Aleksandr Polyarnyi: Hiện tượng hy hữu của văn học Nga

Thứ Năm, 21/05/2020, 18:12
Cuối mùa hè năm ngoái, nhà xuất bản AST của Nga tái bản cuốn tiểu thuyết đầu tay “Truyện cổ tích bạc hà” của nhà văn trẻ người Nga Aleksandr Polyarnyi. Hiện tại số lượng phát hành đã vượt quá 300.000 bản, và tác phẩm này đứng đầu danh sách những cuốn sách bán chạy nhất ở Nga năm 2019, vượt qua tiểu thuyết “1984” của George Orwell và truyện vừa “Rượu vang bồ công anh” của Ray Bradbury.


Điều ngạc nhiên ở chỗ “Truyện cổ tích bạc hà” là cuốn sách đầu tay và cho đến nay là cuốn sách duy nhất của một tác giả trước đó không ai biết đến.

Aleksandr Polyarnyi là ai?

Aleksandr Polyarnyi sinh ngày 18 tháng 9 năm 1994 tại thành phố Murmansk, cực Bắc Liên bang Nga. Hồi nhỏ, Aleksandr thực sự không có gì nổi bật, bố mẹ anh là những người lao động bình thường, bố là công nhân, mẹ là thợ may. Aleksandr là cậu bé hiền lành, hầu như không bao giờ cãi nhau với ai.

Bước ngoặt trong cuộc đời Aleksandr Polyarnyi diễn ra vào năm 2011, khi anh đọc cuốn sách của nhà văn Mỹ nổi tiếng Ray Bradbury "451 độ F". Ray Bradbury đã truyền cảm hứng sáng tác văn học cho chàng trai, từ đó Aleksandr bắt đầu tích cực sáng tác truyện ngắn và chép lại trên điện thoại thông minh.

Trước khi bắt tay sáng tác cuốn sách hoàn chỉnh, Aleksandr đã có hơn 1.000 ghi chép trên điện thoại di động. Anh sáng tác vào bất kỳ phút rảnh rỗi nào. Thời gian đầu, anh công bố các truyện ngắn của mình trên các trang web văn học dưới nhiều bút danh khác nhau. Thật ngạc nhiên, chúng được nhận xét tích cực. Điều này đã khích lệ chàng trai trẻ tiếp tục công việc sáng tác. Nhờ công bố các tác phẩm của mình trên Internet, Aleksandr Polyarnyi đã thu hút được nhiều người hâm mộ.

Nhà văn trẻ Aleksandr Polyarnyi.

Cuốn sách ra đời

Phải mất 3 năm Aleksandr Polyarnyi mới hoàn thành tác phẩm này, ban đầu, anh đặt tên cuốn sách là “Một chuyện tình”, nhưng sau đó đổi thành “Truyện cổ tích về một vụ tự tử”.

Vì không có tiền để xuất bản tác phẩm, Aleksandr Polyarnyi quyết định kêu gọi các nhà đầu tư có thể giúp anh thực hiện công việc khó khăn này. Tháng đầu tiên, anh chỉ thu được 20.000 rúp (khoảng 6 triệu đồng), một số tiền quá ít ỏi.

Vài tháng sau, nhà văn trẻ bất ngờ thu được tới 400.000 rúp. Nhờ vậy, số lượng phát hành của "Truyện cổ tích về một vụ tự tử" đã vượt quá 50.000 bản. Thành công đó không qua được con mắt sắc sảo của các cán bộ nhà xuất bản nổi tiếng "AST", và họ đề nghị hợp tác với chàng trai tài năng.

Vào cuối mùa đông năm 2018, cuốn tiểu thuyết “Truyện cổ tích bạc hà” chất đầy các kệ sách của các nhà sách ở Nga. Nhà xuất bản "AST" quyết định đổi tên tác phẩm, vì cho rằng tên cũ không phù hợp với các chuẩn mực đạo đức.

