Vượt dòng nước lũ

Thứ Năm, 25/08/2022, 10:41

Rồi Thúy nghe thấy tiếng mưa rơi lộp bộp trên mái nhà, vừa nãy đi ra ngoài không biết Phú có mang theo áo mưa không, đang đi đường bị ướt thì khổ, nhưng rồi lại nghĩ, từng là lính trinh sát, Phú phải biết tự lo cho thân mình. Rồi có một tiếng chớp lóe sáng lọt qua khe cửa, một tiếng sét nổ rất to làm cho thằng Kem giật mình ôm chặt lấy mẹ, khóc thét lên. Thúy cũng sợ sấm sét nhưng vẫn phải trấn an con và dỗ dành: Kem phải dũng cảm lên chứ, sau làm Công an như bố mà!

Thúy trở mình tỉnh dậy khi thấy chồng chạm nhẹ vào vai. Anh đi đâu giờ này, Thúy hỏi giọng hơi gắt. Có vụ việc ở xóm dưới, anh phải xuống, người ta gọi, Phú trả lời vợ. Ngoài trời vẫn còn sớm lắm, lúc đó chỉ khoảng ba giờ sáng thôi, lạnh và có gió, trời không có trăng, mờ mịt. Nhà trong thung nên gió càng dữ hơn, gầm gào qua khe cửa như muốn đe nẹt, hù dọa.

Thằng cu Kem ba tuổi bỗng nhỏm dậy bất ngờ, ngơ ngác. Có con ma ở ngoài phải không bố, con sợ lắm. Phú đã nhoài ra khỏi giường lại quay vào xoa đầu con. Không có ma đâu con, gió thôi. Bố đi bắt trộm, con trai phải dũng cảm lên chứ. Thằng cu Kem vẫn không chịu nằm xuống. Thúy đành phải kéo con xuống rồi bảo, anh đi đi, lần sau đừng động mạnh để con nghe thấy.

Phú hơi nhăn mặt, bóp nhẹ vào tay vợ rồi quay ra, anh mặc thêm cái áo khoác gió, đi giày, dắt xe ra rồi đóng cửa lại. Lần nào Thúy cũng phàn nàn vài câu nhưng biết là công việc của chồng là thế, không đừng lại được. Thúy lại ôm lấy thằng Kem, nó còn nói mớ vài câu rồi mới ngủ hẳn...

Chồng Thúy là Công an xã ở vùng giáp biên này, công việc bề bộn. Trước đây Phú là Công an huyện, ở Đội Cảnh sát Hình sự. Khi có chủ trương đưa Công an chính quy về xã, Phú được cử xuống đơn vị cơ sở để tăng cường. Thúy đã giận dỗi với chồng mấy hôm về việc Phú không chịu xoay xở để ở lại huyện. Nhưng Phú bảo ấy là chủ trương chung của ngành, anh em thích nghi được thì mình cũng làm được và có khi ở nơi mới, anh sẽ phát huy tốt hơn.

Nghe chồng nói thế, Thúy chỉ yên lòng một phần vì biết rằng có rất nhiều thay đổi kéo theo từ việc thay đổi nơi làm việc của chồng. Từ huyện xuống xã vùng biên là hơn hai mươi cây số, đường không xa lắm nhưng đi lại thì chưa thuận tiện, đường rừng núi khó đi. Thúy cũng không muốn xa chồng vì biết về xã sẽ là công tác lâu dài và thằng cu Kem khi ấy mới hơn hai tuổi. Chồng đi đâu thì vợ đi đấy. Vợ chồng Thúy chưa có nhà riêng, đang đi thuê ngôi nhà ven thị trấn, công việc của Thúy chưa ổn định nên chuyển đi cũng không tiếc. Đến chỗ công tác mới, Phú đã vay mượn anh em, họ hàng, mua được một căn nhà cấp bốn đã cũ có một khoảnh vườn nhỏ để vợ con ở, coi như là tạm an cư.

adccfdb02a6fef31b67e.jpg -0
Minh họa: Nguyễn Đăng Phú

Ở vùng giáp biên này, là xã miền núi, nhiều đoạn đường còn là đường đất, mưa thì lầy lội, nắng thì bụi mịt mù, dân cư cơ bản là người đồng bào, lại sát biên giới, nhiều đường mòn, khe suối nên công việc của Phú khá bận rộn vì địa bàn rộng, cán bộ mỏng và thời gian đầu Phú phải đi lại khá nhiều để nắm địa bàn và quen với môi trường mới.

