Nhà văn Nguyên Hồng qua hồi ức của người cháu văn nhân

Thứ Sáu, 06/01/2023, 14:56

Tôi gọi nhà văn Đỗ Nhật Minh là: “Ngọn đèn không tắt sáng”, bởi ở cái tuổi xưa nay hiếm như ông nhiều người đã ngừng viết và vui thú điền viên cùng con cháu. Nhưng với ông, viết cũng là một cách rèn luyện tư duy, mở rộng tư duy và cải thiện được sự minh mẫn của trí tuệ thông qua ý tưởng và sự sáng tạo.

Không nhớ tôi đến thăm nhà riêng của ông vào năm nào? Chỉ nhớ khi ấy tôi gặp nhà thơ Nguyễn Thanh Kim ở Hội VHNT tỉnh Bắc Giang và nhà thơ Nguyễn Thanh Kim bảo: Mày chở tao đến thăm ông bạn già Đỗ Nhật Minh. Thế là tôi quen ông, lâu dần thành thân thiết

Căn phòng rộng chừng gần ba chục mét vuông chủ yếu chứa toàn sách, giường ngủ cũng là nơi Đỗ Nhật Minh tiếp bạn văn chương đàm đạo trà, thuốc. Cạnh đó là một cái bàn viết sơ sài và chục trang bản thảo viết tay. Tôi mạo muội hỏi ông: Sao bác không viết bằng máy tính cho nhanh? Ông bảo, tao cập nhật công nghệ thông tin kém lắm, với lại viết tay cho mình nhiều cảm xúc hơn gõ máy. Bản thảo tao gom lại rồi thuê người đánh vi tính ngay đầu ngõ. Vài lần tôi gặp ông thong thả đạp xe đến tòa soạn báo, chợt nghĩ, ông đích thị là “người muôn năm cũ” thật đáng quý còn sót lại giữa thời đại bùng nổ thông tin. Ông đích thị là một nhà văn, một ngọn đèn cháy đến hao dầu, cạn bấc, cháy đến hơi thở cuối cùng của nghiệp cầm bút viết văn.

nv-ð--nh-t-minh-d-c-nh-t-ký.jpg -0
Nhà văn Đỗ Nhật Minh đọc nhật ký của nhà văn Nguyên Hồng.

Nhiều lần đến nhà ông chơi, được ông mời lên đàm đạo văn chương và nghe ông kể chuyện. Tôi mạo muội hỏi ông, nghe nói ông là cháu của nhà văn Nguyên Hồng? Ông bảo, về phía họ hàng, nhà văn Nguyên Hồng là chú tôi, bà nội tôi là chị của nhà văn Nguyên Hồng. Nhà văn Nguyên Hồng gọi bố tôi là anh, bố tôi sinh năm 1911 còn nhà văn Nguyên Hồng thì sinh năm 1918. Gia đình tôi gốc gác ở Xuân Trường - Nam Định, nhưng vì chiến tranh, đói kém, quãng năm 1935, nhà văn Nguyên Hồng cùng mẹ ra Hải Phòng dạy học kiếm sống còn bố tôi đi bộ đội.

Năm 1949, mẹ tôi đành đưa các con về ở mấy tháng tại ấp Cầu Đen, nơi tản cư của nhà văn Nguyên Hồng từ năm 1947. Hòa bình lập lại năm 1954, gia đình tôi về thị xã Bắc Ninh. Nhiều lần từ Hà Nội về ấp Cầu Đen, Nguyên Hồng hay về nhà tôi để nghỉ. Ngày còn nhỏ, tôi là người nhút nhát, chẳng bao giờ dám khoe sự viết lách của mình với ông, mãi đến năm 1971, tôi đi dự hội nghị các cây bút trẻ toàn quốc tại Hà Nội thì gặp ông tại hành lang Hội Nhà văn. Ông ngạc nhiên hỏi: Cháu cũng họp ở đây à? Rồi ông bảo, khổ, viết lách làm gì. Viết văn khổ lắm cháu ạ. Đến bây giờ, ngẫm lại lời ông nói tôi mới thật thấm thía.