“Truyện cổ tích bạc hà” kể về cậu bé Sawyer, 13 tuổi, bị bố mẹ bỏ rơi trước cửa một nhà trẻ mồ côi lúc mới ba tháng tuổi. Ngay từ những trang đầu tiên, nhân vật chính nhận ra rằng không có công lý trong thế giới xung quanh, do đó cậu bé luôn tỏ thái độ tiêu cực với cuộc sống nói chung. Thực tế này ảnh hưởng đến cảm xúc của độc giả, bởi vì “Truyện cổ tích bạc hà” kể về những sự kiện đáng buồn xảy ra trong thế giới của một thiếu niên. Bố mẹ đẻ bỏ rơi, bố mẹ nuôi chết vì tai nạn giao thông, người bạn gái thân thiết bị một tên cướp dùng dao đâm chết trên đường phố... Đối với cậu, thế giới này thật xấu xa. Cảm giác duy nhất mà thế giới này mang đến là nỗi đau.

Ở Nga, không ai có thể thờ ơ với “Truyện cổ tích bạc hà”: nó hoặc được yêu thích, hoặc bị căm ghét, điều này được thấy rõ từ các bình luận trên Internet. Trong số 196 nhận xét về cuốn sách trên trang mạng “Labirint” của Nga, khoảng một nửa là khâm phục, phần còn lại là rất tiêu cực; cuốn sách được coi hoặc là “hiếm hoi” hoặc là "làng nhàng”, không có đánh giá trung dung. Tại sao lại như vậy?

Đối tượng của các cuộc tranh luận

Như đã nói trên, “Truyện cổ tích bạc hà” ban đầu được xuất bản với tên gọi “Truyện cổ tích về một vụ tự tử” – một câu chuyện rất ngắn về cậu bé mồ côi tên là Sawyer. Cậu không xấu hơn và cũng không tốt hơn những đứa trẻ khác, nhưng rõ ràng cậu được sinh ra dưới một ngôi sao xui xẻo: kể từ khi bị bố mẹ bỏ rơi, cậu thường xuyên trở thành nạn nhân của những hoàn cảnh bi thảm. Suốt đời cậu tìm kiếm hạnh phúc nhưng không thành.

Mô típ chủ đạo của “Truyện cổ tích bạc hà” là sự bất công của số phận. Các nhân vật của Polyarnyi có thể tìm được hạnh phúc, nhưng họ đã buộc phải đánh rơi hạnh phúc này. Hơn nữa, với câu hỏi muôn thuở của người Nga “Ai là người có lỗi?”, tác giả trả lời dứt khoát: "Chính thế giới này".

Và mặc dù trong cuốn sách, ta gặp những nhân vật tiêu cực (những cô gái đẹp tìm kiếm người chồng tỷ phú; những ông bố, bà mẹ bỏ rơi con cái, những tên cướp đứng đường trong đêm tối), mỗi người trong số họ hành động như thể ngoài ý muốn của mình. Như thể họ là sản phẩm của một lực lượng tự nhiên nào đó, và tác hại do họ  gây ra gần giống như thiệt hại của một trận lụt hoặc cơn bão.

Trong lần tái bản, "Truyện cổ tích bạc hà” được bổ sung thêm một chương trước đó chưa công bố - "Ngày 21". Qua chương này, tác giả muốn nói rằng, ngay cả khi bạn được sinh ra trong một gia đình trọn vẹn, nơi bạn được quan tâm, chăm sóc, thì chưa chắc đó đã là món quà của số phận. Rõ ràng, quan điểm sống của Aleksandr Polyarnyi gây tranh cãi và bị một số người phê phán.

Những kỳ vọng xác đáng

Vậy ai đã viết những lời nhận xét gay gắt về “Truyện cổ tích bạc hà”? Trước hết, đó là các chuyên gia văn học, những người coi tác phẩm của Polyarnyi là mẫu mực của một thị hiếu thấp kém. Và phải nói rằng đa phần họ đã đúng.

