Xóa một giấc mộng

Thứ Sáu, 02/02/2024, 08:29

Truyện xưa kể rằng Trương Lương thời nhà Hán năm đời làm quan nước Hàn, bị nhà Hán diệt. Nặng lòng thù hận, Trương Lương bỏ nghìn vàng tìm người lực sĩ đánh Tần Thủy Hoàng mà không được, đã theo Hán Cao tổ đánh diệt Tần, Sở, được phong tước hầu ở đất Lưu. Chẳng bao lâu sau, Hán Cao tổ đem lòng nghi kỵ, Trương Lưu hầu phải thác ra mộ đạo tu tiên, bỏ ăn thóc gạo rồi đi ở ẩn.

Một

“Chính sự đường” vừa mới mở đã rối beng lên vì tiền. Thấy Chỉnh đi rồi Chỉnh về, dựng tòa Lượng phủ, bàn chính sự chẳng cần tâu vua, quân ngoài tám phiên bốn trấn như ong như ve, đa phần đều không phục, nhưng lại không dám chống… Vì thế mà khan tiền. Các nhà tài phiệt cất giấu tiền bạc, lương thực khiến hàng hóa khan hiếm, giá cả tăng vọt. Dân thường điêu đứng vì đồng tiền không lưu thông. Vua Chiêu Thống ngầm trách Chỉnh không được chu hoán như Thịnh vương (chúa Trịnh Sâm) ngày trước, để cho tam cung lục viện vắng vẻ, lạnh lẽo. Ngay cả tòa Lương phủ (nơi ở của Chỉnh) đã xây xong mà cũng không có tiền trang hoàng cho đúng cách. Đạo quân Vũ Thành tinh nhuệ đã phân chia các đội, các vệ đâu ra đấy, cũng không có tiền sắm sửa vũ khí, quân phục cho oai nghiêm, chỉnh tề… Bọn tùy tướng chẳng kiếm được cách nào hay để mang đồng tiền ra thông thương. Ngồi mãi ở chính sự đường mà chẳng giải quyết được gì, Chỉnh bực bõ vùng ra phố xem dân tình thế nào.

Thật là không ngờ. Phố phường vắng vẻ lạ thường, người người đi đâu hết. Có lẽ để tránh cảnh nồi da xáo thịt giữa vua Lê và chúa Trịnh, tránh luôn cả Chỉnh, họ đã dắt díu nhau về mạn Kinh Bắc, Hải Dương. Năm hết tết đến rồi mà hè phố xơ xác dưới mưa, chẳng thấy bóng đào phai, ngựa ô, áo lụa. Đâu như ngày Chỉnh còn ở tuổi hoa niên, ra vào dinh của Việp quận công Hoàng Ngũ Phúc làm một môn khách phong lưu. Kinh kỳ Thăng Long mỗi lần xuân đến lại đông vui náo nhiệt, rực rỡ hội hoa, tài tử giai nhân dập dìu khắp chốn. Nhớ nhất là năm Giáp Ngọ (1774), Chỉnh theo hầu bút nghiên giúp Việp quận công đi đánh trận, lúc chiến thắng trở về trời cũng đang độ cuối đông như thế này. Chao ôi, tuổi xuân phơi phới, đất trời mở hội. Thoắt cái đã hai mươi mấy năm. Ngày ấy, Huy quận công Hoàng Đình Bảo là cháu quận Việp, là em rể chúa Trịnh Sâm, cũng đã chẳng bao giờ ngờ được mình bị bọn kiêu binh cho voi giày ngựa xéo ngay trước cửa Tuyên vũ. Ngài đã chiếu cố mà kết bạn với Chỉnh, lại kể cho Chỉnh nghe giấc mộng của Trương Lưu hầu (Trương Lương) đời nhà Hán. Suốt đời Chỉnh mãi mãi không thể quên…

7972c3c61905b35bea141.jpg -0
Minh họa: Hà Trí Hiếu

Giờ đây, cung khuyết nhà Trịnh hơn hai trăm năm huy hoàng đã bị thiêu rụi. Chỉnh lại trở về đây, thân là Bằng công, oai vũ hơn hẳn Việp quận công và Huy quận công ngày trước, mà lòng thấm thía câu hát đồng dao: “phú quý bất quy cố hương, như y tú dạ hành” (Giàu sang không về quê cũ, chỉ như là mặc áo gấm đi đêm). Hạng Vũ nghe câu hát, động lòng nhớ quê hương, bỏ về Bành Thành, nhờ thế mà Hán Cao tổ mới đánh lấy được đất Quang Trung. Câu hát thuở xưa Trương Lưu hầu từng dạy cho bọn trẻ hát nghêu ngao đánh vào cõi lòng Hạng Vũ?

