Ảo thuật gia Nguyễn Việt Duy: Cuộc đời là một phép màu

Chủ Nhật, 18/02/2018, 08:03
Hàng cây rực cháy, đôi tay anh đưa lên, lửa tắt. Băng tan, thân anh bay bổng hóa rồng rồi tan biến trong tích tắc. Một đàn chim bồ câu bay qua, cây khô đâm chồi nảy lộc dệt nên hàng chữ "All the best for you" (Mọi điều tốt đẹp nhất cho bạn). Thông điệp ấy anh dành tặng mọi người như lòng biết ơn cuộc đời đã gieo phép màu kỳ diệu lên cậu bé nghèo năm xưa...


"Đứa con của rồng" có lẽ là tiết mục mãn nhãn nhất của Nguyễn Việt Duy trong cuộc thi "Kỳ tài lộ diện" 2017. Hiệu ứng hologram (hiệu ứng ánh sáng) không xa lạ gì với ảo thuật thế giới. Nhưng ở nước ta, nó vẫn quá mới mẻ và đòi hỏi sự đầu tư công phu.

Hiệu ứng ánh sáng và ảo thuật hòa quyện vào nhau tạo nên sự kỳ ảo, huyền bí, dẫn dụ người ta lạc vào một bộ phim kỹ xảo có thật giữa đời. Giám khảo và cả trường quay đứng dậy. Tràng pháo tay không ngớt. Không ngạc nhiên khi Việt Duy ẵm số điểm cao ngất ở Bảng Đường phố và trở thành quán quân vòng bảng này.

Việt Duy quan niệm rằng làm trong lĩnh vực nghệ thuật nói chung và ảo thuật nói riêng, mỗi nghệ sĩ phải có một phong cách riêng. Có vậy khán giả mới nhớ mặt biết tên mình. Nếu diễn giống như người khác, mình sẽ như hạt cát vùi lấp trong sa mạc mênh mông.

Việt Duy trở thành quán quân Bảng đường phố trong cuộc thi "Kỳ tài lộ diện" 2017.

Lối đi của anh là chọn những gì mà ít ai dám thử sức. Chẳng hạn như trò hologram quyến rũ và ma mị với ánh sáng đầy cuốn hút, là những trò ảo thuật do anh tự mày mò sáng chế. Đó là trò "biến" dây chuyền, tờ tiền từ tay khán giả vào trong quả táo, trò đập điện thoại (tức làm mất tích chiếc điện thoại của một khán giả nào đó do Việt Duy chọn ngẫu nhiên).

Người ta hay gọi Việt Duy là "siêu trộm" vì những màn "móc" đồ đạc với khoảng cách xa và không hề chạm vào người khiến "khổ chủ" hết sức ngạc nhiên. Cuối buổi, đồ vật của "nạn nhân" nào sẽ được "trả" về cho người nấy. Cách trả về cũng đầy bất ngờ như anh "móc" nó đi. 

Những màn ảo thuật độc đáo này vừa được Việt Duy thể hiện tại chương trình "Tết vì người nghèo" 2018 của Báo Công an nhân dân. Thường xuyên biểu diễn ở nhà hàng, khách sạn nhưng Việt Duy cũng là người rất chăm xuất hiện ở các chương trình từ thiện, biểu diễn miễn phí cho bệnh nhân neo đơn, người nghèo, đồng bào chịu thiên tai bão lụt...

Ánh mắt Duy lúc ấy nhìn họ trìu mến ấm áp lạ kỳ. Anh diễn sôi nổi và say sưa như lên đồng. Nhìn anh, những mảnh đời bất hạnh ấy như chiêm ngưỡng một chàng phù thủy tốt bụng mang đến bao phép màu diệu kỳ. Tuổi thơ nào không thích thú khi thấy chú chim bồ câu trắng xóa bay ra từ chiếc khăn xanh, hồng, tím; không mê mẩn khi nhìn thấy mớ giấy vụn biến thành nắm kẹo ngọt lịm...

Có đứa trẻ mơ: ước gì chú ấy truyền cho mình phép thuật, mình về "biến"  căn nhà xiêu vẹo thành mái nhà ngói đỏ. Biến trời thôi mưa, lũ thôi kéo về. Biến chiếc áo sứt nút, bung chỉ thành chiếc áo lành lặn đến trường. Biến mâm cơm sứt sẹo của cả nhà thành mâm cỗ có thịt gà thịnh soạn… Thơ bé, ước mơ của Duy có khác gì.

Nhà Duy nghèo. Mồ hôi bố mẹ nhỏ giọt quanh năm trên cánh đồng cằn cỗi nhưng gia đình vẫn không đủ ăn. Trong căn nhà trên sườn đồi Ba Vì thông thốc gió, miếng ăn ám ảnh cả giấc ngủ. Có lần đói quá, cậu mò vào vườn hàng xóm hái trộm mít. Leo lên cao, tay sắp chạm vào trái thì "rắc". Cú ngã đau điếng khiến Duy bất tỉnh. Vườn vắng nên cậu bé mê man cả buổi mà không ai hay biết. Đến khi tỉnh dậy, trời quá trưa, Duy tập tễnh chân thấp chân cao ra về. Nghiến răng ôm cái tay gãy, cậu khóc: chắc do mình làm việc xấu mới bị trời phạt.