Nhà văn Đỗ Nhật Minh chia sẻ với tôi: dạo này sức khỏe giảm sút sau lần đi viện về, người già thường hay hồi tưởng. Tôi nhớ, ngày xưa bố tôi và nhà văn Nguyên Hồng không hợp nhau. Bố tôi là người chải chuốt, ngăn nắp, cẩn thận. Chú Nguyên Hồng trái lại ăn mặc tuềnh toàng, thích sự giản dị, tự nhiên. Nhà tôi ngày ấy nghèo lắm, mẹ tôi hay than thở về nhà cửa chật chội, dột nát. Chú Nguyên Hồng lại bảo, được thế này là tốt lắm rồi chị ạ.

Chú quý mẹ tôi vì mẹ lam lũ, nhọc nhằn chịu khó. Chú cũng dặn dò tôi, cái nghề văn chương nó nghiệt ngã lắm, nghề khác không tài cố gắng thì vẫn làm được chứ văn chương không có tài, có năng khiếu, không chịu đọc thì khó lắm, suốt đời chỉ hão huyền, làm khổ vợ con. Chú bảo tôi, nếu cháu muốn viết thì cứ viết từ gan ruột mình, từ con tim, khối óc của mình, viết những gì gần gũi, đời thường nhất với cháu, bao lời ông nói tôi vẫn nhớ đến bây giờ.

Thuở còn đi học, tôi học trường cấp II, III Hàn Thuyên - Bắc Ninh. Học cùng lớp với tôi là Chu Bá Bình (nhà văn Đỗ Chu). Hồi trẻ, Đỗ Chu đã rất nổi tiếng với nhiều truyện ngắn đặc sắc được đăng tải trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Ra trường tôi đi học Cao đẳng sư phạm Nam Định, làm ông giáo dạy học ở tỉnh Hà Tây. Hết Đường Lâm - Sơn Tây sang huyện Phú Xuyên, rồi tôi chuyển về dạy ở nhiều nơi thuộc huyện Yên Dũng (Bắc Giang).

Truyện ngắn đầu tiên của tôi được đăng báo trung ương là“Tiếng hát ở một làng quan họ” trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1978. Sau đó là các truyện khác như “Không đề”; “Thợ lợp nhà” trên Báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam. Truyện vừa đầu tay là “Câu chuyện về một đội kịch” xuất bản năm 1971, NXB Kim Đồng. Nhờ cuốn sách này mà tôi được đi dự hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần II ở Hà Nội đấy. Lần đó Hà Bắc có tôi, nhà thơ Trần Ninh Hồ; Trần Anh Trang và Nguyễn Phan Hách.

cu-n-nh-t-ký-c-a-nhà-van-ng.jpg -0
Bìa cuốn “nhật ký Nguyên Hồng”.

Ông lục tìm cuốn nhật ký Nguyên Hồng đưa cho tôi rồi chậm rãi kể: thuở thiếu thời nhà văn Nguyên Hồng cũng lam lũ, khổ cực lắm. Cuộc sống tha phương với bao đắng cay, tủi nhục đã khiến Nguyên Hồng gắn bó với những con người chân đất, những con người dưới đáy xã hội. Suốt cuộc đời cầm bút của mình, ông hầu như chỉ viết về những người lao động.

Còn nhớ năm 1958, ông đưa cả gia đình từ Thủ đô trở về ấp Cầu Đen xã Quang Tiến chứ không về thị xã, ông lấy nơi đó làm quê hương thứ hai của mình. Ông bấm đốt ngón tay và bảo, nhà văn Nguyên Hồng có bảy người con, ba anh con trai là Hà, Giang, Sơn và bốn cô con gái là Thư, Nhã, Thế, Diệu. Kể cho tôi nghe xong, nhà văn Đỗ Nhật Minh ngồi lặng lẽ hồi ức theo làn khói thuốc, đôi mắt mờ đục sau cặp kính cận dày cộp đầy vết thời gian. Tôi biết, ông đang rất xúc động về người chú kính yêu của mình.

