Ai về núi Thúy sông Vân?

Thứ Hai, 14/10/2019, 09:32
Mỗi lần về Ninh Bình tôi đều nhớ đến câu ca dao: “Đất Ninh Bình có chùa Non nước. Núi Phi Diên, Hồi Hạc xung quanh. Em về em chớ quên anh”. Dòng sông Vân chảy qua thành phố Ninh Bình rồi hòa vào sông Đáy tạo thành một thương cảng rộng lớn. Ngọn núi Dục Thúy (Non Nước) nằm tại ngã ba này. Trên cao quanh năm rợp tán cây xanh, cỏ hoa tươi tốt nghiêng nghiêng soi bóng xuống dòng sông Vân.

Bảo tàng “Thơ” trên vách đá

Đã từ lâu, trong dân gian vẫn gọi Dục Thúy là núi “Thơ”, bởi nó đã được tao nhân mặc khách bốn phương về đây đề thơ, khắc chữ. Cái tên Dục Thúy là do nhà thơ Trương Hán Siêu đặt cách đây hơn 700 năm. Dục Thúy được tưởng tượng qua ngọn núi có hình tựa như con chim Trả đang tắm trên  sông. Cái mỏ chim chính là vỉa núi nhô ra sông Vân do sóng biển từ xa xưa bào mòn vào chân núi tạo nên vòm đá chênh vênh kỳ ảo.

Hơn thế nữa, người khắc bài thơ trên vách núi đầu tiên cũng là nhà thơ Trương Hán Siêu với bút tích “Dục Thúy sơn khắc thạch”. Liên tiếp sau đó, các văn nhân cùng thời hoặc ở các triều đại khác đều đến làm thơ, lưu bút trên vách núi ca ngợi cảnh đẹp nơi đây. Đó là những thi nhân lừng danh như Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông, Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm, Thiệu Trị, Tự Đức..

Còn nữa, núi Thúy cũng khắc dấu những vần thơ của Phạm Sư Mạnh, Ninh Tốn, Nguyễn Khuyến, Cao Bá Quát, Phạm Văn Nghị...

Toàn cảnh chùa Non Nước.

Trên đỉnh núi là một bãi đá phẳng rộng chừng gần một mẫu đất. Nhà thơ Trương Hán Siêu đã cho dựng một lầu Nghinh phong. Đây chính là nơi các nhân sĩ dừng chân ở vùng Non Nước này. Họ cùng nhau đàm đạo văn thơ và thế sự non sông. Mặc cho sương gió nắng mưa, những con chữ khắc trên núi vẫn luôn ấm áp tấm lòng của những thi nhân gửi lại đời sau. Để ghi lại hình ảnh của mỗi bài thơ, chúng tôi đã len lỏi qua vách đá đã phong hóa và cỏ cây rậm rạp trên vách núi.

Quả nhiên nét bồng lai tiên cảnh qua những vần thơ trên vách núi bỗng hiện lên trong áng mây bàng bạc trôi qua. Nhà thơ Khương Hữu Dụng sinh thời đã dịch bài thơ của Nguyễn Trãi trên vách núi. Hồn thơ đưa ta vào cõi mộng: “Cửa biển có non tiên.

Từng qua lại mấy phen. Cảnh tiên nơi cõi tục. Mặt nước nổi hoa sen...”. Còn phía trên cao là vần thơ đầu tiên của Trương Hán Siêu thăm thẳm nỗi tiêu dao: “Non xanh xanh vẫn như xưa. Du nhân đi mãi mà chưa thấy về. Sóng in bóng tháp Bồ đề. Mở toang cửa động liền kề chân mây...” (theo bản dịch của Trần Văn Giáp).

Khi chúng tôi vào đền thờ Trương Hán Siêu mới thấy ông còn có nhiều bài thơ hay khác. Đặc biệt là “Bạch Đằng giang phú” một áng văn thơ nổi tiếng của đời Trần. Bài phú ngợi ca chiến công của dân tộc ta. Nó tổng kết lại chiến thắng đánh quân Nguyên. Những câu thơ rạo rực khí thế chiến thắng và niềm vinh quang cho người dân đất Việt: “Sông Đằng một dải dài ghê. Sông Hồng cuồn cuộn trôi về biển Đông. Những phường bất nghĩa tiêu vong. Nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh…”.

