Con tàu Kilinski và sứ mệnh cao cả
Ngày 20/7/1954, Hiệp định Geneve về đình chỉ chiến tranh ở Đông Dương được ký kết. Các nước tham gia Hội nghị tuyên bố tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia. Theo Hiệp định đã ký kết, nước Việt Nam bị tạm thời chia cắt thành hai miền qua Vĩ tuyến 17, các bên tham gia Hội nghị nhấn mạnh rằng: "Dù bất cứ trường hợp nào, không thể coi đó là biên giới chính trị hay lãnh thổ".
Sự chia cắt đó chỉ là tạm thời. Hai miền phải thống nhất trước tháng 7/1956 bằng tổng tuyển cử "tự do và dân chủ". Quân Pháp phải rút quân khỏi miền Bắc và Việt Minh rút khỏi miền Nam trong thời hạn 300 ngày; người dân có quyền lựa chọn ở miền Bắc hay miền Nam, trong thời gian đó, họ được tự do đi lại. Nghiêm cấm quân đội nước ngoài xâm nhập lãnh thổ Việt Nam. Một Ủy ban Quốc tế Giám sát và Kiểm soát Hiệp định Geneve với sự tham gia của Ba Lan, Ấn Độ và Canada được thành lập. Ấn Độ làm Chủ tịch ủy ban này.
Những đóng góp của Ba Lan sau Hiệp định Geneve 1954
Nỗ lực hòa giải nổi tiếng của Ba Lan được mệnh danh là chiến dịch Marigold (Cúc vạn thọ). Là thành viên của Ủy ban Quốc tế Giám sát và Kiểm soát Hiệp định Geneve, Ba Lan có cơ quan đại diện của mình cả ở Hà Nội lẫn Sài Gòn. Năm 1966, người đứng đầu cơ quan đại diện này, nhà ngoại giao Janusz Lewandowski, đã tìm cách môi giới hòa đàm giữa Mỹ và Việt Nam, khi ông đưa ra một đề nghị mật về việc này. Việc tháng 10/1966, Mỹ ngừng các cuộc ném bom rải thảm được xem là dấu hiệu cho thấy người Mỹ sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán.
Theo thỏa thuận sơ bộ, cuộc gặp mặt giữa đại diện của chính quyền Mỹ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ được tiến hành tại Warszawa, thủ đô Ba Lan. Tuy nhiên, đầu tháng 12/1966, Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson đã ra lệnh nối lại các cuộc ném bom Hà Nội, sau gần năm tháng ngừng, mặc dù phía Ba Lan đã cảnh báo, quyết định của Tổng thống có thể dẫn đến hậu quả chấm dứt đàm phán. Rốt cuộc, quyết định này đã dẫn đến thất bại của chiến dịch Marigold. Các nhà sử học Mỹ cho rằng, những hành động nói trên đã làm phí hoài một cơ hội khả thi nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh Việt Nam sớm hơn rất nhiều.
Ba Lan không chỉ là thành viên Ủy ban Quốc tế Giám sát và Kiểm soát Hiệp định Geneve mà còn đưa tàu thủy sang giúp Việt Nam chuyên chở cán bộ, chiến sĩ, học sinh và đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc hồi 1954 - 1955. Tàu Kilinski mang tên Anh hùng Ba Lan, Jan Kilinski (1760 - 1819), là con tàu đã đảm đương sứ mệnh cao cả này. Thuyền trưởng là R. Cielewicz. Theo lời kể của ông, từ tháng 10/1954 đến tháng 7/1955, tàu Kilinski đã thực hiện 27 chuyến Nam - Bắc, vận chuyển 85.000 người, 3.500 vũ khí các loại, 250 tấn đạn dược.
Thực tế cho thấy, tàu Kilinski đã để lại những cảm xúc và những ấn tượng nặng tình hữu nghị Ba Lan - Việt Nam và sự giúp đỡ vô tư của những người anh em. Nhà báo Phạm Vũ ghi lại lời kể của kĩ sư Đỗ Thái Bình về tàu Kilinski như sau:
“Năm 1973, tàu Kilinski quay trở lại Việt Nam và đậu ở cảng Hải Phòng gần một năm trước khi đi về xưởng tháo dỡ sắt vụn ở Đài Loan. Thật đáng tiếc. Khi ấy có lẽ Việt Nam còn quá bận rộn với việc tìm giải pháp kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước nên đã không lưu ý đến việc mua lại chiếc tàu, lưu giữ những vật chứng ký ức. Nếu không, hôm nay chúng ta đã có thể có một bảo tàng sống động về những ngày tập kết ngay trên tàu Kilinski” - kỹ sư Đỗ Thái Bình, Hội Hải dương học Việt Nam nói trong tiếc nuối.
Cũng xin nói thêm rằng, ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được kí kết, với uy tín và kinh nghiệm của mình, Ba Lan lại được mời tham gia Ủy ban Quốc tế Kiểm soát và Giám sát việc thi hành hiệp định này, cùng với ba thành viên khác là Hungary, Canada và Indonesia.