Tôi lần giở cuốn “Nhật kí Nguyên Hồng” do con gái nhà văn Nguyễn Thị Thanh Thư & Nguyễn Thị Nhã Nam thực hiện việc biên soạn và viết lời tựa sách, rất xúc động “…viết nhật ký là một phần cuộc sống của cha tôi. Ông viết hầu như là hàng ngày. Hay đúng hơn là hầu như mỗi sự kiện trong đời đều được ông ghi lại. Về gia đình, về các con, về người vợ thông minh nhưng gày yếu, về người mẹ hiền từ, về bạn bè văn chương, về công việc viết lách cũng như công tác đoàn thể, về những sự kiện lớn trong nước và quốc tế… qua những trang nhật ký của ông, hiển hiện cả một thời đại, sống động và chân thực. Đặc biệt, là đời sống văn nghệ suốt nửa đầu thế kỷ XX. Chúng ta hiểu được phần nào biết được các nhà văn thế hệ ấy, họ đã sống và viết như thế nào? Và cuộc sống của cả gia đình chúng tôi. Cho tới khi ông trút hơi thở cuối cùng…”.

Cuốn nhật ký được nhà văn Nguyên Hồng viết từ ngày 25/10/1943 cho đến lá thư cuối cùng còn lưu giữ lại ngày 2/5/1982. Con gái nhà văn viết “Đây là bức thư cha tôi viết cho bà cô ruột lúc đó đang sinh sống ở Đồng Nai, có lẽ chỉ khoảng một tiếng trước khi ông mất”. Cuốn nhật ký có rất nhiều trang viết xúc động như ngày 31/3/1948 “Xuân Diệu đến chơi. Tôi phải bỏ dở viết. Các con của bạn tôi và của tôi khóc quấy…. khổ vì viết quá! sáng tác! thật là rứt thịt mình ra, cắm đầu viết! viết đau quá! viết để mà trốn sự thực ư? Không!...cất cao đầu lên, cười đi, nhìn sâu hơn nữa vào chung quanh, rồi viết”. hoặc ngày 18/2/1962 ông viết “…buổi trưa ông Mấm gọi tôi lấy thịt. Các con được múp máp tí mỡ. Cái Nhã vớt từng miếng tóp. Thế cắt tóc như con trai, tôi đem “Les Amé mortes” Những linh hồn chết của đại văn hào Nga ra sau bếp đọc và đón nhà tôi. Thế hỏi U âu? U âu? Tôi bảo: U kia kìa! U kia kìa! nó bảo “không vải”… Sơn đi chăn trâu về bữa cơm chỉ có tí canh bầu lõng võng…”. Cuốn nhật ký nhiều đoạn đọc nhòa trong nước mắt. Cuối cuốn sách, nhà văn Pháp Pierre Abraham chủ nhiệm Tạp chí Châu Âu viết: “…như từ bờ bãi sông Hồng đỏ rực, gió cuốn đến đây nhà văn lớn này là người của đất, thật là người của đất”. 

Nhà văn Đỗ Nhật Minh, cháu gọi nhà văn Nguyên Hồng bằng chú họ sinh năm 1944, quê quán Nam Định. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội VHNT tỉnh Bắc Giang. Ông đã có 17 đầu sách, 4 tiểu thuyết và 13 tập truyện ngắn. Trong đó phải kể đến những tác phẩm chính như tiểu thuyết “Giã từ đêm quan họ”; “Bóng đêm và con chó”; “Thờ ơ và tội ác” và các tập truyện ngắn tiêu biểu như “Cái lồng sắt”; “Quán trần gian”…một số cuốn sách của ông đã được các NXB tái bản.

Các tác phẩm chính của ông chủ yếu viết về số phận con người. Đưa con người trở về với cuộc sống đời thường, hoàn cảnh sống cụ thể, giúp họ nhận ra những giá trị chuẩn mực của gia đình, giá trị thực của đời sống hiện tại. Con người ông xây dựng, đề cập, đa phần hướng đến sự trung thực, giàu lòng vị tha. Nhân vật trong các tiểu thuyết ám ảnh, khơi gợi người đọc và cao cả hơn nữa, dù chịu nhiều thiệt thòi, đắng cay, mất mát, số phận, nhưng tất cả đều thể hiện lòng vị tha, đức hy sinh thầm lặng trong bản năng vốn có của họ. Sức sống và niềm tin của mỗi con người trong các truyện ngắn sau này đều tinh khôi, thánh thiện, biết vươn lên, vượt qua trở ngại và sống đúng nghĩa: Con người.

Đinh Tiến Hải
.
.