Lang thang mãi, Chỉnh đặt chân đến đền Quán Thánh lúc nào không hay. Thì ra, hơi ấm của lò luyện đan giữa cái lạnh cắt da cắt thịt của ngày đông giá đã khiến Chỉnh dừng chân tại đây, ghé qua bức bình phong cổ kính, ngắm nhìn tượng thần Huyền Thiên trấn vũ, và lúc sau lại ngồi ngắm cô đạo sĩ duy nhất còn ở lại. Dường như cô cũng cô đơn lắm, nên đã mời Chỉnh vào tận chỗ hậu cung, nơi bếp sưởi đang cháy rực hồng, để mà đàm đạo. Cô mặc y phục trắng, đội mũ trắng, đi giày trắng, sắc diện và phong thái nhẹ nhõm lạ thường, khuôn mặt thon nhỏ như một tiểu kim đồng đang mơ màng nhớ về tiên giới. Lạ chưa, dường như ở chốn tu tiên người ta không cần dùng đến tiền mà vẫn tự nhiên tự tại, vẫn mơ màng một giấc mộng ảo huyền.

- Ta đã chờ ngài ở đây năm trăm năm tròn… - Nữ đạo sĩ chậm rãi nói với Chỉnh. Đôi mắt cô mở to, đôi má ửng đỏ như quả đào tiên. Hơi ấm và vị đan luyện trong lò làm cháy rát lòng Chỉnh. Chỉnh như mê đi trước mỗi rung động của đôi môi chín mọng ấy.

- Cô có lầm tưởng ta với một ai đó không?

- Phải rồi. Rất giống một ai đó, không phải người thường…

Tiên Cô đứng lên, chậm rãi chỉ lên bức tường cao:

- Là đây. Người trong ngàn năm ta đã gặp…

Như người bị nhập đồng, Chỉnh ngoan ngoãn đứng lên đi theo Tiên Cô. Bức tranh vẽ một nho sinh, một lão trượng, một chiếc giày rách, giống như câu chuyện năm xưa Huy quận công đã kể. (Bài phú Trương Lưu hầu của Nguyễn Hữu Chỉnh có đoạn viết: “Trải nghìn vàng tìm khách thiếu niên/ Nâng chiếc dép tôn người lão trượng”).

- Trương Lưu hầu? - Chỉnh ngỡ ngàng hỏi lại, nhưng Tiên Cô đã biến mất, nhanh hơn cả khói hương còn bảng lảng trên rường điện.

Chỉnh vội quay đầu lại, bức tranh trên tường cũng không còn nữa. Một màu đen u ám bao trùm hậu cung vắng vẻ. Quay lại chỗ bàn trà ngát hương ban nãy, chỉ có một thân gỗ lim nằm trơ trơ. Bức bình phong ngoài cổng quán phủ đầy rêu xanh. Pho tượng thần Huyền Thiên trấn vũ đang trừng mắt nhìn Chỉnh, như muốn hỏi vì sao lại đến chốn này…

- Chẳng lẽ ta đã mơ sao?

Chỉnh bừng tỉnh khi nghe một mùi hương lạnh toát tỏa ra đâu đây. Như là chất độc của ngày Đường Minh Hoàng một mình trở về điện Triêu Dương, thân tàn ma dại nhìn thế cuộc đổi thay… Bên ngoài, một đám hành khất mười mấy đứa đang nghênh ngang bước qua cổng quán, vừa đi vừa hát:

Con kiến mày ở trong nhà

Tao đóng cửa lại mày ra đường nào?

Con ếch nằm ở trong ao

Tao tát nước vào mày sống sao đây?