Những kỷ niệm với Đoàn văn công Liên khu V tập kết ra Bắc cách đây 70 năm
Tôi nhớ, Đoàn văn công Liên khu V sau khi tập kết ra Bắc đã đến đóng quân tại làng tôi, trong đó có nhà tôi, gần một tháng. Tôi thích lắm. Tay bế em, suốt ngày tôi say sưa đứng xem các cô các chú văn công tập hát, tập múa ở sân nhà tôi hoặc sân nhà bà bác. Lần đầu tiên tôi được xem và nghe các tiết mục ca kịch, bài chòi và những làn điệu dân ca miền Trung. Lần đầu tiên tôi được xem tận mắt các cô chú văn công biểu diễn sênh tiền. Chính tại sân nhà mình tôi đã được thưởng thức bài hát “Giải phóng Kon Tum” ca ngợi chiến thắng Kon Tum (tháng 2/1954). Tôi vẫn còn nhớ một số đoạn của ca khúc này: Tin vui, tin vui, Kon Tum giải phóng, tin về, Kon Tum giải phóng. Phất phới cờ bay cao, Kon Tum vui sướng người dân ta… Chiều nay đồng bào Kon Tum vui sướng hả hê, trở về với phố phường…
Hồi đó tôi chỉ biết về Đoàn văn công Liên khu V qua những gì tôi thấy tận mắt ở nhà tôi và làng tôi, chỉ biết đây là đoàn văn công thuộc các tỉnh Nam Trung bộ xa xôi. Nghe giọng nói theo phương ngữ của các cô các chú văn công, tôi càng dễ nhận ra xuất xứ của đoàn văn công Quân đội này. Chẳng hạn, các cô các chú không nói “làm việc” mà nói “lờm việc” - “tôi lờm việc”. Còn người làng tôi, trong đó có tôi, thay vì nói “làm việc” thì nói “mằn việc” - “tôi mằn việc”. Mãi sau này, lớn lên, qua báo chí tôi mới biết rõ về lịch sử và hoạt động “vì nhân dân quên mình” của đoàn văn công quân đội này.
Năm 1952, theo yêu cầu động viên tinh thần chiến đấu của bộ đội và nhân dân trên chiến trường Khu 5, tại chợ Cát, xã Tam Quan, huyện Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định), đội Văn công Bộ Tư lệnh Liên khu 5 thành lập với số lượng vỏn vẹn 10 thành viên, là những thiếu sinh quân vừa tốt nghiệp khóa 6, Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn (nay là Trường Sĩ quan Lục quân 1) và một số đồng chí có năng khiếu ca múa được chắt lọc từ cơ sở. Vốn liếng ban đầu của đội là những tiết mục tự biên tự diễn dựa trên chất liệu dân ca Khu 5 đằm thắm, mượt mà.
Hầu hết diễn viên bấy giờ là những chiến sĩ ngày cầm súng chiến đấu, đêm hát phục vụ chiến sĩ, đồng bào; vừa sưu tầm cải biên, sáng tác, dàn dựng, vừa tự thiết kế trang phục, đạo cụ trong hoàn cảnh thiếu trước hụt sau. Cùng với quyết tâm bám sát bộ đội, bám sát chiến trường, vượt lên những thử thách sống còn giữa mưa bom bão đạn, đội chia thành từng tốp nhỏ, sẵn sàng lên đường phục vụ bộ đội, nhân dân, phục vụ thương, bệnh binh trong điều kiện “3 không”: không phông màn, không âm thanh, không ánh sáng.
Các cô các chú Đoàn Văn công Liên khu V từng đóng quân và tập luyện tại nhà tôi và làng tôi bây giờ chắc đã già lắm rồi. Vì hồi đó tôi mới mười hai, mười ba tuổi mà nay tôi đã là “tuổi ông” thì các cô, các chú già hơn tôi là cái chắc. Tuy nhiên tôi vẫn mường tượng rất rõ trong đầu hình ảnh những cô chú văn công trẻ trung, xinh đẹp, đàn giỏi, hát hay và rất quý trẻ con chúng tôi. Đã 70 năm trôi qua, các cô các chú để lại trong tôi những ấn tượng không bao giờ phai mờ. Tôi thuộc được nhiều ca khúc, nhiều giai điệu dân ca Nam Trung bộ, Liên khu 5, chính là nhờ các cô các chú đoàn văn công này. Và chính các cô các chú đã truyền cho tôi niềm đam mê các làn điệu dân ca Nam Trung bộ, các bài chòi, các bài ca kháng chiến mang dấu ấn vùng miền.
Tôi thật sự cảm động và vui mừng khi hay tin, kỷ niệm 70 năm Hiệp định Geneve và đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc (1954 - 2024), tượng đài “Con tàu tập kết ra Bắc” tại TP. Sầm Sơn, Thanh Hóa, đã được khánh thành. Nhìn hình ảnh tượng đài, tôi mường tượng trong đầu, tàu Kilinski, con tàu Ba Lan lịch sử, con tàu đến từ đất nước yêu thương mà tôi coi là Tổ quốc thứ hai của mình, đã từng chuyên chở 85.000 người từ miền Nam tập kết ra Bắc. Đây sẽ là tượng đài mang dấu ấn lịch sử, nặng nghĩa tình Bắc - Nam và tấm lòng của Thanh Hóa quê tôi đối với đồng bào miền Nam ruột thịt. Tượng đài trang trọng và hoành tráng này sẽ trường tồn mãi mãi trên bờ biển xứ Thanh.