Như đêm nay, ba giờ sáng đã có người gọi báo án, Phú đã phải ra ngoài. Dù đã nhẹ nhàng nhưng thằng Kem rất thính ngủ và nhạy cảm, thấy bố mẹ động cựa là nó tỉnh liền. Ban đầu cu Kem đòi nằm giữa vì muốn bố mẹ bảo vệ cho mình khỏi con ma nhưng có lúc thức dậy, thấy bố không nằm cạnh là mắt mở to hỏi mẹ rồi mãi mới ngủ lại. Phú biết thế phải dỗ dành con, để thằng Kem nằm bên trong, cạnh mẹ, bố có dậy thì thật nhẹ nhàng để nó không biết.

Một tuần có khi gặp phải đôi lần như thế không phải là việc yên ả gì, đánh nhau người ta gọi Công an xã, gió làm đổ cột điện cũng gọi Công an, tranh chấp lối đi, mất trâu bò người dân cũng gọi. Công việc “làm dâu thiên hạ” không phải dễ dàng gì nhưng tính Phú nhiệt tình, làm gì cũng muốn làm dứt điểm, không thì không chịu được.

Thằng Kem lại trở mình, nói ú ớ trong mê. Và không biết có phải lạ đất, lạ gió không mà từ ngày chuyển nhà về chỗ mới, thằng Kem hay sốt ho, cảm cúm, cho con đi nhà trẻ vài hôm lại ốm nên Thúy vẫn loanh quanh chưa đi tìm việc được, ở nhà vừa trông con, chăm bón mấy luống rau cỏ, hoa quả trong khoảnh vườn, đợi con lớn một chút nữa rồi tính, mọi thu nhập, chi tiêu gia đình cơ bản đều nhờ cả vào vai chồng.

Rồi Thúy nghe thấy tiếng mưa rơi lộp bộp trên mái nhà, vừa nãy đi ra ngoài không biết Phú có mang theo áo mưa không, đang đi đường bị ướt thì khổ, nhưng rồi lại nghĩ, từng là lính trinh sát, Phú phải biết tự lo cho thân mình. Rồi có một tiếng chớp lóe sáng lọt qua khe cửa, một tiếng sét nổ rất to làm cho thằng Kem giật mình ôm chặt lấy mẹ, khóc thét lên. Thúy cũng sợ sấm sét nhưng vẫn phải trấn an con và dỗ dành: Kem phải dũng cảm lên chứ, sau làm Công an như bố mà!

Hơn 5h sáng, Phú mới về đến nhà, nghe tiếng mở cửa lạch cạch quen thuộc, Thúy biết chồng đã vào nhà. Mùi ẩm ướt và nước mưa phả vào nhà, thế là Phú có khi bị ướt rồi.

"Có vụ việc gì đấy anh - Thúy hỏi chồng - anh có bị ướt không". Thúy nghe thấy tiếng lục cục chỗ tủ quần áo chưa thấy chồng trả lời. "Có một vụ đánh nhau em à nhưng xử lý ổn thỏa rồi. Một gã thanh niên say rượu nửa đêm mới về bỗng vác gậy ra đập cửa nhà hàng xóm vì mâu thuẫn từ bao giờ".

"Vâng", tiếng Thúy nói khe khẽ. Phú thay quần áo ướt, đóng cửa rồi lại vào nằm gần vợ mình. Phú quàng tay sang ôm vợ nhưng Thúy đã quay lưng vào trong. Những lúc giận dỗi, Thúy thường im lặng để bày tỏ thái độ nhưng không phải im lặng lúc nào cũng được. Được vài phút sau, Thúy mới nói, anh cứ lo cho việc nhà người khác lúc đêm hôm, nhỡ lúc anh đi, con ốm sốt hoặc em bị cảm thì sao. Vừa nãy có tiếng sét mẹ con sợ lắm. Nghe vợ nói thế, Phú lại ôm chặt lấy Thúy và thì thầm: "Thì nghề của anh là thế, người ta có việc họ mới gọi mình, không đi không được, mà lấy nhau đã mấy năm rồi em vẫn chưa hiểu anh sao".