Trương Hán Siêu còn là một tướng tài được cả bốn đời vua nhà Trần trọng dụng (từ 1239 đến khi mất năm 1354). Cuối cùng vua Trần Dụ Tông truy tặng ông là Thái Bảo (thày dậy vua lúc còn nhỏ). Mãi cho đến 18 năm sau, Trương Hán Siêu còn được vua Trần Nghệ Tông ban tặng chức Thái phó.

Theo sở thích của Trương Hán Siêu thường trồng hoa cúc trên núi Thúy, nay trong ngôi đền thờ luôn có hoa cúc vàng để tưởng nhớ tới ông qua những vần thơ bâng khuâng một thuở: “Trời thu lắm gió lại nhiều mưa. Khóm trĩu hoa thu thật chẳng ngờ. Tạo hóa phải chăng thương quạnh vắng. Dành bông hoa lạnh tặng già nua” (Dịch thơ của Đào Phương Bình)

Những anh hùng núi Thúy

Núi Thúy chỉ cao hơn 100m nhưng là tiền đồn của nhiều triều đại phong kiến. Từ đây có thể kiểm soát được những hoạt động tàu thuyền ra vào từ biển Đông và án ngữ ngay trên con đường ra Bắc vào Nam trên quốc lộ 1. Bến thuyền ngã ba sông dưới chân núi Thúy là nơi Thái hậu Dương Vân Nga cùng những quan chức triều đình nhà Đinh ra đón Đại tướng Lê Hoàn đánh tan giặc Tống trở về Hoa Lư. Cuộc bàn giao lịch sử diễn ra ngay tại đây.

Dương Vân Nga trao Long bào cho Lê Hoàn lên ngôi vua. Triều đình nhà Tiền Lê bắt đầu khởi nghiệp (980-1005). Tên sông Vân cũng được gọi vào thời gian này, để kỷ niệm cuộc bàn giao lịch sử và cũng là biểu tượng cho mối tình cao đẹp, tận trung với nước của Dương Vân Nga và Lê Hoàn.

Sau này xâm lược đô hộ nước ta, thực dân Pháp cũng xây dựng đồn bốt quanh bốn phía trên núi Thúy. Một số dấu tích vẫn còn đó bên áng thơ bằng đá trên vách núi. Những con mắt lỗ châu mai là chứng nhân những câu chuyện về chiến công của các dũng sĩ và anh hùng trên đỉnh núi.  Bên cạnh lô cốt xưa hiện có bức tượng anh hùng Lương Văn Tụy, một người con của xứ sở Tràng An, Ninh Bình mới xây dựng sau này. Lương Văn Tụy tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ngay từ thời kỳ đầu vào thập kỷ 30.

Tượng anh hùng Lương Văn Tụy trên đỉnh núi Thúy.

Trước mắt chúng tôi là ngọn cờ đỏ bay phấp phới trên lô cốt. Đó là hình ảnh cờ búa liềm được chiến sĩ cách mạng Lương Văn Tụy dũng cảm treo lên cột cờ của thực dân Pháp. Anh thực hiện nhiệm vụ theo quyết định của Đảng bộ Ninh Bình để phát huy thanh thế cách mạng đang trên đà lớn mạnh. Lá cờ búa liềm có dòng chữ “7/11/1917-7/11/1929 - Ủng hộ Xô Nga -Xô Nga vạn tuế” đã tung bay trên núi Thúy. Mười ngày sau giặc Pháp lùng bắt được Lương Văn Tụy, rồi đưa anh đi đầy ở Côn Đảo vào cuối tháng 4-1930. Tiếc thay người anh hùng đã hy sinh trong một cuộc vượt ngục trên biển năm 1932. Khi ấy anh vừa tròn 18 tuổi.

