Thế giới huyền diệu

Thứ Sáu, 19/11/2021, 10:35

Mấy phép dùng loại từ: Như ta đã biết, loại từ (hay còn gọi là mạo từ) là phụ từ đứng trước danh từ, dùng để xác định "tính chất danh từ của từ, như: cái, chiếc, sự, con, cây...

Đặc điểm của tiếng Việt là không nhất thiết trong trường hợp nào danh từ cũng buộc phải đi kèm loại từ, nhất là trong văn khẩu ngữ, thứ văn mà văn học hay dùng vì tính tự nhiên và cô đúc của nó. Vì vậy, nếu lạm dụng loại từ, dùng loại từ không thực cần thiết rất dễ gây cảm giác rườm rà, không tự nhiên và bị coi là "tây" , là "học trò", hoặc như văn dịch. Chính ở chỗ tế nhị này lại xuất hiện những phép ứng xử với loại từ rất tài tình, rất đắc địa. Xin dẫn ra vài trường hợp:

Trong tác phẩm "Cung oán ngâm khúc", để tả cái đêm nàng cung nữ được vua "ban ơn mưa móc", cụ Nguyễn Gia Thiều hạ hai câu:

"Cái đêm hôm ấy đêm gì

Bóng trăng lồng bóng đồ mi trập trùng".

image001-1637294825887.jpg
Người lao động thôn quê quen sống chan hoà với thiên nhiên, trong tâm hồn của họ, tất cả vạn vật đều sống động, đều có cái hồn, "cái", "con", "cây"... hay gì gì đi nữa đều mang hồn người.

Mặc dù có vẻ như trong tiếng Việt không có sự phân biệt quyết liệt giữa loại từ xác định và phiếm định như trong tiếng Anh chẳng hạn, nhưng loại từ "cái" vẫn có tính xác định khá rõ ràng. Trong một văn cảnh trần thuật bình thường, người ta chỉ nói: "Đêm ấy bóng trăng lồng lộng"…Thế là đủ. Nhưng ở đây là tâm thế của người cung nữ trong cô đơn và khao khát tột cùng đang nghĩ tới, đúng hơn là nhớ lại giây phút hiếm hoi được tận hưởng hạnh phúc ái ân, nên cái đêm ấy trở thành như là duy nhất, gồm trong nó tất cả hạnh phúc lứa đôi mà trong cả đời chỉ đến với nàng có một lần. Với tính xác định đến độc nhất vô nhị như thế, từ "cái đêm" trở thành điểm lóe sáng của câu thơ, gợi lên không chỉ niềm hoan lạc hy hữu mà còn ẩn sau nó cả nỗi tiếc nuối, xót xa. Hơn mười năm trước đây, nhà văn Phùng Gia Lộc đã dùng lại rất đắc địa câu thơ trên của cổ nhân để làm đầu đề cho bài bút ký xuất sắc của mình cũng viết về một cái đêm không thể quên được diễn ra ở làng quê ông.

Cũng với cách sử dụng từ "cái" khéo léo, người ta có thể "danh từ hóa"  bất cứ từ loại nào khác phục vụ cho câu văn, câu thơ, khiến nó vừa cô đúc vừa có thể tăng thêm tính hình tượng, chẳng hạn câu ca dao:

"Cái ngủ mày ngủ cho lâu

Mẹ mày đi cấy đồng sâu chưa về".

Đấy là với động từ, còn với tính từ, thì:

"Cái ngoan mà đem cho 

Thì lại ngoan hơn nữa".

(Xuân Quỳnh)

Cái hay của hai câu thơ sau đây của Đồng Đức Bốn cũng chủ yếu nằm trong cách ứng xử, tung hứng với từ "cái":

"Cầm bằng bán cái vàng đi

Để mua những cái nhiều khi không vàng".

Nói "cái vàng" đã táo bạo, nhưng đến việc đặt vào giữa tổ hợp từ ấy cả một đoản ngữ "nhiều khi không"  thì thấy rõ nhà thơ này cũng đầy bản lĩnh thao túng từ ngữ.

