Ca sĩ Lê Uyên: Tình yêu đưa lối quay về...
Tại Mỹ, bàn thờ nhạc sĩ Lê Uyên Phương nằm một góc nhỏ trong ngôi nhà gỗ xinh xinh soi mình trên bờ hồ. Đó là một khu vườn nên thơ gợi nhớ đến xứ sở mù sương. Ở đấy có đủ loài hoa khoe sắc, những cây thông trăm tuổi, lá rì rào hát bài đồng ca yên ủi. Trong ngôi nhà có một chiếc bàn nhỏ, một cây đàn guitar, một bình trà, đôi chén nước, tưởng như người xưa sáng sáng nâng chén song ẩm, lắng nghe đôi sẻ nào véo von. Cây lá này, bờ hồ này là cách để hai vợ chồng cảm thấy mình vẫn ở quê hương xứ sở, giữ ngày xưa lưu lại.
Đáp máy bay về phi trường Liên Khương, bước trên con đường ngoằn ngoèo dốc đổ, nơi khởi nguyên của mối tình định mệnh, ca sĩ Lê Uyên run người nức nở. Ngày anh ra đi, chị nghĩ mình đã chẳng thể sống nổi. "Tôi áp tai vào ngực anh. Nghe nhịp tim đập. Nó chậm dần chậm dần. Tôi thì thầm cho anh biết ai vào thăm anh. Anh biết nhưng không phản ứng trả lời được. Đến chiều, trái tim đó không đập nữa. Thật khủng khiếp…".
Ca sĩ Lê Uyên ký tặng đĩa nhạc CD cho khán giả TP Hồ Chí Minh. |
Chỉ nói đến đó, chị ôm ngực thở dốc, tưởng như quỵ xuống, nước mắt lăn dài. Có còn biết đâu một ngày mình sẽ đứng ở đây, trở lại để thực hiện lời trăn trối của anh: hãy đưa âm nhạc của chúng mình về hát trên quê hương.
Lê Uyên và Phương không có nhiều sản phẩm thu âm trong nước. Khi anh còn sống, họ chỉ có vỏn vẹn hai album: "Yêu nhau khi còn thơ" và "Khi loài thú xa nhau". Thế nên trở về Việt Nam lần này, ca sĩ Lê Uyên bắt tay thực hiện hai CD có chủ đề "Tuyệt phẩm Lê Uyên và Phương" gồm "Dạ khúc cho tình nhân" và "Cho lần cuối". Trong đó, CD "Cho lần cuối" tập hợp 9 ca khúc mà vợ chồng chị hòa giọng như: "Vũng lầy của chúng ta", "Lời gọi chân mây", "Uống nước bên bờ suối", "Chiều phi trường"…
Riêng bài "Cho lần cuối" được Lê Uyên thu âm sau khi nhạc sĩ đã qua đời. Ngoài những bài hát của chồng còn có tác phẩm của nhạc sĩ Phạm Duy - bậc đàn anh dành tặng nhiều sáng tác cho đôi tình nhân đẹp nhất của nhạc Việt. Lần thứ hai chạm tay vào CD, ngắm nghía đứa con tinh thần, chị nghẹn ngào, reo vui như trẻ con. Vậy là tâm nguyện của anh đã chập chững những bước đầu tiên.
Hai album đưa người nghe về miền hoài niệm. Giọng hát phiêu linh, nồng nàn, đầy cảm thức về hạnh phúc và nỗi đau chia lìa thường trực của cặp đôi Lê Uyên và Phương là một làn gió hoàn toàn khác lạ trong thập niên 70 của thế kỷ trước. Họ yêu nhau, điên cuồng, quấn quýt mặc dòng đời xung quanh đầy biến động. Cặp đôi ấy hát từ Đà Lạt, rong ruổi đến các trường đại học ở Sài Gòn. Họ viết và hát cho mình mà người nghe lại tưởng như có mình trong đó. Để rồi chiều vắng, giữa xứ ngàn thông, nghe "Dạ khúc cho tình nhân", "Vũng lầy của chúng ta", "Khi loài thú xa nhau"… giọt nước mắt của tha nhân rơi trong nhịp tim quặn thắt ngọt ngào.
Ca sĩ Lê Uyên từng về Việt Nam tổ chức đêm nhạc giữa lòng TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Chị ghé qua Đà Lạt, thăm con đường Bùi Thị Xuân, xưa là đường Võ Tánh để chạm tay vào căn nhà số 18 tường vàng cửa xanh. Nơi mà Lê Uyên khi còn là cô bé Lâm Phúc Anh tuổi trăng tròn đã gặp ông thầy nhạc sĩ lớn hơn mình 11 tuổi - một khoảng cách tuổi tác quá lớn thời bấy giờ.
Tình yêu của họ vượt qua định kiến nghiệt ngã về tuổi tác, vượt qua cả mặc cảm bệnh tật như anh đã viết trong "Tình khúc cho em": "Cho tôi yêu em nồng nàn/ Dù biết yêu tình yêu muộn màng". Để rồi, từ lần gặp gỡ đó, nhạc sĩ thề nguyền: "Kể từ đây anh chỉ viết nhạc về tình yêu chúng mình và cho em hát". Mỗi bài hát là một câu chuyện. "Vũng lầy của chúng ta" là những ngày hai đứa lang thang xuống phố núi dạo chơi. Nào đi ăn một chút đu đủ bào, nhấm nháp chút cà phê, rồi nói đủ chuyện trên trời dưới đất.