Câu chuyện lịch sử trên núi Thúy được kể tiếp sau đó 20 năm, khi quân đội ta mở chiến dịch Quang Trung (1951) tấn công giặc Pháp. Tiêu diệt cụm đồn bốt quanh núi Thúy là một nhiệm vụ trọng điểm. Đại đội trưởng Giáp Văn Khương dẫn đầu một đội quân tấn công những đồn địch dưới chân núi rồi tiến lên chiếm lĩnh toàn bộ căn cứ điểm núi Thúy. Một chiến công bất ngờ của những người anh hùng. Chỉ trong một đêm đánh tan sáu đồn bốt, tiêu diệt 200 tên địch và bắn cháy một tàu chiến Pháp. Sau đó giặc Pháp tổ chức tấn công để chiếm lại núi Thúy. Đội trưởng Giáp Văn Khương thấy thế địch quá mạnh nên cho lệnh rút lui.

Nhưng để bảo toàn lực lượng, anh đã tình nguyện ở lại đánh chặn kẻ địch để cho đồng đội kịp thoát vòng vây. Giặc dàn hàng ngang dồn quân tiến dần lên núi. Giáp Văn Khương bắn tỉa từng tên dẫn đầu để chặn lại. Khi chúng ồ ạt từ các phía tiến lên đỉnh núi, Giáp Văn Khương đã bắn loạt đạn cuối cùng rồi tung người nhảy vọt qua lùm cây xuống sông Vân. Bọn giặc Pháp trố mắt sững sờ bởi không ngờ trận địa chỉ có một người. Chúng nhìn từ đỉnh núi Thúy hun hút xuống sông Vân mà lắc đầu lè lưỡi bái phục khí phách người anh hùng.

 Những lời thơ chiến sĩ đã ghi lại chiến công của Trung đoàn Thủ đô ngày ấy dành cho Giáp Văn Khương thật hào sảng: “Đồn Non Nước chọc trời ngạo nghễ. Giặc huênh hoang, không sức nào có thể. Chúng ngờ đâu gặp đối thủ kiên cường. Cây súng tung hoành của Giáp Văn Khương. Làm kẻ địch kinh hoàng bạt vía...”. Đó là lời hịch của một tráng ca bất tử về chân dung người chiến sĩ, một biểu tượng anh hùng của quân và dân ta, khởi đầu cho chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) lừng lẫy chấn động địa cầu.

Khúc đồng dao

Nhà thơ Trương Hán Siêu là một trong những danh nhân được thờ tự ở hơn 20 tỉnh và thành phố trên cả nước. Hàng chục đường phố trên các tỉnh, thành mang tên ông. Riêng ở Ninh Bình, cứ 5 năm một lần tỉnh trao giải thưởng mang tên Trương Hán Siêu về Văn học Nghệ thuật ngay tại đền thờ ông. Nơi đây cũng là địa chỉ hằng năm diễn ra lễ trao học bổng cho những học sinh xuất sắc trong tỉnh. Bài phú Bạch Đằng giang của ông được coi là mẫu mực, tiêu biểu trong nền văn học yêu nước Lý-Trần đã được ghi lại.

Núi Thúy-Sông Vân tựa như gấm hoa trong bức tranh tổng thể của vùng non nước hữu tình. Bên cạnh những Tràng An, Tam cốc Bích Động, hay như Bái Đính, Kim Sơn… chùa Non Nước dưới chân núi Thúy luôn được ghi nhận với vẻ đẹp “Bóng tháp hình trâm ngọc. Gương soi ánh tóc huyền” (Nguyễn Trãi). Đàn chim Trả với cánh vờn xanh biếc vẫn về đây tắm dưới dòng sông Vân. Chúng nghếch chiếc mỏ đỏ hót theo bài ca con trẻ đang ríu rít trên đỉnh núi rằng: “Ai về qua đất Ninh Bình. Mà xem phong cảnh hữu tình nên thơ. Nước non, non nước như mơ. Càng nhìn Dục Thúy càng ngơ ngẩn lòng”.

Vương Tâm
.
.