Năm lớp 7, chỉ vì không đủ 30 ngàn để đóng học phí mà cậu phải nghỉ học. Đường học hành bấy giờ cả nhà dồn hy vọng vào người anh cả. Từ đây, cuộc đời Duy lăn lộn với đủ thứ nghề trong mồ hôi, nước mắt và ... máu. Duy bán kem, bán báo, bốc vác, phụ hồ… Việc nào làm được là cậu nhóc 13 tuổi nhỏ thó ấy quần quật. Một lần đang phụ hồ, cậu rơi từ tầng 3 xuống đất. May có tấm bạt hứng nên Duy chỉ bị xước xát phần mềm.

Cảnh nhà ngày càng túng quẫn, bố mẹ chuyển hai anh em vào TP Hồ Chí Minh tìm kế mưu sinh. Bố Duy vẫn biết, không cái thiệt nào bằng việc thất học. Nghĩ vậy, ông cho con trai học bổ túc ban đêm. Ban ngày, cậu bé vẫn phải chạy vạy làm thêm để đỡ đần bố mẹ.

Có bằng cấp 3, Duy học thêm karate ở Nhà văn hóa thiếu nhi quận 10. Theo học được hai năm nhưng Duy đạt được một số thành tích kha khá. Anh được huấn luyện viên tin tưởng chọn làm phụ tá võ thuật ở Trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân II (nay là Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân II) tại Thủ Đức. Những tưởng cuộc đời từ đây gắn chặt với karate nhưng chấn thương buộc Việt Duy sớm từ giã võ thuật.

Ảo thuật gia Việt Duy (giữa) trổ tài ảo thuật với khán giả chương trình "Tết vì người nghèo" do Báo CAND tổ chức tháng 1/2018".

Cuộc đời bôn ba lại tiếp tục với công việc bảo vệ ở nhà hàng nổi Bonsai trên Bến Bạch Đằng của một ông chủ người Đức. Ở đây người Tây nhiều, nên cậu trai cố gắng tự luyện tiếng Anh qua chiếc cassette nhỏ. Phải học thì mới mong đời mình sang trang. Thấy được ý chí cầu tiến không ngừng của chàng trai trẻ, một ảo thuật gia người Singapore đã truyền vài ngón nghề thú vị cho Duy. Đầu tiên là những trò nho nhỏ, vui vui với đồng xu, dây thun.

Thấy Duy tiếp thu nhanh lại say mê ảo thuật nên ông khuyên anh nên sang Singapore học ảo thuật chuyên nghiệp. Trở về từ xứ người năm 2006, từ tay bảo vệ, Việt Duy nâng cấp thành tay "phù thủy trẻ" của nhà hàng Bonsai. Tên tuổi anh không ít lần xuất hiện trong cẩm nang du lịch quốc tế. Khán giả của anh là khách du lịch từ khắp năm châu.

Trong chương trình "Vietnam Got Talent" 2014 (Tìm kiếm tài năng Việt Nam) và "Kỳ tài lộ diện" 2017, cái tên Việt Duy gây chú ý bởi những màn ảo thuật không đụng hàng. Theo Việt Duy, để trở thành ảo thuật gia đúng nghĩa, người đó phải hội tụ nhiều yếu tố như: vóc dáng, duyên nghề, kỹ năng biểu diễn, xử lý tình huống, óc sáng tạo…

Đáng buồn là ở Việt Nam hiện nay, số người biết vài trò lặt vặt và tự nhận là ảo thuật gia nhiều vô kể. Các tiết mục không được đầu tư đến nơi đến chốn mà manh mún, lẻ tẻ, diễn liên hoàn thành một tiết mục chứ không có câu chuyện, kịch bản chặt chẽ. Những trò biểu diễn ấy cũng quá quen thuộc, nhàm chán với công chúng bởi chỉ cần lên mạng, khán giả có thể học được mẹo để làm trò ảo thuật đơn giản ấy. Lười sáng tạo và bắt chước người khác khiến ảo thuật bị xem rẻ. Nhiều người coi ảo thuật là trò tạp kỹ vặt vãnh nên cát xê cho ảo thuật luôn thấp hơn ca nhạc, tiết mục hài.

Trên con đường của mình, Việt Duy cố hết sức để đập tan định kiến ấy. Anh thổi hồn vào ảo thuật, mày mò sáng tạo để biến tiết mục của mình thành một tác phẩm nghệ thuật có chiều sâu, đầy huyền bí và nhân văn như: "Đứa con của rồng", "Giấc mơ kẹo ngọt"...

Điểm huyệt chết người của ảo thuật là nghệ sĩ mất cả năm trời sáng tạo ra một tiết mục nhưng chỉ diễn đến lần thứ hai là khán giả nhàm. Nó không như bài hát có thể trình diễn đi, trình diễn lại. Chính điều đó khiến cho nhiều người thích trò lặt vặt và ăn sẵn hơn. Riêng Duy, anh đi thi các chương trình lớn nhỏ với mong muốn được cọ xát, học hỏi, kích thích sự tìm tòi thử nghiệm.

Năm nay, anh ấp ủ một liveshow ảo thuật cho riêng mình - ước mơ táo bạo mà hiếm ảo thuật gia nào dám thực hiện. Đó sẽ là nơi để ảo thuật thăng hoa, để công chúng biết thế nào là đỉnh cao của ảo thuật bằng những tiết mục thú vị và mãn nhãn. Ở đó, anh còn kể về phép màu đời mình, phép màu biến cậu bé nghèo lam lũ năm xưa trở thành một Việt Duy thành công như hôm nay.

Phan Thi Uyên - Xuân 2018
.
.