Đang lắng nghe bài hát lạ tai của chúng, bỗng Chỉnh giật mình bởi một giọng nói khàn khàn vừa hung hăng vừa hỗn xược, vang lên rất gần cửa điện:

- Này, chúng mày xem có sự lạ gì, mà đêm qua ta nằm mơ thấy ông thần Huyền Thiên trấn vũ đấy. Thần đứng dậy như người thường chúng mày ạ. Ông ấy đi lững thững trên đê, thấy tao đang quấn áo tơi nằm ngủ, ông ấy liền lấy chân đá đá vào người tao. Lại còn cầm dép đập vào chân tao nữa.

- Thế à? Buồn cười nhỉ?

- Thần có ban bảo gì huynh không?

Cả bọn à à reo lên, đùa cợt. Cái giọng khàn khàn kia tiếp tục:

- Sao lại không! Thần bảo ta: “Dậy mau đi, sắp có họa lớn rồi. Không được ngủ nữa…”.

- Rồi sao nữa? Rồi sao nữa?

- Thần bảo ta: “Mau dậy để bàn việc nước. Chẳng lẽ chúng mày chịu chết đói nhăn răng ra thế à?”.

- Bàn việc nước? - Cả bọn cười hô hố, rồi tranh nhau châm chọc tay đầu lĩnh - Đại huynh ta mà cũng biết gặp thượng đẳng thần, cũng biết “bàn việc nước” à? Cống Chỉnh bây giờ đã lên đến chức Bằng công rồi mà còn chưa biết làm thế nào, vậy mà huynh…

Chỉnh nhíu mày bởi cách gọi xách mé “cống Chỉnh” ấy, song Chỉnh cũng lặng thinh nghe tiếp câu chuyện.

- Chúng bay câm họng ngay - Giọng tay đầu lĩnh quát to - Cứ gì phải cống Chỉnh, ai sống dưới gầm trời này cũng phải lo tuốt. Thế ta hỏi chúng bay, vì sao anh em ta lại đi hành khất?

- Vì nghèo kiết xác!

- Thế tại làm sao lại nghèo nào?

- Tại không có tiền…

- Thế tại sao lại không có tiền?

- Tại đất nước nồi da xáo thịt. Tại cống Chỉnh gian hùng, quyền biến, tại nhà vua nhu nhược, tại nhà giàu vơ vét hết của cải lặn đi bốn trấn… Tóm lại là kho đụn đã chui sâu xuống đất hết cả rồi.

- Thằng “tân khoa trạng nguyên” này nói hay - (Tay đầu lĩnh cất tiếng khen cái giọng nói eo éo vừa rồi) - Thế bây giờ ta hỏi chúng bay: làm thế nào để có tiền…?

- Anh em ta đi cứa cổ bọn nhà giàu… Một giọng nói kiểu võ biền đáp ngay.

- Nói như thế thì vứt - Tay đầu lĩnh chặn ngang - Chúng mày thích đổi nghề đạo tặc lắm à? Đến cả cống Chỉnh còn chưa mượn được cái oai “cướp ngày”, chúng mày lại…

- Thế thì làm sao? Đại huynh nói đi! Làm sao để có tiền nào?

Cả bọn hỏi dồn lên. Dường như tay đầu lĩnh bị bí, ờ ờ liền mấy tiếng, sau đó mới nói:

- Hừm! Tao mà là cống Chỉnh, tao nướng ngay thần Huyền Thiên để đúc tiền đồng…

- Úi! Phỉ phui cái mồm. Đại huynh đừng đùa…

- Tao không đùa. Đấy, bàn việc nước là phải bàn như thế. Bằng không, chúng mình đi nướng chuột ăn cho sướng…

Hai

Bọn hành khất lại dang tay nhau, hò hét, nghênh ngang ngoài đường bất chấp trời mưa gió. Chúng có vẻ vui sướng hả hê như thể nếu trời sắp sập xuống cũng mặc kệ. Nguyễn Hữu Chỉnh vội lao ra đường theo dấu bọn chúng, song chúng đi như bay như biến, sao không bắt kịp.

Sáng hôm sau, Chỉnh cho gọi con là Hữu Du và người thân cận nhất dưới trướng là Nguyễn Kim Khuê vào bàn bạc.