Chẳng phải một ngày, hai ngày, nửa tháng hay nửa năm. Mà nó kéo dài năm này qua năm khác. "Theo em xuống phố trưa nay/ Đang còn chất ngất cơn say/ Theo em bước xuống cơn đau/ Bên ngoài nắng đã lên mau…". Đời ngắn ngủi, căn bệnh hiểm nghèo quái ác của anh khiến hai người cuống quýt mà yêu nhau. Sợ phút nữa thôi mình có còn hít thở, có còn nhìn thấy bóng mình ngả bóng chân đồi bên người tình trăm năm. Lê Uyên thổ lộ rằng chưa bao giờ chị coi anh là chồng. Họ là tình nhân. Để "có yêu nhau ngọt ngào tìm nhau/ Chết bên nhau thật là hồn nhiên". Đến bây giờ, cấp khí cho chị sống vẫn là tình yêu vĩnh hằng ấy.
Khi còn sống, nhạc sĩ Lê Uyên Phương quả quyết: "Không ai có thể hiểu và hát hay bài hát của tôi bằng Lê Uyên và cũng không có ai giúp tôi làm sống lại bài hát đó như Lê Uyên đã từng làm". Nhưng với chính Lê Uyên, chị thú thật mình không phải là người hát hay nhất các tình khúc của chồng. Mà người hát hay nhất không ai khác ngoài anh. Còn ngoài chị, còn ai hát hay nữa không? "Ai hát nhạc Lê Uyên Phương cũng xuất phát từ lòng yêu mến chúng tôi. Vì yêu, tất cả đều hay theo một cách nào đó" - chị nói.
Ngày trở lại, Lê Uyên khoác lên người chiếc áo dài lụa duyên dáng kỷ niệm 50 năm ngày chị gặp anh. Trên cổ vẫn là sợi dây chuyền chồng chị từng đeo thuở sinh thời. Một đêm nhạc mang tên "Dạ khúc cho tình nhân" của chị tại nơi tình yêu bắt đầu. Đồng hành là ca sĩ Tuấn Ngọc, Quang Thành. Chị chọn tỉ mỉ từng bài hát để chúng kết nối với nhau thành một câu chuyện dài. Sau mỗi màn trình diễn, Lê Uyên tâm sự với khán giả Đà Lạt về xuất xứ và câu chuyện trong mỗi bài hát.
Bộ đôi đĩa nhạc CD "Tuyệt phẩm Lê Uyên và Phương". |
Dù để lại nhiều tình khúc bất hủ nhưng gia tài âm nhạc của Lê Uyên Phương không nhiều, chỉ khoảng 60 ca khúc. Trong đó, có nhiều ca khúc chưa bao giờ được ghi âm hay công bố. Nên lần trở lại Việt Nam này, ca sĩ Lê Uyên sẽ giới thiệu những ca khúc này để mọi người hiểu hơn về một con người tài hoa yểu mệnh.
Hầu hết các sáng tác chưa từng công bố của nhạc sĩ Lê Uyên Phương được viết vào khoảng cuối 1979 khi còn ở Việt Nam. Còn các nhạc phẩm ra đời khi anh sang Mỹ đa số đều là phổ nhạc từ thơ của bạn bè, tri kỷ… Trong số này, có những bài sáng tác trong giai đoạn Lê Uyên bị tai nạn "thập tử nhất sinh" buộc vợ chồng phải tạm rời sân khấu làm dấy lên tin đồn họ chia tay nhau. "Có được cuộc đời" là bài hát chị thích nhất bởi đó là bài hát anh viết cho chị để chia sẻ, an ủi nỗi đau của người bạn đời đang yếu ớt trên giường bệnh. Nó thấm đẫm tình yêu và ý niệm về thân phận con người.
Điều Lê Uyên hạnh phúc nhất trong ngày trở về hát trên quê hương là sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả. Đến buổi giao lưu ra mắt bộ đôi CD tại TP Hồ Chí Minh, chẳng ngờ ngoài những mái đầu đã bạc còn có rất nhiều gương mặt ái mộ trẻ tràn trề thanh xuân. Vâng, tình khúc của họ là những ngóc ngách gần gũi mà phức tạp của tình yêu, là niềm vui tột cùng, đau khổ chất ngất … Mà "có ai sống được mà không yêu?".
Sau đêm nhạc, Lê Uyên lên kế hoạch về một chuyến lưu diễn khắp mọi miền đất nước dành cho học sinh, sinh viên. Sài Gòn ngày ấy đã chứng kiến đôi tình nhân này tay trong tay ôm đàn guitar, say sưa hát cho học sinh, sinh viên nghe. 19 buổi như thế. Lê Uyên muốn trở lại những ngày du ca đầy hoang dại và rừng rực chất trẻ, chẳng cần bạc vàng gì, chằng nề hà đôi chân mỏi mệt. Và còn đó ước ao một ngày mang tro cốt anh về nằm lại núi đồi Đà Lạt, bởi kẻ viễn xứ có ai muốn kiếp tha phương lúc nằm xuống…
Ngưỡng 64 tuổi đời trước mặt lùi xa để khúc nhạc đưa chị về thời con gái lắm say mê. Lê Uyên đang viết hồi ký và làm bộ phim truyền hình về cuộc đời thăng trầm, hành trình âm nhạc và chuyện tình của vợ chồng chị. Hồi ký và bộ phim hứa hẹn ăm ắp tư liệu sống động về Lê Uyên và Phương. Điều thú vị là cô con gái út sinh năm 1981 có nét giống mẹ nhất sẽ hóa thân thành Lê Uyên thời trẻ.