Nói thế để giận dỗi tí chút chứ Thúy biết công việc của chồng lắm. Trước đây ở Đội Hình sự có những hôm phải truy bắt tội phạm cũng đầy nguy hiểm, giờ về làm Công an xã, tưởng rằng bớt nguy hiểm hơn nhưng làm Công an địa phương cũng giống như nuôi con mọn, bộn bề đủ thứ việc. Nghĩ một tí, thấy mình đã trách hơi quá, Thúy quàng tay ôm lấy chồng. Bên ngoài trời mưa to hơn, càng lúc càng nặng hạt, sao hôm nay mưa nhiều thế, đận mưa trước nước đã mấp mé sân nhà, nếu hôm nay mưa to hơn nữa, nước tràn vào nhà.

Rồi nước tràn vào nhà thật, Phú thức dậy lấy những tấm giẻ, mấy thanh ván cũ chít chặt các khe cửa để ngăn nước tràn vào. Loay hoay một lúc thì trời đã sáng hẳn. Lại có cuộc điện thoại báo Phú ra trụ sở sớm vì tình hình lũ lụt có nhiều việc phải làm.

Phú lại dắt xe ra sau khi ăn tạm bát mì tôm đập thêm một quả trứng. Thúy tranh thủ thằng Kem ngủ giấc hai mê mệt đã thức đậy đi lấy chiếc áo mưa mới đưa cho chồng. Nếu anh phải đi ra ngoài thì phải mặc hai áo mưa, bên trong là quần áo mưa bộ, bên ngoài là áo mưa trùm thì mới khỏi ướt được. Mưa to thế này mặc một bộ không được đâu. Nếu trưa không về nhà ăn cơm thì báo em sớm để em còn liệu.

Phú khẽ ôm vợ rồi cười. Mới lấy nhau được mấy năm, hai vợ chồng quyến luyến nhau lắm, chẳng thế mà nhiều người bảo Thúy cứ ở ngoài thị trấn huyện, cuối tuần chồng đi làm rồi về, lại vào xã xa xôi làm gì cho vất vả nhưng Thúy không nghe. Vợ chồng ở gần nhau vẫn hơn, Thúy nghĩ, để chồng ở một mình ăn uống không ra gì rồi lại ốm đau ra.

Trưa hôm ấy, Phú không về vì phải đi ứng cứu lũ lụt, con suối Hoa nước đã dềnh lên rất cao và có người đi rừng từ hôm trước không về được. Xã đã điều động dân quân, Công an xã, thanh niên ra ứng cứu, dùng dây thừng loại lớn bắc qua suối để người dân bám vào vượt dòng nước lũ.

Tối đó, chín giờ Phú mới về đến nhà. Vì nhớ lời vợ dặn mặc hai áo mưa nên quần áo không bị ướt. Thúy nấu một bát riêu cá để sẵn và bảo chồng ăn thêm dù trước đó Phú đã ăn cơm cùng với anh em trong đội rồi. Không thấy đói nhưng Phú vẫn húp bát canh và ăn cái đầu cá, món ăn anh rất thích để làm vui lòng vợ. Vừa ăn Phú vừa kể, nhờ có sự hỗ trợ kịp thời của các lực lượng như bộ đội, Công an, thanh niên mà đã đưa được bảy người bị cô lập bởi nước lũ trở về an toàn.

Đêm đó lại có một cơn mưa rất lớn, nhà Phú lại mấp mé nước và một lần nữa hai vợ chồng lại phải huy động các đồ cần thiết để ngăn nước chảy tràn vào nhà. Nửa đêm bỗng nghe thấy tiếng ồn ào bên nhà hàng xóm, Phú dậy mở cửa ra xem thì thấy nhà hàng xóm do nền nhà thấp quá đã bị nước tràn vào, một góc tường cũ mủn quá đổ mấy hàng gạch, họ đang tìm cách lấy ni lông che chắn lại chỗ thủng để tránh nước mưa táp vào.

Thấy chồng lục sục bên ngoài một chốc rồi thấy trở về cùng một người phụ nữ và một đứa trẻ lên năm. Phú đã bảo hai mẹ con nhà hàng xóm sang nhà mình lánh nạn và tránh nguy hiểm, để sáng ra nhờ thêm người giúp đỡ.