Cha con Hữu Chỉnh - Hữu Du như tay với chân, người nói người dạ răm rắp, cả hai cùng nhìn nhau vui mừng khấp khởi. Chỉ có Kim Khuê là xoa xoa hai bàn tay mảnh và dài như móng vuốt diều hâu mà rằng:

- Đây chẳng qua là cái cách bất đắc dĩ thôi. Chỉ e lòng dân oán hận…

- Thần linh oán hận ta cũng chẳng còn sợ, nữa là… Cứ để tình trạng khan tiền kéo dài, ta e rằng sẽ có đại nạn thật. Chi bằng lấy cái oán nhỏ để đổi cho cái hận lớn. Trừ phi Chỉnh này không ra tay thì thôi…

Kim Khuê chắp tay, cúi đầu lĩnh hội. Ý tứ là như vậy, nhưng chính Kim Khuê chứ không phải ai khác, là người nói không thành có, trăm sự rồi cũng êm xuôi trót lọt qua bàn tay mảnh và dài như móng vuốt diều hâu ấy. Có Kim Khuê làm thị sư bên cạnh, Chỉnh cảm thấy mình chẳng kém cạnh Thượng công Nguyễn Bình (Nguyễn Huệ) là mấy.

Ngay trong ngày hôm ấy, hàng trăm binh lính tỏa khắp xóm làng để thu lấy chuông đồng, tượng đồng mang về lò đúc. Chỉnh đã lệnh cho chúng phải thu gom bằng hết, trong dân chúng ai kháng lệnh sẽ trừng trị thẳng tay, vì đây là việc lớn của quốc gia, không được chậm trễ. Đích thân Chỉnh đến giám sát công việc đúc tiền Chiêu Thống thông bảo, để mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước Đại Việt. Ngày hôm ấy khắp Kinh thành trống giong cờ mở không kém gì một chuyến xa hành, nhưng vua Chiêu Thống thì vẫn chưa biết gì về việc này.

“Phải, không muốn bị chảy tan ra, thì ta phải là ngọn lửa. Nhưng lửa cháy thì phải tàn. Ta phải là một cái gì mạnh hơn ngọn lửa…”.

Đang mải mê suy nghĩ thì con trai Chỉnh đến. Hữu Du đang oang oang gọi tìm cha, nhưng thị sư Kim Khuê đã xuất hiện, khẽ hỏi có chuyện gì…

Chỉnh nghe loáng thoáng con trai mình nói đến thần Huyền Thiên trấn vũ. Hình như mấy mươi ngựa kéo cũng không chịu nhúc nhích một phân.

- Kính bá! Bá (Kim Khuê là anh vợ của Nguyễn Hữu Chỉnh) xem có cách nào kéo pho tượng về đây…

- Đừng kéo! - Kim Khuê giơ bàn tay ngăn lại, khuôn mặt gầy gò tỉnh như không.

- Vì sao lại đừng kéo? - Hữu Du nóng lòng hỏi lại. Rõ là cho đến giờ y vẫn chưa nhìn thấy cha mình ở trên cao.

- Đây là một điềm may đấy - (Không hiểu sao Kim Khuê nói rất nhỏ nhưng Chỉnh nghe rất rõ). Chính thần báo mộng cho Bằng công việc thu tượng đúc tiền, thì thần sẽ còn giúp Bằng gia của chúng ta đến cùng…

- Bá nói thế nghĩa là thế nào? Du nóng nảy hỏi lại.

- Có gì khó đâu. Chỉ thoáng nhìn qua là thấy ngay…

- Thì sao nào? Bá cứ huỵch toẹt nói ra là hơn…

- Thì là thế này… Chỉ cần Doanh tướng (Chức vụ của Du, con trai Nguyễn Hữu Chỉnh) để ý nhìn kỹ thần Huyền Thiên trấn vũ, sẽ thấy gương mặt của thần và gương mặt của Bằng gia nhà ta tuy hai mà một. Chẳng lẽ chúng ta không mượn được oai linh của thần để làm tăng thêm uy danh cho Bằng gia sao?

- Ừ nhỉ?! Hữu Du cười khùng khục. Y chẳng hề biết trên bậc cao của lò đúc đang hừng hực cháy, cha y đang cảm thấy kinh ngạc, bàng hoàng. Bởi Chỉnh đã nhìn thấy rõ con đường hiện ra mồn một trước mắt, một tiền đồ - một số mệnh của ngàn năm. Và bởi Chỉnh vụt nhớ đến giây phút Huy quận công bị bọn kiêu binh mổ bụng moi gan trước cửa Tuyên vũ. Ngọn lửa uất hận lại bốc cháy trong lòng Chỉnh - để kết cho Chỉnh một lưỡi gươm vô địch.

