi tiết, tâm lý, tính cách nhân vật ở mỗi tác phẩm của soạn giả Viễn Châu dù là ở một vở tuồng hay chỉ qua một bài vọng cổ đều rất tròn đầy, đâu ra đấy, vua ra vua, dân ra dân, người nghèo khổ khác người sang trọng...

Những bài vọng cổ của "ông vua" không ngai này luôn ngọt ngào, nhẹ nhàng đi vào lòng người nghe, khiến họ rung cảm và nhớ mãi. Khi còn tại thế, soạn giả Viễn Châu từng bộc bạch: "Sở dĩ tôi viết được nhiều, được cho là hay vì tôi đi nhiều, học nhiều, quan sát nhiều, thấy nhiều, nhưng quan trọng nhất cái thấy của tôi phải qua tâm cảm yêu thương, rung động với cuộc đời bằng tâm hồn nhạy cảm, dễ cảm thông, chia sẻ, hân hoan trước cái đẹp và tình cảm của con người ở một người nghệ sĩ".

Với ông khi sáng tác, không phải mực trào ra đầu ngòi bút mà đó là tim óc, trí não của một người nghệ sĩ đầy tâm huyết đang tuôn thành những lời văn trau chuốt, ý nghĩa. Là người từng thể hiện thành công nhiều tác phẩm của soạn giả Viễn Châu, NSƯT Diệu Hiền cho biết: "Tôi rất thích những bài ca do thầy Bảy Viễn Châu viết. Vì lời văn rất mượt mà, bay bướm, nhẹ nhàng đầy chất thơ nhạc, tác phẩm của ông gợi lại hình ảnh con người Việt Nam thật bình dị, gần gũi với cuộc sống. Khi thể hiện tôi có thể cảm nhận được và chuyển tải đến người thưởng thức một cách dễ dàng".

Chiều ngày 1-2-2016, Soạn  giả - NSND Viễn Châu qua đời ở tuổi 92. NSƯT Út Bạch Lan bùi ngùi: "Dẫu biết rằng, đời người ai cũng đến lúc phải ra đi, nhưng ba Bảy Viễn Châu mất tôi rất tiếc. Ông mất đi, chắc chắn sân khấu cải lương sẽ khó tìm ra được một nghệ sĩ vừa có tâm vừa có tài giống như ông".

Tác giả "Tình anh bán chiếu"… mất đi, để lại nhiều tiếc nuối cho gia đình, bạn bè, người thân và giới say mê cổ nhạc. Thiên tài ấy đã đi qua đời này và đã để lại những kiệt tác đích thực, sáng chói, không chìm với thời gian...

Thái Phạm
.
.