Thế là mẹ con Thúy chia sẻ cái giường đôi với mẹ con chị nhà hàng xóm còn Phú ngủ trên ghế băng, người đàn ông nhà hàng xóm thì tìm chỗ an toàn để ngủ và trông nhà. Thằng Kem lúc đầu khóc ầm lên không chịu cho người lạ ngủ trong giường mất chỗ của bố Phú và Thúy phải dỗ dành mãi, bảo anh Kẹo vẫn sang chơi với Kem mà. Phú cũng ra bảo rằng: Kem phải ngoan ngoãn chứ, không thương anh Kẹo bị rét sao!

Chưa năm nào mưa nhiều như năm ấy. Mưa ngớt được vài ngày, người dân mừng rỡ, sửa lại nhà cửa, kê cao đồ dùng, tranh thủ dọn dẹp, đi rừng, đi rẫy thì trận mưa khác lại ập đến.

Bữa trưa hôm ấy, vừa về nhà ăn cơm xong, Thúy lại nghe thấy điện thoại gọi chồng. Có bốn người dân trong xã vào rẫy lúc trời tạnh ráo không ngờ mưa lũ đổ xuống bất ngờ không về nhà được. Họ đã bị cô lập hơn một ngày và đang chờ cứu hộ.

Phú nói với vợ, anh phải đi chuyến này rồi, hai mẹ con ở nhà cẩn thận, nếu mưa lớn quá thì ra Ủy ban xã ở nhờ, cái nhà này cũng không chắc chắn lắm đâu. Thúy liền bảo, anh nói gì lạ thế, anh đi rồi về với mẹ con em chứ em biết thế nào mà ra Ủy ban, em có quen ai ngoài ấy.

Phú liền nói với vợ rằng, lúc nguy cấp thì cần gì quen biết, cần cứu trợ thì phải nhờ người, xã họ sẽ tìm cách lo cho dân. Mấy người dân bị lũ cô lập anh đã gặp họ bao giờ đâu nhưng vẫn đi cứu hộ đấy thôi. Thằng Kem nghe bố nói thế thì hét ầm lên: Bố nhớ phải về đuổi con ma cho con! Phú lại xoa đầu con và bảo: Kem phải dũng cảm chứ, Kem là con trai mà!

Thúy lấy cho chồng bộ áo mưa đã phơi khô để dự phòng thêm. Phú chào vợ con và đi luôn. Ra đến Ủy ban xã, mọi người đã sẵn sàng, Công an có Phú, một anh bộ đội, một Phó Chủ tịch xã và hai thanh niên nữa nhận nhiệm vụ. Mỗi người được phát lương khô, nước uống, các phương tiện hỗ trợ và lên đường. Mưa nước lũ đã làm các con đường bị ngập lụt, đất lở không đi xe được, tất cả đều đi bộ. Anh Chủ tịch xã làm Trưởng đoàn, tất cả đều đi bám sát nhau để có thể hỗ trợ lúc cần thiết và tránh sự cố bất ngờ. Trời hôm đó vẫn xám xịt, mưa không ngớt, có khi chỉ tạnh được nửa tiếng rồi cơn mưa mới lại trút xuống dào dạt.

Thúy ở nhà thấy trời mưa không dứt thì lòng không yên, đã dặn dò chồng đủ thứ nhưng vẫn không yên tâm, lại nghĩ chồng là Công an, là đàn ông, nói nhiều quá có khi anh ấy lại bực. Nhân lúc thằng Kem thiu thiu ngủ, Thúy ra ngoài hiên và gọi điện cho chồng.

Qua điện thoại Phú bảo, mọi việc vẫn ổn, đội cứu hộ tranh thủ trời tạnh đang ngồi lại ăn lương khô. Theo hướng xác định thì chỉ khoảng hơn 1km nữa là tiếp cận được khu vực có đồng bào đang bị nước lũ cô lập. Nghe chồng nói thế, Thúy đã tạm yên tâm nhưng vẫn dặn chồng, anh nhớ mặc hai áo mưa đấy, không được bỏ ra ngoài kẻo bị mưa ngấm lạnh.