Ba

Mùa xuân, năm đầu niên hiệu Chiêu Thống (1787), Chỉnh ngồi trên gác cao của tòa Lượng phủ, ngắm nhìn người đi hội xuân mà tiếp tục mơ về thời hoa niên rực rỡ. Bài phú Trương Lưu hầu đã viết xong. Chỉnh thấy cuộc đời ông ta đã vận vào mình đến tám chín phần rồi, không sao gỡ ra được. “Muốn mạnh hơn ngọn lửa mà ta lại bị tan chảy bởi lò lửa nung nấu ngàn năm…”. Đang mải mê với những ám ảnh xa xôi ấy, thì người của vua đến, báo tin văn võ bá quan đã tề tựu đông đủ, chỉ còn chờ Chỉnh đến là khai yến mừng xuân.

Thật hiếm khi vua tôi gặp mặt, thuận hòa, kính lễ đến thế này. Nhà vua đưa mắt nhìn cung điện vàng son thấp thoáng bóng phi tần đàn hát, và Chỉnh chợt nhận thấy đôi mắt ngài trũng sâu giữa một khuôn mặt võ vàng, già trước tuổi.

- Muôn tâu, phải chăng kẻ bầy tôi này đã không làm tròn đạo quân thần, để cho long thể bất an, tinh thần vướng bận?

Chỉnh uốn lưỡi nói vài câu qua loa, mắt vẫn nhìn bao quát xung quanh để xem cung điện đã đổi mới như thế nào sau khi nạn khan tiền đã lắng xuống…

- Ta không thể nào ngủ được, gần cả tháng ròng.

- Chết, chết! Tội thần thật đáng chết, dám xin hoàng thượng bớt lo lắng, thù trong giặc ngoài một tay thần đã đánh dẹp, chỉ còn vài bầy ngỗng lạc, xin hoàng thượng chớ bận tâm.

- Không phải. Đêm đêm, nghe tiếng trống cầm canh, ta lại chạnh nhớ tiếng chuông chùa vang lên trên sóng hồ Tây, bảng lảng giữa trời sương giá. Ngày cha ta bị Thịnh vương bức hại, chuông chùa vang suốt một canh giờ... Giờ đây, chẳng bao giờ nghe được nữa…

“À, thì ra là vậy”. Chỉnh lặng im cúi đầu, ra chiều ảo não. Thực ra, chính tai Chỉnh đã nghe đôi câu đối chua cay trong dân gian: “Thiên hạ mất chuông chùa, chuông mất, vạc còn đâu nữa; Hoàng thượng thiêu phủ chúa, phủ thiêu, điện cũng trơ thôi!”. Nhà vua đang lo cái họa vong quyền, vong quốc chính từ chuyện thu tượng đúc tiền này đây.

Chỉnh biết rõ, vua Chiêu Thống, thái hậu và các quần thần cũng đang lắng nghe âm thanh mơ hồ của chuông chùa ngân vọng từ xa xưa, và thầm an ủi rằng triều Lê đã không mất, và không thể mất… Từ một kiếp sống mồ côi, chịu bức ép trăm bề, giờ đây ngồi trên ngôi báu, hẳn nhà vua còn chưa hết bàng hoàng. Chỉnh giả vờ cung kính cúi đầu mà rằng:

- Muôn tâu thánh thượng! Người mở đầu cho một triều đại “nhất thống”, lo chuyện ngàn năm mà nhớ đến chuyện ngàn năm… Đó là một điều vô cùng may mắn cho quốc dân ta. Đồng tiền “Chiêu Thống thông bảo” đã phát hành, giúp cho muôn dân có cái ăn, cái mặc. Dám xin Người lại mở lượng hải hà mà ban cho bách tính một chế khoa (Khoa thi đặc biệt, do vua tự đặt đầu bài và chấm), để chọn nhân tài giúp vua giữ vững bờ cõi, dệt gấm thêu hoa cho đất nước thái bình thịnh trị…