Trong một bài nhàn đàm đã in, tôi đã có dịp kể về một trường hợp của chính mình, có liên quan đến từ "cái". Ấy là việc khi viết đến câu thơ: "Nhà gần. . . ngõ thì xa". Tại cái dấu ba chấm đó, tôi đã đưa ra các phương án: "mà", "nhưng" . . . nhưng đọc lên nghe vẫn lòng thòng, ngang tai thế nào. Chính lúc đó, khi nghe tôi vừa lẩm bẩm: "Nhà gần...", lập tức một cô nấu bếp của cơ quan đã đọc tiếp ngay không cần suy nghĩ: "cái ngõ thì xa". Không cần nhắc lại những điều lý giải của tôi, thì mọi người cũng dễ dàng nhận thấy tính hợp lý tối ưu của từ "cái" ở đây.

Với trường hợp từ "sự" cũng vậy. Có một cuốn sách của Giắc Lơnđơn được dịch tên là "Sự im lặng màu trắng", tôi đồ rằng nếu nó do một nhà văn Việt Nam viết ra thì rất có thể đã được đổi thành "Lặng im màu trắng", có thể lắm. Cũng như khi Nguyễn Quang Thiều đặt tên sách là "Sự mất ngủ của lửa" thì không ít người cho là "tây" quá và cam đoan là có thể làm ngắn lại một vài từ mà không phương hại gì đến nội dung. Còn khi nhà văn Trung Trung Đỉnh tung ra cái đầu đề "Cà kê cái sự văn chương" thì kiểu gì trong đó cũng không giấu được cái giọng phúng thích, cũng tựa như có người suốt đời đánh bộ complê chỉ cốt để giễu cợt, sàm sỡ với chính sự nghiêm ngắn, tề chỉnh vậy.

Nói rộng ra ngoài văn nghệ một chút, thì thấy trong ngôn ngữ đời thường các loại từ của tiếng Việt cũng đang được biến báo thật lực, nhằm mang được điều sắc thái biểu cảm của một đời sống đang vận động chóng mặt. Đó là những từ không còn mang từ nghề nghiệp mà đã ùa vào kho từ ngữ phổ thông: Bắt "con" đê đê (mua chiếc xe D.D), trúng "quả" đậm, đánh "quả" tù mù, v.v... Nói đánh "quả" là gợi ngay đến lợi ích vật chất sẽ thu được, còn nói "con" đê đê thì chiếc xe máy hóa ra động vật, như con trâu, con bò. Mặt khác, lại có thể biến động vật thành bất động vật tùy vào nhu cầu biểu cảm của văn cảnh. Trong khi Thế Lữ viết:

"Trời cao xanh ngắt - ô kìa

Hai con hạc trắng bay về bồng lai".

Thì đó là cảnh mộng nhưng lại sống động như cảnh thực. Còn Tản Đà, trong một tâm thế khác, nhìn cảnh vật thê lương, khô chết như hóa đá, thì:

"Cái hạc bay lên vút tận trời

Trời đất từ nay xa cách mãi". 

Ấy là vào cái thời khắc mà Xuân Diệu gọi là "trong khung xám của mùa đông bằng sắt" và gọi bóng đêm là "vài miếng đêm u uất lẩn trong cành", còn trong nhạc Trịnh Công Sơn thì "rồi như đá ngây ngô", "tuổi đá buồn" và "ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau" - tóm lại là ở trên đời có những thời khắc tất cả dường như đã hóa đá, chỉ cần thay vào "cánh hạc bay lên vút tận trời" thì câu thơ sẽ giũ bỏ gần hết cái vẻ tiêu tao và lập tức sống tươi trở lại.

Không thiếu trường hợp loại từ được sử dụng đến mức biến ảo. Ca dao nói: "Cái cò, cái vạc, cái nông..." thì lại không phải để bắt chết những con vật này, mà làm chúng càng sống hơn với tất cả tình yêu mến và âu yếm, cũng tựa như nói: "Cái Mơ, cái Mận, cái Đào…". Người lao động thôn quê quen sống chan hoà với thiên nhiên, trong mắt trong hồn của họ, tất cả vạn vật đều sống động đều có cái hồn, "cái", "con", "cây"… hay gì gì đi nữa đều mang một ít hồn người. Phải chăng chính sự mơ hồ, không ranh giới này đã góp phần tạo nên thế giới huyền diệu của văn học dân gian và là gốc gác của cái gọi là "hiện thực huyền ảo" sau này?

Anh Ngọc
.
.