Anh Phó Chủ tịch xã thấy Phú nói chuyện với vợ rất tình cảm liền trêu. Đúng là vợ chồng trẻ yêu nhau thật đấy, có khi phải đi công tác luôn vài hôm để vợ nhớ. Nghe anh Phó Chủ tịch xã nói thế, Phú bẽn lẽn bảo rằng, cũng vì là nhà có con nhỏ và vợ thì tính nhát hay lo xa.

Cả đội cứu hộ ăn qua loa, nghỉ một chút rồi lại lên đường tiếp. Quãng đường sắp tới không dài nhưng phải vượt qua một đoạn đường men theo bờ suối và tìm cách sang bờ bên kia.

Đến quãng đường men theo bờ suối, Phú bảo anh Phó chủ tịch xã đi sau để Phú đi đầu vì Phú từng là lính trinh sát, có gì sẽ cảnh bảo mọi người. Cả đội đều phải rất cẩn thận, bám sát nhau để có thể hỗ trợ kịp thời. Anh Phó Chủ tịch xã chấp nhận yêu cầu của Phú và tiếp tục đi. Đội cứu hộ tiếp tục đi men theo bờ suối và tìm chỗ thích hợp để băng qua bờ bên kia. Người với người đi cách nhau chỉ nửa mét, khẩn trương nhưng rất thận trọng.

Nhưng thiên nhiên thì không thể ngờ đến, cả vạt đất ven suối tuy có cây mọc um tùm nhưng đã ngấm nước mưa nhiều ngày nên nặng nề, mềm nhũn, khi có động chạm thì bỗng đổ ụp xuống. Cả Phú, anh Phó Chủ tịch xã, anh bộ đội và hai thanh niên đều bị ngã xuống dòng nước dữ và bị nước cuốn đi.

Sau này, khi được các anh trong đoàn kể lại tỉ mỉ câu chuyện, Thúy vẫn cứ khóc lả đi như có bao nhiêu nước mắt thì tuôn ra hết. Phú vẫn mặc hai cái áo mưa như lời vợ dặn nhưng hai ngày sau đoàn cứu hộ mới tìm thấy thi thể anh khi bị đất cát và nước lũ vùi lấp. Trong đoàn còn có anh Phó Chủ tịch bị gãy chân còn những người khác đều bị thương nhẹ và may mắn được tìm thấy kịp thời.

Việc đưa thi hài Phú về cũng đầy khó khăn, những đồng đội của anh, Công an, bộ đội, dân quân đã làm một hàng rào người bắc qua suối, thêm một sợi dây thừng dài nữa kéo từ bên này suối sang bên kia để mọi người bám vào đó. Đồng đội khiêng anh trong tấm võng xanh, một tay bám vào dây bảo hộ, trời vẫn mưa như trút và dòng nước vẫn hung dữ cuồn cuộn...

Tang lễ trang nghiêm và xúc động, Thúy đã đưa theo thằng Kem đến nhìn mặt cha lần cuối. Thằng Kem được đeo dải băng tang trắng trên đầu, mắt nó mở to ngơ ngác. Khi trông vào khoảng trống trên mặt tấm ván thiên để nhìn mặt cha, nó đã bảo rằng, bố Phú trông giống như nằm ngủ, không phải là bố chết đâu, đừng có đưa bố đi! Thúy cố kìm tiếng nấc để con không khóc theo và buổi lễ được trang nghiêm. Phú đã mất nhưng đồng đội và đơn vị mãi không quên anh. Phú đã được truy phong từ Thượng úy lên Đại úy và ngành Công an đã tạo điều kiện để nhận Thúy vào làm việc.

Và hôm nay nữa, đồng đội còn nhớ đến ngôi nhà nhỏ của người liệt sĩ Công an hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ cứu dân vùng lũ. Một căn nhà cứng cáp, ấm áp đã được dựng lên thay cho ngôi nhà cũ đã xuống cấp. Ngày khánh thành nhà mới, Thúy thắp ba nén nhang lên bàn thờ, nước mắt rưng rưng. Thằng Kem đứng cạnh mẹ cũng cúi đầu, hai bàn tay nhỏ áp vào nhau vái lạy bố thì thầm, bây giờ Kem đã dũng cảm và không sợ ma như bố dặn rồi! Bất chợt, tấm di ảnh trên bàn thờ bỗng nhòe đi trong nước mắt và làn hương khói vân vi mờ ảo…

Truyện ngắn của Uông Triều
.
.