Buổi đại yến nhạt nhẽo, nhàm chán rồi cũng qua. Cõi lòng lạnh lẽo bởi một đêm nguyên xuân trống trải, Chỉnh lại thay áo, đi “vi hành” để xem dân chúng ăn tết thế nào. Phố phường có đông hơn ngày thường chút ít, nhưng vẻ phồn hoa đô hội của một Thăng Long diễm lệ đã phai nhạt đến tám chín phần. Người ngựa đi trong không gian thinh lặng, trống vắng đến kỳ lạ. Phải chăng cũng vì vắng tiếng đồng tiếng vạc?... Chỉnh theo chân một đám nho sinh đi về mạn Bắc. Như vừa tình cờ mà cũng như là định mệnh xui khiến, Chỉnh lại theo bọn họ dừng chân tại đền Quán Thánh, lúc này đông nghịt nguời và nghi ngút khói hương.

Nhìn cảnh người vào kẻ ra nườm nượp, Chỉnh ngờ ngợ không biết mình có mơ hay không. Biết đâu đây cũng chỉ là trò đùa của bọn yêu quái đang hoành hành khắp đất Bắc Hà này, thần Huyền Thiên trấn vũ dẫu có trừ được hết yêu ma cũng không thể nào dẹp được loài giặc cỏ… Nhưng không, đám nho sinh dương dương tự đắc, vừa đi vừa cao hứng làm thơ; họ hích cả vào người Chỉnh mà chẳng thèm xin lỗi. Họ đang kháo nhau chuyện gì bí bí hiểm hiểm, xem ra mười người thì hơn chín đến đây vì sự ấy. Vào trong đền, họ sì sụp lạy, lầm thầm khấn khứa nhưng vẻ mặt chẳng có vẻ gì thành kính, mà lại gian xảo quá. Vội vã khấn vái cho xong, họ lùi lũi khom lưng lùi ra, và xúm đen xúm đỏ ngay ngoài cửa điện. Nơi ấy có tiếng khàn khàn như đang rao bán ngựa:

- Đây vuông vải đỏ “lấy khước” của thần Huyền Thiên trấn vũ, nho sinh ấm tử nào mang vào trong người sẽ bội phần may mắn, lọt qua cửa Khổng sânTrình, trở thành “ân khoa trạng nguyên”, “hiền lương phương chính”, một bước vượt vũ môn, hóa rồng chẳng mấy chốc, chẳng khác nào Bằng lĩnh hầu hóa kình ngư vượt sóng, thoắt cái đã làm tới chức tể thần… Mau mua vuông lụa đỏ rồi hãy đến “chế khoa” thi thố tài năng. Chỉ có ba lạng bạc thôi…

Chỉnh giật mình. Bởi việc mở “chế khoa” Chỉnh mới tâu xin lên vua, đã có kẻ rao ầm ầm như vậy. Nhưng còn đáng giật mình hơn là Chỉnh nghe tiếng nói này rất quen. Phải một lúc sau, Chỉnh mới nhớ ra, đúng ở chỗ này, chưa đầy một tháng trước, tiếng nói này đã vang lên hung hăng và hỗn xược - bây giờ còn thêm vẻ giảo hoạt buôn thần bán thánh nữa. Hắn mặc quần chùng áo dài, chít khăn trông ra vẻ tiên phong đạo cốt lắm, nhưng chẳng giấu đâu được cái vẻ gian manh bần tiện giữa khói hương sặc sụa.

- Đúng đấy. Cống Chỉnh đang xin với vua mở chế khoa chọn hiền tài cho xã tắc. Nghe đâu chính thần Huyền Thiên trấn vũ đã hóa thân tái thế để giúp cống Chỉnh. Bao nhiêu tượng đồng, chuông đồng của các chùa đền trong vùng đều bị đem đúc tiền sạch, chỉ còn có Thần là vẫn ngang nhiên tự tại. Chỉnh cũng thế, cái thân đĩ rạc của hắn tưởng đã đào sâu chôn chặt từ lâu, vậy mà vẫn dương dương tại thế, chẳng ai làm gì được…