Một số chuyên gia cho rằng không thể nói gì về giá trị nghệ thuật của “Truyện cổ tích bạc hà”. Tác giả kể lại câu chuyện khi thì từ ngôi thứ ba, khi thì từ ngôi thứ nhất, hơn nữa, những “bước nhảy” này thiếu căn cứ xác đáng; ngôn ngữ nghèo nàn, tính cách nhân vật không được khắc họa thấu đáo, cốt truyện bị giản lược đến mức thảm hại, logic khập khiễng. Ví dụ như tình tiết kể về  người đàn ông giàu có tên là Jack bất ngờ xuất hiện vào một buổi tối ở trại trẻ mồ côi, mang theo một thùng kẹo làm quà cho lũ trẻ, sau đó, trước lúc ra về, ông ta dẫn một cậu bé lên xe (nhân vật chính) và đưa về nhà. Rõ ràng, tác giả không hiểu biết gì về thủ tục nhận con nuôi (ngay cả khi các nhân vật không sống ở Nga).

Ngoài các nhà ngữ văn, Aleksandr Polyarnyi còn có một nhóm các nhà phê bình nghiêm khắc khác: những người vốn rất dị ứng với việc quảng cáo rùm beng trên các trang mạng xã hội. Họ cảm thấy khó chịu khi độc giả của “Truyện cổ tích bạc hà” chủ yếu là những nữ sinh trung học phổ thông, mua sách không phải để đọc, mà để trích dẫn văn bản và đăng lên mạng xã hội.

Một người dùng Twitter kể về việc cô bạn của mình đã mượn cuốn “Truyện cổ tích bạc hà” để chụp ảnh “tự sướng” với cuốn sách và trả lại ngay. Bản thân Aleksandr Polyarnyi là người sử dụng Instagram, vô tình (hoặc hữu ý?) đã khuyến khích hành vi này: anh ta đề nghị độc giả chụp ảnh cùng với cuốn sách và đăng tải lên mạng.

Người tốt cũng gặp bất hạnh

Dù sao, “Truyện cổ tích bạc hà” trước hết là một cuốn sách, chứ không phải là sản phẩm thời trang. Và mặc dù có những khiếm khuyết, cuốn sách không phải là không có giá trị. Vâng, nó không phải  là một tác phẩm văn học lớn, mà chỉ là câu chuyện về việc một người tốt có thể gặp bất hạnh – một câu chuyện cực kỳ nhân hậu và trong sáng.

Một số tác giả so sánh "Truyện cổ tích bạc hà” với tiểu thuyết "Chạng vạng" và "50 sắc thái xám", cho rằng cũng là một kiểu PR trống rỗng như nhau. Nhưng, khác với Stephenie Mayer và E. L. James, Aleksandr Polyarnyi không lãng mạn hóa các mối quan hệ; tình yêu trong thế giới của anh sâu sắc, chân thành và tận tụy, và nó chỉ đến một lần trong đời.

Nói chung, khác với nhiều tác giả của những cuốn sách tuổi teen, Aleksandr Polyarnyi đặc biệt trân trọng các nhân vật của mình. Anh vô cùng thương xót Sawyer và những đứa trẻ mồ côi khác, những cô bảo mẫu và các em bé bị thiệt thòi bởi sự quan tâm thái quá của bố mẹ, và hầu như tất cả mọi người. Dường như anh đồng cảm một trăm phần trăm thậm chí với các nhân vật phản diện của mình. Chính vì vậy, đọc “Truyện cổ tích bạc hà”, chúng ta cảm thấy thích thú bởi vẻ đẹp nhân văn của nó.

Tất cả chúng ta đã mệt mỏi với những tin tức xấu trên truyền hình, những tranh cãi không dứt trên mạng xã hội, công việc mòn mỏi và những rắc rối chính trị. Ở Aleksandr Polyarny không có điều đó: thế giới nội tâm, tình cảm chân thành, sự đam mê và tài năng của con người đối với tác giả quan trọng hơn bất kỳ sự hào nhoáng nào. Ít ra là rất muốn tin vào điều đó.

Trần Hậu (tổng hợp)
.
.