Bài thơ "Cây tam cúc" của Hoàng Cầm
Trẻ em bây giờ với gánh nặng học hành bài vở, phút rỗi rãi hiếm hoi thường lao vào những trò chơi hiện đại, làm sao có được niềm hạnh phúc đơn sơ, ấm áp từ những trò chơi ở làng quê xưa: chơi khăng, đánh đáo, đánh quay, chơi ô ăn quan... trong mảnh sân tràn ngập tiếng cười.
Cỗ bài tam cúc mép cong cong
Rút trộm rơm nhà đi trải ổ
Chị gọi đôi cây
Trầu cay má đỏ
Kết xe hồng đưa Chị đến quê Em.
Nghé cây bài tìm hơi tóc ấm
Em đừng lớn nữa Chị đừng đi
Tướng sĩ đỏ đen chui sấp ngửa
ổ rơm thơm đọng tuổi đương thì.
Đứa được
Chinh chuyền xủng xoẻng
Đứa thua
Đáo gỡ ngoài thềm
Em đi đêm tướng điều sĩ đỏ
Đổi xe hồng đưa Chị đến quê Em.
Năm sau giặc giã
Quan Đốc đồng áo đen nẹp đỏ
Thả tịnh vàng cưới Chị võng mây trôi
Em đứng nhìn theo Em gọi đôi.
Bài thơ của Hoàng Cầm thật giàu chi tiết, hình ảnh gợi hình, gợi cảm, thâu tóm hoàn hảo một trò chơi trí tuệ đơn giản mà vui, có chút chinh xèng gây men: chơi tam cúc, làm sống dậy hoài niệm đẹp về tuổi ấu thơ của lớp người trung niên chúng ta. Cỗ bài cong mép vì đã cũ, hành vi dấm dúi trốn cha giấu mẹ, rút trộm rơm nhà làm chiếu, người chơi, cách chơi, được phởn phơ, thua đáo gỡ... chân thực, đáng yêu đến lạ lùng. Chỉ bằng ấy chi tiết đã đủ tạo nên chất thơ, thứ thơ được gẩy ra từ rơm rạ của cuộc sống thanh bình dung dị nơi thôn dã.
Những câu thơ 7 chữ, 8 chữ ngắt dòng dài ngắn khác nhau, khi nén đúc, khi trải rộng, co duỗi nhịp nhàng mô phỏng nhịp điệu cất bài lên, hạ bài xuống rộn ràng, náo nức, bí hiểm bất ngờ, gợi tả tài tình không khí của cuộc chơi và tâm trạng người trong cuộc.
Cũng như trong một số bài thơ khác của Hoàng Cầm, ở đây ta lại gặp nhân vật trữ tình xưng “Em” trong quan hệ thân tình gần gũi với “Chị”. Một thứ quan hệ tình cảm khá đặc biệt, không chỉ là tình chị em đơn thuần, đâu hiếm gặp trong đời. Người em ấy không hoàn toàn còn là trẻ con nữa, nên đã biết tranh thủ: “Nghé cây bài tìm hơi tóc ấm”, chớp được cái khoảnh khắc thăng hoa của sắc đẹp môi hồng má đỏ bởi vị nồng cay của miếng trầu nơi chị. Để mà ngây ngất giấu thầm ước vọng mơ hồ nhưng khắc khoải:
Kết xe hồng đưa Chị đến quê Em
…
Đổi xe hồng đưa Chị đến quê Em
Xe hồng, đôi cây bài tam cúc, đã trở thành biểu tượng cho ước vọng lứa đôi hạnh phúc, cứ mỗi lúc lại dội lên trong lòng “Em”.
Ở cái tuổi chập chờn lằn ranh trẻ con - người lớn, cậu bé - chàng trai, trong tình cảm của “Em” có nét ích kỷ thật đáng yêu qua niềm mong mỏi âm thầm tưởng như phi lý mà có lý: “Em đừng lớn nữa Chị đừng đi”. Ô hay! “Chị đừng đi” là niềm mong mỏi phải lẽ rồi. Nhưng sao lại mong “Em đừng lớn nữa”? Phải chăng trong trí não của “Em” luôn có “Chị”.
Người “Em” thì đa tình, đa cảm, giàu mộng mơ, trong khi “Chị” thì vô tư hồn nhiên, không để ý mọi hành vi và diễn biến tâm trạng của “Em”. Vì vậy, đến kết bài thơ là cảnh chị cũng lại hồn nhiên lên xe hoa, để lại trong “Em” nỗi thất vọng tiếc nuối đến ngẩn ngơ. Nỗi đau riêng hòa trong nỗi đau chung: “Năm sau giặc giã/ Quan Đốc đồng áo đen nẹp đỏ/ Thả tịnh vàng cưới Chị võng mây trôi/ Em đứng nhìn theo Em gọi đôi”. Một thuở thanh bình đã chấm dứt.
Lấy cây tam cúc và cuộc chơi bài tam cúc làm ẩn dụ, nhà thơ gửi gắm khát vọng yêu đương kín đáo và nỗi đau mất mát của một tình yêu đơn phương, không tới bến bờ hạnh phúc, gợi lên trong ta niềm trắc ẩn trước những éo le, uẩn khúc của lòng người.
Gấp trang thơ lại, lòng ta còn vương vấn mãi làn hương mái tóc người con gái đương thì, mùi rơm thơm ngái của đồng quê và nhất là hương vị của một tình yêu vô vọng vừa chớm nở...