Đó là câu chuyện Chỉnh nghe lỏm được từ bọn nho sinh ở trong đền. Bọn họ thi nhau mua vuông vải đỏ, nghe nói là có thấm mồ hôi của thần Huyền Thiên trấn vũ, để được tiến cử vào thi chế khoa, để được thăng quan tiến chức, để được giống như Chỉnh… Trên đường về, Chỉnh ngẫm nghĩ mà thất kinh. Nếu bọn “đi ngang về tắt” này mà đậu ân khoa thì đất nước này sẽ thật đại loạn. Hơn thế, khắp hang cùng ngõ hẻm, chúng luôn mồm gọi Chỉnh là “cống Chỉnh”, như kẻ ngang hàng với chúng. Làm thế nào để cắt sạch bấy nhiêu cái lưỡi tàn hại ấy? Chỉnh toan xin với vua bỏ khoa thi này, nhưng việc đã lỡ trình, chẳng may dẹp đi Chỉnh lại càng mang tiếng chuyên quyền, vua ghét mà triều thần lại oán. Chi bằng cứ tay nào đậu chế khoa thì ta tìm cách diệt ngay đi, còn hơn là làm cái bia miệng. May sao, trong số “hiền lương phương chính” đậu khoa thi đặc biệt năm ấy, Chỉnh nhìn mãi mà không thấy kẻ nào đã có mặt ở đền Quán Thánh.

Bốn

Nhưng Chỉnh không thể ngờ được mọi chuyện lại chóng vánh đến như vậy. Say mê giấc mơ uy quyền tột đỉnh, giết đi hàng loạt tôi thần trong triều và quân ngoài phiên trấn, phân phát quyền bính và dẫn cả hoàng tộc đi theo một giấc mơ kỳ lạ của ngọn lửa thần tiên, Chỉnh nghĩ rằng mình sẽ mạnh hơn Huy quận công và may mắn hơn cả Trương Lưu hầu nhà Hán. Nhưng chưa đầy hai năm sau, Vũ Văn Nhậm vâng lệnh Bắc Bình vương Nguyễn Huệ - người mà vua tôi Bắc Hà quen gọi là “Thượng công” - mang quân ra diệt họa loạn thần. Mượn tiếng đại thần phò giá vua đi khỏi kinh thành, dựa vào núi rừng hiểm trở để chống cự, cuối cùng Chỉnh chỉ còn một mình một ngựa chạy vào núi Tam Tằng (Thanh Hóa). Hữu Du đã bị giết, Kim Khuê bị ngựa giày, vua Lê Chiêu Thống cùng thái hậu phải đổi hết tư trang vàng bạc để lánh thân về Hà Bắc. Chỉnh đành quay ngựa định chạy về phương Bắc, ngựa ngã, Chỉnh bỏ ngựa chạy vào một ngôi chùa nhỏ giữa sườn núi dốc.

Trong chùa chỉ có một sư ông đang tụng kinh gõ mõ. Chỉnh nhảy xổ vào, dí gươm vào cổ nhà sư:

- Ở đây đường nào thoát xuống núi, mau chỉ cho ta!

Nhà sư ngẩng đầu lên. Hai con mắt ông khép chặt như hai mảnh vỏ hạt giống chưa tách mầm, không biết là do mù lòa hay không chịu mở mắt.

- Đừng hỏi ta, cứ hỏi Phật đi...

Chỉnh nhìn lên. Trên bệ cao, pho tượng Phật cao lớn bằng người thật đang nhìn Chỉnh mà như không thấy gì cả, đôi mắt hiện lên qua lớp đất thô là một đôi mắt La Hán trần tục và đau khổ. Tượng đắp bằng đất, trên mình khoác chiếc áo vỏ cây, tay cầm tràng hạt làm bằng gỗ.

- Ta không đùa - Chỉnh quát to. Mau chỉ đường cho ta, bằng không ta chém.

- Chém được ảo mộng, sao chém được hư vô...

Nghe câu nói ấy, Chỉnh chợt hiểu. Y phủ phục, gục khóc ướt mèm chân tượng đất. Vài khắc sau, quân của Vũ Văn Nhậm đã bắt được Chỉnh, đem ra luận tội rồi mổ bụng, phanh thây giữa núi Tam Tằng; thì trong ngôi chùa nhỏ, pho tượng đất đổ ụp xuống vỡ tan ra. Sư ông đem đất ấy rắc lên vết máu hôi tanh Chỉnh để lại sau khi thân xác đã bị quạ diều tha đi mất, để xóa đi một giấc mộng dở dang…

Truyện ngắn của Trần Thu Hằng
.
.